Chiến tranh thương mại đang dẫn kinh tế thế giới tới suy thoái
Thuế - vũ khí mềm gây áp lực cho các công ty đa quốc gia
Theo điều tra và khảo sát của tờ Wall Street Journal, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - cụ thể là việc hai nước bắt đầu áp đợt thuế mới đối với nhau từ ngày 1-9 đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, gây hoang mang cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, làm suy giảm giao thương giữa các nền công nghiệp lớn ở châu Á.
Theo một cuộc khảo sát hằng tháng đối với hơn 670 công ty nhỏ, niềm tin kinh tế của các công ty này ở Mỹ đã giảm trong tháng 8-2019 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11-2012. Tỷ lệ những người cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới đã tăng lên 40%, so với 29% vào tháng 7 và 23% một năm trước.
Cuộc khảo sát các công ty nhỏ ở Mỹ do tổ chức tư vấn Vistage Worldwide Inc thực hiện hồi tháng 8-2019, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhưng trước khi ông yêu cầu các công ty Mỹ bắt đầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc, cho thấy 45% các công ty nhỏ có doanh thu từ 1-20 triệu USD cho biết lời tuyên bố áp thuế của ông Trump sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Nhiều nguyên nhân khiến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khó hạ nhiệt. Ảnh: businesstoday. |
Ông Torben Christensen - Chủ tịch cửa hàng máy móc Wiscon Products Inc nói: “Đây là điều lạ lùng nhất mà tôi từng thấy. Nền kinh tế đang bùng nổ nhưng có nhiều bất trắc mà chủ yếu là do chính sách thương mại”. Để thích nghi, một số công ty cũng phải thực hiện việc di dời địa điểm.
Tuy nhiên, Công ty Remodeez có trụ sở tại Charlotte, bang North Carolina, cho biết, ngay cả khi họ có thể tìm được nơi sản xuất mới, chi phí chuyển đổi sẽ làm suy yếu sự phát triển của công ty bởi họ đã bỏ ra một khoản đầu tư lớn ở Trung Quốc.
Cũng trong xu thế u ám như ở Mỹ, ngày 3-9, Nhật Bản cho biết chi tiêu vốn của các hãng chế tạo nước đã giảm 6,9% trong quý II/2019, mức giảm đầu tiên trong 2 năm do các công ty này đang lao đao với việc xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm gần 2 con số. Hàn Quốc cũng cho biết xuất khẩu của họ sang Trung Quốc đã giảm 21,3% trong tháng 8-2019 so với cùng kỳ năm trước, khiến tổng lượng xuất khẩu giảm 13,6%.
Còn ở châu Âu, sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất xuất hiện rõ rệt nhất ở Đức, cường quốc xuất khẩu của châu lục và là nhà cung cấp máy móc, thiết bị hàng đầu trên thế giới. Theo nhận định của đài CNN, Đức đang đứng bên bờ vực suy thoái kinh tế. Cơ quan thống kê chính phủ báo cáo rằng nền kinh tế Đức giảm 0,1% trong quý II/2019. Ngân hàng Trung ương Đức dự đoán quý III/2019 cũng sẽ sụt giảm. 2 quý liên tiếp sụt giảm tăng trưởng có nghĩa là kinh tế Đức chính thức bước vào suy thoái.
CNN cũng chỉ ra trường hợp của Argentina. Cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà đầu tư bỏ chạy, đồng nội tệ lao dốc. Ngân hàng Trung ương Argentina đã tăng lãi suất để hỗ trợ đồng peso, làm suy giảm tăng trưởng. Trong bối cảnh bất mãn ngày càng sâu sắc, các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp Argentina đang lo ngại rằng ông Macri sẽ mất ghế tổng thống của mình.
Rõ ràng thuế quan đang gây áp lực về chi phí cho các công ty đa quốc gia, buộc họ phải tìm cách bù đắp. Hơn nữa, sự bất định về triển vọng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng khiến lãnh đạo các công ty này khó lên kế hoạch.
Ông Chris Williamson, kinh tế gia trưởng tại IHS Markit nói với Wall Street Journal: “Chiến tranh thương mại và thuế quan vẫn là mối quan tâm lớn nhất của các nhà sản xuất và sự leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu trong tháng 8 đã càng khiến mọi người e ngại rủi ro hơn nữa”.
Người dân Mỹ sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn cho chi tiêu. Ảnh: usatoday. |
Từ suy trầm đến giảm phát
Từ sự cạnh tranh khốc liệt của các nước lớn, rất nhiều vấn đề về kinh tế đang đứng trước nguy cơ. Cả thế giới đang lo ngại hiện tượng suy trầm toàn cầu sẽ tái diễn như hồi năm 2008 với hậu quả tai hại đối với các nước. Tuy nhiên, đằng sau hiện tượng suy trầm còn một mối lo ngại khác là hiện tượng giảm phát khi nhu cầu suy giảm và hàng hóa sụt giá mà vẫn không bán được.
Kể từ năm 2008 tới nay, các nước lo ngại sẽ lại đứng trước hiện tượng tổng suy trầm khi sản lượng của các nền kinh tế lớn - từ Mỹ tới Trung Quốc và các nước châu Âu, dẫn đầu là Đức - đều suy giảm. Tình hình còn đáng ngại hơn vì có thể là nguy cơ giảm phát.
Hiện tượng suy trầm là khi kinh tế có tăng trưởng nhưng chậm hơn. Theo tiêu chuẩn phổ thông tại Mỹ và Anh, suy trầm là khi đà tăng trưởng sụt giảm trong 2 quý liên tục. Khi sản lượng kinh tế giảm đó là hiện tượng suy thoái, nghiêm trọng hơn suy trầm. Khi kinh tế bị suy thoái khá lâu và lan ra nhiều lĩnh vực thì xảy ra khủng hoảng. Từ hiện tượng suy trầm tới suy thoái và khủng hoảng là ba bậc trầm trọng khác nhau. Cách gọi đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các thị trường.
Các chuyên gia nhận định, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bị suy trầm vì đà tăng trưởng sản xuất của nước này ngày càng giảm từ nhiều năm qua. Tiếp đó là nền kinh tế Đức có sản lượng cao nhất châu Âu và các nước Anh, Italy, Tây Ban Nha, Pháp vì lý do nội bộ của họ. Sau cùng là kinh tế Mỹ, tuy chưa bị suy trầm nhưng có khả năng rơi vào hiện tượng này sau 10 năm kinh tế tăng trưởng liên tục từ tháng 7-2009.
Người ta nhận thấy thị trường trái phiếu có dấu hiệu dự báo kinh tế có thể bị suy trầm trong vòng một hay hai năm tới. Hiện tượng đó đã xảy ra tại Mỹ cho nên người ta mới báo động nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ bị suy trầm vào năm tới. Trong khi đó, vấn đề của kinh tế Mỹ không nằm trong tỷ lệ thất nghiệp là 3,7%, mức thấp nhất từ mấy chục năm qua, mà ở việc nhiều người nản chí không muốn kiếm việc nữa nên không khai báo họ đang thất nghiệp.
Thứ tư, kinh tế toàn cầu nguy cơ giảm phát vì tổng cầu bị sụt giảm. Giảm phát là khi hàng hóa đều hạ giá mà vẫn bán không chạy, với hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế bị suy thoái. Trước hết, các nước nói chung đều muốn xuất khẩu nhiều hơn.
Khi kinh tế toàn cầu bị suy trầm vì cùng một nguyên nhân thì người ta còn dễ tìm ra giải pháp, nhưng khi các nền kinh tế lớn đều có thể bị suy trầm cùng lúc vì lý do riêng thì chính giải pháp của từng nước lại gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Suy trầm, suy giảm và suy thoái sẽ làm cho các cửa hàng vắng khách. Ảnh: alamy. |
Cuộc cạnh tranh nước lớn
Giải thích về nguyên nhân, ông Trump đã bác bỏ quan điểm cho rằng các chính sách thương mại của ông đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đài CNN lại cho rằng chính sách thương mại của ông Trump mới là nguồn gốc cho sự suy giảm nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Trên toàn cầu, các quốc gia đang cắt giảm dự báo tăng trưởng và cho rằng tranh chấp Mỹ - Trung là nguyên nhân chính. Đó là lý do vì sao tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp, các thành viên của nhóm đã lên tiếng chống lại việc phát động chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thẳng thừng nói về “những tranh chấp vô nghĩa”, cảnh báo rằng “chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy thoái”. Và sau suy thoái, điều mà nhiều người lo ngại nhất là cuộc cạnh tranh nước lớn đã quay trở lại và thế giới phải tính đến những hậu quả của nó trên nhiều mặt trận.
Chẳng hạn, kỷ nguyên cạnh tranh mới này sẽ tạo ra một sự thay đổi sâu sắc trong những cách tiếp cận thông tin chiến lược của các nhân tố toàn cầu. Lập trường đúng đắn là chìa khóa cho sự thành công trong kỷ nguyên của sự cạnh tranh nước lớn.
Phân tích những “tiêu chuẩn mới” về thông tin chiến lược. Có một số khía cạnh đằng sau một cuộc biến động. Thứ nhất, những gì từng được công nhận từ cách đây 10 hay 20 năm đều không còn là một quân bài quyết định chiến thắng. Đặc biệt, tầm quan trọng lớn hơn sẽ đặt vào việc giành được uy tín đạo đức hoặc là tự thân có được hoặc là tương phản với một đối thủ hay kẻ thù của mình. Giành được ưu thế về đạo đức là một trong những phương thức chắc chắn để đẩy kẻ địch của mình vào thế phải phòng thủ và làm họ bị gia tăng nguy cơ mắc phải những sai lầm.
Tính chất dễ bị tổn thương, vốn sẽ kích động sự giận dữ trong công chúng toàn cầu hay các "mớ bòng bong" hành động, từ lâu đã là một phần trong bộ công cụ của các nhân tố toàn cầu, song sự cân bằng cuộc chơi sẽ buộc họ phải trở nên sáng tạo và có sức thuyết phục hơn. Chúng ta đã chứng kiến những chiến thuật này trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà trong đó Trung Quốc cùng các công ty và các kế hoạch chiến lược của mình ở vào thế phòng thủ.
Thứ hai, tâm lý “chọn bên nào”. Thời đại của những lựa chọn dồi dào hiện không còn. Và hậu quả trực tiếp nhất là gì? Sẽ không còn những danh sách lựa chọn trong các vấn đề an ninh, thương mại hay rộng hơn là kinh tế. Những nỗ lực để một bên nào đó có thể đa dạng các đồng minh sẽ khó có thể thực hiện được, đồng thời sẽ gây ra những nghi ngờ và mất niềm tin lẫn nhau.
Sẽ không còn những nhượng bộ và “những bữa ăn miễn phí”. Sự đoàn kết và trách nhiệm sẽ luôn được thử thách trên nền tảng một quy tắc đơn giản: “Hãy đứng về phía tôi nếu bạn muốn tôi cũng đứng về phía bạn”.
Với lập trường cứng rắn đối với các đối tác NATO của Mỹ rằng sẽ không chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, Tổng thống Donald Trump là người báo hiệu mới nhất về kỷ nguyên mới này. Cụ thể, áp lực sẽ chỉ gia tăng với Đức để nước này củng cố bổn phận quân sự của mình và chấm dứt những thỏa thuận năng lượng của họ với Nga.
Trong tương lai, các nước Đông Âu có khả năng sẽ bị buộc phải xem xét sự tham gia của mình vào Sáng kiến “Vành đai và Con đường” qua những lăng kính “đứng về bên nào”: an ninh với Mỹ hay những cơ sở hạ tầng giá rẻ với Trung Quốc.
Thứ ba, không cần phải quan sát nhiều về sự toàn cầu hóa gia tăng và một lập trường cứng rắn hơn trong các thị trường toàn cầu. Những gì có vẻ ít được biết đến gắn liền với những hệ quả chính trị và kinh tế từ những căng thẳng chính trị, với tác động đặc biệt thể hiện trong sự tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu. Các cuộc đấu tranh đã bắt đầu và các thị trường toàn cầu trở thành sân khấu cho những cuộc đối đầu giữa các siêu cường.
Thứ tư, “lý do chính trị” đã quay trở lại. Thời thế đã thay đổi, và lợi ích quốc gia đã trở lại vị trí hàng đầu trong hoạt động chính trị. Những sự trao đổi kinh tế thông thường có thể bị chệch hướng bởi những lợi ích quốc gia lớn hơn sau những thay đổi ở trong những quốc gia có nguồn gốc là một nhân tố toàn cầu. Một ví dụ là quyết định của Chính phủ Pháp không chuyển giao các tàu lớp Mistral cho Nga.
Với thực tế là Pháp muốn được thừa nhận là một đối tác trung thành trong NATO và EU và muốn trừng phạt Nga, việc xử lý vấn đề này đã vượt lên trên các tính toán về kinh tế. Và hình mẫu này sẽ được nhiều nước khác noi gương trong những năm tới đây. Thứ năm, cuộc chiến thông tin là một chuẩn mực mới, cả trong và ngoài mạng. Định hướng là rất rõ ràng, ít nhất là trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Những đặc tính được thể hiện ra chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Tuy nhiên, dựa vào những xu hướng được mô tả như trên, những biến đổi này sẽ cụ thể hóa trong một hình thức thông tin chiến lược mới, cái mà chúng ta có thể gọi là “câu chuyện cạnh tranh”.