Chính sách cho nghệ nhân văn hóa phi vật thể: Cần một lộ trình dài hơi…

Thứ Hai, 14/09/2015, 19:25
Như chúng tôi đã phản ánh ở những số báo trước, các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã và đang chịu nhiều thiệt thòi trong đời sống cơm, áo, gạo, tiền. Trong tháng 9 này, sẽ diễn ra lễ phong tặng Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cho 618 nghệ nhân trên cả nước sẽ là một trong những điều vinh dự tự hào để họ có niềm tin vào một con đường sáng trong tương lai.

Nói như giáo sư Trần Lâm Biền: “Được phong Nghệ nhân ưu tú là được thêm một công cụ để hành nghề và tôi tin sắp tới họ sẽ có đường đi riêng của mình. Bởi vì cuộc sống không có phi vật thể, không có ca múa nhạc, không có những thứ cho tâm hồn sảng khoái thì không đẹp đẽ lắm. Tất cả những phi vật thể ở một lĩnh vực nào đó, thì nó là gia vị đấy, mà không có gia vị thì cơm và thức ăn chẳng có nghĩa lý gì cả. Xưa nay họ đã làm tròn vai trò ấy, thì nay phong tặng danh hiệu và cơ chế sẽ giúp họ năng động, tích cực và đắm chìm với nghề nghiệp của mình hơn”.

Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục di sản: Nhiều chính sách cho nghệ nhân sẽ được thực thi

Thực trạng những khó khăn của đời sống các nghệ nhân thì chúng tôi đều biết và tất cả những người làm về di sản văn hóa đều biết, đều hiểu và đồng cảm, song điều này cũng không phải ngay lập tức nói thực hiện chính sách cho nghệ nhân là làm ngay được. Nó là cả một lộ trình và có sự thống nhất, đồng bộ của nhiều bộ, ban ngành từ địa phương đến Trung ương.

Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong thời gian qua, Vụ Thi đua khen thưởng đã hoàn tất hồ sơ trình lên Chủ tịch nước và quyết định sẽ có trong tháng 9 này công nhận và trao cho 618 cá nhân là NNƯT. Trong danh sách 618 hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất - năm 2015, tỉnh Kon Tum có 43 nghệ nhân; Hà Nội và Nghệ An có 39 nghệ nhân; Vĩnh Long có 24 nghệ nhân; Đắk Nông có 21 nghệ nhân; Phú Thọ, Quảng Ninh mỗi tỉnh có 19 nghệ nhân; Thanh Hóa, Bình Định: 18 nghệ nhân/ tỉnh; Bắc Giang: 17 nghệ nhân; TP HCM, Hải Dương: 16 nghệ nhân/ địa phương; Gia Lai, Hưng Yên mỗi tỉnh có 15 nghệ nhân.

Theo như Nghị định phong tặng nghệ nhân thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được giao xây dựng chính sách cho các nghệ nhân, và hiện đang xây dựng và lấy ý kiến của các bộ ngành, cơ quan để thực thi, hỗ trợ cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong quy định chung của Nhà nước. Bảo tồn di sản phi vật thệ gắn với các cộng đồng dân cư, các loại hình biểu diễn vì thế các cơ quan của Bộ cũng như các cơ quan nghiên cứu vẫn làm việc của mình.

Viện Nghiên cứu âm nhạc thì được giao để sưu tầm và tổ chức liên hoan hàng năm. Tại Hà Nội thì Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cũng quản lý hiệu quả, tạo điều kiện biểu diễn cho các nhóm, các đoàn tham gia biểu diễn văn hóa phi vật thể cho cộng đồng dân cư thưởng thức. Bên cạnh các quy định chung thì chúng tôi cũng khuyến khích các tỉnh có chính sách riêng, chẳng hạn như Bắc Ninh có chế độ đãi ngộ riêng cho nghệ nhân hát chèo, Phú Thọ cũng có chính sách cho hát xoan, ở Tây Nguyên thì một số cá nhân thành lập nhóm riêng để hỗ trợ cho các nghệ nhân cồng chiêng, góp quỹ hảo tâm để chăm nom và giữ gìn tốt hơn di sản...

Trong những tháng cuối năm, sẽ có nhiều chính sách về nghệ nhân cũng như về văn hóa phi vật thể được thực thi, chúng tôi mong rằng sẽ được sự đồng thuận của đông đảo nghệ nhân cũng như cộng đồng, để những nghệ nhân bớt đi những khó khăn để giữ lửa cho các loại hình văn hóa dân gian của dân tộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Trần Lâm Biền: Vạn sự khởi đầu nan

Sắp tới sẽ diễn ra lễ vinh danh NNƯT cho hơn 600 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, đây là điều hết sức vui mừng đối với các nghệ nhân. Trên thực tế đây là một bằng chứng nhận về năng lực, nó không chỉ là sự cần thiết đối với nghệ nhân mà là sự mong mỏi thống thiết. Một điều may mắn cho văn hóa phi vật thể là thời gian qua Bộ Công thương đã đưa ra một chính sách khá tốt cho các ngành nghề thủ công mỹ nghệ và văn hóa vật thể này đã sống rất tốt từ dăm năm trước, với tính chất của họ vừa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước nhưng lại gắn với việc xuất khẩu ra nước ngoài.

Rõ ràng rằng, những hoạt động của Bộ Công thương ít nhiều hé cửa về kinh phí và điều kiện cho ngành Văn hóa hoạt động. Trước đó Hội Văn nghệ dân gian cũng đã phong tặng Nghệ nhân dân gian, nhưng không đáp ứng yêu cầu của nghệ nhân vì hội là dân giã, là phong trào còn danh hiệu NNƯT và nhân dân lại mang tầm vóc của nhà nước.

Phong đợt thứ nhất này là vạn sự khởi đầu nan, bao nhiêu cái ấm ức hay nén lại của bao lâu nay sẽ được giải quyết về cơ bản, chứ không bao giờ giải quyết rốt ráo được hết, nhưng trước hết là với những người nghệ nhân đã có tên tuổi bao nhiêu năm nay. Người nào đã khuất thì chịu, còn người còn sống thì phong lần này có tích cực đáp ứng yêu cầu tình cảm của họ. Còn với người trẻ tuổi thì đó là nguồn động viên để họ yêu qúy nghề nghiệp một cách thực sự, sẽ đắm chìm với cái nghiệp của mình hơn và cũng là đáp ứng được những khúc mắc của xã hội, đáp ứng được tất cả những người làm phi vật thể của xã hội.

Từ xưa đến nay, người Việt Nam chúng ta thường coi trọng cái danh. Cái danh ngoài danh vọng còn là danh dự, bởi khi được phong họ sẽ có cái danh dự và có thể chết vì cái danh dự ấy. Chẳng hạn  nếu tôi là một ông thầy, khi được phong NNƯT thì nhất định nó như một cái bằng đảm bảo cho họ năng động hơn trong vấn đề truyền dạy và rõ ràng là nó gắn với vấn đề kinh tế thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi để ý nghệ nhân bên văn hóa vật thể ở Bộ Công thương sau khi được phong thì được đặt hàng mạnh hơn và tin tưởng hơn. Nghề nào nghiệp ấy, khi đã có một chính sách, một quy định thì tôi tin là họ có cách đi của họ. Còn Nhà nước chỉ có thể động viên tinh thần và có thể có một phần tài trợ. Có thể nó là khởi đầu cũng có thể thường xuyên, nhiều khi cũng phải được xem xét theo từng hoàn cảnh chứ không nhất thiết là đồng loạt.

Nói gì thì nói, từ xưa đến nay văn hóa phi vật thể đã tồn tại xuyên thời gian, vì thế họ có cách sống được với nghề thì vẫn thế thôi chứ không ngồi đó chờ đợi cơ chế chính sách. Khổ cũng đã khổ quen rồi, nghèo hay vất vả cũng đã quen rồi. Nay Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho cần câu để câu cá chứ không phải móc con cá vào lưỡi câu của anh. Người nghệ nhân nào không vận động, lười biếng, chỉ bằng lòng với danh nghĩa thì sẽ bị đào thải, sự phát triển và đào thải là tất yếu. Cho nên theo tôi, chỉ cho họ con đường đi, và trên con đường đó, họ phải biết vận động để phù hợp với xu thế của thời đại...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Hãy cho các nghệ nhân một điểm tựa

Phải nói rằng phải bảo vệ văn hóa phi vật thể thì không thể tách khỏi việc bảo vệ con người, tức là bảo vệ các nghệ nhân. Tôn vinh nghệ nhân là cách để tạo cho họ sự tôn vinh trước cộng đồng, đó không phải là yếu tố quyết định, nhưng là cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta.

Bản thân tôi, việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi các nghệ nhân tôi đã nói nhiều trong các cuộc hội thảo, hội nghị, gặp các cấp lãnh đạo tôi cũng kêu nhiều, nhưng việc thực hiện chính sách quả là rất nhiều thủ tục, phụ thuộc vào nhiều con người, mà những người có quyền đưa ra những cái nền tảng ban đầu để bảo vệ và tôn vinh các nghệ nhân ở từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì không phải ai cũng nhiệt tình và hết lòng vì một nền văn hóa phi vật thể.

Trong khi đó, nếu không tôn vinh nghệ nhân thì bản thân di sản văn hóa phi vật thể đó cũng vô nghĩa. Tôi có dịp đi và tìm hiểu một số cách bảo tồn văn hóa phi vật thể của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, họ coi văn hóa phi vật thể, mà đại diện là các nghệ nhân không khác gì các báu vật dân gian sống, có một chế độ cao hơn hẳn những ngành nghề khác trong xã hội thì lại không được UNESCO công nhận vì họ cho rằng như thế là không bình đẳng, và tạo ra sự khác biệt quá lớn.

Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể.

Ngược lại, chúng ta thì mãi sắp tới đây mới có một nguồn động viên cho các nghệ nhân trong suốt hàng chục năm qua, là phong tặng danh hiệu NNƯT cho 618 nghệ nhân, việc phong tặng tuy muộn nhưng nó sẽ là nguồn động viên lớn trong việc giữ gìn và phát huy văn hóa phi vật thể.

Tôi chỉ nói đó là một nguồn động viên lớn thôi chứ để thay đổi đời sống cho họ thì khó. Bởi vì theo thông tin tôi được biết thì đợt phong tặng này mỗi nghệ nhân được kèm theo 10 triệu đồng. Số tiền này không phải là ít. Song bảo vệ di sản không cứ phải là cho họ ít tiền trước mắt, mà vấn đề là  sau khi được phong tặng các nghệ nhân sẽ sống thế nào, hoạt động ra làm sao, các chế độ chính sách tiếp theo sẽ là gì. Tôi có đề xuất trong các cuộc họp là Nhà nước nên cấp cho họ thẻ bảo hiểm y tế và nếu được thì mỗi tháng cho một khoản tiền nào đó để coi như đồng lương để họ tiếp tục làm nghề.

Tôi được biết, việc phong tặng NNND, NNƯT sẽ diễn ra thường kỳ 2 hoặc 3 năm gì đó, cũng sẽ là một động lực lớn cho những người đam mê và hy sinh cho văn hóa phi vật thể. Bởi vì tôi biết rằng, đợt đầu tiên nhiều địa phương đã làm chậm và dẫn đến việc khi gửi hồ sơ thì đã muộn mất rồi. Đành phải chịu. Đối với chúng ta thì ý thức và tri thức bảo vệ văn hóa phi vật thể là điều không phải ai cũng làm được, và làm chưa chắc đã tốt, nên có những lúc đâm ra thành phá hoại văn hóa phi vật thể. Khi làm về di sản, trình độ không phải ai cũng có, bảo vệ di sản phải có tri thức chứ nhiệt tình thôi không chưa đủ. Tôi mong rằng, qua năm nay, với những chuyển biến về chính sách, đời sống của các nghệ nhân sẽ ấm no hơn, để bảo vệ các di sản phi vật thể tốt hơn. 

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.