“Cá chết trắng bè trên sông Đồng Nai”:Khi ngư dân có “tiền sử” tự cứu

Thứ Ba, 12/01/2016, 14:45
Ngay sau khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ về vụ việc cá chết bất thường hàng loạt trên bè nuôi thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Biên Hòa, Đồng Nai), chiều ngày 7-1, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã ra thông báo về kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước đoạn mặt sông Cái. Nguyên nhân cá chết là do hàm lượng ôxy hòa tan quá thấp, với lý do chủ quan là do mật độ cá nuôi quá dày đặc, chế độ dinh dưỡng không tuân thủ theo yêu cầu làm phát sinh vi khuẩn hại trong nước…


Nhưng có một câu chuyện ít ai còn nhớ tới, đã xảy ra vào năm 2009, khi chính những người dân làng bè đã đứng lên tự đi điều tra, và phát hiện một sự việc động trời liên quan đến việc xả thải trái phép không qua xử lý của Nhà máy Giấy Tân Mai, khiến cho nhà máy này sau đó phải bồi thường cho ngư dân, và phải chuyển khỏi địa bàn thành phố Biên Hòa. Câu chuyện này như một lời nhắn nhủ, và chắc chắn vẫn còn hữu dụng…

Hàng trăm bao tải cá đã được bà con xóm bè đem đi chôn nhưng vẫn không  xuể. Nhiều hộ đã bức xúc đem cá đổ ra sông, khiến mặt sông có thời điểm trắng xóa vì xác cá.

1. Đêm 4-1-2016. Cả làng bè chìm trong mệt nhọc và lo lắng. Quần quật cứu cá từ đêm trước, rồi cả ngày lo vớt cá, chôn cá, làm vệ sinh bè cá, duy trì sự sống cho bầy cá còn lại… đã vắt kiệt sức mọi người, từ già lẫn trẻ như Chuyên đề ANTG đã phản ánh. Nhưng nỗi lo vẫn còn đe dọa họ: đêm nay liệu sẽ như thế nào, khi bầy cá còn lại thực sự đã kiệt sức?

Một thực tế khiến họ khấp khởi hy vọng: chiều mùng 4, nước về đã "sạch" hơn. Cá không còn bơi trắng lên mặt nước để thở, mà nhìn đã linh hoạt hơn. Nhưng không ai dám chắc điều gì. Cơn nước kỳ lạ bất thình lình kéo đến đã tiêu diệt hơn 100 tấn cá của làng bè, số còn sống sót thì đã đuối sức, chỉ cần một đận nữa là cả làng bè Hiệp Hòa trắng tay.

"Ròng rã gần 2 tuần liền cá cứ liên tục chết, rồi đỉnh điểm là đêm qua, mà đến hôm nay, khi báo đài xuống rầm rầm, xôn xao cả nước, thì nước lại tốt nhanh trở lại đến vậy. Tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa?". ông chủ bè Quyết trầm ngâm.

… Bữa cơm tối trên bè cá lênh đênh mặt nước sông Cái liên tục bị ngắt quãng. Anh Lê Văn Quyết và chị Phạm Thị Ngần luân phiên nhau kiểm tra sức khỏe của cá, để quyết định có cho cá ăn không. "Cá ăn no sẽ mệt, chỉ lo thở. Chỉ cần một con nước độc như đêm qua thì bọn tôi trắng tay luôn, không thể cứu vãn. Mà từ tuần trước, khi cá lần lượt chết với số lượng nhỏ, tôi đã cẩn thận điều chỉnh lượng thức ăn. Chứ cứ cho ăn no như mọi lần thì thiệt hại đêm qua còn khủng khiếp hơn nữa", anh Quyết thở dài.

Cá chết nhiều đến độ người dân làng bè không còn nói đến cá nữa, mà nói đến những phận người sẽ ra sao sau độ liêu xiêu này. Ai cũng cám cảnh cho gia đình ông Ngô Duy Thịnh và bà Bùi Thị Ngoãn. Hai vợ chồng để 2 đứa con nhỏ ở quê tận Nam Định, vào đây gom góp vay mượn được gần 800 triệu để xuống bè. Thảm họa xảy ra, từng đồng vốn của hai vợ chồng gần như mất trắng. Đã sẵn có bệnh tật trong người, lại thêm cú sốc này, ông Thịnh cứ ngồi vật vờ trên bè, như người bị trầm cảm.

Mạn nước róc rách tiếng cá đớp, chiếc bè rùng rình chuyển động khi có thuyền chạy qua, tiếng động từ bước chân đi thăm bè cùng những tiếng trở mình đầy lo toan… khiến giấc ngủ của PV ANTG không được trọn vẹn. Và bên ấm trà của một đêm dài ấy, với nhiều gương mặt của người trong cuộc, câu chuyện về cuộc chiến đấu của những người dân làng bè với hành vi xả thải không qua xử lý của Nhà máy Giấy Tân Mai, ngay trên khúc sông Cái này, đận năm 2009, đã từ từ hiện ra…

Chị Lưu Thị Dung đang cố tìm lại bản kết quả xét nghiệm năm 2009, thứ mà gia đình chị lưu lại như một kỷ vật.

2. Năm 2009, làng cá bè nằm ở mạn Hiệp Hòa, Tân Mai này đã có 11-12 năm tuổi. Cư dân địa phương có, từ ngoài Bắc vào cũng có, từ miền Tây lên cũng có… góp công góp sức đã tạo dựng được một cơ ngơi bề thế, đánh đổi bằng hàng ngàn ngày lênh đênh trên mặt nước, bán mặt cho nước, bán lưng cũng cho nước.

Năm 2009 đó làng bè nhộn nhịp lắm. Các đại lý, các công ty bán thức ăn cho cá nườm nượp tiếp cận, đón đầu các chủ bè ở bến Tân Mai, bến Hiệp Hòa. Thậm chí, sinh viên viết luận văn thực tập tại các công ty, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, cũng được gửi xuống tận bè cá để làm luận văn. Một trong số họ là Hoàng Phúc Đằng Giao, sinh năm 1986, sinh viên năm cuối của Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, khóa Cao đẳng liên thông, chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản.

Hoàng Phúc Đằng Giao xin được ở trên bè cá của gia đình anh Trần Đức Cần và chị Lưu Thị Dung. Quy mô và cơ ngơi của hai ông bà chủ lúc đó lớn lắm, với gần 30 tấn cá giống và thương phẩm được nuôi luân canh. Đằng Giao được vợ chồng chủ bè tin cậy giao cho 2 dèo cá (ô nuôi cá được bọc xung quanh bằng lưới), để thử nghiệm thức ăn của công ty mà sinh viên này đang thực tập viết luận văn.

Mới xuống bè được 6 tháng, hơn 800 triệu của vợ chồng anh Thịnh đã mất sạch, khiến bệnh tim của anh Thịnh thêm trầm trọng.

3. Mọi chuyện êm ả chỉ chừng 1 tháng rưỡi. 2 dèo cá thực nghiệm của Giao đang lớn như thổi thì bắt đầu xuất hiện hiện tượng cá chết. Trên mặt sông lúc đó cũng liên tục xuất hiện những bảng bọt trắng lớn, có mùi hôi thối. Nhưng điều kinh khủng nhất vẫn chưa xảy ra.

Đến đêm hôm đó, Đằng Giao đang tắm trên sông thì cảm thấy có điều gì đó bất thường. Nước đột nhiên chảy mạnh. Loài cá xác sọc sống tự nhiên trên sông đột nhiên nổi lên hết mặt nước, nhảy lên cao, cuộn thành những cơn mưa trên mặt sông.

Khi cá bắt đầu nổi trắng trên mặt sông, Giao liền lấy dụng cụ đem theo ra đo chất lượng nước. Khi đó, mỗi sinh viên như Giao được trang bị một phương tiện đo nồng độ PH (liên quan đến đặc tính ăn mòn, hòa tan trong nước), một phương tiện đo DO (ôxy hòa tan trong nước, việc xác định hàm lượng ôxy hòa tan là phương tiện kiểm soát sự ô nhiễm do mọi hoạt động của con người và kiểm tra hậu quả của việc xử lý nước thải).

Kết quả đo DO khiến Giao không tin vào mắt mình: lượng ôxy hòa tan gần như trở về 0, trong khi đó bình thường luôn đạt chỉ số 6-7mg/l. Giao cấp tốc báo về công ty thực tập. Chuyên viên kỹ thuật khi đó còn không tin, nói cậu phải kiểm tra lại máy, chắc chắn máy đã bị hư rồi.

Cá chết trắng sông. Hơn 25 tấn cá thương phẩm của gia đình anh Cần và chị Dung mất trắng. 2 dèo cá dùng để thực nghiệm của Giao cũng thất bại. Làng bè khi ấy thiệt hại vô số, và họ quyết định ngồi lại với nhau, truy tìm nguyên nhân.

“Nói là ô nhiễm do mật độ và thức ăn, nhưng bè của tôi nằm giữa sông, cách biệt hoàn toàn với các bè khác, mà cá vẫn chết. Triệu chứng nước cồn lên rồi cá lăn ra chết giống đợt 2009. Tôi chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng giúp dân làm sáng tỏ” - anh Trần Đức Cần cho biết.

4. Ông Dũng, một người có kinh nghiệm đi biển, đề xuất: Thường con nước biến động trong ngày 15 Âm lịch sẽ rất lớn, nước sẽ lên rất cao, đồng thời cũng rút xuống rất thấp. Với tình trạng cá chết như thế này, chắc chắn là có hiện tượng xả nước thải độc hại ra môi trường. Và chắc chắn, phải có một miệng cống xả thải chạy ra sông, dù thấp hay cao. Đúng ngày 15 Âm lịch đi kiểm tra, thể nào cũng phát hiện ra.

Đêm Rằm Âm lịch cuối năm 2009, một nhóm 4 người gồm anh Cần, Giao, anh Trực và ông Năm, âm thầm lên một chiếc thuyền nhỏ, chèo ngược lên phía Nhà máy Giấy Tân Mai. Nước rút sâu, để lộ ra cả một triền sông cao tới 3m. Dưới ánh sáng trăng, một miệng cống nước thải được chôn dưới đất lộ ra từ phía Nhà máy Giấy Tân Mai.

Miệng cống cao hơn mặt nước, nên ông Năm đề nghị lội vào tận nơi để hứng nước thải trực tiếp từ trong miệng cống cho chính xác. Vượt qua đống bùn lầy ngập tới ngang người, vừa lấy xong chai nước thải, ông Năm nghe thấy tiếng người, và ánh đèn pin loang loáng. Hai người bảo vệ xuất hiện, hỏi ông đang làm gì. Cự cãi một hồi, 2 người bảo vệ rút đi. Chỉ chừng 10 phút sau, miệng cống ngừng thải nước.

…Ngay khi có kết quả, mẫu nước thải được những người dân xóm bè chia làm 2 phần, một phần đưa đi kiểm định tại Đồng Nai, một phần đưa lên TP Hồ Chí Minh để kiểm định cho khách quan. Đích thân chị Lưu Thị Dung, cầm mẫu lên TP Hồ Chí Minh  làm xét nghiệm.

Đến một trung tâm xét nghiệm tại khu vực cầu chữ Y, chị Dung được yêu cầu là phải có giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền thì mới được tiến hành xét nghiệm. "Họ nói khi đưa ra kết quả chắc chắn sẽ liên quan đến việc kiện tụng, thế nên phải có giấy giới thiệu để đề phòng rắc rối phát sinh", chị Dung nhớ lại.

Quyết không bỏ cuộc, chị tiếp tục hỏi thăm người quen trên TP Hồ Chí Minh, rồi đem tới một trung tâm xét nghiệm khác. 15 ngày sau, chị được thông báo là đã có kết quả. Kiểm định viên cẩn trọng dặn chị, kết quả này chắc sẽ khác với kết quả ở nơi khác, vì ở đây có thứ hóa chất có thể phát hiện ra loại chất độc trong ngành sản xuất giấy.

5. Toàn bộ kết quả xét nghiệm được những người dân xóm bè giao cho Hội Nông dân xã làm người đại diện, tiến hành khiếu nại yêu cầu đòi bồi thường.

Hàng loạt cơ quan chức năng xem xét, và đi đến kết luận, với hành vi xả thải của mình, Nhà máy Giấy Tân Mai phải có trách nhiệm trong việc gây ra hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt. Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã ra quyết định yêu cầu Nhà máy Giấy Tân Mai phải đảm bảo việc khắc phục ô nhiễm theo cam kết trước tháng 2-2011. Nếu Nhà máy Giấy Tân Mai tiếp tục gây ô nhiễm, không khắc phục, Sở sẽ kiến nghị tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động của nhà máy.

Sau đó, những hộ dân làng cá bè chịu thiệt hại, đã được đền bù theo giá thị trường, với đơn giá là 35.000đ/kg cá. Nhà nước hỗ trợ đền bù cho 50% số lượng cá chết.

Đến năm 2013, Nhà máy Giấy Tân Mai đã chính thức rời khỏi khu vực thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Liệu lần này “lịch sử” có lặp lại?

Chiều ngày 6-1-2016, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an (C49) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đồng Nai và Phòng Kinh tế TP Biên Hòa đã đến khảo sát tại làng bè. Sau khi khảo sát, C49 sẽ làm việc với các cơ quan  chức năng của tỉnh Đồng Nai và báo cáo Tổng cục Cảnh sát để có hướng điều tra.

Văn Hào - Việt Đông
.
.