Nga xây dựng tuyến ống dẫn khí Nord Stream 2, Ukraine bày tỏ lo ngại
Moscow không muốn tiếp tục như thế nữa trong khi Ukraine thì muốn duy trì hiện trạng vì nguồn thu từ phí trung chuyển đóng góp 2-3 tỉ USD vào ngân sách hằng năm cho Ukraine, tương đương 3% GDP, đồng thời là yếu tố quan trọng trong quan hệ Nga-Ukraine.
Ngành năng lượng của Ukraine vốn yếu kém do cơ sở hạ tầng xuống cấp, bị kiểm soát quá cứng nhắc, giá cả kém cạnh tranh và nguồn cung nghèo nàn là một nguyên nhân khiến Ukraine phụ thuộc về mặt kinh tế và chiến lược vào việc trung chuyển khí đốt của Nga, mặc dù quan hệ 2 nước vẫn đang căng thẳng.
Ở một khía cạnh khác, việc trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ Ukraine cũng có cái lợi cho nước chủ nhà. Mạng lưới khí đốt Nga phủ khắp Ukraine tạo cho nước này lợi thế nhất định về mặt địa chính trị trong cuộc xung đột hiện nay với nước Nga, bởi vì Moscow cần việc trung chuyển không bị gián đoạn và nguồn lợi từ việc bán khí đốt cho châu Âu cũng không bị sứt mẻ.
Tuy nhiên, lợi thế đó của Ukraine đang yếu dần khi thỏa thuận trung chuyển và mua bán khí đốt giữa Gazprom (Nga) với Naftogaz (Ukraine) hiện nay hết hiệu lực kể từ ngày 1-1-2020.
Trong bối cảnh đó, dự án mở rộng tuyến dẫn khí đốt Nord Stream - còn gọi là dự án Nord Stream 2 - được xem là nỗ lực của nước Nga nhằm xóa bỏ sự phụ thuộc vào hành lang trung chuyển Ukraine trong xuất khẩu khí đốt. Tuyến ống dẫn mới dài 1.230km từ Ust-Luga (Nga) đến Griefswald (Đức) cho phép Gazprom tăng lượng cung ứng trực tiếp cho nước Đức đi qua lòng biển Baltic.
Theo thiết kế, tuyến ống Nord Stream 2 sẽ chạy song song với tuyến ống Nord Stream hiện hữu và sẽ chuyển giao 55 tỉ mét khối khí đốt, gia tăng gấp đôi công suất của dự án Nord Stream. Khi dự án Nord Stream 2 hoàn thành, đồng thời sau khi dự án Turkstream ở phía Nam châu Âu được đưa vào hoạt động, Nga sẽ gia tăng đáng kể sự kiểm soát đối với an ninh năng lượng của châu Âu và khống chế về mặt kinh tế đối với các quốc gia Trung Âu và Đông Âu, trong đó có Ukraine.
Bản đồ tuyến dống dẫn khí Nord Stream 2 sẽ đi qua. |
Thế mạnh chính trị và kinh tế của dự án Nord Stream 2 đã giúp dự án được triển khai nhanh chóng bất chấp sự phản đối của Mỹ và một số đồng minh ở châu Âu, như Anh. Các lãnh đạo châu Âu cũng như những nhà doanh nghiệp có lợi ích liên quan Nord Stream 2 khẳng định dự án này chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế và nó sẽ giúp củng cố an ninh năng lượng cho châu Âu nhờ tăng nguồn cung.
Nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga càng nhiều càng bảo đảm an ninh về năng lượng. Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Đức là những nước ủng hộ Nord Stream 2, đã cho phép dự án được xây dựng trên thềm lục địa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Ukraine chỉ còn hy vọng vào Thủ tướng Đức Angela Merkel để cứu vãn tuyến trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ mình. Từng là người ủng hộ dự án Nord Stream và khí đốt giá rẻ từ Nga nhập khẩu vào Đức, nhưng giai đoạn sau này bà Merkel đã thay đổi quan điểm, rút lại sự ủng hộ đó vì những lý do chính trị. Các thành viên chủ chốt trong liên minh cầm quyền đã bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng môi trường cũng như an ninh quốc gia do dự án gây ra.
Các thành viên thuộc các đảng CSU và SPD phản đối việc xây dựng mối quan hệ đặc biệt với nước Nga. Bà Merkel không còn cách nào khác hơn là phải thuận theo ý kiến của các thành viên trong liên minh cầm quyền, vì bản thân bà cũng đang đối mặt những khó khăn lớn xung quanh vấn đề người nhập cư. Bà đã khẳng định với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, dự án Nord Stream 2 không thể triển khai nếu không duy trì tuyến trung chuyển qua Ukraine.
Trong khi đó, ngành năng lượng nội địa của Ukraine lại đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Đồng tiền mất giá, nạn tham nhũng tràn lan, quá nhiều quy định kiểm soát việc khai thác kinh doanh khí đốt, rồi thuế cao bất hợp lý đối với hoạt động khai thác dầu khí, nguồn nhân lực không đảm bảo chất lượng,... là những trở ngại lớn mà Kiev buộc phải mua chóng khắc phục nếu muốn tự chủ về năng lượng. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng yếu kém và không ổn định đã làm hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn tài chính đầu tư cho các dự án năng lượng cũng như hiện đại hóa ngành năng lượng.
Trong vô vàn khó khăn như thế, Ukraine đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tự do hóa thị trường năng lượng. Từ một thị trường lệ thuộc chủ yếu vào Nga, thị trường năng lượng Ukraine hiện đang chào đón hơn chục nhà kinh doanh khí đốt nhập khẩu từ một số quốc gia châu Âu khác. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ khí đốt ở Ukraine cũng sụt giảm mạnh trong khi sản lượng khai thác đã tăng đến mức cao nhất trong 2 thập niên qua. Tuy nhiên, cải cách ngành năng lượng, như việc tư nhân hóa Công ty Naftogaz hiện vẫn đang bị trì hoãn.
Năng lượng tái tạo và điện hạt nhân đang bắt đầu được chú ý trong nỗ lực tự chủ năng lượng của Ukraine. Điện hạt nhân hiện đang chiếm đến trên 50% nguồn cung năng lượng, xếp thứ hai thế giới, chỉ sau Pháp. Bên cạnh đó, Chính phủ Ukraine cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án phong điện và điện mặt trời. Nhờ chính sách thuế khuyến khích năng lượng tái tạo, Ukraine hiện đang trở thành thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất châu Âu.
Dự án Nord Stream 2 chắc chắn sẽ hoàn thành và đi vào vận hành, đe dọa nghiêm trọng an ninh năng lượng của Ukraine. Vì thế, giới chuyên gia năng lượng cho rằng, để tự bảo vệ mình, Ukraine cần đẩy mạnh hơn nữa, phát triển mạnh mẽ ngành năng lượng tái tạo và điện hạt nhân - 2 nguồn cung cấp năng lượng duy nhất mà Ukraine có thể tự chủ được hiện nay.