Giải bài toán kinh tế khu vực ASEAN

Thứ Sáu, 22/01/2021, 09:31
Cả ASEAN lẫn Ngân hàng phát triển châu Á và Ngân hàng thế giới (WB) đều dự đoán nền kinh tế Đông Nam Á giảm khoảng 4% trong năm 2020. tuy các con số dự báo có chút chênh lệch nhưng chắc chắn đây là mức tăng trưởng âm đầu tiên trong vòng 22 năm của khu vực từng được dự đoán là tâm điểm của kinh tế toàn cầu này.

Xét về từng quốc gia cụ thể, những biến động kinh tế của các nước về cơ bản có liên quan nhiều đến sự thành công của công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, tuy nhiên, do nhận thức của dân chúng về phòng chống dịch chưa tốt nên số ca mắc và tử vong vì đại dịch cũng cao nhất Đông Nam Á. GDP của Thái Lan - vốn chủ yếu phụ thuộc vào du lịch và ngoại thương - trong 3 quý đầu năm 2020 đã giảm 6,8%. 

WB cho biết kinh tế Philippines năm 2020 suy giảm 8,1%, vượt dự báo trước đó. Trong khi đó, lệnh hạn chế đi lại đã hạn chế sự lây lan và góp phần hiệu quả chống dịch tại Malaysia, song cũng khiến cho WB đưa ra dự báo nền kinh tế Malaysia giảm 5,8% trong năm 2020. Duy nhất chỉ có Việt Nam là quốc gia được đánh giá là có bước đột phá về kinh tế trong khu vực tại thời điểm này.

Đứng trước tình hình suy thoái chung, các nước Đông Nam Á đều thực hiện gói chính sách kích thích tài chính tương đối mạnh để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế. Ngoài Việt Nam, Brunei, Thái Lan và Campuchia đều đã thực hiện trợ cấp tiền lương, Indonesia cung cấp các gói cứu trợ doanh nghiệp và hỗ trợ gia đình thông qua các phương thức như hỗ trợ tài chính và viện trợ lương thực. Ví dụ như Lào điều chỉnh ngân sách tài chính, nâng cao mức đánh thuế và phân phối lại hiệu suất; Campuchia, Malaysia và Indonesia xác định lại trật tự ưu tiên của chi tiêu chính phủ.

RCEP được coi là cú hích đối với hoạt động thương mại.

Tự lực cánh sinh tất nhiên là quan trọng nhưng xét cho cùng, khi đã chọn con đường công nghiệp hóa theo định hướng xuất khẩu trong nhiều thập niên, việc gây dựng sự gắn kết với các nước lớn chắc chắn là ưu tiên hàng đầu của các nước Đông Nam Á. Nhờ đó, hợp tác giữa khu vực này và các nước lớn và các tổ chức quốc tế được tăng cường toàn diện, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế, từ đó đảm bảo sự ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng.

Năm 2020, một trong những điểm nổi bật của ngoại giao kinh tế Đông Nam Á là việc nâng cấp hợp tác khu vực, hợp tác kinh tế đạt thành quả rõ rệt. Sau khi RCEP được ký kết, hơn 90% thương mại hàng hóa trong khu vực sẽ có mức thuế bằng 0 theo 2 hình thức là ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong vòng 10 năm. Đối với các nước Đông Nam Á, hiệp định sẽ mang đến những thách thức nhất định nhưng lợi ích mang lại chắc chắn sẽ còn lớn hơn. Việc tối ưu hóa các quy tắc không chỉ thu hút thêm vốn nước ngoài mà còn giúp cải thiện và phát triển bố cục chuỗi cung ứng trong khu vực.

Đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn cũng giúp Đông Nam Á cải thiện tình hình. Kể từ sau khi Đại chiến II kết thúc, Nhật Bản đặc biệt quan tâm đến khu vực Đông Nam Á, dự định cùng với khu vực này xây dựng mô hình phát triển kinh tế “đàn nhạn bay”. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản đã ban hành chính sách kinh tế khẩn cấp bao gồm kế hoạch cải tổ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, phân tán các cơ sở sản xuất ở các nước ngoài Trung Quốc và trợ cấp kinh tế cho các doanh nghiệp theo đuổi sự đa dạng hóa khu vực sản xuất. Trong danh sách đợt đầu tiên mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố hồi tháng 7-2020, có 30 công ty đã chuyển đến Đông Nam Á. Và cho dù xuất phát từ cuộc đấu chính trị hay lợi ích kinh tế, cách bố trí của các công ty Nhật Bản chắc chắn phù hợp với nhu cầu phát triển hiện tại của Đông Nam Á.

Thêm nữa, khi nói đến ngoại giao của Đông Nam Á, phải nhắc đến quan hệ với Mỹ. Trong 4 năm ông Donald Trump cầm quyền, mối quan hệ giữa Mỹ và Đông Nam Á có phần phức tạp và khó đoán định, đặc biệt là việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã ảnh hưởng lớn đến lòng tin của các nước Đông Nam Á đối với nước này. Cho đến nay, tuy Mỹ vẫn gây ảnh hưởng đối với nền kinh tế Đông Nam Á nhưng không còn là nhân tố ảnh hưởng duy nhất.

Năm 2020, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) với quy mô vốn lên tới 60 tỷ USD được cho là nhằm vào thị trường cơ sở hạ tầng Đông Nam Á. Mỹ cũng nâng cấp Sáng kiến hạ nguồn Mekong (LMI) được thành lập từ năm 2009 lên thành Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ (MUSP) nhằm tăng cường hợp tác tiểu vùng với ASEAN. Do trong quá khứ Mỹ từng nhiều lần hứa hẹn nhưng không thực hiện, nên tầm ảnh hưởng của quyết sách này vẫn chưa thể nói trước, song ý đồ hướng về Đông Nam Á là rõ ràng.

Sự kiện “Thiên nga đen” bất ngờ xuất hiện trong năm 2020, ASEAN đã phải vật lộn để duy trì hòa bình, ổn định của khu vực dưới tác động lớn của đại dịch cùng sức ép của cuộc đọ sức giữa các cường quốc,  đồng thời thúc đẩy khôi phục sản xuất. Trong tình cảnh như vậy, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế vẫn dự đoán kinh tế ASEAN tiếp tục tăng trưởng với tốc độ không dưới 6% trong năm 2021. Điều này cho thấy sức bật và sự linh hoạt của nền kinh tế các nước ASEAN. Hợp tác và cùng phát triển vẫn là chủ trương xuyên suốt trong mọi hoạt động của khối, cho dù đôi lúc có những sự khác biệt.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.