Bao giờ mới hết nhạc nhảm, MV "rác" ?

Thứ Ba, 31/07/2018, 08:18
Nhạc "rác" tràn lan trên mạng và được một bộ phận giới trẻ, thậm chí cả các em thiếu nhi vô cùng thích thú. Lượt xem, lượt chia sẻ những MV, bài hát kiểu này lắm lúc vượt mặt những MV được đầu tư bài bản, công phu của ca sĩ nổi tiếng. Đó là vấn nạn mà nhiều nghệ sĩ chân chính không khỏi lo ngại: bao giờ mới hết nhạc rác?


Từ giới underground đến nghệ sĩ nổi tiếng

Đa số các ca khúc thuộc dạng thảm họa, độc dị, văng tục chửi thề thuộc về giới underground (tức dòng chảy ngầm, không chính thống) chuyên hoạt động trên môi trường mạng.

Những cái tên lạ hoắc với dòng chính thống nhưng quen thuộc trong giới underground như Wowy, Huỳnh James, Pjnboys, Yuki Bo, Ngân T, Song Luân... nổi lên với vô số ca khúc giật gân. "Khu tao sống", "Quăng tao cái boong", "Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu", "Được thì tiến, không thì biến"... gây sốc với ngôn ngữ thô tục cổ vũ lối sống bất cần, buông thả, phá phách. Từ nhan đề của bài hát đã đủ hiểu.

Gây bão thời gian này là ca khúc "Người âm phủ" của Osad với những ca từ "quái" như: "Mặt thì ngáo ngáo, điệu cười thì ngơ ngơ. Suốt ngày nói linh tinh vớ vẩn, cũng để anh đêm về nhà ôm mơ...".

Yanbi và Mr T từng bị xử phạt vì ca khúc "Phiếu bé ngoan" dung tục.

Yanbi và Mr T nổi lên từ dòng underground từng một thời "đình đám" với các bài cợt nhả chuyện phòng the như  "Áo mưa", "Anh đã làm em như thế này", "Phiếu bé ngoan"... "Anh có súng ngắn này/ Cẩn thận nó bắn này/ Nó bắn một phát 70 không lành/ Và rồi em không còn là của quý mà nhiều thằng tranh giành…" hay "Bởi vì anh rất khỏe cho nên không có gì là khó/ Anh thì không sợ khổ mà chỉ có cái tật sợ khô/ Nhưng thật may em lại là thủy điện sông Lô…". Những ca từ kiểu này khiến người nghe không khỏi đỏ mặt vì sự sống sít, bậy bạ.

Giới underground thích nổi loạn, vin vào dạng ca khúc kiểu này để gây chú ý, tạo đà lấn sân sang dòng mainstream (dòng chính thống) là điều dễ hiểu. Thế nhưng đáng báo động khi tình trạng các ca khúc rác, MV phản cảm lan sang cả những nghệ sĩ vốn đã nổi tiếng của dòng mainstream. Tận dụng trào lưu mạng xã hội đang hot để sáng tác, nhạc sĩ Only C dần bị đóng đinh với cái mác: nhạc sĩ của ca khúc nhảm.

Ngoài bài "Yêu là "tha thu" khai thác chuyện tình yêu khá hay và chỉ duy nhất tên ca khúc có chữ "tha thu" ăn theo phát ngôn hài hước của Sơn Tùng M-TP thì những bài hát như "Anh không đòi quà" và mới đây là "Quan trọng là thần thái" bị nhiều người chê bai. Ăn theo những câu nói đang hot trên mạng cộng với giai điệu bắt tai, ca khúc này nhanh chóng leo lên vị trí chót vót của các bảng xếp hạng âm nhạc.

Thế nhưng những câu như: "Quan trọng vẫn là thần thái/ Khi mình yêu là con trai/ Dẫu người ta gọi mình ái/ Cũng chẳng có gì để sai..."  chỉ khiến khán giả ngán ngẩm. Đến nay, chất lượng nghệ thuật các ca khúc của Only C vẫn không được đánh giá cao, thậm chí bị coi là nhạt nhẽo, vô bổ.

Nổi tiếng với các ca khúc được đánh giá là dung hòa giữa dòng nhạc hàn lâm và thị trường, Khắc Hưng và Huyền Sambi lại khiến khán giả vô cùng thất vọng khi trình làng MV "Như cái lò".

Khắc Hưng từng đoạt vô số giải thưởng âm nhạc, trong đó có cú đúp Giải Cống hiến - một giải thưởng được ví như Grammy của Việt Nam. Huyền Sambi cũng gặt hái thành công ở sân chơi uy tín "Bài hát Việt". Người ta không thể hiểu nổi tại sao hai nghệ sĩ tài năng như thế lại tung ra một ca khúc phản cảm như vậy. "Như cái lò" không chỉ khiến dư luận nổi đóa vì cái tên liên tưởng đến câu chửi thề mà ngay cả lời ca, giai điệu, nội dung MV cũng vô cùng mờ nhạt.

Những MV có lời lẽ thô thiển, hình ảnh phản cảm như "Đời anh xe ôm" vừa qua bị dư luận lên tiếng.

Khán giả chỉ thấy nó như một MV kích dục không hơn không kém với vũ điệu uốn éo trong trang phục thiếu vải, hơi thở gấp lồng vào câu hát rên rỉ như: "Nếu ra đường chỉ thấy nóng như cái lò/ Anh cứ việc ở trên giường/ Bởi vì anh là thiên đường, thiên đường/ Anh sẽ khiến em lả lướt...".

Dù Khắc Hưng, Huyền Sambi chống chế rằng đây chỉ là một bài hát nói về thời tiết nóng bức, nội dung vô cùng nghiêm túc, đàng hoàng thì sự thừa nhận thẳng thắn của Huyền Sambi sau đó khiến khán giả không còn nghi ngờ gì mục đích câu khách của họ: "Tôi biết ca khúc ra đời sẽ gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ rằng mình cần phải thị trường hóa bản thân. Bởi, thực tế, những ca khúc mang tính hàn lâm giúp tôi nhận nhiều giải thưởng nhưng không đem lại cho tôi khán giả".

Cũng khai thác thời tiết nóng bức, năm 2016, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng trình làng ca khúc mang cái tên mà người nghe hết hồn: "Nắng cực". Là người trẻ, họ không thể không biết kiểu chửi thề, nói lái mà cư dân mạng hay dùng. Đáp trả phản ứng gay gắt của dư luận, chàng nhạc sĩ từng ghi dấu ấn ở Giải Cống hiến tuyên bố: "Sáng tạo thường đi kèm những điều táo bạo, có người thấy hay, người thấy dở, nhưng nếu không làm thì làm sao bước ra khỏi được vùng an toàn".

 Kiểu lời ca thô thiển đi kèm hình ảnh MV nóng bỏng, phản cảm là hướng đi của nhiều nghệ sĩ trẻ bây giờ. So với trình độ nhảm, tục, bậy của ca khúc rác hiện nay thì những thảm họa âm nhạc như "Tự sướng" của Mai Khôi, "Da nâu" của Phi Thanh Vân, "Nói dối" của Phương My cũng phải chào thua. 

Xử phạt như bắt cóc bỏ đĩa

Điểm qua lượt xem, nghe và bình luận của các ca khúc này, người ta không khỏi giật mình khi nó luôn cao ngất ngưởng, thậm chí leo lên hàng top của các trang nghe nhạc trực tuyến. Ngoài khán giả xem vì tò mò thì không ít bạn trẻ ủng hộ. Nguyễn Tiến Thành, sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, cho rằng giai điệu trong các bản nhạc này luôn tưng bừng, bắt tai còn lời ca thì tuy bậy bạ nhưng như thế mới gần gũi, thời thượng, đúng khẩu khí nổi loạn của giới trẻ.

Cậu cho biết bạn bè mình khoái những bài thế này và thuộc nằm lòng. Vô số ca từ trở thành câu chém gió cửa miệng. "Nhiều khi tụi mình nghe chỉ để giải trí, xả stress nhưng thú thật là câu từ ngấm vào lúc nào không hay" - Thành cho biết.

Ăn theo trào lưu của mạng xã hội, bài hát "Quan trọng là thần thái" của Only C bị cho là nhạt, nhảm.

Theo nhà báo Nhật Hoa, Trưởng ban VTV7 - kênh giáo dục dành cho thanh thiếu niên của Đài Truyền hình Việt Nam - thật tai hại khi không ít em nhỏ mê say các MV, bài hát dạng này. Chị từng rất sốc khi chứng kiến hai cháu bé mới 5, 6 tuổi nhưng đã mê MV "Đời anh xe ôm" (gần chạm mốc 100 triệu lượt xem) với cảnh cô gái ăn mặc mát mẻ và anh xe ôm cứ kè kè bên cạnh nghêu ngao những câu như: "Á đù, nhìn mặt mày sinh viên anh bớt cho năm chục/ Ngồi vật vờ từ sáng nên anh có tí bực/ Hồi còn làm sinh viên anh cũng éo có tiền/ Giờ, giờ đã làm xe ôm anh vẫn tiến có đèo...".  Các bà mẹ đâm ra lo lắng khi không hiểu từ đâu con mình có thể văng tục, chửi thề sành sỏi như dân anh chị.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn phân tích: "Tâm lý con người luôn tò mò trước những điều mới lạ, đặc biệt điều đó càng mạnh với các bạn trẻ, thiếu nhi. Những gì càng lạ lẫm, độc dị thì chúng lại càng ấn tượng. Dù nhiều nghệ sĩ cho rằng mình chỉ thực hiện ca khúc với mục đích giải trí, nhưng giải trí thì cũng phải giải trí lành mạnh. Họ không thể lấy chuyện gây sốc, chửi thề, văng tục hoặc đưa hình ảnh vô văn hóa vào MV, lời ca. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ, nhận thức, hành vi của giới trẻ vì bộ lọc của chúng còn yếu".

Việc xử phạt các ca khúc, MV dạng này vốn đã ít ỏi lại còn như "bắt cóc bỏ đĩa". Người ta chỉ nhớ đến vụ phạt nặng nhất cách đây 4 năm, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt hành chính nhóm nghệ sĩ phổ biến ca khúc "Phiếu bé ngoan" và gỡ nó khỏi các trang nghe nhạc trực tuyến. Thời điểm đó, Yanbi và Mr T cũng bị phạt hành chính vì chế lời "Thu cuối" theo hướng thô tục trong một chương trình ngoài trời.

Chế tài xử phạt nhẹ hều cộng với kênh phát hành là YouTube, mạng xã hội, trang nghe nhạc trực tuyến khiến những ca khúc kiểu này có đất nở rộ. Bởi khi lượt xem tăng, họ nghiễm nhiên có doanh thu do các trang mạng này trả. Đó là chưa kể tiền quảng cáo của các nhãn hàng. Với kênh phát hành như YouTube, Facebook..., ai cũng có thể tự do sáng tác, thể hiện cái tôi và chia sẻ tác phẩm mà không sợ lưỡi kéo kiểm duyệt. 

Sự lan tỏa mạnh mẽ của kênh phát hành này cũng khiến ranh giới giữa giới underground và mainstream trở nên nhạt nhòa. Khả năng lan tỏa của những ca khúc này vì thế cũng vô cùng nhanh chóng. Chưa kể như đại diện YouTube ở Việt Nam thừa nhận, có nhiều thủ thuật để một video được xếp vào hàng top, tạo điều kiện để tiếp cận khán giả nhiều hơn. Đây chính là lỗ hổng để những MV nhảm, nhạc rác lợi dụng.

Sáng tác và nghe có ý thức

Từng bị "ném đá" tơi tả vì công kích nhạc "rác", nhạc sĩ Quốc Trung không ngại đương đầu để môi trường âm nhạc thực sự lành mạnh. Anh cũng chính là người phát động phong trào "Nghe có ý thức". Bởi như hiện nay, việc quản lý của cơ quan hữu trách lẫn cửa kiểm duyệt của các kênh phát hành online còn quá lỏng lẻo nên không còn cách nào khác là nghệ sĩ phải cùng nhau lên tiếng tẩy chay, khán thính giả phải trở thành những người nghe có ý thức.

Ca sĩ Tùng Dương có lẽ là gương mặt nổi trội của việc lên tiếng trước những ca khúc thiếu tính giáo dục, vô văn hóa. Điển hình là vụ Tùng Dương chỉ trích bài hát "Không quan tâm" của nhạc sĩ Dương Khắc Linh. Dù "Không quan tâm" không thuộc hàng "rác rưởi", "nhảm bựa" như những ca khúc kể trên nhưng lời lẽ của nó vô cảm, cổ súy lối sống bất cần: "Chẳng muốn biết đến điều gì/ Tôi không quan tâm để ý…/ Không quan tâm ai buồn vui thế sao/ Có ai nhìn thấy, từ trong tâm hồn/ Những hao gầy đã hằn sâu/ Giờ thì tôi chẳng quan tâm ai nói gì/ Chẳng quan tâm ai nghĩ gì... ".

Anh gay gắt: "Ngoài mục đích giải trí, chức năng của văn học nghệ thuật là nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và định hướng thẩm mỹ thì không thể chấp nhận một bài hát vô cảm như thế".

Theo anh, việc tồn tại những ca khúc nhảm, rác là do tác giả nghĩ sao viết vậy, họ không có sự đầu tư trong sáng tác hoặc chạy theo trào lưu để mong trở thành hiện tượng mạng. Dù thuộc dòng âm nhạc nào đi chăng nữa,  dù tự do sáng tạo cỡ nào thì trên hết nó phải là một ca khúc tử tế. Bởi ở một khía cạnh nào đó, sản phẩm âm nhạc chính là gương mặt của nghệ sĩ, biểu hiện cho khán giả biết mình là người thế nào. Điều này phụ thuộc vào ý thức, lòng tự trọng của mỗi nghệ sĩ.

Nói về vấn nạn này, nhạc sĩ Trần Minh Phi dẫn lại chuyện chàng Lucifer trong kinh thánh - thiên sứ âm nhạc được Chúa tạo nên ở tầng thiên giới thứ ba. Âm nhạc của chàng mê đắm lòng người. Nắm quyền năng đó, Lucifer dần trở nên kiêu ngạo và một ngày kia trở nên mất dạy khi đòi được tôn thờ như Chúa. Chúa trừng phạt bằng cách đày Lucifer xuống trần. Từ đó âm nhạc của Lucifer không còn là thứ âm nhạc tốt đẹp của thiên sứ nữa. Nó trở thành âm nhạc của quỷ sa tăng!

"Đánh đổi âm nhạc của thiên sứ để lấy thứ âm nhạc của sa tăng, nghĩa là bán linh hồn cho quỷ để thỏa cơn mê nổi tiếng, buộc âm nhạc trở thành một hạng gái làng chơi chiều lòng cho bản năng thấp hèn để đổi lấy tiền bạc. Cho nên đề cao bản năng trong trình diễn, sáng tác và thưởng thức có thể coi như một mối nguy hại tiềm tàng. Một nền nghệ thuật hay giải trí gì đi nữa cũng phải có một đẳng cấp tương ứng với dân trí. Chúng ta nếu cứ an bài với tâm lý ao làng, chấp nhận một dân trí bản năng, trong khi người ta đề cao lý trí và trí tuệ thì chúng ta đang chọn một vị thế nhỏ bé và thấp trũng trên bản đồ thế giới" - anh cảnh báo.

Mai Quỳnh Nga
.
.