Chấm Xanh cạnh tranh với Vành đai và Con đường
- Một vành đai, một con đường: Kỳ vọng và rủi ro
- Xung quanh dự án “Một Vành đai, Một Con đường” của Trung Quốc
Mạng lưới Chấm xanh hiểu một cách nôm na là chương trình triển khai các dự án hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai bởi Tập đoàn Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) của Mỹ, Bộ Ngoại giao Australia (DFAT) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Mục tiêu của sáng kiến này là xây dựng mạng lưới hợp tác liên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có thể mở rộng ra toàn thế giới. Sáng kiến được công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Bangkok hồi tháng 11.
Theo những nhà sáng lập, điểm khác biệt lớn nhất chính là Mạng lưới Chấm xanh là chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu được thực hiện bởi các doanh nghiệp tư nhân. Các nhà thiết kế chương trình lấy nguyên tắc “minh bạch, bền vững và trách nhiệm xã hội và môi trường” làm nền tảng hoạt động của các dự án trong chương trình.
Đặc biệt, chương trình được cho là sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc cho các tiêu chuẩn tin cậy toàn cầu, không chỉ ở lĩnh vực xây dựng cơ bản mà còn cả trong các lĩnh vực khác như kỹ thuật số, khai khoáng, dịch vụ tài chính, nghiên cứu,...
Thống đốc JBIC Tadashi Maeda cho biết Mạng lưới Chấm xanh là sáng kiến thúc đẩy sự đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cam kết bởi các quốc gia trong nhóm G20. Mạng lưới Chấm xanh được triển khai theo các nguyên tắc về chất lượng dự án đã được các quốc gia cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka về Nguyên tắc thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng và Cam kết G7 tại Charlevoix.
“Đây là một giải pháp đa phương cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói. “Mỗi cái chấm xanh trong mạng lưới mang ý nghĩa là một nơi an toàn cho các công ty tham gia các dự án cơ sở hạ tầng bền vững” - ông Ross nói thêm.
Sơ đồ Mạng lưới Chấm xanh. |
Câu chuyện là Mạng lưới Chấm xanh có thật sự mang lại hiệu quả hợp tác như các nhà sáng lập nó quảng bá hay không?
OPIC cho biết chính quyền Mỹ rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vì thế muốn thông qua sáng kiến Mạng lưới Chấm xanh để thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác đó. Theo thống kê, từ khi ông Donald Trump lên nắm chính quyền, các cơ quan chính phủ của Mỹ đã đầu tư hơn 2,9 tỉ USD để hỗ trợ chiến lược trụ cột kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hoạt động đầu tư này được hậu thuẫn bởi Cục Hợp tác tài chính được thành lập theo Luật Sử dụng tốt hơn nguồn vốn đầu tư cho phát triển (BUILD) ban hành năm 2018. Bên cạnh đó còn có thêm nhiều kế hoạch hợp tác kinh tế liên vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tổng giá trị hơn 60 tỉ USD làm đòn bẩy cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.
Ngoài ra, trao đổi mậu dịch hai chiều giữa Mỹ và vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã tăng gần 6% trong năm 2018, đạt gần 2 nghìn tỉ USD. Tổng giá trị đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) giữa Mỹ và vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2018 tăng 5,9%, đạt 1,6 nghìn tỉ USD, trong đó nguồn đầu tư từ Mỹ chiếm 866 tỉ USD.
Khác với Mạng lưới Chấm xanh, Vành đai và Con đường được “bảo kê” bởi các ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước, chào mời các nước nghèo với các khoản tài chính khuyến khích đầu tư và cho vay rất dễ dàng nhưng với lãi suất khá cao. Chưa hết, sự hợp tác trong Vành đai và Con đường không đặt ra các điều kiện ban đầu nhiêu khê, khó khăn như Mạng lưới Chấm xanh đã đặt ra, từ đó tạo sự hấp dẫn cao hơn nhưng cũng dễ “chết người” hơn.
Nếu so sánh về giá trị đầu tư FDI thì Trung Quốc không sánh bằng Mỹ nhưng quy mô Vành đai và Con đường thì đáng làm cho Washington “ăn không ngon ngủ không yên”. Từ khi được khởi xướng bởi Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2013, đến nay Vành đai và Con đường đã phủ rộng hơn một nửa thế giới, với 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế trên toàn thế giới đã ký các văn bản hợp tác.
Giá trị thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia tham gia Vành đai và Con đường trong giai đoạn 2013-2018 lên đến 6,47 nghìn tỉ USD, đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia Vành đai và Con đường đã vượt 90 tỉ USD.
Peter McCawley, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong các dự án kiểu Vành đai và Con đường một phần là vì trong những năm gần đây Mỹ đã cắt giảm các chương trình tài trợ cho nước ngoài. Mặt khác, chính sách “thoái lui” của Tổng thống Mỹ trên nhiều lĩnh vực cũng đang khiến cho nước Mỹ xa rời nhiều đối tác trước đây họ rất thân.
Chẳng hạn tại ASEAN, việc Tổng thống Trump không trực tiếp tham gia Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN vừa qua đã khiến các nước ASEAN cảm thấy không có lý do gì phải mặn mà với sáng kiến do Mỹ mời gọi. Rồi việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 1-2017 cũng là động thái khiến nhiều nước trong khu vực mất niềm tin vào một sự hợp tác chân thành từ phía Mỹ, như lời đúc kết của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Làm sao ai dám tin tưởng vào anh nữa chứ?”.
Đó là chưa kể Mạng lưới Chấm xanh sẽ rất khó thuyết phục các quốc gia trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cái gọi là “tiêu chuẩn tin cậy toàn cầu” mà sáng kiến này đặt ra cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ai đặt ra các tiêu chuẩn đó? Mỹ chăng? Áp dụng cho ai?
Trung Quốc, Ấn Độ và cả ASEAN chắc khó chấp nhận kiểu tiêu chuẩn áp đặt đó. Đã qua rồi cái thời tiêu chuẩn phương Tây được áp dụng cho toàn thế giới kèm theo các gói tài trợ, viện trợ. Vì thế, nếu nói Mạng lưới Chấm xanh có thể cạnh tranh với Vành đai và Con đường thì còn lâu lắm.