Khi bản quyền lại rối như… canh hẹ

Thứ Hai, 05/06/2017, 15:33
Đã gần 13 năm kể từ khi Việt Nam tham gia công ước Berne, thực trạng hoạt động thực thi bản quyền, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tiếp tục rối… như canh hẹ. Hàng loạt các vụ việc gây bức xúc dư luận liên quan đến nghệ thuật biểu diễn cũng đều được cho là bắt nguồn từ lĩnh vực này và đến nay cũng chưa hẳn đã tìm được đáp án cuối cùng?


Lại là hai chữ "giá như"!

Sau hàng loạt các quyết định như "châm ngòi nổ" trong dư luận của Cục Nghệ thuật Biểu diễn thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã phải lên tiếng xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu về những việc xảy ra và mong nhận được sự chia sẻ, cảm thông của nhân dân.

Bởi lẽ, như chính Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận thì "những sự việc xảy ra thời gian gần đây liên quan đến Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho dù là bất cứ nguyên nhân và lý do gì cũng thực sự đau xót và đáng tiếc. Đây là bài học sâu sắc đối với công tác quản lý của ngành cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ".

Hiểu sai về bảo hộ quyền tác giả dẫn đến cấp phép biểu diễn ca khúc sáng tác trước năm 1975 gặp nhiều trục trặc.

Cùng với động thái nhận trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định: "Các bài hát trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong, mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác".

Đây cũng được coi là động thái cần thiết của người đứng đầu ngành  quản lý về văn hoá, thể thao và du lịch cả nước trước các tai tiếng liên quan đến quản lý nghệ thuật biểu diễn, cụ thể là hoạt động cấp phép phổ biến ca khúc thời gian qua. Nhưng, cũng không ít người cho rằng, giá như động thái này diễn ra sớm hơn, gốc rễ vấn đề được nhận ra chân xác sớm hơn, có lẽ đã không xảy ra nhiều câu chuyện đáng tiếc trong quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn như thời gian vừa qua.

Hòn bấc ném đi…

Thực tế, ngay từ quyết định đầu tiên khiến Cục Nghệ thuật Biểu diễn trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng tính trong chuỗi sự việc vừa qua: Dừng 5 ca khúc nổi tiếng sáng tác trước năm 1975. Lý do được viện dẫn của đơn vị ban hành quyết định rất rõ ràng là các ca khúc đang phát hành sai so với bản gốc, vi phạm bản quyền.

Giữa tâm bão của dư luận, những tiếng thanh minh, thậm chí kêu gọi sự chia sẻ với cơ quan quản lý về thực thi bản quyền và cho rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đã như tiếng kêu cứu yếu ớt, nhanh chóng  bị nuốt chửng bởi những phản ứng trái chiều. Trong cơn say chỉ trích, hầu hết các ý kiến chỉ xoáy vào đả kích, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhưng cũng không chỉ ra được lỗi sai chính xác như thế nào.

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn với báo chí được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì ngay sau đó, tranh cãi đúng, sai về quyết định cấp phép phổ biến ca khúc của Cục cũng còn chưa ngã ngũ.

Những ca khúc cách mạng đã được phát hành và cấp phép trong các ấn phẩm, chương trình sao lại cần cấp phép thêm lần nữa?

Ngay thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn khẳng định chắc như… đinh đóng cột rằng quyết định của Cục là đúng với lý do: Khi phát hiện vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân đều phải ngăn chặn chứ không nói gì cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, Cục Nghệ thuật Biểu diễn có quyền thu hồi giấy phép phổ biến lưu hành ca khúc đã cấp. Ngược lại, phía Cục Bản quyền tác giả lại cho rằng xử lý vi phạm bản quyền không liên quan đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Kết quả là hết buổi trao đổi, quyết định đúng, sai như thế nào vẫn cứ lùng bùng.

Thời điểm này, tham vấn ý kiến luật sư, không hẳn câu trả lời nào cũng rõ ràng. Một số luật sư chỉ ra được lỗi sai trong việc ban hành quyết định dừng ca khúc nhưng áp dụng quy định nào cho phù hợp trong trường hợp này thì không. Vấn đề chỉ thực sự ngã ngũ khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam chỉ ra đúng cái sai của Cục: tác phẩm có nhiều dị bản, bị chỉnh sửa so với bản gốc, cơ quan chức năng nên xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm cụ thể.

Cơ quan quản lý ban hành quyết định sai chỉ vì thiện chí và nỗ lực bảo vệ bản quyền như quyết định dừng 5 ca khúc nổi tiếng sáng tác trước  năm 1975 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói trên không phải là cá biệt duy nhất. Có xuất phát điểm tương tự nhưng "châm ngòi nổ" trong dư luận sớm hơn là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang với quyết định cấm lưu hành một loạt các ca khúc, trong đó có những ca khúc cách mạng rất nổi tiếng và "Thời hoa đỏ" của cố nhạc sĩ Thuận Yến chỉ là một điển hình.

Chỉ đến khi dư luận bức xúc, lật lại vấn đề, cơ quan chức năng mới phát hiện Tiền Giang áp dụng sai luật. Lỗi sai về cơ bản cũng giống Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Thay vì chỉ xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền cụ thể, cơ quan chức năng cấm luôn việc phổ biến ca khúc.

Chắc chắn, lỗi vận dụng sai quy định pháp luật trong quá trình nỗ lực bảo vệ bản quyền không chỉ có 2 trường hợp nói trên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các sự cố dở khóc dở cười sau đó: cấp phép phổ biến nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là "Nối vòng tay lớn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cập nhật phổ biến hơn 300 ca khúc nhạc cách mạng đã lưu hành rộng rãi…

Với các trường hợp này, nhiều luật sư chỉ ra rất rõ rằng quyền công bố tác phẩm âm nhạc là của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nếu một ca khúc đã từng được cấp phép biểu diễn hoặc sản xuất bản ghi âm, ghi hình cũng đồng nghĩa với việc ca khúc này đã được cấp phép phổ biến lưu hành. Cơ quan cấp phép không cần phải tiến hành thủ tục cấp phép phổ biến các ca khúc này mà chỉ cần cấp phép và kiểm soát nội dung khi cấp giấy phép biểu diễn hoặc sản xuất là đủ.

Tuy nhiên, lại là tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Đăng Chương, nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì cấp phép ca khúc là cần thiết với lý do: Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không làm thủ tục đề nghị cấp phép ca khúc mà Cục cho phép phổ biến, nếu chủ sở hữu tác phẩm đến kiện vì họ không đồng ý cho phổ biến, tại sao lại cho phép phổ biến, cơ quan quản lý cũng … "khó ăn khó nói"?

Bảo vệ luật mà không hiểu luật?

Không chỉ có đội ngũ quản lý văn hóa nghệ thuật mới có hiện tượng… mù mờ với các quy định pháp luật về bản quyền mà ngay đội ngũ những người đang trực tiếp tham gia bảo vệ bản quyền cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Thế nên, chỉ trong một thời gian ngắn, Cục Bản quyền tác giả đã phải liên tiếp "thổi còi" tạm dừng triển khai thu phí bản quyền với 2 tổ chức đại diện tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan: hoạt động triển khai thu phí bản quyền của Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam với các cơ sở kinh doanh karaoke và thu phí bản quyền âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với các khách sạn có tivi. Lý do được đưa ra là việc thu phí của 2 tổ chức này phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ quốc tế nhưng chưa có sự đồng thuận của các bên.

Thu phí bản quyền âm nhạc với khách sạn có ti vi gây bức xúc dư luận.

Người bị thu tiền bản quyền phản đối vì cho rằng cách thu như thế là phí chồng phí, mức phí quá cao. Người đi thu tiền lại khẳng định mức phí đưa ra chỉ là con số tượng trưng nhưng cũng không đưa ra được cơ sở thuyết phục để tính phí. Chưa kể, quy định được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam viện dẫn để áp dụng thu phí với các tivi của khách sạn còn bị nhiều luật sư chỉ rõ là áp dụng sai. Nhiều quy định cho phép thu phí nhưng xét trên logic thực tế theo số đông lại không thỏa đáng.

Ngay văn bản của một trong số tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc lớn trên thế giới là CISAC cũng chưa chỉ ra được lý do thuyết phục mà vẫn dừng ở mức viện dẫn: Chúng tôi đã thu phí như thế ở rất nhiều quốc gia và Việt Nam chỉ là một trong các quốc gia mà tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc này tiến hành thu phí. Vì vậy, đến hiện tại, cái lý vẫn nghiêng về số đông khi cho rằng không phải cái gì áp dụng ở nước ngoài cũng đúng với Việt Nam và Luật ban hành, nếu chưa phù hợp thực tiễn phát triển xã hội cũng vẫn cần tiếp tục sửa đổi. Các quy định về bản quyền không phải là ngoại lệ.

Thực tế, các tranh cãi gay gắt và cả những sai lầm trong các quyết định liên quan đến bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan thời gian gần đây không chỉ là vấn đề bột phát nhất thời. Bởi, như ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam từng chia sẻ thì Việt Nam tham gia công ước Berne đã lâu nhưng những người làm về bản quyền đã, đang chủ yếu dựa vào nhiệt huyết.

Nhiều người có nhiệt tình nhưng năng lực còn hạn chế và ngược lại, nhiều người làm về bản quyền chưa thực sự "dấn thân". Nhiều lãnh đạo chưa hiểu và không mặn mà với hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Muốn hoạt động này hiệu quả, người làm bản quyền vẫn cần và vẫn phải vừa làm vừa giải thích cho lãnh đạo hiểu…

Với những sai sót đáng tiếc như thời gian qua, thiết nghĩ, đã đến lúc, không chỉ với riêng lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật mà lãnh đạo, người làm quản lý các lĩnh vực và các cấp cần chủ động hơn trong tìm hiểu về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nếu không muốn theo "vết xe đổ" của những người làm quản lý văn hóa nghệ thuật nói trên.

Minh Hà
.
.