“Đình chiến” thương mại Mỹ – Trung

Thứ Tư, 23/05/2018, 20:38
Cả thế giới dường như thở phào nhẹ nhõm khi Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán thứ hai về thương mại tại Washington với tuyên bố không tiến hành một cuộc chiến thương mại và đình chỉ việc áp thuế hàng hóa lẫn nhau.

Dù chưa được nhìn nhận là một bước đột phá lớn, song kết quả này cũng phần nào cho thấy thiện chí của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc tháo gỡ những bất đồng, có thời điểm đã đẩy 2 nước đứng trên bờ vực một cuộc chiến thương mại, có thể tác động tới nền kinh tế toàn cầu.

Cơ chế hợp tác cùng thắng

Theo tuyên bố chung, Trung Quốc đã đồng ý tăng mạnh mua sắm hàng hóa và dịch vụ của Mỹ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao. Điều này cũng sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho nền kinh tế và thị trường việc làm của Mỹ.

Hai nước cũng đã nhất trí tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ, đồng thời cũng đạt được sự đồng thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại về hàng hóa sản xuất và dịch vụ. Cả 2 bên đều coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.

Thực tế, thương mại giữa 2 nước tiếp tục phát triển kể từ khi Bắc Kinh khởi động chính sách cải cách và mở cửa, qua đó tạo điều kiện để Trung Quốc trở thành quốc gia giao dịch hàng hóa song phương lớn nhất trên thế giới. Tuy nhiên, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với Mỹ lại đang dần nới rộng do một vài yếu tố, biến Trung Quốc trở thành quốc gia thặng dư thương mại lớn nhất thế giới.

Theo các số liệu thống kê của Trung Quốc, thặng dư thương mại hàng hóa của nước này với Mỹ lên tới 275,8 tỷ USD năm 2017, trong khi số liệu thống kê của Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc cùng kỳ là 375,2 tỷ USD, chiếm khoảng một nửa thâm hụt thương mại toàn cầu của Mỹ.

Thâm hụt thương mại Mỹ-Trung hiện vẫn đang tiếp tục nới rộng, cho dù Bắc Kinh vẫn nỗ lực giảm thiểu con số này trong nhiều năm qua. Đặc biệt, thâm hụt năm 2016-2017 đã tăng hơn 20 tỷ USD. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung phát đi những đợt “sóng xung kích” trên khắp các thị trường toàn cầu.

Giới phân tích nhận định hợp tác kinh tế và thương mại luôn đóng vai trò quan trọng, nền tảng và định hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.  Nếu 2 nước hợp tác với nhau để duy trì các mối quan hệ thương mại ổn định, thì quan hệ song phương Trung Quốc - Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nhiều, thậm chí cả 2 bên đều có thể được hưởng lợi từ “cơ chế hợp tác cùng thắng này”.

Trung Quốc tăng cường kiểm dịch hàng hóa của Hoa Kỳ sau cuộc gặp ở Bắc Kinh.

Xuất phát từ quan điểm này, thỏa thuận được ký giữa 2 bên đã tuân thủ theo nguyên tắc cùng thắng. Theo đó, Mỹ sẽ có cơ hội giảm thiểu thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ đạt được sự nhất quán trong việc mua hàng hóa của Mỹ để mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân Trung Quốc. Washington đã cam kết phá bỏ sự kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, qua đó sẽ làm đa dạng hóa các kênh nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Phía Mỹ cũng sẽ bán nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn nữa cho Trung Quốc - điều này cũng tương đương với việc “xuất khẩu” công nghệ và sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc.

Sóng ngầm

Sau cuộc tham vấn vòng 2 diễn ra tại Washington, tranh cãi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ dường như có dấu hiệu hòa hoãn, song nhìn vào thực chất, giới phân tích cho rằng "cuộc chiến ngầm" chưa ngừng cuộn sóng.

Dù dư luận bên ngoài cho rằng chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ hòa hoãn, nhưng theo giới phân tích, đây có lẽ chỉ là bề ngoài, thực chất bên trong sóng ngầm vẫn không ngớt. Biểu hiện cụ thể là trong ngày 18-5, tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, khi tiếp Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào sự thành công của đàm phán thương mại Trung-Mỹ khi phê phán các nước như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)... do được “nuông chiều” trong vấn đề thương mại nên đã sinh “hư”, khiến nước Mỹ “bị bóc lột” trong nhiều năm qua và cam kết sẽ không để tình trạng này tái diễn.

Chưa hết, việc Mỹ “bắt” Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm - con số tương đương hơn một nửa thâm hụt mậu dịch hàng năm của Mỹ với Trung Quốc - cũng bị các nhà phân tích đánh giá là không thực tế. Bởi lẽ, ngay cả khi Trung Quốc ngừng mua các sản phẩm nước ngoài khác, như máy bay Airbus của EU hay đậu tương của Brazil, và chỉ mua sản phẩm Mỹ, thì điều này cũng chỉ là một phần nhỏ của tổng số tiền 200 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng "thậm chí cố gắng lắm họ cũng chỉ có thể nhập khẩu thêm được số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD". Đó là chưa kể, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động gần hết công suất của mình, có nghĩa là nước này sẽ không thể sản xuất thêm đủ số lượng hàng hóa mới để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc, nhất là trong ngắn hạn.

Nếu muốn đáp ứng kịch bản trên, Mỹ có thể phải ngừng bán máy bay, đậu tương và các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt cho các quốc gia khác và thay vào đó bán cho Trung Quốc. Như vậy là thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc sẽ co hẹp nhưng với toàn thế giới lại không thay đổi.

Mâu thuẫn thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới càng trở nên phức tạp và khó dàn xếp khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore đang đến gần. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Lãnh đạo hai nước vừa có cuộc gặp tại Bắc Kinh. Trong khi Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi Trung Quốc gây sức ép về kinh tế buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Dù hai bên đạt được một số đồng thuận, song để giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu trong nhiều năm tới liên quan quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn cần phải có thời gian. Nếu không bình tĩnh nhìn nhận, kiên trì đối thoại và xử lý đúng đắn vấn đề, tranh cãi này không chỉ kéo dài nhiều năm, sẽ là nhiều thập niên và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế thế giới là khó có thể lường trước được.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.