Kinh tế châu Âu phục hồi không cân bằng

Thứ Hai, 31/08/2015, 13:30
Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008 và khủng hoảng nợ ở châu Âu chưa giải quyết được tận gốc, có lẽ vẫn là những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế của "lục địa già" chưa thể phục hồi, thậm chí vẫn trong tình trạng đình trệ. Những gói cứu trợ, những biện pháp cải cách… liên tục được đưa ra, song chính những kế hoạch chưa đồng đều này lại là yếu tố khiến tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) thể hiện xu hướng không cân bằng.

Sức ép nợ công vẫn rất lớn

Trên thực tế, biện pháp điều chỉnh và thắt chặt ngân sách của EU có hiệu quả rõ rệt, tình hình ngân sách của EU được cải thiện. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của EU từ năm 2010 đã giảm từ mức 6,4% năm 2010 xuống còn 3% năm 2014. Theo dự báo của EC, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của EU trong hai năm 2015, 2016 sẽ tiếp tục giảm, lần lượt là 2,6% và 2,2%.

Xem xét tình hình các nước thành viên, có thể thấy có 18 nước đạt mục tiêu thâm hụt ngân sách dưới 3%, trong đó Đức, Lucxembourg và Đan Mạch đạt thặng dư ngân sách. Thâm hụt ngân sách của hơn 10 quốc gia thuộc EU vẫn chưa đạt được mục tiêu, trong đó tỷ lệ thâm hụt ngân sách của 4 nước Tây Ban Nha, Slovenia, Anh, Bồ Đào Nha vượt qua 5%. Xét về tổng thể, có thể thấy tình hình ngân sách của EU có cải thiện, nhưng sức ép mà ngân sách các nước phải đối mặt có mức độ khác nhau.

Năm 2014, 6 nước có tỷ lệ nợ công lớn hơn 100% GDP, đó là Bỉ (106,4%), Ireland (110,8%), Hy Lạp (176,3%), Italia (131,3%), Cộng hòa Cyprus (107,5%), Bồ Đào Nha (128,9%). Các quốc gia Nam Âu đặc biệt là Hy Lạp và Italia vẫn là những quốc gia có tỷ lệ nợ công khá nghiêm trọng.

Vì vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU mới chỉ là 1,3%, chưa đạt đến mức độ  3,1% như trước cuộc khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế châu Âu tăng trưởng yếu một phần nữa là do tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu thiếu động lực tăng trưởng. Tổng lượng tiêu dùng cá nhân của EU trong quý II/2014 chỉ tương đương mức độ năm 2007, tổng lượng đầu tư vốn cố định thấp hơn 15% so với năm 2007. Xem xét từ góc độ khác, có thể thấy, tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thuộc EU thể hiện xu hướng không cân bằng.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Đức.

Thách thức

Sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bị tác động nghiêm trọng, liên tục rơi vào cuộc khủng hoảng nợ, các quốc gia lần lượt thực hiện biện pháp chống khủng hoảng. Các biện pháp này tuy hiệu quả nhanh, nhưng không thể điều chỉnh cơ cấu kinh tế xã hội gây khủng hoảng, thậm chí còn làm trầm trọng thêm vấn đề mang tính cơ cấu dẫn đến khủng hoảng hiện nay. Do đó, các quốc gia hàng đầu trong Eurozone mà Đức là đại diện luôn luôn cho rằng thúc đẩy cải cách cơ cấu lấy gia tăng năng lực và hiệu quả làm mục tiêu là chính sách căn bản để các nước châu Âu phục hồi thực sự và tăng trưởng liên tục.

Theo quan điểm của Đức, các nước thuộc Eurozone phải tích cực thúc đẩy cải cách những lĩnh vực sau: Giảm bớt kiểm soát đối với thị trường hàng hóa, xóa bỏ kiểm soát ngành nghề, thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngành, nâng cao hiệu quả sản xuất; cải cách chế độ an sinh xã hội, nâng cấp cơ chế an sinh xã hội, tránh để quỹ an sinh xã hội tăng lên; cải cách thị trường lao động, tăng cường tính chất linh hoạt và sức sống của thị trường lao động.

Nguyên nhân việc thúc đẩy cải cách cơ cấu tiến triển của các nước thuộc Eurozone tiến triển chậm chạp: Trước hết, thiếu thủ lĩnh chính trị cứng rắn có tính cách kiên định thúc đẩy cải cách cơ cấu. Cải cách cơ cấu là điều chỉnh và tái phân phối lợi ích, đương nhiên có thể gặp phải sự phản đối của những nhóm lợi ích khác nhau. Do đó, Eurozone cần nhân vật chính trị mạnh mẽ có khả năng tập hợp lực lượng dẹp yên tiếng nói phản đối cải cách cơ cấu.

Thứ hai, hiệu quả cải cách cơ cấu không thể xuất hiện trong thời gian ngắn, cải cách trong thời kỳ đầu còn có thể gây giảm tăng trưởng kinh tế, giảm phúc lợi xã hội, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Những vấn đề này có thể gây ra sự không hài lòng và phản đối của xã hội ở mức độ khác nhau, thậm chí có thể dẫn đến chính phủ hiện tại sụp đổ. Xem xét từ góc độ trên, có thể thấy, cải cách cơ cấu có rủi ro chính trị rất lớn đối với chính phủ hiện tại, đây là nguyên nhân chính trị khiến cải cách cơ cấu thúc đẩy chậm chạp.

Cuối cùng, một số biện pháp chống khủng hoảng mà EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện làm giảm tác động khủng hoảng kinh tế, làm suy yếu động lực cải cách cơ cấu của quốc gia khủng hoảng.

Mặc dù EU thực hiện biện pháp cứu trợ các nước khủng hoảng, song việc đòi hỏi các nước khủng hoảng tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bớt bội chi ngân sách, để khôi phục lòng tin vào chính phủ và niềm tin của nhà đầu tư, ngăn chặn khủng hoảng lan rộng lại khó có thể thực hiện.

Hiệu ứng kiềm chế của chính sách thắt chặt ngân sách đối với tăng trưởng kinh tế của Eurozone chủ yếu thực hiện thông qua các cơ chế như: Tăng thuế, không tăng lương, giảm phúc lợi xã hội... Tăng thuế sẽ làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp, kìm hãm sự gia tăng của đầu tư. Trong tình hình tỷ lệ thất nghiệp cao, việc cắt giảm phúc lợi xã hội, gia tăng gánh nặng trong cuộc sống người có thu nhập thấp dẫn đến xã hội châu Âu liên tục rối ren.

Mặc dù nền kinh tế châu Âu xuất hiện dấu hiệu phục hồi, nhưng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu vẫn chưa suy yếu, việc thúc đẩy cải cách cơ cấu tiến triển chậm chạp, thắt chặt ngân sách và thắt chặt tiền tệ vẫn kéo dài, cuộc khủng hoảng địa chính trị gây ra sự trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU. Đây là những nhân tố tiêu cực làm cho con đường phục hồi kinh tế châu Âu không bằng phẳng.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.