Ứng phó với làn sóng COVID-19 mới

Thứ Hai, 24/04/2023, 14:31

COVID-19 gia tăng trở lại sau một thời gian dài “yên lặng” khiến người dân lo ngại khi 1 tuần qua, số ca mắc tại Việt Nam liên tục tăng, số ca nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên. Theo chuyên gia dịch tễ, có thể đây là một làn sóng mới của COVID-19, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, ngành Y tế đã kích hoạt hệ thống khám chữa bệnh, chuẩn bị giường bệnh, thuốc men, máy móc, nhân lực để thu dung và điều trị ca bệnh nặng, cố không để xảy ra tử vong. Theo các chuyên gia, đến nay chưa phát hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2, vẫn là chủng Omicron chiếm chủ đạo trên toàn thế giới, tuy nhiên biến chủng này đã xuất hiện nhiều biến thể phụ, nhưng chưa có bằng chứng gây bệnh nặng hơn.

khẩu trang.jpeg -0
Bộ Y tế khuyến cáo người dân đeo khẩu trang nơi công cộng

Dịch quay lại, có đáng lo ngại?

Liên tục trong tuần vừa qua, ca mắc COVID-19 tăng gấp 8 -10 lần so với thời điểm trước đó. Đặc biệt, ngày 19/4, Việt Nam ghi nhận gần 2,2 nghìn F0 mới, ngày 20/4 tiếp tục tăng lên gần 2,5 nghìn F0, cao gấp hàng chục lần so với đầu năm 2023. Đánh giá về nguyên nhân COVID-19 gia tăng, BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết: “Có thể do người dân gần đây đã bỏ qua tiêm vaccine phòng COVID-19, đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, người dân tăng giao lưu, đi lại, nên dịch có xu hướng lây lan trở lại. Nguyên nhân thứ hai là thời tiết nóng ẩm cũng làm cho dịch tăng lên. Các bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn gần đây đều thuộc đối tượng cần tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19, nhưng hầu hết mới chỉ tiêm 2 hoặc 3 mũi, thậm chí có người chưa tiêm mũi nào”.

Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù COVID-19 đang lây lan trở lại, song nhiều người dân vẫn còn chủ quan, coi dịch như cúm mùa, quên các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, không vệ sinh tay thường xuyên… Đặc biệt, nhiều người có bệnh nền, người cao tuổi vẫn chưa tiêm vaccine mũi 3 và mũi bổ sung (mũi 4) với quan niệm “tiêm vaccine sẽ làm sức khỏe yếu đi”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người dân lại quan tâm đến sức khỏe, đã liên hệ với trạm y tế phường, xã để tiêm vaccine COVID-19. Nhưng tại nhiều trạm y tế ở Hà Nội chưa có vaccine, có nơi lập danh sách người tiêm để đưa lên Trung tâm Y tế quận, huyện.

Ứng phó với làn sóng COVID-19 mới -0
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đảm bảo cung ứng oxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19

Đánh giá về sự gia tăng đột biến của dịch COVID-19 lần này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng ca mắc COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa công bố hết dịch do tình hình chưa ổn định. Số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải số liệu thực tế vì người nhiễm bệnh có triệu chứng nhưng không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP Hồ Chí Minh và miền Nam trước đây là không xảy ra. Những ca mắc đợt này nhẹ và cũng không quá lo ngại.

Ứng phó với làn sóng COVID-19 mới -0
Tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là lá chắn bảo vệ hữu hiệu

Kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch

Một thời gian dài dịch COVID-19 “trầm lắng”, nhiều bệnh viện điều trị F0 gần như không có bệnh nhân, hoặc lác đã có ca nhập viện, một số bệnh viện đã không điều trị COVID-19, nên ngay sau khi ca mắc gia tăng trở lại, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng chống dịch. Vậy, làn sóng mới liệu có tăng ca bệnh nặng hay không?

 GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Theo WHO, biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như: BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia. Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Với biến thể Omicron làm lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nặng hơn Delta, đặc biệt là tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, là lớp phòng vệ khi mắc bệnh không nặng lên.

Mặc dù thời gian trước đây, COVID-19 giảm mạnh, nhưng công tác giải trình  gene tại Việt Nam vẫn tiến hành. Đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gene cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam. Trước tình hình phức tạp của COVID-19, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ như: Phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.

Ứng phó với làn sóng COVID-19 mới -0
Chưa xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2. Omicron vẫn là biến chủng chủ đạo trên toàn thế giới

Các bệnh viện chủ động nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp với bộ phận điều phối ôxy y tế của tỉnh, TP để bảo đảm cung ứng ôxy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế. Tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, Cục đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình mới. Hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cùng đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhớ người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế đều phải duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện.

Bảo vệ nhóm nguy cơ cao

Do một thời gian dài COVID-19 giảm mạnh, việc tiêm vaccine cũng giảm, ngay sau khi dịch gia tăng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cấp thêm cho Hà Nội hơn 10 nghìn liều vaccine phòng để tiêm cho người dân. Hà Nội đã phân bổ số vaccine này cho 30 quận, huyện và tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng COVID-19 để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ. Việc tiêm vaccine mũi tăng cường được chú trọng cho nhóm đối tượng nguy cơ như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai…

Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nay, Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch COVID-19, nhưng đừng vì thế mà chủ quan bởi những người dễ bị tổn thương như người già, trường hợp có bệnh nền sẽ triệu chứng nặng lên.

Ông Phu nhận định: “Đây cũng có thể coi là một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã hiểu biết nhiều về COVID-19, cùng đó năng lực phòng chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn. Chúng ta cũng đã phủ vaccine với tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch vẫn có thể bùng phát và không lơ là, chủ quan với điều này. Hệ thống y tế dự phòng có những “tổn thương” nhất định sau đợt dịch COVID-19 vừa qua nên cũng cần rút kinh nghiệm để phòng chống dịch tốt hơn”.

Chuyên gia cho rằng, dù đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với COVID-19, song phải căn cứ tình hình dịch bệnh các nước khác trên thế giới, chẳng hạn như Ấn Độ cũng đang tăng nhanh số ca nhiễm, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh hơn. Biến chủng này chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng nhưng điều đó cho thấy trên thế giới, COVID-19 chưa ổn định như cúm mùa nên chưa công bố chấm dứt tình trạng đáng quan ngại. Chúng ta cần phối hợp với các tổ chức quốc tế và nhìn vào tình hình Việt Nam để tổ chức tốt công tác phòng bệnh.

“Vì vậy, thời gian tới, ngành y tế phải đánh giá nguy cơ như thế nào, liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine đang sử dụng hay không? Từ đó, để có cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp để không bị bất ngờ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch”, ông Phu nói.

Theo vị chuyên gia này, bản thân virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh các quốc gia mở cửa để phát triển kinh tế và nhu cầu giao lưu đi lại giữa các vùng, các quốc gia ngày càng tăng. Bên cạnh đó là các sự kiện như tập trung đông người cũng đã trở lại bình thường thì nguy cơ dịch lây lan gia tăng ca nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cần kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.

Trong phòng chống dịch COVID-19 vẫn phải thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó.

“Nếu đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống. Trong bối cảnh hiện nay, không nên quá lo lắng nhưng cũng đừng chủ quan lơ là. Điều quan trọng là vẫn cần bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine COVID-19”, ông Phu nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.