Vì sao kim cương trở nên vô giá?

Chủ Nhật, 26/09/2021, 12:52

Trước năm 1870, gần như không mấy người Châu Âu biết về kim cương. Chúng hiếm đến mức một năm loài người chỉ có thể khai thác được vài lạng kim cương nhặt ở đáy các con sông Ấn Độ và trong rừng già Brazil. Phải đến năm 1870, sản lượng kim cương trên thế giới mới tăng vọt nhờ vào việc phát hiện ra các khu mỏ lớn ở Nam Phi.

Nhưng cùng lúc đó mọi người nhận ra rằng, kim cương chẳng có công dụng gì trong cuộc sống ngoài việc làm trang sức. Có cả một âm mưu đứng sau câu chuyện kim cương từ một loại đá quý như bao loại đá quý khác trở thành biểu tượng của sự vương giả. Và âm mưu đó bắt đầu từ không ai khác ngoài Tập đoàn kim cương De Beers.

ai cũng biết kim cương giá trị, nhưng ít người hiểu vì sao.jpg -0
Ai cũng biết kim cương giá trị, nhưng ít người hiểu vì sao.

Một âm mưu hoàn hảo

Sự lựa chọn cuối cùng của các ông chủ mỏ Nam Phi. Năm 1888, họ cùng nhau lập ra Công ty trách nhiệm hữu hạn De Beers, sau này trở thành Tập đoàn De Beers. Những cái “vòi bạch tuộc” của De Beers mang nhiều tên gọi khác nhau. Ở nước Anh họ gọi là “Diamond Trading Company”, ở Israel “The Syndicate”, ở Châu Âu “Central Selling Organization”... Dù mang tên gì đi nữa, những công ty con này đều hoạt động vì một mục đích: đội giá kim cương.

Theo New York Times: “De Beers hiểu rằng để thao túng thị trường kim cương, họ phải điều khiển được cả cung lẫn cầu. Họ muốn đưa xã hội vào một giấc mơ nơi kim cương không chỉ là đá quý mà còn là phần tất yếu của mỗi cuộc hôn nhân. Nói theo cách khác, họ không muốn khách hàng bán lại kim cương cho người khác”.

việc coi kim cương như tài sản đảm bảo chỉ mới xuất hiện cách đây vài chục năm.jpg -0
Việc coi kim cương như tài sản đảm bảo chỉ mới xuất hiện cách đây vài chục năm.

Năm 1938, De Beers thuê công ty quảng cáo nổi tiếng N. W. Ayer thực hiện một chiến dịch truyền thông nhằm nâng giá trị của kim cương. Ayer nhận ra ngay rằng, hầu hết người mua kim cương là đàn ông muốn tặng nhẫn đính hôn cho người yêu mình. Bởi thế, họ cần làm nảy sinh trong đầu óc đối tượng khách hàng này ảo tưởng: “Kim cương càng lớn tức tình yêu càng sâu đậm”. Họ thuê toàn những diễn viên nổi tiếng đương thời như Clark Gable, Myrna Loy và Lionel Barrymore chỉ để đeo kim cương những lúc xuất hiện trước công chúng. Trên mặt báo xuất hiện hàng loạt câu chuyện tình ái của các minh tinh, luôn đi kèm với hình ảnh họ đeo kim cương trên tay. Những nhà thiết kế thời trang xuất hiện trên sóng truyền thanh để nói về “xu hướng kim cương” của mùa tới. Thậm chí có tin đồn rằng Nữ hoàng Anh Elizabeth công du các mỏ kim cương ở Nam Phi vào năm 1947 cũng là một phần kế hoạch của Ayer.

Chỉ sau ba năm, doanh số bán kim cương của De Beers tại Mỹ đã tăng 55%, trong khi trong cả thập niên trước đó chỉ số này liên tục giảm. Kim cương từ chỗ chỉ là món trang sức, nay trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Ayer khoe khoang trong một báo cáo nội bộ như sau: “Chúng ta đang tiến gần đến mục tiêu thuyết phục 70 triệu người mua kim cương. Cho dù khách hàng có thuộc tầng lớp, sắc tộc hay nền văn hóa nào đi nữa, chúng ta phải làm cho họ không thể cưới xin mà không có kim cương” . Vào thời điểm này có đến 125 tờ báo nhận tiền của Ayer để kín đáo quảng cáo cho kim cương.

Sau hơn 20 năm “huấn luyện lại” người Mỹ, De Beers và N. W. Ayers đem chiến dịch quảng cáo kim cương ra nước ngoài. Nhật Bản, Đức và Brazil là những thị trường được ưu tiên trên hết. Họ thành công đến mức khó tưởng tượng được. Ở Nhật, nơi các nghi lễ hôn nhân truyền thống đã tồn tại không đổi hơn 1.000 năm, đã bị soán ngôi bởi đám cưới kiểu Tây và kim cương. Kim cương, cũng giống như tivi và tủ lạnh, trở thành biểu tượng của sự giàu có, hiện đại và thức thời. Tỷ lệ cô dâu Nhật Bản có đeo nhẫn kim cương nhờ thế tăng từ ngưỡng 5% năm 1967 lên 60% vào năm 1981.

Thị trường chao đảo

Không ai khác ngoài nhà nước Liên Xô (cũ) dám thách thức quyền thống trị của De Beers trên thị trường kim cương quốc tế. Mỏ kim cương Mir lớn nhất thế giới được các nhà địa chất Liên Xô (cũ) tìm ra tại Siberia vào năm 1955. Nếu De Beers quyết định cạnh tranh với kim cương Liên Xô (cũ), họ sẽ thua vì khi đó giá trị đá quý trên thị trường sẽ sụt giảm đến mức họ lỗ nặng. Vì không muốn đổ hết công sức thao túng giá cả kim cương xuống sông xuống bể, De Beers tìm đến Moscow với một lời đề nghị: De Beers sẵn sàng trả những khoản hoa hồng hậu hĩnh để trở thành nhà phân phối độc quyền kim cương Liên Xô (cũ).

cặp vợ chồng nghệ sỹ nổi tiếng jay-z và beyonce trong một quản cáo trang sức của hãng tiffany.jpg -0
Cặp vợ chồng nghệ sỹ nổi tiếng Jay-Z và Beyonce trong một quảng cáo trang sức của hãng Tiffany.

Cuối cùng thì Moscow cũng đồng ý với lời đề nghị béo bở. Nhưng De Beers lại gặp phải vấn đề khác: Hầu hết kim cương của Nga có kích cỡ nhỏ hơn 2 carat. Vì vậy, họ phải nhờ đến N. W. Ayer thay đổi chiến lược quảng cáo kim cương: Nếu như trước đây họ nói rằng “kim cương to thể hiện tình yêu sâu đậm”, thì nay họ đổi sang nói “kim cương to hay nhỏ không quan trọng, miễn là có tình yêu”.

Lại một lần nữa Ayer đạt thành công rực rỡ. Kích thước những chiếc nhẫn kim cương giảm dần theo từng năm và chỉ còn trung bình khoảng 0,75 carat vào năm 1977. Ở Mỹ và các thị trường lớn khác, phụ nữ đổ xô đi mua những chiếc vòng cổ đính hàng chục viên kim cương nhỏ. Nhu cầu về kim cương nhỏ hơn 2 carat vượt gấp đôi nguồn cung từ Liên Xô (cũ).

Lại một lần nữa De Beers “tự đào hố chôn mình”. Bởi vì ai cũng mua kim cương nhỏ; không còn ai muốn mua kim cương to khai thác được ở Nam Phi nữa. Một giám đốc phụ trách khu vực của De Beers kể lại: “Chúng tôi đã giảm giá đến 20% những viên kim cương to nhưng vẫn không tìm được người mua. Một ngày nọ tập đoàn mẹ bất ngờ ra thông báo với các chi nhánh rằng ngừng ngay việc bán kim cương có kích thước trên 5 carat để chờ một “cú hích lớn””.

“Cú hích lớn” mà De Beers nhắc tới là… một chiến dịch quảng cáo mới. Ayer nhận ra rằng, trong bối cảnh khủng hoảng dầu mỏ đang làm chao đảo thị trường tài chính quốc tế, nhiều người giàu sẽ muốn tìm một loại tài sản an toàn nào đó. Nhưng thoả thuận Bretton Woods vừa mới được dỡ bỏ trước đó vài năm, đồng USD không còn được định giá theo vàng nữa.

Không mua vàng, không mua USD, những người giàu sẽ mua gì? Câu trả lời là kim cương. Ayer bỏ tiền ra thuê nhiều nhà kinh tế có tên tuổi để họ xuất hiện trước công chúng nói về khả năng giữ giá của kim cương. Một cựu giáo sư Đại học Harvard giấu tên kể lại: “Ayer sẵn sàng chi nhiều tiền cho các giáo sư giảng dạy tại các trường Ivy League. Nhiều người trong số họ không những làm cố vấn cho chính phủ mà còn giảng dạy con cháu những gia đình giàu có. Nắm được đứa con tức là nắm được cha mẹ”.

Gia đình Hoàng gia Ảrập Xêút có lẽ là những khách hàng lớn nhất của De Beers lúc bấy giờ. Họ nắm trong tay hàng chục tỷ USD từ việc khai thác dầu và muốn đổi số USD này ra kim cương nhằm tạo ra sự an toàn cho tài sản.

Kim cương máu

Đó là khi De Beers hợp tác với những nhóm phiến quân và chính phủ độc tài Châu Phi. Đơn cử như trường hợp của Rhodesia. Sau nhiều nỗ lực của phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen, cộng đồng quốc tế đã gây sức ép lên đất nước miền Nam châu Phi này phải dỡ bỏ chế độ Apartheid. Vì không tìm được giải pháp nên nội chiến đã nổ ra giữ phe ủng hộ và phản đối Apartheid ở Rhodesia. Quân đội người da trắng do Thủ tướng Ian Smith lãnh đạo khét tiếng về sự tàn bạo của mình. Họ đã ném bom xuống trại tị nạn Cassinga ở biên giới với Angola, giết chết 582 dân thường và làm bị thương 400 người.

những quảng cáo của de beers đóng phần quan trọng trong việc tăng giá trị của kim cương.jpg -0
Những quảng cáo của De Beers góp phần quan trọng trong việc tăng giá trị của kim cương.

Vì hầu hết chủ mỏ kim cương ở Nam Phi và Rhodesia là người da trắng nên ủng hộ quân đội của Ian Smith. Trong khi Rhodesia bị thế giới cấm vận, De Beers đã lấy kim cương khai thác được ở nước này đem bán bí mật trên thị trường thế giới để lấy ngoại tệ về cho Chính phủ Rhodesia. Số tiền này sau đó được dùng để mua vũ khí và thuê lính đánh thuê cho chính phủ.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi đến lượt Nam Phi bị cấm vận. Johannesburg ngoài mặt kiên quyết không chịu dỡ bỏ chế độ Apartheid, nhưng họ hiểu rằng nền kinh tế Nam Phi không thể hoạt động được nếu không có ngoại tệ. Lại một lần nữa De Beers trở thành “cứu tinh” của chế độ.

Theo lời của cố lãnh tụ Nelson Mandela: “Chính phủ Apartheid tồn tại được đến năm 1994 một phần là nhờ tiền bán kim cương. Nếu không thì họ đã phải sụp đổ từ năm 1989 khi P.W. Botha từ chức tổng thống rồi”.

Số tiền bán kim cương này còn đóng một vai trò quan trọng khác. Đó là giúp các quan chức, sỹ quan Chính phủ Nam Phi thời Apartheid thoát khỏi tội danh diệt chủng khi họ bị đưa ra xét xử trước Ủy ban Sự thật và Hòa giải Nam Phi. Vụ hối lộ các quan chức trong ủy ban khi bị phanh phui đã trở thành scandal lớn nhất Nam Phi.

Sierra-Leone là một quốc gia Châu Phi khác có trữ lượng kim cương lớn. De Beers bằng một cách nào đó đã tạo dựng được mối quan hệ với lãnh chúa Charles Taylor, tổng chỉ huy quân nổi dậy NPFL. Charles Taylor và NPLF bị Toà án Công lý Quốc tế kết án “tội phạm chiến tranh” do đã gây ra cái chết của 50.000 - 70.000 thường dân Sierra-Leone. Để có quyền khai thác các mỏ kim cương ở miền Đông Nam Sierra-Leone, De Beers đã lấy tiền bán số kim cương đào được chia ra cho Charles Taylor và các lãnh đạo khác của NPLF. Hầu hết chỗ kim cương này đều được khai thác bởi những người dân thường bị NPLF bắt làm nô lệ.

Sau khi báo chí phương Tây phản ánh câu chuyện này hồi cuối thập niên 1990, người dân nhiều quốc gia đã tẩy chay De Beers và kim cương. Để “chữa cháy” sự việc, De Beers tổ chức hội nghị quốc tế tại thành phố Kimberley, Nam Phi. Hội nghị đưa ra Bộ tiêu chuẩn Kimberley về Kiểm chứng nguồn gốc kim cương. Những viên kim cương muốn đạt được tiêu chuẩn phải chứng minh có nguồn gốc không phải ở những vùng đang xảy ra chiến sự, không do lao động khổ sai khai thác, và doanh thu từ tiền bán không được sử dụng để phục vụ chiến tranh.

De Beers gần như ngay lập tức áp dụng bộ tiêu chuẩn trong hoạt động của mình. Tuy vậy hậu quả mà họ để lại cho Sierra-Leone vẫn còn đấy. Sau khi nội chiến Sierra-Leone kết thúc, Charles Taylor lên nắm quyền tổng thống và lại để nổ ra nội chiến lần 2. Ông ta chỉ chịu từ chức vào năm 2003 và sống lưu vong ở Nigeria nhằm trốn lệnh truy nã của Interpol. Charles Taylor sau đó bị bắt để đưa ra toà án Công lý Quốc tế và  phải chịu án 50 năm tù.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.