Cách người Đức đầu tư cho bóng đá

Thứ Sáu, 25/06/2021, 09:25
Không phải đến thất bại thảm hại tại World Cup 2018, người Đức mới thay đổi cách làm bóng đá. Thực tế, họ đã mường tượng ra một thế giới bóng đá hoàn toàn mới, nơi dữ liệu và “Big Data” là những thứ có thể tạo ra khác biệt lớn. Học viện DFB-Akademie ra đời phục vụ cho điều đó và màn trình diễn siêu hạng của Đội tuyển Đức trước Đội tuyển Bồ Đào Nha vừa qua là một minh chứng nhỏ cho thấy họ đang đi đúng hướng.


Harvard của bóng đá

Tháng 3-2018, Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) chính thức phê duyệt dự án xây dựng Học viện DFB-Akademie, một nơi được mô tả là “Thung lũng Silicon của bóng đá” và bây giờ, được ví von với Harvard lừng danh. Nơi đây không chỉ là thiên đường của dữ liệu bóng đá, mà còn là nơi các huấn luyện viên, các giáo sư khoa học thể thao, các chuyên gia dinh dưỡng, thể lực và cả tâm lý... cùng nhau tạo ra những giáo án hoàn hảo cho mọi lứa tuổi, từ đó sàng lọc và biến các tài năng thiên bẩm thành những “cỗ máy” đá bóng. Không những vậy, tham vọng của Đức là tạo ra những cầu thủ có thể chơi bóng chính xác như máy nhưng vẫn giàu cảm xúc.

Oliver Bierhoff tuyên bố DFB-Akademie là “dự án thế kỷ” của bóng đá Đức.

DFB-Akademie động thổ và khởi công vào tháng 5-2019. Cuối năm nay, học viện tiêu tốn 150 triệu euro xây dựng này mới bắt đầu đi vào hoạt động nhưng các ứng dụng nghiên cứu của nó đã được áp dụng vào bóng đá Đức - đặc biệt là các đội tuyển quốc gia từ lâu. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ DFB-Akademie được xem là đứa con tinh thần của Oliver Bierhoff - Giám đốc các đội tuyển quốc gia Đức.

Sau chức vô địch World Cup 2014, người Đức không ngủ quên trên chiến thắng như người ta tưởng. Thất bại tại EURO 2016 và thậm chí là “nỗi nhục” ở World Cup 2018 dường như đều nằm trong hàng trăm giả thiết của ban lãnh đạo DFB và Học viện DFB-Akademie ra đời như một lời tiên đoán về sự thay đổi không thể tránh khỏi, không chỉ của bóng đá Đức mà của cả châu Âu và thế giới Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên DFB tự mình tạo ra làn gió đổi thay.

Ngược về quá khứ cách đây 2 thập niên, sau thất bại bẽ bàng ở EURO 2000 - nơi đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng bảng với vỏn vẹn 1 điểm, DFB đã lập tức thực thi bản kế hoạch phát triển bóng đá mà họ ngó lơ, trì hoãn suốt những năm trước. Đó là thời điểm các học viện bóng đá cơ bản mọc lên ở khắp nước Đức và bắt buộc với các CLB chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của DFB, đến mùa giải 2010-2011, 36 CLB ở Bundesliga và Bundesliga 2 đã có tổng cộng gần 5.500 học viên, cầu thủ từ lứa U12 đến U23. Những học viện được dựng lên từ 10 năm trước chính là nền tảng giúp Đức sản sinh ra thế hệ vàng vô địch World Cup 2014 của những Manuel Neuer, Philipp Lahm, Boateng, Hummels, Schweinsteiger, Toni Kroos, Thomas Muller... và nó cũng là cơ sở giúp người Đức không lo sợ rơi vào cảnh nhân tài như lá mùa thu giống như cuộc khủng hoảng trước đó.

Tobias Haupt là cánh tay phải của Oliver Bierhoff trong các dự án phát triển bóng đá Đức.

Tuy nhiên, trong dòng chảy của bóng đá hiện đại, đào tạo theo số lượng và “đãi cát tìm vàng” không còn là phương pháp thực sự hiệu quả. Sau Đức, người Bỉ cũng có cuộc cách mạng đào tạo trẻ thành công rực rỡ nhưng họ đã chững lại trong vài năm trở lại đây, khi mà những tài năng vượt trội không còn xuất hiện để chờ họ sàng lọc.

Oliver Bierhoff vốn là mẫu cầu thủ chuẩn Đức - một tiền đạo xù xì, không hoa mỹ nhưng đặc biệt hiệu quả. Khi trở thành Giám đốc các đội tuyển quốc gia Đức và được DFB trao trọng trách vực dậy cả nền bóng đá, Bierhoff tiếp cận vấn đề đúng như phong cách thời ông còn thi đấu.

Dự án tương lai

Song song với Học viện DFB-Akademie, DFB cũng triển khai “Dự án tương lai”. Điểm đáng chú ý trong dự án này, người Đức thực hiện kế hoạch 5 năm (2019-2024) cho bóng đá nghiệp dư, chia làm 2 giai đoạn và 8 mục tiêu phụ. Nói cách khác, người Đức đã và đang theo đuổi kế hoạch tổng lực phát triển bóng đá ở mọi cấp độ.

“Chúng tôi đang thiết lập khóa học với Dự án tương lai. Vấn đề nằm ở việc thúc đẩy tài năng. Chúng tôi muốn đặt cầu thủ làm trọng tâm trong các cân nhắc của mình: đá vui hơn, tiếp xúc bóng nhiều hơn và thời gian chơi lâu hơn. Vậy ai có quyền tác động trực tiếp vào cầu thủ? Chỉ có các HLV. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang điều chỉnh việc đào tạo của họ. Các bậc thang giấy phép sẽ giúp các HLV được chuyên môn hóa rõ ràng hơn. Bây giờ, một HLV đội U17 cần có những kỹ năng khác với một HLV chuyên nghiệp. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến điều này trong quá trình phát triển các giảng viên”, Oliver Bierhoff chia sẻ.

DFB-Akademie sẽ là học viện bóng đá hiện đại bậc nhất châu Âu.

Thành công bước đầu của Oliver Bierhoff và các dự án đặc biệt của ông chính là chức vô địch U21 châu Âu của U21 Đức ở mùa hè này. Tất nhiên, với một người cầu toàn như Bierhoff vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, người Đức có thể kỳ vọng vào một thế hệ vàng tiếp theo, dự kiến sẽ trình làng tại EURO 2024.

Chăm lo từng giấc ngủ

Trở lại với đội tuyển Đức hiện tại, những gì đang diễn ra tại EURO 2020 là minh chứng cho các dự án của DFB đang vận hành tốt và đi đúng hướng. DFB-Akademie thực tế không phải nơi sản xuất ra “robot đã bóng” mà thơ mộng hơn, tham vọng hơn.

Quan điểm xuyên suốt DFB-Akademie rất đặc biệt, thậm chí có phần hơi kiêu ngạo: Các giải pháp vượt trội chỉ có thể được tạo ra cùng nhau. Và chúng được gây ra bởi những sai lầm. Người Đức muốn tạo ra thứ văn hóa phát triển bóng đá, không chỉ dừng lại ở việc tập luyện đơn thuần. Họ muốn thứ văn hóa đó thấm nhuần vào tư tưởng của tất cả những ai liên quan, từ HLV thủ môn cho đến chuyên gia y tế, chuyên gia phân tích dữ liệu hay các nhà tâm lý học thể thao.

Một trong những trung tâm được chờ đợi nhất tại DFB-Akademie là trung tâm hiệu suất, nơi các chi tiết được mổ xẻ đến những phần tử nhỏ nhất. Có rất nhiều bản phác thảo điên rồ đang được thử nghiệm tại đó. Liệu có ai ở thời điểm này đã nghĩ đến việc đưa ứng dụng thực tế ảo vào hỗ trợ tập luyện, giúp các các cầu thủ cải thiện hành vi trước khi nhận bóng cũng cảm quan không gian? Hay dự án nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cho từng vị trí cụ thể và tối ưu đào tạo thần kinh cho cầu thủ?

Oliver Bierhoff và cộng sự tham quan công trình DFB-Akademie, dự kiến khánh thành vào cuối năm nay

COVID-19 đã làm đảo lộn bóng đá nhưng nó chỉ thúc đẩy người Đức tiến xa hơn trong các kế hoạch của họ. Trong chia sẻ mới nhất, các chuyên gia hàng đầu của DFB-Akademie  đã nhắc đến tầm quan trọng của giấc ngủ với cầu thủ. Giấc ngủ chính là vũ khí tái tạo mạnh mẽ nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người.

Từ việc thu thập dữ liệu giấc ngủ của từng cầu thủ, các chuyên gia sẽ giúp họ có những cải thiện đáng kể. Họ luôn tin rằng dữ liệu luôn giúp mọi người đưa ra quyết định tốt hơn. Một tuyển thủ Đức cần đi ngủ khi nào, ngủ bao lâu và ngủ mấy giấc trong ngày, tất cả đều được tính toán cụ thể. Đó là những công việc không tên ẩn sau sự trỗi dậy của Đội tuyển Đức trong những ngày này. Đức có thể thua Pháp 0-1 nhưng vẫn đội hình đó, vẫn những con người đó, họ đã có thể vùi dập Bồ Đào Nha với tỷ số 4-2. Câu chuyện đôi khi chỉ đơn giản ở chỗ những Robin Gosens, Kimmich, Gundogan, Kai Havertz... có ngủ đúng cách hay không.

Người hùng thầm lặng Tobias Haupt

Trong khi Oliver Bierhoff là người đứng đầu chịu báng, đồng thời cũng là người đầu tiên tận hưởng hết vinh quang khi DFB-Akademie thành công thì có rất nhiều con người đứng sau ông lầm việc một cách âm thầm. Trong đó, đáng kể nhất là Tobias Haupt - người đứng đầu DFB-Akademie.

Tobias Haupt là một doanh nhân, một nhà quản lý thể thao. Người đàn ông 37 tuổi này được đánh giá là thông minh và có khả năng xoay xở trong mọi hoàn cảnh. Tốt nghiệp ngành quản lý sự kiện và thể thao tại Đại học Quản lý ứng dụng ở Ismaning, Tobias Haupt có những kiến thức chuyên môn rất sâu để áp dụng vào thực tiễn quản lý bóng đá ở Đức.

Ngay khi được bổ nhiệm làm Giám đốc DFB-Akademie vào năm 2018, Tobias Haupt đã chỉ ra vấn đề lớn nhất của bóng đá Đức trong giai đoạn này: cầu thủ thiếu yếu tố con người, các tài năng được phát triển quá đồng đều ở các trung tâm đào tạo trẻ và không có cơn khát thành công.

Để thay đổi điều đó, Tobias Haupt muốn đi vào từng chi tiết nhỏ nhất. Ông phát triển thêm các lĩnh vực kiểm soát căng thẳng, dinh dưỡng, y học, tâm lý học, phân tích trận đấu và thần kinh thể thao.

Bên cạnh việc chăm lo cho DFB-Akademie, Tobias Haupt cũng có tham vọng cải tổ Bundelsiga thông qua việc phát triển bộ máy lãnh đạo các CLB. Tobias Haupt tin rằng chỉ có những nhà lãnh đạo xuất sắc mới giúp phần còn lại của giải đấu đuổi kịp Bayern Munich, qua đó hướng đến việc tranh tài ở châu Âu.

Đơn Ca
.
.