EURO 2020 có gì lạ?

Thứ Ba, 08/06/2021, 08:25
Rạng sáng ngày 12-6 tới đây (giờ Việt Nam), vòng chung kết EURO 2020 sẽ chính thức khởi tranh với cặp đấu khai màn bảng A giữa đội tuyển Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là giải đấu kỳ lạ nhất trong lịch sử các kỳ EURO với khá nhiều điều thay đổi chưa từng có mà không ít người chưa biết đến một cách tường tận...


Lẽ ra, EURO 2020 được dự kiến tổ chức từ ngày 12-6 đến ngày 12-7-2020 theo đúng kế hoạch trước đó. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và hoành hành dữ dội tại cựu lục địa vào tháng 3 năm ngoái nên Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã đẩy lùi thời gian tổ chức sang từ ngày 12-6 đến ngày 12-7-2021. Đồng thời, tên giải đấu sẽ vẫn giữ tên gọi là UEFA EURO 2020 dù diễn ra trong năm lẻ 2021.

So với những kỳ EURO diễn ra trước kia, EURO 2020 là giải đấu kỳ lạ nhất trong lịch sử  của giải đấu cao nhất ở châu Âu. Sự lạ lùng ấy xuất phát từ việc nó được đồng loạt tổ chức tại 11 thành phố ở 11 quốc gia khác nhau tại châu Âu. Đó cụ thể là Baku (Azerbaijan), Copenhagen (Đan Mạch), London (Anh), Munich (Đức), Budapest (Hungary), Rome (Italy), Amsterdam (Hà Lan), Bucharest (Romania), Saint Petersburg (Nga), Glasgow (Scotland) và Seville (Tây Ban Nha).

EURO 2020 diễn ra với nhiều thay đổi chưa từng có.

Sân vận động Wembley tại London (Anh) sẽ là nơi diễn ra các cặp đấu ở vòng bán kết và trận chung kết của EURO 2020. Có người đã ví von EURO 2020 là kỳ EURO không có nước chủ nhà. Trên thực tế, việc tổ chức EURO 2020 ở nhiều thành phố khác nhau là ý tưởng của cựu Chủ tịch UEFA, Michel Platini nhằm kỷ niệm 60 năm EURO (kỳ EURO đầu tiên được tổ chức tại Pháp vào năm 1960). Trớ trêu ở chỗ, Platini, tác giả của ý tưởng tổ chức EURO xuyên quốc gia đã rơi vào cảnh “thân bại danh liệt” bởi những bê bối chốn hậu trường.

Không chỉ tổ chức tại các địa điểm khác nhau như vậy, EURO 2020 còn có những thay đổi chưa từng có trong  lịch sử giải đấu này. Điều đầu tiên đáng nhắc tới là UEFA đã cùng đi đến thống nhất trong việc cho phép mỗi đội bóng được quyền thay 5 cầu thủ trong một trận đấu thay vì tối đa 3 cầu thủ trong một trận đấu như trước kia.

Theo đại diện UEFA, luật thay 5 người được tính toán trong bối cảnh bóng đá quốc tế vẫn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Ngoài việc cho phép thay 5 người, các đội bóng tham dự EURO 2020 sẽ được phép đăng ký 26 cầu thủ thay vì 23 như quy định thường thấy tại các giải đấu lớn. Đây là giải pháp bất đắc dĩ đưa ra nhằm đề phòng khả năng nếu cầu thủ nào đó mắc COVID-19 thì sẽ có sự bổ sung thay thế ngay lập tức.

Cũng bởi nỗi ám ảnh mang tên COVID-19 mà không ít đội bóng đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười trong quá trình chuẩn bị cho loạt trận tại ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Ví dụ điển hình hơn cả là đội tuyển quốc gia Bỉ, một trong những ứng viên sáng giá cho danh hiệu vô địch tại giải đấu năm nay. Bỗng chốc huấn luyện viên Roberto Martinez phải đau đầu khi có tới một nửa đội hình tham dự EURO 2020 kiên quyết từ chối tiêm vaccine chống COVID-19.

Theo lập luận từ số tuyển thủ Bỉ, việc tiêm vaccine có thể dẫn tới những tác dụng như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, đau khớp và sốt. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến phong độ thi đấu của họ trong những trận ra sân của “Quỷ đỏ” (biệt danh của đội tuyển Bỉ) tại EURO 2020.

Liên đoàn bóng đá Bỉ (KBVB) đã phải tức tốc liên hệ với một số chuyên gia y tế hàng đầu, trong đó có cả giáo sư Dirk Ramaekers, người phụ trách chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bỉ để giải thích cũng như thuyết phục số tuyển thủ Bỉ.

“Tôi hy vọng rằng họ sẽ nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng một cách tích cực hơn và sẽ sớm thay đổi suy nghĩ. Trên thực tế, đã có những cầu thủ như Mertens, Lukaku và Hazard tiên phong trong việc tiêm vaccine, đồng thời kêu gọi mọi người ủng hộ việc tiêm phòng”, giáo sư Dirk Ramaekers nhấn mạnh.

Giới hạn sức chứa cho các sân vận động nhằm đảm bảo an toàn cho cổ động viên khi vào sân cổ vũ để tránh lây lan dịch bệnh cũng khiến UEFA và Ban tổ chức EURO 2020 phải đau đầu. Theo thông báo mới đây từ UEFA, có 8 sân bóng cho khán giả vào sân với giới hạn dao động từ 20 đến 30% sức chứa, trong khi đó có 2 sân có sức chứa giới hạn là 50%. Riêng sân Puskas Arena tại Budapest (Hungary) với 67.215 chỗ ngồi được UEFA cho phép lấp đầy nhưng tất cả khán giả vào sân phải tuân thủ quy trình kiểm tra chặt chẽ về vấn đề dịch tễ.

Có một chi tiết thú vị nữa là ban tổ chức EURO 2020 còn đang tính đến phương án chỉ dẫn cho fans... giậm chân tại chỗ thay vì hò hét, hoa tay múa chân như trước kia mỗi khi ăn mừng. Chí ít thì điều này sẽ giảm đáng kể nguy cơ phát tán SARS-CoV-2 trên khán đài.

Theo tính toán, tổng số tiền thưởng tại EURO 2020 là 371 triệu euro, cao hơn 70 triệu euro so với kỳ EURO 2016.  Thậm chí, con số này còn cao hơn tổng số tiền thưởng của World Cup 2018 với số tiền thưởng dừng ở mức 327,8 triệu euro. Các đội bóng giành quyền góp mặt tại EURO 2020 được nhận ngay 9,25 triệu euro.

Tại vòng bảng, các đội sẽ được nhận thêm 1,5 triệu euro cho mỗi trận thắng và 750.000 euro cho trận hòa. Ở vòng 1/8, các đội sẽ được thưởng thêm 2 triệu euro. Tương tự, số tiền thưởng ở vòng tứ kết và bán kết là 3,25 triệu euro và 5 triệu euro. Còn ở trận chung kết, nhà vô địch được thưởng 10 triệu euro, đội á quân nhận 7 triệu euro. Như vậy, nếu có đội tuyển nào toàn thắng từ đầu đến cuối và giành ngôi vô địch, họ sẽ cơ hội bỏ túi 34 triệu euro tiền thưởng.

Ở kỳ EURO 2020, linh vật cho giải đấu này có tên gọi Skillzy. Theo UEFA, đây là một “nhân vật được lấy cảm hứng từ bóng đá đường phố” với khả năng biểu diễn đầy ấn tượng. Đây cũng là nét mới lạ, sự khác biệt đến từ EURO 2020 khi linh vật của giải đấu lần này mang hình hài của con người chứ không phải những động vật có hình dáng ngộ nghĩnh và phá cách như ở các kỳ EURO lần trước.
Bảo Quyên
.
.