Cuộc chạy đua “đổ tiền” vào châu Phi

Thứ Ba, 11/08/2020, 11:45
Châu Phi đang cho thấy một hướng đi và tiếp cận hoàn toàn mới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Khi nhiều chính phủ phải đóng cửa biên giới và rút khỏi chủ nghĩa đa phương cũng như thực hiện các chính sách bảo hộ và hạn chế thương mại thì các nước châu Phi lại tiếp cận vấn đề theo góc độ khác.

EU - đối tác “lực bất tòng tâm”?

Lục địa Đen đang thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thông qua hợp tác và phối hợp giữa các quốc gia, để tránh để quá lệ thuộc vào một đối tác nào đó, châu Phi cũng sẵn sàng mở rộng vòng tay hợp tác để “cạnh tranh lành mạnh” và châu Phi là bên hưởng lợi hơn cả.

EU vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi, một đối tác “thân thiện” và “an toàn” với châu Phi về mọi khía cạnh. Mặc dù tốc độ hợp tác có thể chưa theo kịp Bắc Kinh, song Brussels dường như vẫn giữ ưu thế trong cuộc đua này, một phần do EU cố gắng điều chỉnh các công cụ tài chính để thực hiện chính sách hành động đối ngoại của Cộng đồng châu Âu.

Năm 2018, EU đã cung cấp hơn 74 tỷ euro từ tất cả các cơ chế và các quốc gia thành viên - chiếm 57% tổng số vốn đầu tư hợp tác tại châu Phi, trong khi Trung Quốc chỉ có 10%. Tuy nhiên, rất ít người nhận thức được sự khác biệt này. Dựa trên đề nghị tháng 12-2019 của Ủy ban Thông thái (Committee of the Wise) với mục tiêu thúc đẩy sự gắn kết và tạo mối quan hệ hợp tác mới với châu Phi, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua đề xuất được đưa ra trước đó vào tháng 6-2018 để hợp nhất nhóm các công cụ tài chính trong hợp tác với bên ngoài.

Nếu nguyên tắc này được phê chuẩn tại các cuộc đàm phán đang diễn ra về ngân sách Cộng đồng châu Âu giai đoạn 2021-2027, Công cụ hợp tác quốc tế, phát triển và láng giềng (NDICI) mới này sẽ có nguồn vốn trị giá 32 tỷ euro dành cho khu vực phía Nam Sahara châu Phi, cộng thêm 22 tỷ euro cho chính sách láng giềng giữa hai lục địa được thông qua nhằm giải quyết những quan ngại ở Bắc Phi.

Bên cạnh đó, theo chương trình, Hội nghị thượng đỉnh EU-AU lần thứ 6 sẽ được tổ chức vào tháng 10 nhằm tái định hình mối quan hệ đối tác mới giữa châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị tác động bởi dịch COVID-19. Theo kế hoạch năm 2020, EU đã và đang hoạch định nội dung về quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế và văn hóa với châu Phi.

Một Ủy ban châu Âu mới đã đi vào hoạt động từ ngày 1-12-2019 và một tuần sau đó, tân Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã đến thăm Addis-Ababa (Thủ đô Ethiopia), phát đi tín hiệu về tầm quan trọng của châu Phi tới người đồng cấp của bà - Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki.

EU luôn có một “bầu trời tham vọng” nhưng liên minh này đang không được “khỏe” như trước. EU đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề sau Brexit và từ khi COVID-19 ập tới. Các cuộc họp theo kế hoạch lần lượt bị hủy bỏ và mặc dù số lượng các cuộc hội thảo trực tuyến tăng lên nhưng một nhà đàm phán của châu Phi cho biết các cuộc thảo luận không đạt được tiến triển đáng kể.

Tình hình không mấy lạc quan đến mức ngay cả các quan chức của cả EU và AU phải tự hỏi “liệu có thực sự cần thiết phải tổ chức một hội nghị thượng đỉnh chỉ có giá trị biểu tượng không”.

Châu Phi hoàn toàn có cớ để tỏ ra ngần ngại về những dự định của EU. Không thể kiên nhẫn để chờ đợi mối quan hệ đối tác cân bằng mà châu Âu đã hứa hẹn trong nhiều năm, châu Phi có thể tìm kiếm các cơ hội khác.

EU đang muốn đổ tiền vào châu Phi nhưng vẫn có nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Cuộc đua Mỹ-Trung tại Lục địa Đen

Một đối tác “hào phóng” nhất với châu Phi phải kể đến Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc với châu Phi đang được thúc đẩy bởi sáng kiến Vành đai - Con đường, với các khoản tiền được rót cho xây dựng đường sá, nhà máy thủy điện và đường sắt trên khắp lục địa. Trung Quốc đã đầu tư hơn 72 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào châu Phi trong giai đoạn 2014-2018, qua đó trở thành quốc gia có số vốn FDI lớn nhất vào lục địa này.

Cũng trong giai đoạn trên, ngoài đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thực hiện việc đa dạng hóa dòng vốn FDI vào nhiều lĩnh vực khác bao gồm bán lẻ, truyền thông và du lịch-khách sạn.

Gần đây, không để Trung Quốc và EU thay nhau “làm mưa làm gió” ở châu Phi. Mỹ đã bắt đầu có những động thái tăng cường đầu tư tại khu vực này. Ở miền Bắc Mozambique, Mỹ đang đầu tư một dự án khí hóa lỏng tự nhiên quy mô lớn, tiềm năng mở ra một mặt trận cạnh tranh mới với Trung Quốc ở châu Phi. Năm 2010, thương mại 2 chiều Trung Quốc - châu Phi đạt 208,7 tỷ USD, theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong khi kim ngạch Mỹ - châu Phi dừng ở 56,9 tỷ USD, theo số liệu của Mỹ.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Exim) vừa chấp thuận cung cấp 4,7 tỷ USD, khoản vay trực tiếp lớn nhất trong lịch sử ngân hàng này ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhằm xây một nhà máy khí hóa lỏng (LNG) trên bán đảo Afungi của Mozambique. Điều kiện cho vay là sự bảo đảm việc cung cấp các thiết bị của Mỹ sẽ được dùng bởi hãng dầu khí Total của Pháp để khai thác LNG. Nga và Trung Quốc cũng quan tâm đến việc đầu tư cho dự án ở quốc gia thuộc phía Nam châu Phi này.

Theo ông Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng và chuyên gia phân tích về các thị trường mới nổi của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital của Nga, Mỹ đang nghiêm túc hơn ở châu Phi vì cạnh tranh với Trung Quốc. Và châu Phi có thể là bên hưởng lợi nhiều nhất.

Mark Bohlund, nhà kinh tế học làm việc tại hãng tư vấn Zitamar, trụ sở ở Mozambique, cho rằng sự trở lại của Exim Bank Mỹ là phản ứng với sự mở rộng của các doanh nghiệp Trung Quốc trên khắp thế giới nhờ tiền của Exim Bank Trung Quốc. Bohlund cho rằng Mỹ đang cố gắng cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi và cái mà phương Tây gọi là ngoại giao “bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.