Đau đáu sơn mài Việt

Thứ Ba, 07/04/2020, 15:56
Tranh sơn mài Việt từng chinh phục năm châu bốn biển đang đứng trước những thách thức gì trước xu hướng thương mại hóa nghệ thuật?

Một biểu tượng của hội họa Việt Nam chính là tranh sơn mài - dòng nghệ thuật đặc biệt từ biểu cảm tới chất liệu sáng tác. Từ chất liệu sử dụng trong trang trí đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, dưới bàn tay tài hoa của bao thế hệ họa sĩ Việt Nam, nhựa cây sơn đã trở thành một chất liệu độc đáo trong nghệ thuật tạo hình. Tranh sơn mài Việt từng chinh phục năm châu bốn biển đang đứng trước những thách thức gì trước xu hướng thương mại hóa nghệ thuật? 

Cây “sơn ta” kể chuyện

Với tôi, hội họa là địa hạt mà vốn hiểu biết ở mức khiêm tốn nhất. Bởi vậy, những điều mà họa sĩ Nguyễn Quang Huy (Hà Nội) nói về vị trí của cây sơn ta trong nền mỹ thuật Việt, gắn với “thương hiệu” tranh sơn mài Việt nức tiếng xa gần, khiến tôi “mắt tròn, mắt dẹt”, rồi bước vào không gian của những câu chuyện lạ đã diễn ra trong “thế giới của hình và sắc”.

Làm vóc sơn mài (nguồn: mythuatms.com).

“Cây sơn ta là một loại cây cho nhựa, được trồng nhiều ở các vùng bán sơn địa ở khắp châu Á, không chỉ riêng ở Việt Nam. Nhưng không một dân tộc nào lại có lịch sử văn hóa liên quan tới sơn và cây sơn như dân tộc Việt. Loài cây này đã làm nên một “thương hiệu” riêng có của người Việt bởi những ứng dụng tuyệt vời trong hội họa” - họa sĩ Huy bắt đầu câu chuyện từ loài cây mang đến những giá trị to lớn trong mỹ thuật Việt Nam. 

Ông cho biết cây sơn ta chủ yếu được trồng ở các tỉnh trung du phía Bắc và cũng chính tại nơi đây việc sử dụng sản phẩm nhựa trong đời sống thường nhật đã có truyền thống lâu đời, thể hiện qua các di vật, di chỉ khảo cổ. Người xưa đã sử dụng sơn ta vào vô số công việc nhưng đáng kể nhất là dùng để trang trí đồ thủ công mỹ nghệ.

Mỹ thuật Phật giáo Việt Nam cũng không tách rời chất liệu này. Tại chùa Dâu (Bắc Ninh), ngôi chùa được xây dựng thế kỷ thứ 2, vẫn còn lưu giữ các bức tượng Phật ở nhiều triều đại lịch sử khác nhau được sơn son thếp vàng. 

Các cụ ta đã sáng tạo ra nhiều kỹ thuật độc đáo, như lấy sơn ta trộn với tru sa, son nhì, hoàng sa, vỏ trứng... tạo thành họa phẩm đa sắc để trang trí bên ngoài các sản phẩm điêu khắc, chạm trổ. Trong đình, chùa, hầu hết tượng Phật, tượng Thần được người xưa sử dụng kỹ thuật “hom bó”, với chất liệu bao gồm đất phù sa sông trộn với nhựa cây sơn, kỹ thuật thếp vàng, thếp bạc, phủ sơn, phủ then... Kỹ thuật mài bóng, sau khi thếp nhiều nước và để khô trong điều kiện ẩm là một đặc tính riêng có của sơn mài Việt.

Tuy nhiên, để cây sơn ta “kể chuyện” - nghĩa là chất liệu này được sử dụng độc lập, với toàn bộ tính biểu cảm của nó trong hội họa, trở thành một trường phái riêng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, phải kể tới đóng góp của nữ họa sĩ người Pháp tên là Alix Ayme - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương trong những năm 1924 - 1926 của thế kỷ 20. 

Bà là người tiên phong trong việc tìm tòi nghiên cứu và sử dụng chất liệu sơn ta tại các sáng tác của mình. Với niềm đam mê mãnh liệt và bền bỉ với một chất liệu truyền thống của người Việt, bà đã “tầm sư học đạo” và được một giáo viên dạy nghề người Nhật sống tại Hà Nội truyền cho các kỹ thuật căn bản. Sau đó bà tiếp tục học hỏi, kế thừa các kỹ thuật thủ công truyền thống về sơn ta của Việt Nam. Với kiến thức đã tích lũy được, bà bắt đầu các thử nghiệm với nhựa cây sơn, mong muốn nâng chất liệu này lên thành một sự kết hợp với lối tạo hình cũng như các biểu cảm chất liệu của hội họa phương Tây.

Một cuộc triển lãm tranh sơn mài.

Trong các sáng tác của mình, Alix Amye chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách nghệ thuật Narbi đang thịnh hành tại Pháp khi đó. Nhưng với cảnh sắc, cuộc sống cũng như các ảnh hưởng về đời sống của Đông Dương lúc bấy giờ, tranh của bà pha trộn nhiều ảnh hưởng của tính trang trí châu Á, màu sắc và hòa sắc được nghiên cứu diễn tả với đặc điểm của xứ Đông Dương nhiệt đới gió mùa. Ngay khi trình làng, tranh sơn mài của Alix Amye đã nhận được sự quan tâm, thích thú của giới chuyên môn. Đồng thời, đánh dấu mốc cho hành trình vận động của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, sơn mài Việt vẫn đang trong cuộc vận động sáng tạo.

Họa sĩ Đào Hoàng Long (Yên Bái) - một “tín đồ” của dòng tranh này cho biết, thế hệ thứ hai các nghệ sĩ sáng tạo vẽ với sơn mài là các học trò kế cận của bà Alix Amye như họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Dương Bích Liên, Phan Kế An, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Sáng, Trần Đình Thọ và nhất là Nguyễn Tư Nghiêm. 

Các sáng tác của các thế hệ họa sĩ này đã nâng sơn mài trở thành một dòng nghệ thuật rất đặc biệt của Việt Nam. Nếu như những kỹ thuật được phát triển bởi họa sĩ Alix Amye vẫn sơ khai với lối tạo hình phương Tây, dù các hình tượng hay các chi tiết trong tranh của bà là thuộc về châu Á, thì đến “đời” các nghệ sĩ Việt về sau, với sự thăng hoa của truyền thống, sơn mài mới đạt được tính biểu cảm lộng lẫy, sâu sắc và hư ảo, ước lệ.

Trước đó, với chất liệu chỉ trong vài sắc màu cố hữu, sơn mài tương đối bị hạn hữu về biểu cảm, nặng và tối. Các tác phẩm sơn mài thời kỳ từ 1945 tới 1975 của nghệ sĩ Việt Nam thực sự đa dạng về nội hàm biểu cảm và phong phú về nội dung cũng như phong cách sáng tác. 

Có họa sĩ vẽ lối diễn thực kiểu phương Tây, có họa sĩ vẽ lối ước lệ, khái quát đậm chất châu Á. Lại có họa sĩ như Nguyễn Gia Trí đẩy sơn mài lên một bậc biểu cảm mới với lối vẽ hòa quện, hình thể và chất biểu cảm lộng lẫy, lúc hiệu hữu, lúc nhòa mờ, lấp lánh, tung tẩy vô cùng. 

Trong khi đó, tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Sáng thâm diễn với một chiều kích lớn, tạo hình mạnh mẽ với các màu mới như lam, vàng tím lục. Tác phẩm sơn mài của Nguyễn Sáng chứa đựng tầm vóc, với nội dung mạnh mẽ của thời đại. 

Lối vẽ sơn đắp, cổ xưa trong truyền thống sơn ta của họa sĩ Nguyễn Khang lại mang lại tính dân tộc nhưng ở biểu hiện vàng son lộng lẫy. Màu sơn mài của Nguyễn Tư Nghiêm tự do, ấm và biến ảo nhiều cung bậc. Họa tiết và lối bố cục chắt lọc trong tranh họa sĩ này tạo ra sự hòa quện, tan ra khúc chiết của sơn mài, cho thấy tính biểu cảm sâu, tinh tế mà sơn mài Việt Nam tạo được.

Thăng hoa sơn mài Việt

Từ năm 1986 tới nay, rất nhiều thử nghiệm thực hành biểu hiện được khai thác, gắn với tên tuổi một thế hệ họa sĩ sơn mài mới, như Nguyễn Thành, Lê Quốc Huy, Nguyễn Cường, Lê Tiến Lợi, Nguyễn Quang, Lý Trực Sơn hay Đinh Quân, Thành Chương, Trịnh Tuân, Công Quốc Hà... Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội trở thành hai trường có khoa sơn mài riêng biệt, được coi như một khoa cơ sở học tập nghiên cứu.

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

Kỹ thuật sơn mài của thập niên 90 với nhiều sáng kiến, thay đổi để tạo nên một diện mạo sơn mài mới, cũng là cách mà các thế hệ nghệ sĩ trẻ thời này khẳng định mình. Sơn mài được đắp bồi, gồ lên, phá tính chìm, bóng, sâu vốn là nét đặc trưng của sơn mài truyền thống. Đắp phá, cào nát và để bề mặt thô ráp ở sơn mài của Vũ Thăng một thời là mốt, hay được các nhà cách tân nhận định là tiên phong. 

Không mài trở thành một phát kiến mới trong sáng tạo để tạo nên một bề mặt mạnh; đổ rót, vẽ sơn ta trên toan, trên tấm nhôm hay tấm composite... là những sáng kiến trong sáng tạo của tranh sơn mài hiện đại. Các kỹ thuật này có vẻ là sáng kiến để nhằm "lật ngược" phủ định tính truyền thống biểu cảm của sơn mài Việt Nam, nhiều hơn là mang tính nội hàm biểu cảm của nghệ thuật cá nhân. Nó phá vỡ một đặc điểm vô cùng đặc biệt đó là mài sơn.

Kỹ thuật vẽ sơn mài do Alix Amye phát triển là sự kết hợp của truyền thống sơn ta Việt và kỹ thuật trộn rắc vàng của sơn mài Nhật. Nhưng, kỹ thuật mài đứt các lớp màu lại mang lại sự hòa quyện, nhuần nhị về màu, các lớp màu rung cảm. Tất cả sau đó ánh lên dưới một bề mặt bóng dịu và phẳng, mang lại sự sâu sắc khó diễn tả của chất liệu. \

Khác biệt của các sáng tác thời kỳ này so với dòng tranh sơn mài giai đoạn từ 1926 tới 1980 ở chỗ: nếu như trước đây kỹ thuật chủ yếu vào lối vẽ "chôn màu" nhiều lớp và mài đứt, "móc màu lên” thì các họa sĩ thập niên 90 thiên về “vẽ thêm vào”, tức là sử dụng “bút pháp” đặc trưng của vẽ tranh sơn dầu, lấy bề mặt lúc vẽ làm hiệu quả sáng tạo cuối cùng. 

Nguy cơ mai một

Theo dõi sự vận động của dòng tranh sơn mài đương đại, họa sĩ Long cho biết ông cảm thấy khá lo lắng, bởi xuất hiện những “lệch lạc” trong sáng tác do chạy theo yếu tố thị trường. Từ nhiều năm trở lại đây, giới hội họa đang xảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt về xu hướng mỹ nghệ hóa sơn mài, tức là giảm bớt các công đoạn và sử dụng không đúng nguyên liệu làm sơn mài truyền thống. Chẳng hạn như việc dùng sơn tổng hợp của Nhật Bản thay thế sơn ta. 

Bởi lý do sơn từ nhựa cây sơn khó khô, chỉ khô trong độ ẩm, dễ ăn màu, gây dị ứng với người và đắt tiền... nên các hoạ sĩ sơn mài "thị trường" chuyển sang dùng sơn Nhật. Sơn Nhật với đặc tính khô nhanh, tức thì, giữ màu tươi, không phức tạp trong vấn đề khô, nên các họa sĩ để phục vụ nhu cầu nhanh của "thị trường sơn mài" đã ưa dùng và tất nhiên gắng vẽ để có bề mặt như dùng sơn ta. Sơn Nhật luôn cho một bề mặt trơ, màu nông, lòe loẹt, mài bở, không đanh bóng, không cho những biểu cảm tạo hình đẹp mà sơn ta có được.

Độc đáo tranh sơn mài Việt.

Thêm nữa, sơn mài vẽ trên chất liệu toan hay composite là một bước thụt lùi của sơn mài Việt Nam. Kế thừa kỹ thuật làm sơn ta của dân tộc Việt, bà Alix Amyea đã làm tranh sơn mài trên tấm vóc làm bằng gỗ khô kiệt, rồi hom bó với sơn ta, đất phù sa và vải xô. 

Cái hay là độ co ngót của tấm này và sơn là giống nhau nên các biến động bị ảnh hưởng của sơn mài do thời tiết nóng ẩm ở xứ ta là rất ít. Hiệu quả là sơn không bị bong tróc, nổ và cong vênh. Nhưng, ở các chất liệu mới, với độ dãn nở khác nhau sơn mài và cốt của nó là chất liệu composite sẽ tạo sự cong vênh và nhả sơn, hiện tượng bong tróc, nổ đã xảy ra ở nhiều tác phẩm. 

Chia sẻ những thách thức hiện nay đối với nghệ thuật sơn mài, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng nguy cơ mai một là rất lớn bởi số lượng họa sĩ vẽ tranh sơn mài đang ngày càng ít đi  do vẽ tranh sơn mài rất phức tạp, tốn nhiều công sức, trong khi nguyên liệu thì đắt đỏ. 

Ngoài ra, ông cũng rất lo về việc nguyên liệu làm tranh cạn kiệt. Hiện nay, chỉ còn duy nhất vùng Thanh Sơn, Phú Thọ trồng được những cây sơn tốt. “Một năm chỉ có một mùa cây sơn được thu hoạch tốt nhất, đó là mùa thu. Khi ấy, nhiều thương lái Trung Quốc chờ ở đây để thu mua loại tốt nhất. 

Những cây sơn chất lượng kém được bán cho người thợ thủ công ở các làng nghề trong nước. Để giữ gìn được sơn mài truyền thống, trước hết phải bảo tồn vùng nguyên liệu, hỗ trợ cho những người trồng sơn ở đây, lưu giữ những giống cây sơn chuẩn không bị lai tạp, đồng thời hạn chế xuất khẩu sơn sống ”, ông đề nghị.

Trung Hiếu - Đại Lâm
.
.