Bảo tồn di sản ca trù: Chật vật những người “giữ lửa”
Họ cũng đã tự tìm cho mình một con đường đi dù thực sự để tranh đua với những nghệ thuật mới của đời sống đương đại là không hề đơn giản. Và ca trù, với đời sống đầy những gian nan, chính sách dành cho các nghệ nhân, cũng là một bài toán chưa có lời giải giống như nhiều loại hình nghệ thuật khác của nghệ thuật truyền thống.
1. Ra đời sớm nhất trong các câu lạc bộ (CLB) ca trù của cả nước có lẽ là CLB Ca trù Hà Nội do đào nương Bạch Vân làm chủ nhiệm. Thành lập từ năm 1991, CLB Ca trù Hà Nội 24 năm trình làng. Đến bây giờ Bích Câu đạo quán không chỉ là nơi sinh hoạt khá đều đặn của CLB Ca trù Hà Nội với khoảng 2 lần/tháng, mà từ lâu đây đã trở nên một địa chỉ quen thuộc của những tín đồ ca trù đất Hà thành.
Ca nương Bạch Vân. |
Nhớ lại những ngày đầu, NSƯT Bạch Vân chia sẻ: Chị may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu văn học, nghệ thuật học, được kế thừa giọng hát từ người mẹ yêu quý, nên lớn lên, Bạch Vân đã quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với ca trù. Ngay từ khi mới khởi nghiệp, để có tiền trang trải cho những chặng đường nuôi dưỡng và phát triển ca trù, chị đi buôn hoa quả, làm đủ mọi nghề để có thể kiếm đủ tiền trang trải cho chiếu ca trù của mình hoạt động. Ngày qua tháng lại, dù bao phen lận đận, song tới năm 1991 chị cũng được công nhận là ca nương và thành lập CLB Ca trù Hà Nội trên phố Bích Câu.
Thuở ban đầu mới nhóm họp, Bích Câu đạo quán của Bạch Vân có sự tham gia của nhà văn Chu Hà, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Rồi sau, một mình Bạch Vân lo xoay xở tìm "bến đậu" cho CLB sinh hoạt và biểu diễn. Ngày đó, chị kể lại rằng, để có thể hoạt động, chị tự bỏ tiền túi ra để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí, đích thân đến mời và đưa đón các nghệ nhân tới biểu diễn. Các cụ ở xa chị phải lo đưa rước, ăn ở, tiền tàu xe cho các cụ. Đôi lúc khó khăn quá tưởng không thể kham nổi, chị định bỏ nghề, nhưng lòng đã trót đam mê, không có sênh phách là chị như thể trở thành một con người khác. Mải mê xoay xở để kiếm sống, đến năm 44 tuổi chị mới lập gia đình. Cuộc sống gia đình nhiều thứ phải lo toan, người chồng của chị không phải lúc nào cũng có thể thông cảm cho người vợ có tiền có của là lại đổ vào chiếu ca trù, nên họ đã chia tay.
Thời gian này, chị dành hết cho nghệ thuật, bởi vì, dù cuộc sống một mình đầy cô đơn, thiếu thốn, nhưng chị cứ lên sân khấu là được sống trọn vẹn với niềm đam mê. Chị chỉ tiếc là chị rất đam mê và muốn truyền dạy cho những thế hệ học trò theo đuổi ca trù, song không phải ai cũng chấp nhận bỏ hết mọi thứ để dành cho một môn nghệ thuật không kiếm bộn tiền và dễ nổi tiếng như nhạc nhẹ hay các môn nghệ thuật khác. Bởi vì, đã đành chị chấp nhận một cuộc sống đơn thân và không cần giàu sang phú quý, bởi vì thế hệ của chị hầu hết đều là những người yêu nghề hơn yêu chính bản thân mình, nhưng không vì thế mà chị bắt các học trò của mình cũng như cô giáo. Và chị cũng mong rằng, Nhà nước sẽ có chính sách thuyết phục để khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ cống hiến cho nền nghệ thuật lâu đời của dân tộc.
2. Cũng là một đào nương trẻ đã trót vận cái nghiệp vào thân, cái phận chủ nhiệm CLB, Phạm Thị Huệ cũng luôn tất bật với CLB Ca trù Thăng Long. Nếu như ca nương Bạch Vân kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn, thì Phạm Thị Huệ lại có một hướng phát triển mới là vừa biểu diễn, vừa truyền dạy và phát triển được CLB của mình để ca trù đến được với khán giả. Chị là người xưa nay vẫn được biết đến với danh xưng "Đào đàn" độc nhất vô nhị của làng ca trù.
Vốn là giảng viên Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Phạm Thị Huệ từng nhiều năm theo học đàn đáy của nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và học hát ca trù với ca nương Nguyễn Thị Chúc. Cho đến nay, chị vẫn là nghệ nhân duy nhất trong lịch sử ca trù Việt vừa hát ca trù vừa chơi đàn đáy. Năm 2005, chứng kiến hình ảnh đào đàn Phạm Thị Huệ làm lễ "Mở xiêm áo", GS Trần Văn Khê khi đó đã phải thốt lên là như tố nữ trong tranh dân gian bước ra cuộc đời...
Hiện nay, CLB Ca trù Thăng Long vẫn đỏ đèn thường xuyên tại đền Quán Đế 28 Hàng Buồm, Hà Nội, sau 4 lần chuyển địa điểm từ làng Ngọc Hà sang ngôi nhà nhỏ trên phố Giang Văn Minh, về đình Cống Vị rồi lại sinh hoạt ở đình Giảng Võ. Bản sắc của CLB Ca trù Thăng Long không chỉ là sức trẻ và thu hút được phần đông nhạc công chuyên nghiệp với thành viên chủ yếu là các giảng viên, sinh viên Nhạc viện Hà Nội mà hơn thế CLB Ca trù Thăng Long đã mạnh dạn đưa ca trù trở lại với không gian hát cửa đình tưởng đã một đi không trở lại trong thời hiện đại.
CLB có hẳn một dàn bát âm hoành tráng, không chỉ phải lo kinh phí, tìm địa điểm để CLB sinh hoạt... Chị đào tạo một nhóm học trò khoảng 13 em vốn là con cháu của nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc muốn học và lưu giữ nếp nhà, cũng là mong muốn của Huệ muốn phát triển nghệ thuật ca trù truyền thống của dân tộc. Nhưng, chị cũng trăn trở rằng, những phụ cấp ít ỏi của các em sau những đêm biểu diễn khiến chị cảm thấy áy náy vì các em phải đi xa, tận Thạch Thất (Hà Nội), những em nhỏ tuổi thì còn cần bố mẹ đưa đi đón về, thật sự nếu không có niềm đam mê thì không ai có thể bám trụ dài lâu được.
Trên "bản đồ" ca trù của người Việt, thủ đô Hà Nội vẫn là địa danh có nhiều nhóm ca trù nhất. Mỗi nhóm ca trù của Hà thành có những nét đặc trưng, thế mạnh riêng nhưng độc đáo và có truyền thống nhất vẫn phải kể đến Giáo phường ca trù Thái Hà. Bắt đầu khởi nghiệp từ cụ tổ ca trù của dòng họ là thủ khoa Nguyễn Đức Ý, người đứng đầu khoa thi năm Nhâm Tý 1852 và được bổ làm tri huyện Hải Dương thời triều Vua Tự Đức, cho đến nay Giáo phường Ca trù Thái Hà đã trải qua 7 đời theo nghiệp ca trù. Đây cũng là Giáo phường Ca trù thuộc diện của hiếm với đa số thành viên đều là người trong một nhà, có quan hệ huyết thống gần gũi.
Với họ, ca trù không chỉ là một thú chơi tao nhã mà là một nghề truyền thống, nét gia phong của dòng họ. Giáo phường Ca trù Thái Hà hiện vẫn có 3 thế hệ cùng trình diễn, với đủ cả thành phần gồm quan viên, kép đàn, ca nương. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi dù tuổi đã cao vẫn cầm chầu cho con trai ông là anh Nguyễn Văn Khuê chơi đàn đáy và con gái Thúy Hòa nảy hạt ca trù.
Nếu đào nương Thúy Hòa được biết đến là đệ tử chân truyền của cố NSND Quách Thị Hồ, thì nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi và kép đàn Nguyễn Văn Khuê là thầy dạy của nhiều nghệ nhân ca trù hiện nay. Trong khi đó, thế hệ thứ bảy của dòng họ này cũng đã trình làng những ca nương trẻ tuổi đầy tài năng là ca nương Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo.
Tại Liên hoan Ca trù Toàn quốc năm 2011, đào nương nhí Nguyễn Kiều Anh đã giành HCV khi mới 11 tuổi. Ca nương Nguyễn Kiều Anh, người đã hát thuần thục ca trù từ khi còn nhỏ, là một trong những ca nương nhỏ tuổi nhất hiện nay đưa được ca trù đến với đông đảo công chúng bằng việc phối hợp ca trù vào trong các dự án World Music, mới đây, đào nương nhí này còn táo bạo đưa ca trù thi thố với nhiều thể loại âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn khác trên sân khấu Vietnam's Got Talent, Bài hát Việt.
Nguyễn Kiều Anh khẳng định: "Ca trù là một nghiệp truyền thống mà các thế hệ của dòng họ phải giữ gìn, theo đuổi. Nhưng trong thời hiện đại, nghiệp của dòng họ có thể sẽ rạng danh hơn khi mạnh dạn đưa ca trù vào nhiều không gian trình diễn khác nhau. Tôi biết điều này rất khó nhưng phải nỗ lực để thực hiện".
3. Xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ xưa đến nay vẫn được xem là đất tổ của ca trù người Việt. Nơi đây vẫn còn điện xứ thờ tổ nghề ca trù. Truyện kể dân gian lưu truyền, tổ nghề ca trù là Đinh Lễ, người làng Phủ Giáo, tổng Cổ Đạm xưa, trong một lần đi đàn hát ở Thanh Hóa, tiếng đàn tài hoa của chàng đã làm Công chúa Bạch Hoa (còn gọi là Mãn Đào Hoa) bị câm bỗng bật tiếng hát.
Vợ chồng Dương Thị Xanh - Trần Văn Đài. |
Thành vợ thành chồng, hai người trở về Cổ Đạm sinh sống, lập nên gánh hát ca trù nức tiếng một thời. Ngày nay, cứ vào dịp 13 đến 16/3 âm lịch, Cổ Đạm lại mở hội hát ca trù, các giáo phường ca trù gần xa lại nô nức kéo về giỗ Tổ nghề. Những năm gần đây, ca trù Cổ Đạm vẫn nức tiếng cả nước với CLB Ca trù Cổ Đạm do vợ chồng nghệ nhân Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài chèo lái. Không ít người ví von gọi vợ chồng nghệ nhân này "Đinh Lễ và Mãn Đào Hoa công chúa thời hiện đại".
Ca nương Dương Thị Xanh vốn con nhà nông, ngày ra đồng làm ruộng, tối tối chị lại sang nhà nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga… học hát. Nảy hạt, nhả chữ, ngâm nga đâu ra đấy, Xanh còn chăm chỉ ghi lại lời những bài hát ca trù cổ để truyền lại cho thế hệ trẻ. CLB Ca trù Cổ Đạm do ca nương Dương Thị Xanh làm chủ nhiệm ngay từ những ngày đầu tiên đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của chồng chị là kép đàn Trần Văn Đài. Ba năm liên tiếp từ 2007 đến 2009, hai vợ chồng khăn gói ra Hà Nội theo học đàn hát hết Giáo phường Ca trù Thái Hà lại sang Giáo phường Ca trù Lỗ Khê. Nhiều lần, cả hai vợ chồng đều giành HCV tại các kỳ Liên hoan Ca trù Toàn quốc.
Năm 2012, Dương Thị Xanh trở thành người trẻ tuổi nhất được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân và một năm sau đó, Trần Văn Đài cũng vinh dự được nhận danh hiệu này. Cả hai vợ chồng đều là nghệ nhân văn hóa dân gian nên nghệ nhân Dương Thị Xanh tâm sự, nhiều lần đi học ca trù hay tham gia hội diễn, liên hoan… cả hai đều đi nên con cái phải gửi về nhà ngoại. Dần dà thành nếp, cứ hễ nghe nói sắp có hội diễn hay liên hoan ca trù ở đâu là mấy đứa nhỏ lại chuẩn bị đồ để về ngoại.
Lớn lên trong nhà nghệ nhân, chất ca trù ngấm vào tự lúc nào không hay, mỗi lần thấy bố mẹ cầm đàn đáy, gõ phách hát ca trù, mấy đứa con của chị Xanh và anh Đài lại làm quan viên, cầm chầu, thỉnh thoảng hứng lên còn khen chê tiếng đàn, nhịp phách của bố mẹ… Gia đình chị mượn được hội trường UBND xã Cổ Đạm - Nghi Xuân - Hà Tĩnh làm địa điểm sinh hoạt, hằng tuần CLB Ca trù Cổ Đạm vẫn sinh hoạt đều đặn với khoảng 40 thành viên thuộc 4 thế hệ. Các bậc nghệ nhân Phan Thị Nga, Trần Thị Gia, Hà Thị Bình nay đã bước sang tuổi bát thập, tuổi cao sức yếu nên gần như mọi hoạt động của CLB do chị Xanh lĩnh xướng.
Mỗi lần CLB sinh hoạt, chị Xanh và chồng lại rục rịch nấu chè xanh từ sẩm tối để đến đêm đem ra ủy ban phục vụ cho cả CLB. Chạy đua với thời gian, 4 nghệ nhân cao niên của CLB Ca trù Cổ Đạm đang ngày đêm truyền trao cho truyền nhân của mình những tinh túy họ còn lưu giữ được của ca trù Chúc hỗ - ca trù biểu diễn trong cung vua phủ chúa của ngày xưa.
Tuy "nức tiếng" cả một vùng song cũng chỉ là những khi rảnh rỗi, dịp nào vào mùa thì họ lại cắm cúi làm nông. Chị Xanh tâm sự: Nếu Nhà nước quan tâm mà cho chúng tôi một ít kinh phí để trà nước thì vẫn cảm thấy vui hơn, chúng tôi không đòi hỏi gì, không có thì vẫn hoạt động bấy lâu nay, nhưng chỉ là vui vầy trong thôn xóm, chứ để mà "đem chuông đi đánh xứ người" thì cần phải có nhiều yếu tố lắm. Ở Thủ đô cũng như các thành phố lớn người ta được đầu tư và cũng có điều kiện biểu diễn, hoạt động để mở mang, còn ở đây chúng tôi dù rất yêu thích song vẫn chỉ là một hoạt động mang tính chất tự phát và chưa thể phát triển thành hội, thành phong trào lớn mạnh, dù rất mong muốn làm được như vậy.
Những nghệ nhân ca trù dù ở góc độ nào vẫn luôn giữ được niềm đam mê của mình dù biết là còn nhiều khó khăn ở phía trước, mong rằng chính sách Nhà nước với việc phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và các phần thưởng xứng đáng. Nhiều nghệ nhân cũng như những người tâm huyết trong lĩnh vực này mong chờ những kết quả tốt đẹp sẽ đến, bởi vì đã quá lâu họ chờ đợi được ghi nhận, được vinh danh những danh hiệu mà cả đời làm nghề họ cống hiến. Việc bảo tồn các hiện tượng văn hóa cổ truyền nói chung, trong đó có văn hóa phi vật thể nói riêng cần phải quan tâm hàng đầu trước nguy cơ đang bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.