Nhìn lại các cách tính lịch khác biệt trong lịch sử

Thứ Tư, 13/01/2016, 15:00
Sự hiện hữu của lịch thời gian trong cuộc sống của con người hiện đại là một hiện tượng quá đỗi bình thường. Mỗi khi đánh dấu ngày, tháng, năm, thập kỷ, thế kỷ rồi thiên niên kỷ, chúng ta khó mà nhận thức hết được rằng, thực ra cái sự việc tưởng chừng quá đỗi đơn giản ấy, lại từng xảy ra không dễ dàng chút nào trong lịch sử của nhân loại.


Cách tính tháng của người Babylon cổ

Khi cấu trúc xã hội trở nên phức tạp hơn và xuất hiện các thể chế nhà nước, song song là các mối giao lưu buôn bán và đi lại nhộn nhịp, đòi hỏi phương pháp tính thời gian một cách chuẩn xác hơn. Chính các nhà chiêm tinh học cũng là những người đầu tiên làm ra lịch thời gian với những ngày cụ thể, liên quan tới những hiện tượng thiên văn mang tính quy luật, cũng như các hoạt động tín ngưỡng của họ.

Thoạt đầu người ta sử dụng thời gian của mặt trăng làm nền tảng cho việc tính các mùa, nôm na là "lịch âm" như bây giờ vẫn gọi. Khi quay quanh trái đất, mặt trăng luôn trong trạng thái thay đổi có tính chu kỳ đối với các nhà quan sát nó dưới mặt đất. Mỗi chu kỳ lặp lại đó được gọi là "tháng mặt trăng". Ngoài ra, 12 chu kỳ "tháng trăng" ấy cũng gần tương tự với một "năm mặt trời". Nhưng chính cái điều "gần tương tự" này lại sinh ra những sự rắc rối nhất về cách tính thời gian nói chung.

Cuốn "lịch thiên văn" Stonehenge xếp bằng đá nhìn từ trên cao.

Lịch của người Sumer cổ ở Babylon (Iraq bây giờ) quy định thời gian một tháng từ kỳ trăng mới này đến kỳ trăng mới sau. Ngày đầu tiên của mỗi tháng đều bắt đầu khi mặt trăng xuất hiện trên bầu trời; đồng thời nhiều sắc dân khác lại chuộng cách tính thời gian của một năm theo chu kỳ trăng non. Một điều tất yếu bắt buộc phải tu chỉnh cuốn lịch thiên văn đầu tiên, bởi sự khác nhau giữa thời gian kéo dài mỗi tháng: giữa 29 và 30 ngày - là điều miễn bàn cãi. Rồi người ta chấp nhận thời gian trung bình của một tháng là 29,5 ngày. Nhưng "tháng trăng" trong thực tế lại dài hơn chút ít.

Ngoài ra, một "năm âm" như vậy có 354 ngày, trong khi trái đất đi hết quỹ đạo quanh mặt trời của mình là 365,2422 ngày - nảy sinh sự khác biệt tới 11 ngày mỗi năm. Vả lại, không thể nghĩ một cách đơn giản là cứ thêm những ngày thiếu nói trên vào mỗi dịp cuối năm được, vì điều này cản trở sự mở đầu của năm sau phải tương ứng với chu kỳ trăng mới.

Giới chiêm tinh Babylon điều chỉnh khiếm khuyết ấy bằng cách áp dụng một hệ thống phức tạp với chu kỳ 19 năm, bao gồm 12 năm với 12 tháng và 7 năm với 13 tháng. Cách tính lịch này cũng được nhiều dân tộc khác sử dụng rất lâu cho tới trước thời kỳ suy tàn của đế chế Babylon. Vào năm 538 Trước CN khi người Persi chinh phục Babylon, họ liền áp dụng cách tính lịch mới trên toàn đế chế của mình - trải từ Ấn Độ đến miền đồng bằng lưu vực sông Nile ở Ai Cập. Ngay cả dân Do Thái cổ - nổi tiếng về sự thông minh - cũng quyết định chuyển lịch của mình sang kiểu tính của người Babylon cho chính xác hơn.

Lịch mặt trăng - mặt trời của người Hy Lạp

Từ các văn tự cổ, người ta được biết lúc đầu người Hy Lạp cũng sử dụng lịch mặt trăng - mặt trời. Nhưng những tháng trăng của họ được bắt đầu bằng sự xuất hiện của trăng non, dẫn đến vấn đề nan giải: thiếu hẳn quy định thời gian về các mùa tương ứng trong năm. Ngay từ nửa cuối thế kỷ V T.CN họ đã nhận thấy thứ lịch ấy không hoàn toàn khớp với các tuần trăng và nhất là với 4 mùa, vậy là người Hy Lạp bắt đầu tính các năm kế tiếp nhau với 12 và 13 tháng.

Nhưng điều này không có trong hệ thống thiên văn quy ước, mà chỉ mang tính ngẫu nhiên và phụ thuộc trước hết vào quyết định của những vùng lãnh thổ khác nhau: mỗi nơi có quyền quy định số tháng cần có trong năm tới của mình, cũng như sự thêm vào hay bớt đi một ngày trong tháng cho phù hợp. Cách này dẫn tới khả năng 2 địa danh kề cận nhau lại có thời gian khác hẳn nhau, thật bất tiện.

Tới năm 539 T.CN thì Solun (nay là Thessaloniki), thành phố đầu tiên của Hy Lạp áp dụng thứ lịch tương tự như của người Babylon, bao gồm một chu kỳ 8 năm với 5 năm có 12 tháng và 3 năm có 13 tháng. Đến năm 432 trước CN, nhà thiên văn Meton nổi tiếng của Hy Lạp phát hiện ra một điều - từng được giới thiên văn học Trung Hoa biết tới từ lâu: chính 19 năm thời gian của mặt trời khớp đúng với 235 "kỳ trăng", một khám phá vĩ đại đối với người Hy Lạp khi ấy.

Thứ lịch mà chúng ta đang dùng hiện nay có xuất xứ ban đầu từ lịch Ai Cập. Đối với người Ai Cập cổ thì việc nước sông Nile dâng lên là sự kiện quan trọng nhất trong năm, làm phấn chấn nhà nông cũng như các giới chính trị xã hội khác. Điều quan trọng là phải biết được chính xác con nước dâng để sửa soạn cho công việc đồng áng. Rồi người ta dễ dàng tính được, rằng triều cường thường tương ứng với các kỳ trăng.

Nhưng rồi năm tháng phụ thuộc vào các kỳ trăng được thay bằng một năm với 365 ngày. Cách chia 12 tháng cố hữu vẫn được giữ lại, từ đó 1 năm trở thành đơn vị tiêu chuẩn để tính mốc thời gian. Mỗi tháng có 30 ngày, cộng thêm với 5 "ngày lễ" vào dịp cuối năm để trở thành một năm thời gian trọn vẹn. Lịch mặt trăng dần dần bị mất ý nghĩa chính xác về thời gian thực, và các kỳ trăng không còn được dùng để tính đầu tháng hay đầu năm nữa. Bức tranh chung đã thay đổi.

Lịch của nhân loại thời hiện đại dựa trên cách tính của lịch Julian

Giới chiêm tinh La Mã không rành cách tính lịch như các đồng nghiệp ở phương Đông. Do sự thờ ơ và cả thói ích kỷ nữa, họ đã không hoàn thiện công việc của mình một cách tốt hơn được. Riêng các nhà hoạt động chính trị lại rất coi trọng giới chiêm tinh và mặc nhiên để họ "lộng hành", dẫn đến hậu quả là vào năm 46 trước CN lịch La Mã có sự "thâm thủng" tới… 80 ngày. Ở thời kỳ này chính quyền nằm trong tay Hoàng đế Julius Caesar, ông đã đánh giá cao cách tính lịch của vùng đất Ai Cập vừa bị chinh phục. J. Caesar toàn năng quyết định cải tổ công việc làm lịch.

Theo sự cố vấn của nhà thiên văn Sosigenes người Ai Cập, ông cho năm 46 trước CN bao gồm 445 ngày và cái năm đáng ghi nhớ ấy trở thành "năm dài nhất" trong toàn bộ lịch sử Niên giám châu Âu, được người đương thời nhắc đến như là "Năm xáo trộn".

Từ năm 45 trước CN người La Mã chấp nhận một dạng "biến thể" từ lịch Ai Cập, do Sosigenes nghĩ ra - dựa trên nền tảng của thời gian tính theo mặt trời, nổi danh với tên gọi "lịch Julian" hay dương lịch. 5 ngày thêm vào cuối năm nói trên trong lịch Ai Cập đã được Sosigenes "rải" đều cách quãng ra trong các tháng của năm.

Từ đó người La Mã coi tháng Hai là "tháng bất hạnh", bởi Sosigenes sắp xếp 7 tháng có 31 ngày,  4 tháng - 30 ngày, riêng tháng Hai lại chỉ có 28 ngày. Lịch Julian trở thành thứ lịch căn bản chủ yếu tạo nên loại lịch hiện đại mà chúng ta đang dùng. Một năm bây giờ có 365 ngày, song song là 1/4 ngày bị thiếu trong năm không được ghi vào lịch và các phần thiếu ấy sẽ hợp lại thành đúng một ngày cứ mỗi 4 năm qua đi. Vậy là sau 4 năm, tháng Hai lại có thêm ngày 29 cho đúng với thời gian thực của mặt trời được gọi là "năm nhuận". Kết quả sau điều chỉnh là hệ lịch mới đã hầu như tương ứng với thời gian của mặt trời trong một năm, bao gồm 365,242199 ngày. Thời gian trong lịch chỉ dài hơn thời gian thực của tự nhiên là 11 phút 12 giây.

Lịch Hồi giáo

Lịch Gregorian mà đa số các quốc gia trên thế giới đang dùng bây giờ có một "người anh em sinh đôi" là lịch Hồi giáo, được tính theo thời gian thực của mặt trăng. Lịch Hồi giáo được áp dụng bởi Quốc vương Omar Đệ nhất trong thế kỷ VII sau CN và được dùng rộng rãi tại các nước vùng Trung Cận đông, nơi đạo Hồi là thứ tôn giáo chính.

Mỗi năm đều bắt đầu bằng kỳ trăng non và có 12 tháng, kế tiếp nhau thứ tự bởi 29 và 30 ngày, hay trung bình là 29,5 ngày. Bây giờ khi chúng ta đã biết thời gian thực của tháng âm là dài hơn chút ít - 29,5306 ngày. Tuy sự khác biệt nhỏ nhoi này thoạt nhìn cũng "không đáng kể", nhưng thời gian gần đây nó đã phá vỡ sự ràng buộc quan trọng liên quan tới các kỳ trăng non và đầu năm mới, điều này hiển nhiên  là không được  tín ngưỡng Hồi giáo chấp nhận. Cho  đến bây giờ người ta  đã áp dụng nhiều cách điều chỉnh khác nhau.

Ví như sự kéo dài của hệ thống "chu kỳ Ả Rập" là 30 năm, còn "chu kỳ Thổ Nhĩ Kỳ" lại là 8 năm. Theo họ thì không có năm nào được bắt đầu với một ngày - dù dài hoặc ngắn hơn - trước kỳ trăng tròn cả. Và như vậy lịch Hồi giáo vẫn được tính bất di bất dịch tương ứng với các kỳ trăng. Lịch Hồi giáo khởi đầu từ cái "Ngày Hijri" huyền thoại: khi Thánh Muhammad chuyển từ La Mecca về Medina (Arập Xêút). Điều này xảy ra vào năm 622 theo lịch Gregorian.

Cách tính thời gian của những nền văn minh khác

Thật khó mà tìm ra thứ lịch nào chuẩn xác như lịch của người Trung Quốc. Giới chiêm tinh Trung Hoa cổ từng quan sát sự chuyển động của các ngôi sao và của cả mặt trời nữa, rồi tạo dựng - phân chia các quỹ đạo ê-líp của chúng, được họ gọi là "Con đường Vàng", với 12 "chỏm cầu"; rồi mỗi "chỏm cầu" lại được chia thành 30 phần nhỏ - tương ứng với một ngày.

Họ tính toán và gọi tên các mùa, tương ứng với sự quan sát mặt trời trong tất cả các thời kỳ hoạt động của nó, song song là họ dùng các quỹ đạo của mặt trăng làm thành các tháng căn bản trong năm. Để tránh được các khiếm khuyết về sự xê dịch của thời gian, người Trung Hoa kỳ tài đã lập ra một "bảng thiên văn" - không dựa theo một khuôn mẫu cứng nhắc nào cả, cho phép đối chiếu và bổ sung thời gian thiếu tương ứng một cách hữu hiệu.

Mãi tới tận giữa thế kỷ XIX, qua các khám phá khảo cổ người ta mới biết tới sự tồn tại của các nền văn minh từng phát triển cực thịnh ở Trung Mỹ, với những tri thức thiên văn đáng kinh ngạc, cùng sự chính xác độc đáo của họ về cách tính thời gian. Một trong những trung tâm văn minh cổ ấy tọa lạc tại thành phố Teotihuacan (Mexico) từ thế kỷ I trước CN đến thế kỷ VIII sau CN, với 150.000 dân.

Ở giữa thành phố cổ này là những quần thể Kim Tự tháp, được đánh dấu thứ tự. Vị trí của chúng cùng các bậc thang bằng đá xung quanh - hiển nhiên đã nói về một hệ thống dạng "lịch đá". Với nền văn minh Maya cổ cũng ở Trung Mỹ cũng vậy.

Qua sự phân tích các di vật khảo cổ và các bích họa mô phỏng sự sinh hoạt của người và động vật, người ta có thể khám phá ra sự liên quan - ràng buộc giữa những ngày tháng cụ thể với các hiện tượng thiên văn. Điều sáng tỏ rõ ràng: đây là một cuốn "lịch đá" với độ chính xác tuyệt đối đến khó tin. Dân Maya cổ với những nhà chiêm tinh học, đồng thời cũng là những nhà thiên văn học kỳ tài, đã tính được độ dài của một năm dương lịch là 365,2420 ngày - xê dịch có 0,0002 ngày so với cách tính tân kỳ nhất, điều này có nghĩa là xác suất  sai  số  chỉ  có 1 ngày trong 5000 năm! Sự  tính toán của người Maya đúng hơn 1.200 lần so với người Ai Cập, 40 lần - so với lịch Julian và thậm chí hơn cả 1,5 lần so với thứ  lịch Gregorian hiện đại mà chúng ta đang dùng.

Nhưng những hiểu biết chính xác ấy không phải để giới chiêm tinh Maya cổ sử dụng để tính lịch đúng, mà chỉ để quy định "mức độ không chính xác" trong sự tồn tại song song 3 thứ lịch căn bản mà người Maya cổ thường dùng: bình thường họ dùng lịch 365 ngày; lễ hội dùng lịch 360 ngày; còn trong những dịp tế lễ đặc biệt chỉ chuyên dùng thứ lịch có… 260 ngày mà thôi! Đây là một trong những bí ẩn nữa về nền văn minh Maya huyền bí.

Quang Phú (tổng hợp)
.
.