G20, nơi gặp gỡ của các ông lớn!

Thứ Tư, 28/11/2018, 19:12
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra tại Buenos Aries (Argentina) vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 này đánh dấu 10 năm kể từ khi diễn đàn này trở thành nơi tề tựu của các nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về chính sách cũng như giải pháp cho nền kinh tế toàn cầu.

Dù tồn tại nhiều xung đột lợi ích, song đây được coi là diễn đàn quan trọng bậc nhất cho hợp tác kinh tế toàn cầu.

Hầu như không có ngoại lệ, hằng năm tất cả các nhà lãnh đạo G20 đều tham dự sự kiện này với tiêu chí thiết lập đường lối cho nền kinh tế toàn cầu. Cuộc họp năm 2010 tại Toronto (Canada), các nhà lãnh đạo đã tuyên bố G20 là diễn đàn quan trọng bậc nhất cho hợp tác kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Mauricio Macri tuyên bố đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, ông có lẽ đã không nhìn thấy trước những khó khăn kinh tế vĩ mô mà Argentina phải đối mặt. Ông cũng không nhìn thấy sự rạn nứt trong đồng thuận quốc tế về thương mại và khí hậu.

Trở lại năm 2008, khi các thị trường tín dụng đóng băng, các thị trường chứng khoán lao dốc và các công ty tài chính thì sụp đổ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2009 từ 3,8% xuống còn 1,3%. Đáp lại, G20 đã giúp điều phối kích thích tài chính linh hoạt với mức tăng GDP trung bình năm 2009 và 2010 là hơn 2% và tăng khoản vay mượn từ các ngân hàng phát triển đa quốc gia với số tiền lên tới 235 tỷ USD.

Có lẽ, thành tích lớn nhất lúc đó là tránh được các chính sách “bần cùng hóa người láng giềng” và chính sách bảo hộ từng dẫn đến cuộc Đại suy thoái.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công việc của G20 đã chuyển sang các vấn đề cơ cấu, chẳng hạn như cải cách quản trị và tăng trưởng ổn định. Vẫn còn có những cam kết nổi bật quan trọng. Cam kết giảm khoảng cách giữa lực lượng lao động nam giới và nữ giới xuống 25% đến năm 2025, tăng thêm hơn 100 triệu nữ giới vào lực lượng lao động toàn cầu.

Một cam kết khác là cắt giảm chi phí tiền gửi xuống mức 3% đến năm 2030, cung cấp thêm 25 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 cho những người cần nó nhất.

Dù vậy, G20 đã không làm tốt ở một số lĩnh vực như không đáp ứng được mục tiêu nâng tăng trưởng toàn cầu lên 2% thông qua các cải cách cơ cấu sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tham vọng của G20 là sẽ đem lại lợi ích cho các thành viên. Đôi khi cái G20 đạt được sẽ bị giới hạn trong các cuộc thảo luận của các quan chức và các nhà lãnh đạo. Điều này là quan trọng, bởi việc gây dựng các mối quan hệ là vô giá - đặc biệt trong những thời điểm xảy ra khủng hoảng.

Lực lượng an ninh đứng gác bên ngoài Trụ sở Ngân hàng chính phủ Argentina - nơi diễn ra cuộc gặp các Bộ trưởng Tài chính trong khuôn khổ G20.

Chúng ta nên duy trì sự lạc quan về G20 vì một số lý do. G20 gồm nhóm G7, tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và cả 5 nền kinh tế mới nổi trong nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Các thành viên chiếm khoảng 85% đầu ra của nền kinh tế toàn cầu, 84% đầu tư toàn cầu và 63% dân số thế giới.

G20 đã tránh bệnh quan liêu vốn ám ảnh diễn đàn quốc tế khác. Sự điều phối được cung cấp bởi các vị chủ tịch G20 của quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhiều hỗ trợ phân tích được cung cấp bởi các tổ chức quốc tế hiện tại, chẳng hạn như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sự tập trung của Argentina vào tương lai công việc cũng sẽ giúp duy trì vai trò liên quan của G20. Chủ đề này sẽ gây tiếng vang với các nhà lãnh đạo và các cộng đồng của họ. Tuy nhiên, môi trường toàn cầu đang gặp thách thức - có lẽ là nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chúng ta không còn sống trong một thế giới, nơi tất cả các nước lớn chấp nhận các thể chế và hiệp định đa phương - Hiệp định Paris, Các mục tiêu Phát triển ổn định và WTO.

G20 năm nay có lẽ là sự kiện bộc lộ những khó khăn mà xuất phát từ xung đột lợi ích riêng. Mâu thuẫn và bất đồng thương mại Trung-Mỹ có thể sẽ là yếu tố khiến khả năng Hội nghị thượng đỉnh G20 đi theo vết xe đổ của Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) vừa qua với kết quả thất bại đang hiện hữu.

Giới phân tích cho rằng phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại đã là truyền thống của các nước thành viên G20 nhưng lần này bản thảo “Tuyên bố chung” có nội dung tương đối ôn hòa, chính là nhằm tránh kích động mâu thuẫn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo các nước thành viên G20 khác. Mặc dù nội dung bản thảo “Tuyên bố chung” chưa có quyết định cuối cùng nhưng một điều có thể khẳng định là nội dung “Tuyên bố chung” lần này sẽ phản ánh cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay.

Chuyên gia vấn đề quốc tế của Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) cho rằng, một sự kiện đáng chú ý bên lề G20 lần này là cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nội dung cũng như kết quả cuộc gặp này không chỉ tác động đến cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ được bắt đầu từ hồi tháng 7-2018 đến nay mà còn ảnh hưởng đến kết quả của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này.

Tuy nhiên, giới phân tích không hy vọng nhiều vào cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ bởi ngay cả khi hai lãnh đạo đạt được nhận thức chung nhất định tại cuộc gặp và thậm chí tại Hội nghị thượng đỉnh G20 nhưng trên cơ sở không thừa nhận lẫn nhau và một khi xung đột lợi ích chưa thể giải quyết, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ chưa thể kết thúc.

Tuy vậy, G20 là đỉnh cao của hệ thống dựa trên luật lệ toàn cầu, là nền tảng vững chắc nhằm đem lại lợi ích cho các quốc gia thông qua làm việc cùng nhau. G20 cung cấp một chiếc bàn cho các nhà lãnh đạo để họ có thể giải thích về thế giới quan và tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Có rất nhiều hành lang trong đó các nhà lãnh đạo có thể có các cuộc thảo luận thẳng thắn nhằm giúp giảm bớt sự chia rẽ.

Dù hoạt động mới được 10 năm nhưng G20 vẫn có cơ hội để đạt được những gì chúng ta kỳ vọng. Thực tế, G20 là cần thiết vào thời điểm này hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ thời điểm rối loạn khi G20 được thành lập.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.