Kinh tế toàn cầu: Sau cơn mưa, trời lại sáng
- IMF cảnh báo biến đổi khí hậu đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
- Bài toán mở cửa trở lại nền kinh tế toàn cầu
- Dịch Covid-19 và dự liệu kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 4,4% trong năm 2020. Nhưng, vẫn có lý do để tin “sau cơn mưa, trời lại sáng”...
Năm 2020 bị coi là một năm đặc biệt khó khăn đối với các quốc gia trên toàn thế giới khi mà đại dịch COVID-19 đã lần lượt càn quét mọi khu vực, gây ra những tác động thảm khốc lên ngành y tế công và những cú sốc tưởng chừng không thể chống đỡ với nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 4,4% trong năm 2020. Nhưng, vẫn có lý do để tin “sau cơn mưa, trời lại sáng”...
Mặc dù đà phục hồi kinh tế trên toàn cầu đã ghi nhận một sự giảm tốc mạnh vào tháng 11 sau khi số lượng các ca nhiễm tăng vọt, kéo theo tình trạng chậm chạp trong nỗ lực khôi phục các hoạt động thương mại, song đà giảm tốc này dường như chỉ là tạm thời và tâm lý của giới doanh nghiệp về triển vọng kinh tế năm 2021 đang đạt mức cao nhất trong hơn 6 năm qua, chủ yếu là nhờ những kỳ vọng rằng cuộc sống sẽ bắt đầu quay trở lại bình thường vào năm mới với những thông tin tích cực về các loại vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài ra, có một điều kỳ lạ là chính cuộc khủng hoảng hiện nay lại có thể mở ra một con đường dẫn dắt các quốc gia đang phát triển hướng tới một sự tự chủ kinh tế lớn hơn.
Tâm lý lạc quan ở phương Bắc
Những tiến triển đầy lạc quan được ghi nhận rõ rệt nhất tại Mỹ và Trung Quốc, nơi sự tăng trưởng kinh tế đã đạt mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua đối với Mỹ và hơn 10 năm đối với Trung Quốc, đồng thời tỷ lệ việc làm tại hai cường quốc thế giới hiện cũng tăng cao.
Tâm lý lạc quan vẫn hiện diện sau quá nhiều biến động. |
Song song với tốc độ tăng trưởng sản lượng trong ngành chế tạo ngày càng nhanh, cả Mỹ và Trung Quốc cũng chứng kiến sự tăng tốc đáng kể về tỉ lệ tăng trưởng trong ngành dịch vụ, trong đó ngành dịch vụ của Trung Quốc đã lần thứ hai đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong hơn 10 năm qua, còn Mỹ chứng kiến sự thể hiện tích cực nhất của ngành này trong hơn 5 năm qua - một thành tựu đáng kể đã đạt được bất chấp việc các nhà cung ứng dịch vụ tại Mỹ vẫn đang trải qua tình trạng đình trệ vì tỉ lệ các ca mắc COVID-19 gia tăng.
Đáng khích lệ hơn nữa, Chỉ số kiểm soát COVID-19 được kỳ vọng sẽ mang lại một sự nới lỏng các biện pháp hạn chế trên toàn cầu trong tháng 12 sau khi chính phủ công bố các ý định điều chỉnh các biện pháp phong tỏa do số lượng ca nhiễm đã một lần nữa được kiểm soát. Điều này hẳn sẽ giảm bớt những sức ép tiêu cực mà giới doanh nghiệp đã phải hứng chịu trong suốt tháng 11. Thêm vào đó, những thông tin về các cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công cũng vẽ nên một bức tranh tươi sáng hơn trong những tháng tới và góp phần đưa những kỳ vọng của giới thương mại toàn cầu cho năm tới lên một mức cao nhất kể từ tháng 3-2014.
Thái độ lạc quan trong ngành chế tạo cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 2-2015, trong khi ngành dịch vụ cũng chứng kiến mức độ tự tin cao nhất kể từ tháng 3-2014.
Tâm lý tích cực được thể hiện rõ rệt tại Mỹ, nơi sự lạc quan được củng cố khi những hoài nghi đã giảm bớt sau cuộc bầu cử tổng thống và những kỳ vọng về sự gia tăng hỗ trợ của chinh phủ dưới hình thức các biện pháp kích thích tài chính.
Tâm lý tự tin gia tăng cũng góp phần củng cố tỷ lệ tuyển dụng lao động. Sự gia tăng số lượng việc làm trên toàn cầu trong tháng 11 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 4-2019. Lần đầu tiên trong năm qua, tình trạng việc làm trong ngành chế tạo đã ổn định trở lại. Nước Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong sự tăng cường tuyển dụng lao động, ghi nhận tỉ lệ gia tăng việc làm hàng tháng cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát của công ty thu thập kết quả khảo sát Anh IHS Markit bắt đầu vào năm 2009.
Phép lạ ở phương Nam
So với các nền kinh tế phát triển ở phương Bắc, các quốc gia đang phát triển ở phía Nam nhìn chung đều có sức chịu đựng tốt hơn với đại dịch. Nếu xét theo dân số, hầu hết các nền kinh tế phát triển của phương Tây đều ghi nhận tỷ lệ mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều hơn so với các nước đang phát triển ở Nam bán cầu dù sở hữu những hệ thống chăm sóc y tế vượt trội và mạng lưới an toàn xã hội mạnh hơn.
Năm 2020 bị coi là một năm đặc biệt khó khăn đối với các quốc gia trên toàn thế giới. |
Chẳng hạn, hệ thống y tế của Ấn Độ chỉ xếp thứ 112 thế giới, trong khi Mỹ đứng thứ 37. Thế nhưng, Ấn Độ đến nay chỉ ghi nhận khoảng 6.400/1 triệu dân mắc COVID-19, còn tỉ lệ này của Mỹ cao hơn Ấn Độ đến 4 lần.
Một số quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã đối phó thành công với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 bằng cách triển khai các quy trình xét nghiệm, truy vết cùng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay từ giai đoạn đầu dịch bùng phát. Đây là điều mà hầu hết các quốc gia phát triển nhất trên thế giới đều không làm được. Báo cáo của IHS Markit cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 9 của Việt Nam tăng 6,5 điểm so với tháng trước đó và đạt 52,2 điểm, mức tốt nhất tính từ đầu năm.
Ngay cả trước khi bị COVID-19 tấn công, nhiều nền kinh tế đang phát triển cũng đã nỗ lực tìm kiếm những con đường để chuyển mình bền vững từ thân phận phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài sang tư thế tự chủ. Thế nhưng, hiện nay, chính cuộc khủng hoảng tồi tệ này đang tạo ra nhiều cơ hội để các nước đang phát triển trở nên tự lập hơn.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong giai đoạn đại dịch, ngành thương mại tại các nước đang phát triển ở khu vực Đông Á chứng kiến sự suy giảm nhẹ hơn so với phương Tây. Khả năng phục hồi mạnh mẽ của các nước đang phát triển được thể hiện rõ ràng nhất trong ngành dệt và may mặc của Việt Nam, vốn vẫn duy trì được hoạt động trong suốt giai đoạn đại dịch và được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn so với các đối thủ cạnh tranh ở khu vực trong năm 2021.
Tiếp theo, các ngành dược phẩm và chăm sóc y tế được cho là sẽ phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế thời hậu đại dịch do người dân sẽ lưu ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của y tế và sức khỏe. Cuối cùng, các chính phủ của các quốc gia đang phát triển có thể huy động các nguồn lực trong nước để bù đắp cho nguồn tài trợ từ bên ngoài bị sụt giảm, đặc biệt là thông qua việc điều chỉnh các chính sách thuế.
Trên con đường tiến tới sự tự chủ, các quốc gia đang phát triển ở phía Nam sẽ không chỉ phải đối mặt với hàng loạt rào cản như là sự quản lý yếu kém, môi trường thương mại không thuận lợi và các cuộc nội chiến, mà còn phải phá vỡ mô hình phụ thuộc vào tài trợ từ bên ngoài đã tồn tại kể từ sau năm 1945, vốn do phía Bắc chi phối và được định hình bởi các yếu tố địa chính trị.
Hiện nay, các quốc gia này phải vạch ra được một chính sách phát triển không phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mỗi cuộc khủng hoảng đều đi kèm với những cơ hội to lớn và đại dịch COVID-19 cũng không phải ngoại lệ. Đại dịch này đã mang lại cho các nước đang phát triển cơ hội làm mới và khởi động lại nền kinh tế của mình và giũ bỏ thân phận phụ thuộc vào trợ cấp bên ngoài.
Khi mà hầu hết các khu vực trên thế giới vẫn đang bị virus SARS-CoV-2 bủa vây, nền kinh tế toàn cầu phải kết thúc năm 2020 trong trạng thái tiếp tục ứng phó với đại dịch. Cùng với những thiệt hại lớn về con người, sự bùng nổ của COVID-19 còn đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua. Thế nhưng, lần đầu tiên kể từ sau khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan, đã xuất hiện những hy vọng chính đáng về một con đường tươi sáng để thoát ra khỏi khủng hoảng nhờ những thông tin tích cực về một số loại vaccine hiệu quả.
Trong bối cảnh này, chúng ta tin tưởng rằng nền kinh tế toàn cầu đang đi vào “giai đoạn cuối cùng” của đại dịch. Và vì thế, triển vọng kinh tế cho năm 2021 đang tươi sáng hơn bao giờ hết.