Khát vọng thuyền trăng

Thứ Ba, 18/05/2021, 13:01
Không còn nỗi u ám và tuyệt vọng đến tận cùng như câu thơ của Hàn Mặc Tử, thuyền trăng ở Quy Hòa bây giờ đã giúp những bệnh nhân phong có cuộc sống tốt đẹp hơn.


Dập dềnh thuyền trăng

Lặng lẽ, dịu dàng và kín đáo, làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) như là một góc khuất nhỏ nơi phố biển Quy Nhơn. Vẻ đẹp kiêu sa của khung cảnh thiên nhiên hòa quyện trong khoảng rộng 60 ha ấy từng có một làng phong. Nằm ẩn dật trong một thung lũng bao quanh là núi và biển, làng phong Quy Hòa một thời như dấu chấm lặng giữa cung đàn được viết nên với những điệu khúc hút hồn, mê hoặc của tự nhiên. Đây cũng là nơi mà thi sĩ Hàn Mặc Tử từng sinh sống và gắn bó trọn kiếp đớn đau ở chốn này.

Lâu rồi, mọi người đều nhớ đến những câu thơ đầy bi phẫn lẫn tuyệt vọng của Thi sĩ họ Hàn: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”, hay “Ai mua trăng tôi bán trăng cho?”. Căn bệnh quái ác đến với thi sĩ họ Hàn giữa lúc y học còn chưa phát triển, cộng thêm đó là sự xa lánh của người đời khiến ông phải tìm đến một nơi xa vắng để ru hồn mình.

Ông Chín hi vọng, ngoài việc giúp người làng phong phát triển kinh tế, chiếc thuyền trăng này có thể được đưa vào phục vụ du lịch.

Quy Hòa, nơi lâu nay vẫn mặc nhiên trong tâm trí mọi người là chốn lánh đời của những người mắc bệnh phong. Nhiều người đến rồi lại đi, những bệnh nhân còn lại là nỗi chống chếnh khi đã đi qua gần hết kiếp người, chiều chiều ngồi bên hiên nhà đợi ngày trôi. Nhưng, Quy Hòa bây giờ bỗng khiến người ta có cái cảm giác ngạc nhiên quá đỗi trước sự trở mình của một vùng đất từng bị ám ảnh bởi những nỗi đau, những số phận khốn cùng. Trong một góc khuất gần bờ biển Quy Hòa, ngư dân Lê Văn Chín (52 tuổi) ngồi trầm tư trước hàng dừa đang vi vút gió biển. Ông có lẽ là một trong số ít những người đặc biệt ở nơi này.

Quanh chỗ ông ngồi, những chiếc thuyền nhỏ màu xanh nằm trải đều trên triền cát. Ông cười hạnh phúc, chỉ tay vào từng chiếc thuyền và bảo: Thuyền này của ông làm, thuyền kia của ông làm, chiếc kia nữa... tất cả đều là do ông làm. Và ông, cũng một thời là bệnh nhân phong. Năm 1981, khi còn là một thiếu niên trẻ tuổi ở miền biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ông phát hiện tay chân của mình mất cảm giác, sau đó những cục cứng dần xuất hiện trên cơ thể. Gia đình đã đưa ông Chín ra Quy Hòa để điều trị. Lúc đó, trong ông đã mang một mặc cảm rất lớn.

Nhưng rồi, khi ấy y học cũng đã phát triển hơn, bệnh của ông được chữa khỏi hoàn toàn. Ông có thời điểm về lại quê nhà Phan Thiết và đi biển nhưng mối tình với người con gái Ghềnh Ráng đã níu ông lại với đất này. Ông ở đây, làm nghề biển và sống chan hòa với những người bệnh khác. Công việc nghề biển lắm vất vả, nhất là với những người từng bị bệnh, sức khỏe yếu ở làng phong. Việc kéo những chiếc thuyền thúng nặng trĩu ra biển hay lên bờ hằng ngày là cả một vấn đề. Một lần, khi ông thấy các thùng phuy nhựa bị thải ra ở các khu công nghiệp nhiều quá, ông mới nảy ra ý tưởng làm được thuyền từ các thùng nhựa. Ông mua 10 thùng về rồi tự mình nghiên cứu.

Vốn có nghề làm thuyền từ trước, ông đã nhanh chóng làm cho mình được một chiếc thuyền từ những thùng phuy nhựa này. Thuyền nhẹ hơn làm bằng nan tre quét dầu rái, lướt sóng cũng nhanh hơn, công bảo trì, bảo dưỡng cũng ít hơn, tiện dụng hơn khi kéo xuống nước hay đưa lên bờ, phù hợp với sức khỏe của những người bệnh ở Quy Hòa. Nhiều người thấy được ưu điểm của loại thuyền này nên rất thích, họ đặt ông làm. Ông đã làm ra 3 kiểu thuyền, gồm thuyền nhọn, thuyền nôi, thuyền nôi mũi cao. Loại nào cũng dài 4m, rộng 1,2m. Mỗi chiếc thuyền này sử dụng 7 thùng phuy loại 200 lít cùng một số nguyên liệu phụ như cước, ốc vít, tre... Hiện tại, chi phí để hoàn thành mỗi chiếc thuyền khoảng hơn 4 triệu đồng, ông bán ra với giá 5 hoặc 6 triệu đồng.

Ông Chín bên những chiếc thuyền trăng của mình.

Nhiều ngư dân ở Quy Hòa đánh giá chiếc thuyền này có nhiều ưu điểm. Vì bằng nhựa nên nổi trên mặt nước dễ hơn, lại có thể lắp đặt máy để không tốn sức chèo. Hơn thế nữa, thuyền có thời gian sử dụng dài hơn khi thuyền bằng nan tre quét dầu rái chỉ dùng được 3-4 năm là xuống cấp, mà giá thành thì lại đắt hơn. Thế nên, mấy năm vừa qua ông Chín đã tự tay làm được khoảng 60 chiếc. Ngoài bà con ở làng phong, còn có một số ngư dân ở Khánh Hòa, Phú Yên cũng đến đặt làm.

Ông đặt tên là “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, để tưởng nhớ đến người thi sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh từng sinh sống tại làng phong này. Ông bảo làm và bán những chiếc thuyền này vì hình dáng nó là bán nguyệt, giống mặt trăng. Mà nơi này lại gắn bó với nhiều kỷ niệm của người thi sĩ tài hoa thuở xưa.

Từ ngày có phóng sự truyền hình về con thuyền có cái tên lạ lẫm “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, nhiều du khách đến Quy Hòa muốn gặp ông Chín và chụp ảnh lưu niệm cùng ông với “thuyền trăng”. Quả thật, nếu khéo hình dung, có thể thấy con thuyền có dáng vầng trăng non. Những chiếc “thuyền trăng Hàn Mặc Tử”, được ngư dân Quy Hòa ưa chuộng, cũng khiến du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Quy Hòa thích thú tìm hiểu, lại thêm yếu tố tận dụng thùng phuy thải ra, giảm tác hại môi trường.

Khát vọng của thuyền trăng

Trong ký ức của những bệnh nhân một thời nơi đây, làng phong ngày ấy cũng đã có đến vài ba trăm bệnh nhân phong. Cuộc sống khốn khó và thiếu thốn đủ bề, họ không trở về cố hương mà quyết định định cư tại đây, coi Quy Hòa như quê hương thứ hai của mình. Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, họ chôn chặt trong lòng để đối mặt với cuộc sống bệnh tật mà mình đang mắc phải.

Thuyền trăng của ông Chín được làm từ thùng phuy loại 200 lít cùng một số nguyên liệu phụ như cước, ốc vít, tre…

Những con người nhỏ bé đầy đau đớn đã một thời gian dài phải đối mặt với gặm nhấm của bệnh tật. Nhưng, trong họ, vẫn có một sức sống bền bỉ, dẻo dai đến lạ kỳ. Gặp họ, tưởng như chưa có vết thương nào từng in dấu trên những tấm thân vốn đã hao gầy vì căn bệnh phong quái ác. Gặp họ trong làng phong Quy Hòa, nơi nổi danh về căn bệnh này từ cách đây gần một thế kỷ. Nhưng, ở đó, có những mối tình mà mỗi chúng ta đều cảm thấy ấm áp khi được biết. Như mối tình của ông Chín với người vợ hiện tại, như một câu chuyện cổ tích ở làng phong này, nơi mà thuyền trăng như đã dìu họ đến bên nhau, đến bến bờ hạnh phúc mấy mươi năm qua.

Ít ai biết rằng, bà Võ Thị Thủy (một người dân ở phường Ghềnh Ráng) vốn không phải như những người làng phong. Bà không mắc bệnh nhưng vì thương người đàn ông tốt bụng chịu thương chịu khó này, bà quyết định về sống chung một nhà với ông. Thuở ấy, năm 1988, tâm lý vẫn còn rất nặng đối với những người bị bệnh ở Quy Hòa và tâm lý ấy cũng ảnh hưởng không nhỏ tới những người bình thường như bà Thủy. Như bao người khác, tình cảm của bà Thùy với ông Chín lúc đầu chỉ là sự quan tâm, chia sẻ giữa người với nhau. Nhưng rồi, tình yêu đến lúc nào không hay biết. Và họ đã tổ chức đám cưới, sau đó vào khu làng phong ở. Gọi là “đám cưới” chứ cái thời cuối những năm 80 của thế kỷ trước lại sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật, đám cưới đơn sơ chỉ dăm cái bánh cái kẹo mời bạn bè cũng là bệnh nhân đến chúc mừng, trước sự chứng kiến của hội đồng bệnh viện. Tất cả đã là một sự cố gắng lớn.

Tình yêu là liều thuốc kỳ diệu giúp họ vượt qua bệnh tật và sống tốt hơn. Được sống với nhau trong tình yêu thương, các bệnh nhân không còn thấy bị mặc cảm. Sức mạnh tình yêu đã trở thành liều thuốc tinh thần cùng với sự tiến bộ của y học đã giúp nhiều người vượt qua bệnh tật. Nhưng, để vượt qua mặc cảm và những cản trở của gia đình, người thân, bà Thủy đã quyết tâm đến với ông Chín, dẫu biết khó khăn là muôn trùng.

Một góc làng phong Quy Hòa hiện nay.

Và rồi giờ đây, sự lựa chọn của bà đã được đền đáp phần nào. Ngày ngày, ông Chín ngoài việc đi biển thì nhận đóng thuyền trăng cho người trong làng. Tiếng lành đồn xa, thuyền của ông được nhiều nơi ưa chuộng, ông đóng thuyền cho ngư dân nhiều làng biển ở các địa phương khác. Những mùa bão nổi, không đi biển được thì ông ở nhà đóng thuyền. Vợ chồng con cái sống êm đềm hạnh phúc bên những gia đình khác. Con cái ông đều đã lớn, trong đó con gái út đang học cấp 3. Đó dường như là phần thưởng xứng đáng cho cuộc đời ông sau những tháng ngày vất vả.

Nhà ông Chín không khó tìm, tính từ cổng bệnh viện, đi về hướng tay phải chừng 50 m, sẽ thấy thuyền đặt ven đường, đi theo con đường ấy khoảng 50 m nữa, phía tay phải, sẽ thấy trước ngôi nhà quét vôi trắng xinh xinh là người đàn ông đang miệt mài làm việc.

Với những chiếc “thuyền trăng”, kinh tế gia đình ông Chín và nhiều hộ dân khác nhờ thế đã khấm khá lên hẳn. Nhưng, ông còn một mong ước khác, đó là đưa những chiếc thuyền này vào phục vụ du lịch. “Nếu những chiếc thuyền làm bằng thùng phuy có thể tham gia chở khách du lịch tham quan biển Quy Nhơn thì con em bệnh nhân phong sẽ có công ăn việc làm. Như vậy, điều kiện kinh tế được nâng lên, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn” - ông Chín tâm sự.

Hiện nay, ở Bình Định nói chung, Quy Nhơn nói riêng đang trên đà phát triển du lịch, trong đó có làng phong Quy Hòa. Vậy nên, ông Chín hy vọng những chiếc thuyền trăng của mình không chỉ giúp bà con làng phong thuận tiện hơn trong việc đánh bắt hải sản ven bờ, mà còn có thể tham gia phục vụ du lịch.

Tiêu Dao - Minh Ngọc
.
.