Hòn đảo của những đồn thổi đáng sợ biến thành khu nghỉ dưỡng

Thứ Ba, 19/09/2017, 20:04
Poveglia là một hòn đảo nhiệt đới xinh xắn rộng 6,8 ha với một rừng cây cổ thụ xanh tươi, những vườn nho sai quả và một tháp chuông cổ kính. Hòn đảo vô chủ này có vị trí khá đẹp: nó chỉ cách "thánh địa tình yêu" Venice (Ý) vỏn vẹn 2 dặm.

Chưa hết, hòn đảo này còn nhìn thẳng ra một vùng biển trong xanh và vắng vẻ, rất hợp để xây một khu nghỉ dưỡng 5 sao. Ấy vậy mà trong hàng chục năm trở lại đây, không một du khách hay một nhà thầu nào dám bước chân lên PoveGlia, đơn giản vì hòn đảo xinh đẹp này vốn là một mồ chôn tập thể cho hàng trăm nghìn người và là một trong những địa danh lưu dấu nhiều câu chuyện hoang đường đáng sợ nhất thế giới.

Những cư dân đầu tiên đặt chân lên hòn đảo bé nhỏ này là những người Padua và Este. Năm 421, họ đến với Poveglia hòng trốn thoát khỏi những cuộc xâm lăng và thảm sát man rợ ở quê nhà họ. Khi đến được với chốn bình yên này, rất nhiều người đã nhanh chóng qua đời vì bệnh tật, vì kiệt sức sau một hành trình dài, hay vì thương tích từ các cuộc chiến diễn ra ở quê hương họ. Những cái chết đầu tiên này được coi như chương mở đầu cho lịch sử đẫm máu và huyền bí của Poveglia.

Đến tận thế kỉ thứ 9, tức là 400 năm sau, dân số của hòn đảo phát triển và Poveglia dần trở thành một vùng đất yên bình và tươi đẹp, nơi các cư dân có thể đánh bắt hải sản hoặc trồng nho kiếm sống. Tuy nhiên, đến thế kỉ thứ 14, Poveglia trở thành miếng mồi béo bở cho cả người Ý lẫn người Genoa vì vị trí đẹp và nguồn tài nguyên dồi dào. Không hiệp định ngoại giao nào có thể giải quyết lòng tham hiệu quả bằng chiến tranh.

Hậu quả là Poveglia trở thành mặt trận cho cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai bên Ý và Genoa. Ước tính có tới hàng nghìn binh lính đã hy sinh trên hòn đảo này. Số người bỏ mạng ở đây nhiều đến nỗi hòn đảo xinh đẹp này bị mang tên "đảo ma".

Tuy nhiên kết cục đó vẫn chưa phải là trường đoạn kinh hoàng nhất trong lịch sử của "đảo ma". Tới thế kỉ 17, căn bệnh dịch hạch bùng phát tại Ý sau khi hoành hành khắp châu Âu. "Cái chết đen" là một trong những dịch bệnh chết chóc nhất mà loài người từng phải gánh chịu: nó cướp đi sinh mạng của 200 triệu người, tức là từ 30 đến 60% dân số châu Âu thời bấy giờ.

Ở thời điểm này, các biện pháp phòng bệnh và chữa bệnh còn tương đối thô sơ, nên khi bệnh dịch hạch cướp đi sinh mạng của quá nhiều nhân dân, Chính phủ Ý không làm được gì hơn ngoài việc cách ly, đẩy người bị bệnh ra đảo. Với những bệnh nhân bất hạnh, chuyến đi tới đảo Poveglia thời đó chỉ có đi mà không có về, bởi vì chẳng ai khỏi bệnh trên hòn đảo với tên gọi mỹ miều "cơ sở y tế" này cả.

Họ bị bỏ rơi ở đây cho khuất mắt chính phủ, và để họ không tiếp tục lây bệnh cho người dân Venice. Số người bỏ xác trên Poveglia nhiều đến mức, dường như đến một nửa đất đai của hòn đảo này thấm đẫm da thịt con người.

Nhưng câu chuyện rợn tóc gáy chưa dừng lại ở đó. Năm 1922, hòn đảo được tận dụng làm nhà thương điên, khiến cho hòn đảo hoang đang im lặng, tràn ngập tiếng la hét điên loạn cả ngày lẫn đêm. Ký ức ấy hãi hùng đến nỗi nhiều người chu du thiên hạ rùng mình cho hay, "cho đến tận bây giờ, hòn đảo vẫn chưa bao giờ im lặng tuyệt đối, nếu bạn lắng tai nghe, bạn vẫn có thể nghe thấy những tiếng thì thầm trong gió, thậm chí cả tiếng của chiếc chuông khổng lồ, cho dù tháp chuông đã không còn hoạt động nữa".

Trong trại thương điên đảo Poveglia, thay vì điều trị cho bệnh nhân thì họ lại đưa đi phẫu thuật thuỳ não. Đây là biện pháp chữa bệnh tâm thần phổ biến nhất thời đó, vì sau khi cắt đi thuỳ não, bệnh nhân sẽ mất đi chức năng hoạt động và suy nghĩ tối thiểu, chỉ có thể ngồi thẫn thờ cả ngày, không hò hét và đập phá nữa, nên được coi như khỏi bệnh.

Trên đảo còn lưu truyền một truyền thuyết về tay bác sĩ điên loạn. Tòa tháp nơi bác sỹ này từng phẫu thuật cho bệnh nhân, nơi mà gần như không có bệnh nhân nào sống sót được sau những ca mổ ấy lại chính là nơi chứng kiến cái chết đau đớn của ông ta. Một ngày nọ, ông ta đã phát điên và gieo mình từ chính toà tháp ấy xuống tự tử. Và, sự tồn tại của nhà thương điên trên hòn đảo vốn u ám này cũng góp phần khiến cho lịch sử của nó càng thêm kinh hãi.

Năm tháng trôi đi, càng ngày càng có nhiều giai thoại khủng khiếp về Poveglia  được đồn thổi dần khiến các cư dân bỏ đi. Thời điểm duy nhất mọi người dám tới gần Poveglia là mùa thu hoạch nho, nhưng cũng không ai dám ở lại lâu. Cũng không ai dám đánh bắt gần đảo, vì thường xuyên có những mảnh xương người mắc vào lưới.

Tuy nhiên hòn đảo đột nhiên trở nên nổi tiếng và lôi kéo được một số lượng không nhỏ những người ưa mạo hiểm khi chương trình truyền hình Ghost Adventures dành hẳn một tập để nói về nó vào năm 2008. Đây là một chương trình chuyên điều tra những địa điểm bị đồn đại là ma ám, rất ăn khách trên kênh Travel Channel. Hòn đảo kinh dị, từng là nỗi ám ảnh của chết chóc và sợ hãi bỗng trở nên tấp nập hơn.

Năm 2014, Chính phủ Ý đã rao bán hòn đảo này để giảm bớt nợ công của đất nước và doanh nhân Luigi Brugnaro đã mua lại nơi này, để xây khu nghỉ dưỡng chứ không phải biến nơi này thành trường quay phim kinh dị. 

Thi San (tổng hợp)
.
.