Nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống vất vả mùa dịch
Nghệ nhân rối nước "ráo mồ hôi là... hết tiền"!
Những ngày tháng này, đối với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đầy thách thức vì cuộc sống, công việc bế tắc bởi sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Là một trong những người sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt năm 2000, từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng đi biểu diễn phục vụ các em nhỏ tại các trường học trên địa bàn Hà Nội, đi biểu diễn ở vùng sâu vùng xa, anh còn giới thiệu cho bạn bè quốc tế về nghệ thuật truyền thống múa rối Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề khác trong thời điểm hiện nay, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đang gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19, anh phải dừng hoàn toàn các chuyến biểu diễn trong nước, quốc tế, dừng biểu diễn tại sân khấu rối nước tại nhà để đảm bảo an toàn mùa dịch.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm chia sẻ: "Theo kế hoạch, trong năm 2019 tôi đã book lịch các chương trình biểu diễn trong nước và quốc tế, làm việc với nhiều đơn vị để ra tết 2020 thì sẽ đi biểu diễn. Tôi là một nghệ sĩ biểu diễn tự do nên việc tự mày mò cho mình những chương trình biểu diễn đã rất khó, nay thì hủy bỏ hoàn toàn mà cũng đã gần nửa năm trôi qua, thực sự là tôi đang gặp những khó khăn trong công việc biểu diễn, tự tìm nguồn thu để trang trải đời sống, vì nghề biểu diễn múa rối của tôi, ráo mồ hôi là hết tiền, làm vì đam mê, chứ thực sự không đủ dư dả để tích trữ".
"Cái khó bó cái khôn"
Nghệ sĩ hát xẩm Nguyễn Quang Long, Mai Tuyết Hoa và nhóm Xẩm Hà Thành cũng có nhiều dự định trong năm 2020. Mùa lễ hội tháng Giêng, họ đã có nhiều chương trình phục vụ các lễ hội cũng như các chương trình xẩm đường phố tại phố đi bộ hồ Gươm (3 chương trình cố định một tuần). Tuy nhiên, hiện các chương trình này cũng hoàn toàn bị tạm dừng do đại dịch COVID-19.
Nghệ sĩ hát xẩm. |
Nhóm Xẩm Hà Thành có 10 thành viên, nhiều hoạt động quay MV (Music Video - phim ca nhạc), ghi hình đã lên kế hoạch cũng đã dừng lại. Nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho biết: "Nhóm Xẩm Hà Thành có nhiều thành viên vì muốn phát triển chuyên tâm cho nghệ thuật hát xẩm đã tự rời bỏ những công việc trước đây, có người làm Nhà nước như tôi, để không bị phân tán công việc. Chúng tôi có chiến lược khôi phục bộ môn nghệ thuật hát xẩm đang mai một trong giới trẻ cũng như trong đời sống nghệ thuật xô bồ hiện nay, tái hiện lại không gian xẩm như trước đây để xẩm thực sự đi vào được công chúng.
Chúng tôi đã cùng ngồi lại để xây dựng chương trình, kế hoạch tỉ mỉ và khởi động vào năm 2020 với nhiều dự án thậm chí đã xin được nguồn kinh phí để thực hiện. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn, trước thời buổi này, mọi thứ đều dừng lại. Điều chúng tôi lo lắng nhất là sau dịch, nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi sau dịch, các cơ quan ban ngành đến các tổ chức cá nhân cần thời gian để cho mọi việc trở lại quỹ đạo bình thường, vực dậy nền kinh tế. Khi mọi thứ ổn định thì lúc ấy, nhu cầu thưởng thức văn nghệ mới được chú ý đến. Vì vậy, chúng tôi mong muốn rằng, dịch sớm qua đi để nghệ sĩ biểu diễn tâm huyết như chúng tôi có cơ hội được thể hiện năng lực và niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống".
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, người chuyên tâm với nghệ thuật hát xẩm nhiều năm qua cũng chia sẻ, dù biết là khó khăn, không có nguồn thu, không có hoạt động biểu diễn nhưng đợt vừa rồi, các thành viên trong nhóm Xẩm Hà Thành vẫn gom tiền cùng nhau quay một MV về đại dịch COVID-19 có tên gọi "Tiễu trừ Corona", góp thêm tiếng nói của âm nhạc cổ truyền dân tộc trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nguy hiểm đang hoành hành và gây xáo trộn trên phạm vi toàn cầu này.
Đạo diễn Nguyễn Nhật Giang cho biết: “Thực sự là nghĩ đến tương lai cũng những ngày sắp tới của nghệ thuật hát xẩm và nhóm anh em chúng tôi thì cũng khá... tủi thân vì sẽ không có nhiều cơ hội để biểu diễn phục vụ công chúng. Nhưng, nói thật không vì thế mà buồn hay bi lụy. Chúng tôi cùng chung tay góp sức đẩy lùi COVID-19 với bài xẩm ngộ nghĩnh hơi khôi hài này để cũng là cách mình tự nhắc nhở bản thân về đại dịch.
Nhóm Xẩm Hà Thành dựng bài xẩm này hết sức đơn giản, nhanh nhất có thể để kịp thời góp phần cổ vũ cuộc chiến chống dịch đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng nhưng việc lấy hình ảnh nền là mái đình truyền thống làng Việt cũng là ý đồ của nhóm, bởi lẽ đình là một thiết chế xã hội xưa đại diện cho văn hóa làng xã, cho nhân dân và cuộc chiến chống dịch này không chỉ của riêng chính quyền, ngành y tế mà là của toàn dân”.
Tất cả những chất liệu âm nhạc cũng như lời ca, hay câu trend được sử dụng hoàn toàn có chủ đích và chủ đích này chỉ nhằm hướng tới nội dung cần được đề cao đó là giai đoạn này dân tộc Việt Nam đang đồng sức quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch bệnh mà chúng ta đã và đang làm, dù còn nhiều diễn biến phức tạp nhưng bất cứ ai cũng thấy hết sức tự hào về cách mà chúng ta đã và đang làm có những hiệu quả rõ rệt, được cả thế giới ghi nhận. Không phải ngẫu nhiên ta có thành quả như vậy, đó là truyền thống của dân tộc đã có từ ngàn xưa mà chúng ta đang tiếp nối và phát huy.
Đó là sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống từ nhà chức trách đến nhân dân “Chính quyền kiên quyết/ Y tế tiên phong/ Truyền thông nối cánh/ Tin nhanh đến muôn nhà” hay “Doanh nhân chung sức/ Nghệ sĩ chung tay/ Nhân dân cùng góp/ Cảnh giác nêu cao/ Phòng dịch khắp nơi nơi/ Corona mà thò ra/ Là ta cùng diệt hết” và còn nữa lời dặn của cho ông ta “Thương lấy bí cùng, bầu ơi thương lấy bí cùng, nét đẹp ghi nhớ dang tay đón kiều bào, ấy là hay nhất”...
Nghệ sĩ truyền thống chờ một ngày sáng...
Nghệ nhân ưu tú, cung văn Lương Trọng Quỳnh vốn là diễn viên của Nhà hát Cải lương Trung ương, từng tham gia vào vai chính, vai phụ trong nhiều vở của Nhà hát, tuy nhiên, anh bén duyên hát văn rồi rời khỏi Nhà hát Cải lương và hoạt động trong lĩnh vực hát văn nhiều năm nay. Anh là một trong những người "chạy sô" không kịp trong những dịp lễ hội mỗi dịp sau tết.
Tuy nhiên, khi mùa dịch COVID xảy ra, thì từ sau tết, nhiều hoạt động của lễ hội dừng lại, điều này đồng nghĩa với việc, những người trông mong vào mùa lễ hội như nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh hoàn toàn không có nguồn thu nhập để lo cho đời sống.
Nghệ sĩ cho hay: "Các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống như chúng tôi, thực tế là không kỳ vọng nhiều vào sự phát triển vượt bậc hay một đời sống khấm khá, giàu có với nghề, vì thực sự, để làm nghề vì yêu nghề và để phát triển được nghệ thuật truyền thống trong thời buổi khán giả có nhiều sự lựa chọn cho giải trí là cả một sự nỗ lực.
Nhưng, cũng chưa bao giờ tôi cùng như các đồng nghiệp của mình hoàn toàn bị "vô hiệu hóa" bản thân như đợt đại dịch này. Cũng là trong tình hình chung khó khăn của đất nước, song cho dù thế nào thì tôi cũng mong muốn rằng, tới đây Nhà nước sẽ có nhiều chính sách tốt hơn để các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống như chúng tôi có một mảnh đất rộng để được yêu nghề và sống trọn vẹn cùng niềm đam mê của mình...”