Bùng phát cuộc chiến kinh tế Hàn Quốc - Nhật Bản

Thứ Năm, 11/07/2019, 17:54
Cả thế giới đã chú ý vào kết quả cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Osaka, Nhật Bản. Dường như cộng đồng quốc tế đã được an lòng khi cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo cường quốc kinh tế số 1 và số 2 đã đem đến kết quả là một thỏa thuận đình chiến mong manh.

Thế nhưng, một cuộc chiến kinh tế khác cũng đã nảy sinh ngay sau đó giữa hai nước láng giềng Đông Á liên quan đến việc Nhật Bản tuyên bố bắt đầu thực thi lệnh hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ sang Hàn Quốc. Đặc biệt, cuộc chiến này có nguy cơ lan rộng và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đòn tấn công kinh tế

Nhật Bản bắt đầu thắt chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Trong đó đáng chú ý là nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide) được sử dụng trong sản xuất tấm màn hình điện thoại thông minh, chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (high-purity hydrogen fluoride) được sử dụng làm khí ăn mòn (etching gas) trong sản xuất chất bán dẫn.

Đây đều là những vật liệu mà Nhật Bản chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến Hàn Quốc dù muốn đổi đối tác mới cũng không thể tìm được sản phẩm thay thế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 4-7 và được cho là sẽ ảnh hưởng đến các "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display.

Theo khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Lệnh cấm này thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới những nhà cung cấp linh kiện đầu vào cho các hãng công nghệ lớn như Apple, Huawei...

Một ngày sau khi Tokyo thực thi quyết định siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 mặt hàng công nghệ cao, tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 5-7 cho biết Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia xây dựng được sự tin cậy và đảm bảo an ninh, còn gọi là White Countries. Hiện, danh sách White Countries có 27 quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp...

Đối với những quốc gia nằm trong danh sách, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc họp với ban cố vấn Phủ Tổng thống vào ngày 8-7.

Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào danh sách White Countries từ năm 2004. Nếu quyết định được đưa ra, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị Nhật Bản loại khỏi danh sách. Báo trên cho biết việc cập nhật danh sách sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tới. Việc đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách White Countries đồng nghĩa sẽ phát sinh thêm các thủ tục kiểm tra trước khi xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Hàn Quốc như hóa chất, dược phẩm, linh kiện điện tử, máy móc...

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ đưa ra các yêu cầu kiểm tra dựa trên những phán đoán liên quan tới vấn đề như an ninh, dự kiến việc cấp phép sẽ mất tới 90 ngày. Ngoài sự kiểm soát từ METI, Bộ Tài chính Nhật Bản cũng thông báo sẽ kiểm tra về mặt thuế quan, dù đã được METI cấp phép.

Đối sách của Hàn Quốc

Sau khi Nhật Bản thông báo lệnh trên, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki khẳng định các hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đi ngược lại các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Ông cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu thiệt hại đối với các công ty trong nước bằng cách phối hợp chặt chẽ với ngành công nghiệp trong nước và cộng đồng quốc tế.

Theo đó, chính phủ sẽ nỗ lực giúp các công ty xây dựng giành được các dự án hạ tầng ở nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sớm đạt thỏa thuận thương mại tự do với Malaysia và Indonesia trong năm nay, trong khuôn khổ các nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu.

Chủ trì cuộc họp đội ngũ cố vấn Phủ Tổng thống vào ngày 8-7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lần đầu đưa ra lập trường về việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu với Hàn Quốc. Tổng thống Moon nêu rõ không chỉ Seoul mà toàn thế giới đang lo ngại về động thái của Tokyo. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cáo buộc Nhật Bản đang hạn chế giao dịch giữa doanh nghiệp tư nhân hai nước vì mục đích chính trị. Ông Moon cũng khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ dốc toàn lực để đối phó.

Bất chấp việc Seoul dọa sẽ khởi kiện Nhật Bản lên WTO, Tokyo vẫn cứng rắn cho rằng quyết định đưa ra không vi phạm quy định của WTO cũng như quy định về thương mại quốc tế với hàm ý “bóng đang nằm ở sân của Hàn Quốc”. Giới quan sát cho rằng quyết định của Nhật Bản được phía Mỹ ngầm ủng hộ. Bởi nó được cố ý đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần thứ ba nhằm tránh gây ra sự giận dữ từ phía Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, phá hỏng kế hoạch Triều Tiên của Mỹ. Hơn nữa, nó còn được đưa ra sau khi ông Trump đã lên máy bay rời khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Việc áp đặt lệnh cấm này dường như cho thấy Tokyo đã có chuyển biến lớn về chiến lược ngoại giao trong bối cảnh thế giới ngày càng lấy cạnh tranh kinh tế là trọng tâm thay vì dùng vũ lực để bảo vệ lợi ích quốc gia mà Mỹ dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump là một ví dụ tiêu biểu.

Từ xung đột thương mại đang nhen nhóm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể nói việc các nước chuyển sang chiến tranh kinh tế tùy ý quyết định hạn chế xuất khẩu dựa vào thế mạnh của mình trong chuỗi cung ứng đã làm nảy sinh các vấn đề mới cho kinh tế và chính trị toàn cầu. Nếu các nước như Saudi Arabia không bán dầu, Canada và Australia không bán quặng sắt, kinh tế thế giới khó tránh khỏi hỗn loạn.

Và một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể là điều kiện thuận lợi cho các xung đột vũ trang và bạo lực quy mô từ nhỏ đến lớn, từ hạn chế đến không thể kiểm soát tại những điểm nóng đang âm ỉ khắp nơi trên thế giới.

Nam Sơn
.
.