Đôi nét về dòng họ nổi tiếng nhất Hy Lạp
- Mối thâm thù giữa “Vua tàu biển” Hy Lạp và Robert Kennedy
- Đấu giá bộ nữ trang con gái vua tàu biển Onassis
A. Onassis là ái nữ của bà Christina Onassis (1950-1988), “con gái rượu” và cũng là hậu duệ còn lại duy nhất khi khi người cha Aristotle Sokratis Onassis (1906-1975), nổi danh qua biệt hiệu “Vua tàu biển” tạ thế cách đây hơn 4 thập niên.
Định mệnh của siêu đại gia A. S. Onassis, hiện thân của dòng họ nổi tiếng nhất trong lịch sử Hy Lạp hiện đại thật quá trớ trêu. Vô số những ca sĩ, diễn viên, hay hoa hậu từng là tình nhân chung sống không hôn thú với ông; còn người vợ sau cùng của ông lại chính là cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy (1929-1994), quả phụ của cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy (1917-1963).
Đại gia đình Onassis lúc sinh thời. |
Nhưng lứa hậu duệ trực hệ của “Vua tàu biển” A. Onassis chỉ bao gồm 2 người con ruột là Alexander Onassis và Christina Onassis. Đầu năm 1973, Alexander chết vì tai nạn hàng không khi mới 24 tuổi; còn lại Christina khi ấy 23 tuổi trở thành người thừa kế độc nhất của một trong những dòng họ vương giả hàng đầu Âu lục.
Siêu tỉ phú A. S. Onassis hẳn có nhiều kinh nghiệm cả trên thương trường lẫn trong chốn tình trường. Tuy cung phụng chu đáo cho bà vợ trẻ Jackie bất cứ tiện nghi phù phiếm đắt tiền nào lúc còn sống, nhưng đến khi đột ngột nhắm mắt xuôi tay giữa tháng 3-1975, ông chồng già giàu sụ chỉ để lại cho Jacqueline Onassis chút ít hiện kim gọi là “làm quà” tượng trưng. Té ra trước đó “Vua tàu biển” tạ A. S. Onassis đã viết một bức chúc thư, trao toàn bộ tài sản đứng tên ông (chí ít là 1,5 tỉ USD thời giá lúc ấy) cho cô con gái rượu Christina.
Athina Onassis (trái) - nữ tỉ phú thừa kế giàu nhất hành tinh. |
Người quản gia thân tín Costra Grastos nhận trách nhiệm hoàn tất các thủ tục pháp lý chuyển giao trọn vẹn tài sản cho Christina. Tài sản của cố tỉ phú gồm một đội tàu vận tải viễn dương hùng hậu với 40 chiếc, 2 hòn đảo Scorpios và Sparta rộng lớn giữa Địa Trung Hải (mua lại từ Chính phủ Hy Lạp) cùng cỗ du thuyền tân kỳ đắt giá đậu thường trực ven bờ, nhiều cổ phần tại các trung tâm cờ bạc Monte Carlo (Công quốc Monaco) và St. Moritz (Thụy Sĩ), những bất động sản khổng lồ giữa thủ đô Athens của Hy Lạp và cả ở kinh thành ánh sáng Paris, cũng như nhiều tòa biệt thự xa hoa khác rải rác khắp thế giới, rồi 1/3 cổ phần trong Công ty Hàng không Quốc gia Hy Lạp Olympic Airways v.v…
Lúc đó Christina Onassis mới vừa tròn 24 tuổi và được tạp chí Forbes của Mỹ xếp hạng là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất hành tinh.
Nhưng rồi tân nữ tỉ phú Christina cũng không thể tìm thấy hạnh phúc qua bạc tiền, với đường tình duyên vô cùng trắc trở. Lần lượt cô đã cưới tới 4 người chồng rồi… ly dị cả 4. Người chồng đầu tiên Joseph Bolker, người Mỹ, là một “cai đầu dài” trong ngành xây dựng. Người chồng thứ 2 là nghệ sĩ Alexandros Andreadis, tình vợ chồng kéo dài được chừng 2 năm thì chấm dứt. Rồi cuộc hôn nhân thứ 3 với Sergei Kauzov, người Nga cũng tan vỡ.
Năm 1984 Christina kết hôn với ông chồng thứ 4 Thierry Roussel người Pháp và sinh hạ đứa con đầu lòng vào ngày 29-1-1985. Đến năm 1987 thì họ chia tay, theo phán quyết của tòa thì bé gái Athina do còn nhỏ nên được ở với mẹ. Cả 4 cuộc ly hôn của nữ tỉ phú với 4 ông chồng thuộc 4 quốc tịch khác nhau đều diễn ra một cách kín đáo ở một chốn duy nhất là Liên bang Thụy Sĩ - “xứ sở của mọi sự kín kẽ”. Cô bé Athina được Christina làm giấy khai sinh theo họ mẹ là Athina Onassis, nhưng mới chừng 3 tuổi rưỡi đã buộc phải lìa xa mẹ vĩnh viễn.
Cỗ du thuyền hạng Hacker-Craft siêu sang mang tên nữ chủ nhân Christina đậu thường trực ven bờ Địa Trung Hải. |
Christina Onassis qua đời vì bạo bệnh ngày 19-11-1988, tại một ngôi biệt thự đồ sộ cách trung tâm thủ đô Buenos Aires (Argentina) 30km, hưởng dương chưa tới 40 tuổi. Christina hồi nhỏ thường được người cha Aristote âu yếm gọi bằng tiếng Hy Lạp “Chryso Miou” (Kho vàng của tôi). “Kho vàng” đó sống trong châu báu nhung lụa suốt gần 4 thập niên mà vẫn không tìm thấy một tình yêu bền vững đích thực, rốt cục chỉ để lại một mụn con là Athina làm người thừa kế duy nhất.
Cố tỉ phú Aristote S. Onassis còn được người đời coi là một “danh nhân văn hóa”, khi quyết định sáng lập ra Quỹ Onassis quy mô quốc tế và vẫn được duy trì cho đến nay. Hàng năm quỹ này đều đặn xét trao giải cùng mức tiền thưởng cực lớn tương đương nửa triệu USD, cho những công trình khảo cứu tiêu biểu về nền văn hóa Hy Lạp cổ đại.