Kỷ lục tiền thưởng trong giới quần vợt nữ

Thứ Ba, 31/12/2019, 06:47
Quần vợt là một trong những môn thể thao đắt đỏ nhưng cũng giàu có nhất thế giới. để có thể chơi quần vợt ở hạng chuyên nghiệp đòi hỏi số tiền đầu tư lớn, nhưng bù lại khi đã thành công sẽ có được những hợp đồng quảng cáo và tiền thưởng hậu hĩnh, thậm chí có thể coi là cao nhất trong thể thao hiện đại.

Nếu như trước đây, chỉ có các tay vợt nam kiếm được những khoản tiền thưởng nhiều triệu đôla, thì giờ đây phụ nữ đang đuổi kịp, thậm chí vượt qua họ. Tay vợt 23 tuổi Ashleigh Barty vừa giành chức vô địch giải WTA Finals 2019 với khoản tiền thưởng kỷ lục của thế giới quần vợt là 4,4 triệu đôla.

Vì sao quỹ tiền thưởng cho các giải quần vợt chuyên nghiệp đang tăng chóng mặt? Những nguồn tiền khổng lồ nào đang đổ vào quần vợt và vì sao môn thể thao này lại thu hút được nhiều nhà tài trợ đến vậy?

Tiền đầy túi

4,4 triệu đôla là khoản tiền thưởng kỷ lục mà tay vợt số 1 thế giới Ashleigh Barty (người Australia) nhận được sau khi đánh bại nhà vô địch năm ngoái Elina Svitolina tại chung kết WTA Finals 2019 ở Thâm Quyến (Trung Quốc). Khoản tiền này được coi là một kỷ lục tiền thưởng mới tại tất cả các giải đấu của nam và nữ. Nhờ đó, tổng tài sản của Barty đã tăng lên thành 6,5 triệu đôla.

Đương kim số 1 thế giới Ashleigh Barty.

Nếu chỉ so sánh với năm 2018, tiền thưởng của tay vợt vô địch giải đấu đã tăng lên gấp đôi, tương tự như vậy là tổng tiền thưởng của cả giải (từ 7 triệu lên thành 14 triệu đôla). Ngay như tay vợt thất bại trong trận chung kết Svitolina cũng nhận được tới 2,4 triệu đôla, tức là nhiều hơn tiền thưởng cho chức vô địch cô giành được năm ngoái.

Quỹ thưởng chung của một giải đấu chính là tổng số tiền sẽ được chia cho tất cả các tay vợt tham dự theo tỉ lệ tùy thuộc vào việc họ lọt được vào sâu trong giải hay không. Số tiền này tùy thuộc chủ yếu vào đóng góp của các nhà tài trợ, cũng như vào thứ hạng của giải đấu.

Tiền thưởng cao nhất từ trước tới nay vẫn thuộc về các giải Grand Slam - Giải Australia mở rộng, Giải Pháp mở rộng (Rolan Garros), giải Wimbledon và giải Mỹ mở rộng. Tiền thưởng của nam và nữ trong tất cả các giải này hiện đều ngang bằng nhau.

Trong năm 2019, quỹ tiền thưởng lớn nhất thuộc về giải Mỹ mở rộng với tổng giá trị 57 triệu đôla. Những tay vợt giành chức vô địch của giải này - tay vợt Tây Ban Nha Rafael Nadal và tay vợt nữ người Canada Bianca Andreescu - đã góp thêm vào tổng số tài sản của mình 3,9 triệu đôla. Cần nói thêm là ngay cả những tay vợt bị loại ngay vòng đầu tiên của giải này cũng nhận được 58 ngàn đôla.

Tương tự như vậy, các nhà tổ chức giải Australia mở rộng 2019 có trong tay tổng cộng 44,5 triệu đôla (năm 2018 là 39 triệu đôla). Quỹ thưởng của Wimbledon là 49,4 triệu đôla (tăng 11,8% so với năm ngoái). Còn tại giải Roland Garros có tổng giải thưởng 42,7 triệu đôla, những tay vợt rời giải ngay từ vòng một cũng đút túi 52 ngàn đôla (tức là tăng 201% so với năm trước). 

Sự tăng trưởng nhảy vọt về tiền thưởng như vậy đã được đánh giá là chuyện bình thường trong quần vợt. Đó là xu hướng chung hàng năm của tất cả các giải quần vợt đủ mọi thứ hạng, cho dù giải nữ đang có tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn giải của nam.

Cuộc đấu bình đẳng giới

Ban đầu, các tay vợt nữ chưa có quyền được gọi là các vận động viên chuyên nghiệp, tương tự như vậy cũng không được nhận tiền thưởng cho các trận đấu. 

Ngay từ những năm 1940, họ đã chính thức đấu tranh đòi quyền bình đẳng trong môn thể thao này. Với việc bắt đầu của Kỷ nguyên mở (thời kỳ của quần vợt chuyên nghiệp bắt đầu từ cuối những năm 1960), quan điểm này đã chính thức được thay đổi: phụ nữ chính thức được tham gia các giải đấu chuyên nghiệp và được trả tiền.

Serena Wiliams.

Tuy nhiên, nếu so sánh với khoản tiền thưởng bên phía nam giới, con số họ nhận được chỉ được ví như những "khoản tiền lẻ". Chẳng hạn như tại giải Pacific Southwest Open ở Los-Angeles vào thời kỳ đó, chức vô địch nam nhận được 12 ngàn đôla, trong khi nhà vô địch nữ có vỏn vẹn 1,5 ngàn đôla.

Tình hình đã thay đổi hoàn toàn chỉ sau một trận đấu lịch sử (được mệnh danh là "Trận quyết đấu giới tính").

Ngày 20-9-1973, một trong những tay vợt nữ mạnh nhất thời bấy giờ là Billie Jean King đã vượt qua Bobby Riggs, người từng giành 3 giải Grand Slam dành cho nam giới (dù vào thời điểm đó đã từ bỏ sân chơi chuyên nghiệp).

Cần nhớ là trận đấu được tiến hành theo đúng thể thức cho giải nam là 5 sét, trong khi giải nữ chỉ là 3. Kết quả trận đấu đã khiến cho lãnh đạo Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) buộc phải xem xét lại để nâng cao tiền thưởng cho giải nữ.

King về sau trở thành Chủ tịch của Hiệp hội Quần vợt nữ thế giới (WTA) - một tổ chức được ra đời với vai trò là một công đoàn đấu tranh chống nạn phân biệt giới tính trong quần vợt.

Cuộc đấu tranh này vẫn đang tiếp tục diễn ra và được coi là ngọn cờ đầu trong cuộc chiến vì bình đẳng giới. Nói chung, quỹ tiền thưởng cho các giải đấu của WTA vẫn thấp hơn mặt bằng của Hiệp hội quần vợt chuyên nghiệp (ATP) dành cho các tay vợt nam. Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể vào thời điểm hiện nay. 

Những tay vợt triệu phú

Nhưng giờ đây, nếu như nói tới vị trí của các tay vợt nữ trong mặt bằng thế giới thể thao nữ nói chung thì họ chính là những người giàu có nhất. Vấn đề không phải chỉ ở những khoản tiền thưởng: mức độ phổ biến hình ảnh giúp cho họ có thể ký được hợp đồng với nhiều nhãn hiệu hàng đầu thế giới. Tất cả là nhờ vào những nỗ lực quảng cáo của WTA.

Naomi Osaka.

Cũng tương tự như ATP, tổ chức này thu hút được những nhà tài trợ lớn nhất trên thế giới. Điển hình như các nhà sản xuất trang bị văn phòng Xerox, ngân hàng BNP Paribas, Hãng hàng không Jetstar, nhà sản xuất trang phục Peak, Hãng đồng hồ Rolex, nhà sản xuất ôtô Porsche v.v… - tất cả đều sẵn sàng tài trợ tiền bạc cho quần vợt nữ. Đó là chưa kể đến khoản thu không nhỏ từ bán vé: chẳng hạn như một tấm vé loại rẻ nhất để xem chung kết US Open cũng có giá tới 300 đôla.

Trong bảng xếp hạng những nữ vận động viên có thu nhập cao nhất trong năm 2019 của Tạp chí Forbes, các tay vợt nữ chiếm liền 10 vị trí đầu tiên. Dẫn đầu hiện nay là tay vợt Mỹ Serena Wiliams, người đã có trong bảng thành tích 23 lần vô địch Grand Slam.

Cụ thể theo Forbes, thu nhập của cô trong năm tài chính vừa qua (tính từ 1-6-2018 đến 1-6-2019) là 29,2 triệu đôla, trong đó chỉ có 4,2 triệu đôla tiền giải thưởng. Phần lớn số tiền còn lại do Serena kiếm được là từ các hợp đồng quảng cáo.

Cần nói thêm, đây không phải là một năm thành công đối với cô em nhà Wiliams nếu xét trên quan điểm thể thao thuần túy: cô đã không giành được một danh hiệu nào, cho dù đã lọt vào được vài trận chung kết.

Serena vẫn thường nói rằng, tiền không phải là yếu tố chính đối với cô. "Tôi không bao giờ mảy may nghĩ đến tiền bạc, mà chỉ luôn nghĩ đến cách giành được danh hiệu. Tôi cũng không nhớ cách mình đã tiêu hết một triệu đôla đầu tiên của mình" - Serena đã trả lời phỏng vấn như vậy với Uninterrupted.

Còn sau chiến thắng tại Wimbledon 2009, tay vợt này đã tuyên bố: "Chúng tôi không nghĩ đến chuyện tiền bạc. Đối với chúng tôi, điều đơn giản nhất là có thể chơi quần vợt. Chúng tôi được trả tiền vì việc chúng tôi đang làm. Đó đơn giản chỉ là tiền thưởng".

Đứng thứ hai trong bảng xếp hạng là tay vợt người Nhật Naomi Osaka, người trước đây không lâu cũng từng giữ ngôi số 1 thế giới. Tài sản trong năm của cô đã tăng lên thêm 24,3 triệu đôla, trong đó tiền giải thưởng chiếm 1/3 (cũng có nghĩa chưa ai vượt qua được cô về khoản này). 

Theo dự tính, Osaka đến cuối năm 2020 sẽ vọt lên vị trí đầu bảng của Forbes khi thu nhập của cô có thể lên tới 30 triệu đôla nhờ các hợp đồng ký với nhà tài trợ. Đó là chưa tính tới khoản tiền giải thưởng vì hiện không ai có thể dự đoán giá trị của chúng sẽ tăng thêm bao nhiêu trong tương lai. 

Thứ 3 trong danh sách này là tay vợt Đức Angelique Kerber với 11,8 triệu đôla, trong đó 5,3 triệu là tiền thưởng. Trong danh sách của Forbes, nữ vận động viên đầu tiên không phải trong lĩnh vực quần vợt là cầu thủ bóng đá Mỹ Alex Morgan. Cô đang nắm giữ vị trí 12 (sau 11 tay vợt hàng đầu) với khoản tiền lương 250 ngàn đôla từ câu lạc bộ Orlando Pride cùng 5,5 triệu đôla nữa từ các nhà tài trợ.

Phân hòa

Nhưng có lẽ tay vợt nữ thành công nhất trong lĩnh vực tài chính từ trước tới nay chính là Maria Sharapova, dù mới chỉ có trong tay 5 danh hiệu Grand Slam. Trong bảng xếp hạng năm 2019 vừa rồi, cô gái Nga này chỉ xếp thứ 7. Tuy nhiên cần nhớ là vào năm 2015, Maria là tay vợt duy nhất đã dẫn đầu bảng xếp hạng của Forbes trong suốt 10 năm liền, kể từ 2005. Tính trung bình trong suốt thời gian 10 năm này, Maria đã kiếm được khoảng 30 triệu đôla mỗi năm.

"Tôi không bao giờ kiểm lại tổng số tiền thưởng của mình. Khi tôi thắng một giải thì tất nhiên nó sẽ tăng lên. Tôi nghĩ bất cứ khoản tiền nào đều không thể dễ dàng kiếm được. Tiền đối với tôi không phải là vấn đề chính. Tôi chỉ biết rằng tôi càng thắng nhiều thì sẽ càng thu được nhiều, do môn thể thao này có thu nhập khá tốt" - Maria đã trả lời phóng vấn tờ "Vedommosti" như vậy. 

Tất nhiên khối tài sản nhiều triệu đôla của Maria cũng là kết quả của những chiến dịch quảng cáo. Trong nhiều năm qua, cô từng là gương mặt đại diện của TAG Heuer, Colgate & Palmolive, Land Rover, Tiffany & Co, Head, Samsung, Porsche, Evian, Nike. Giờ đây tình hình đã khác xưa nhiều, khi Maria từ lâu đã không giành được một danh hiệu nào, thậm chí còn chưa qua nổi một vòng tứ kết.

Quan chức đứng đầu WTA Steve Simon đã nhìn nhận sự gia tăng đáng kể giá trị tiền thưởng chính là dấu hiệu rõ ràng nhất cho sự phát triển của quần vợt nữ: "Điều này cho thấy giá trị thực sự của môn thể thao này cũng như các nữ vận động viên của chúng ta. Chúng tôi đang tìm kiếm những khoản đầu tư dài hạn. Thị trường không có bất cứ sự phản đối nào trước mong muốn của chúng tôi nhằm nâng tiền thưởng lên tới mức kỷ lục".

Tất nhiên là trên thực tế vẫn có những ý kiến khác. Điều này chủ yếu liên quan đến sự phân hóa ngày càng rõ hơn về thu nhập giữa những tay vợt hạng nhất với đa số những vận động viên hạng dưới. Nếu như tài sản của những tay vợt hàng đầu tăng lên chóng mặt, thì những người ở hạng dưới gần như không có gì thay đổi. 

Trong khi vì đặc thù của môn thể thao này, họ vẫn phải liên tục đầu tư không ít: tiền vé máy bay, duy trì đội ngũ hỗ trợ, tiền trả cho huấn luyện viên, bác sĩ và cả tiền thuế v.v… 

Kim Lai (tổng hợp)
.
.