Nhạc sĩ Phong Nhã: Lão nghệ sĩ mang tâm hồn trẻ thơ

Thứ Bảy, 04/04/2020, 08:46
Ngày 28/3, nhạc sĩ Phong Nhã, người nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đã rời xa cõi trần, hưởng thọ 97 tuổi. Ông đi để lại một di sản âm nhạc quý giá cho các thế hệ tuổi thơ Việt Nam.

Ông ra đi nhưng những nhạc phẩm nổi tiếng đã và sẽ tiếp tục vang lên qua nhiều thế hệ học trò: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...”.

Đau đáu viết nhạc cho lứa măng non

Nhạc sĩ Phong Nhã - tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh ngày 4/4/1924 trong một gia đình nghèo ở xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam. Năm 1930, cụ thân sinh ra ông có nghề truyền thống của quê hương Hà Nam là đan mây lên Hà Nội kiếm sống, ông được đi theo cùng.

Thuở nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Tường theo học tại trường Đỗ Hữu Vị (nay là Trường THPT Phan Đình Phùng) đã mê những giai điệu réo rắt từ đàn nguyệt của chính cha mình và giọng hát chèo ngọt ngào của người cô Nguyễn Thị Sen. Phong Nhã lĩnh hội những kiến thức nhạc lý đầu tiên từ người bố với ngón đàn nguyệt điêu luyện và những người bạn đàn của ông. Phong Nhã còn đi nghe "cải lương hí viện" của cụ Nguyễn Đình Nghị - đạo diễn sân khấu kỳ cựu - để tự học về nhạc dân tộc.

Nhạc sĩ Phong Nhã bên tượng nhạc sĩ Văn Cao.

Một lần, đạt điểm cao nhất lớp với bài tập làm văn, cậu được tặng một cây sáo. Thấy học trò sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ, thầy giáo Rober lập ra đội nhạc của trường, giao cậu làm quản ca. Cậu bắt đầu đi tìm những bài sáo hay về dạy cho các em lớp dưới.

Lớn lên, Phong Nhã tham gia phong trào hướng đạo ở Hà Nội, Thấy Phong Nhã sáng tác hay, các nhóm khác nhờ cậu viết giúp. Sau này nhớ lại, nhạc sĩ cho biết những bài hát đó sớm giúp ông định hình phong cách sáng tác, đi theo con đường viết nhạc chuyên nghiệp.

Ở độ tuổi 20, Phong Nhã có những tác phẩm gây tiếng vang về thiếu nhi. Tháng 4/1945, ở khu vực nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ - Phúc Xá, Đội Thiếu niên Cứu quốc Nguyễn Thái Học ra đời, do các huynh trưởng hướng đạo sinh Huy Du, Đỗ Mạnh Thường, Quân Sỹ, Đỗ Anh Dũng và Phong Nhã phụ trách.

Đội tham gia các hoạt động cách mạng như rải truyền đơn chống Nhật - Pháp, cổ động học chữ quốc ngữ... khi về nông thôn hoạt động cách mạng, ông được giao nhiệm vụ dạy văn nghệ cho trẻ em.

úc này, những bài hát viết cho thiếu nhi gần như không có, nhạc sĩ đau đáu khi chưa có bài hát nào cho lứa măng non với khí thế cách mạng vui tươi, sôi nổi. Từ nỗi niềm đó, mùa hè năm 1944, ca khúc “Nhanh bước nhanh nhi đồng” ra đời. Nhạc phẩm có tiết tấu dồn dập, tràn ngập hứng khởi: giai điệu theo thang ngũ cung truyền thống, gần gũi, dễ hát "Nhanh bước nhanh nhi đồng, theo cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ sông núi".

Mỗi lời ca như những lời tâm tình, động viên, nhắc nhở các em. Lời bài hát lúc đầu là: “Nhanh bước nhanh nhi đồng, ta cùng bước lên đường! Kìa lời gió ngàn, kìa lời sông núi... Ơn nước non em nguyện dám đâu xa rời, em trọn đời trung với Việt Nam”. Bài hát nhanh chóng được các em nhỏ trong vùng và cả nước thuộc lòng.

Ngày 2/9/1945, Phong Nhã nhận nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên thành Hoàng Diệu đưa Đội Thiếu nhi Cứu quốc Nguyễn Thái Học tới dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình và là lần đầu tiên ông được thấy Bác Hồ, đó là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong đời ông. 

Sau này, ông may mắn được gặp trực tiếp Bác Hồ và ông luôn ghi nhớ lời dặn của Người: “Phải chăm lo học tập, chớ cho các cháu đi tuần hành nhiều vừa bêu nắng, vừa bị bụi bậm”, “...Tổ chức Đội ở mấy nơi đó là cần thiết, song chưa cấp bách bằng việc tổ chức Đội cho trẻ em bán báo, đánh giày, đánh mũ, các cháu này đang phải sống tự lập cần dìu dắt...”.

Tình thương yêu thiếu nhi mênh mông của Bác đã ngấm vào tâm hồn ông, đó là nguồn cội cảm hứng suốt cuộc đời sáng tác của ông sau này.

Nhạc phẩm thứ 2 của ông là bài hát “Kim Đồng” được sáng tác sau khi ông nghe kể về tấm gương cậu bé giao liên hy sinh ở Cao Bằng khi làm nhiệm vụ. Ông kể rằng: sau Cách mạng Tháng Tám, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Đội Thiếu nhi Kim Đồng ở Ấu Trĩ Viên (nay là Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội), một lần ông đọc trên báo có bài “Trẻ em trên chiến khu” của nhà văn Tô Hoài viết về Kim Đồng. Mong muốn biết rõ hơn, ông dẫn các em đi gặp những người từng ở chiến khu và đề nghị họ kể về tấm gương hy sinh của liệt sĩ Kim Đồng.

Gia đình nhạc sĩ Phong Nhã.

Tuy không được gặp nhưng nhạc sĩ đã hình dung ra hình ảnh, cuộc đời của liệt sĩ Kim Đồng qua những lời kể chân thực và sinh động của những người từng sống gần Kim Đồng. Bài hát Kim Đồng ra đời, tạo nên một tượng đài bằng âm nhạc về người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.

40 năm sau, trên diễn đàn cuộc kỉ niệm 40 năm chiến thắng phát xít, nhạc sĩ Tô Vũ đã phát biểu: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi tự hào đã đóng góp vào kho tàng âm nhạc chống phát xít của nhân loại bằng hai tác phẩm: “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi và “Kim Đồng” của Phong Nhã.

Bút danh Phong Nhã là tên một người em họ thân thiết của ông đã mất vì bệnh khi hoạt động cách mạng cùng ông. Vì yêu quý và xót xa nên ông đã lấy tên của người em đó làm bút danh sáng tác âm nhạc của mình. Cùng các bài hát, cái tên Phong Nhã cũng đã được các em thiếu nhi yêu quý mến.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng sáng tác suốt đời của người nhạc sĩ

Cuối năm 1945, Phong Nhã làm công tác phụ trách nhóm các em thiếu nhi bán báo - Đội Thiếu nhi Hoàng văn Thụ. Một lần, các em cắm trại ở Chùa Láng thì cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước tới thăm. Cụ hỏi thăm sinh hoạt của các cháu, rồi lại hỏi: Ai yêu Bác Hồ nhất?

Các em đồng thanh trả lời rõ ràng: Thiếu niên, nhi đồng yêu Bác Hồ nhất ạ! Anh phụ trách như lặng đi. Tình cảm chân thành, trong sáng của các em đã tác động đến người phụ trách - nhạc sĩ. Những nốt nhạc đầu tiên lập tức vang lên trong tâm trí ông, cầm lấy cây mandolin, ông chạy tiếp những nốt nhạc tiếp theo... và bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” ra đời. Bài hát bắt đầu bằng một câu hỏi và cũng là một câu trả lời khẳng định:

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”.

Dịp 19/5/1946, lần đầu tiên kỉ niệm ngày sinh nhật của Bác tại Phủ Chủ tịch, các em thiếu nhi đã hát vang bài hát này tặng Bác. Bác sĩ Trần Duy Hưng - lúc đó có mặt trong lễ mừng sinh nhật Bác Hồ kể lại rằng, khi nghe những câu hát: “...Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi...”, Bác cười và nói với mọi người: Bác đã già đâu nhỉ? Và mọi người cùng cười vui vẻ theo Bác. Bài hát đoạt giải nhất trong cuộc thi do Ban Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức - lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phụ trách ban giám khảo.

4 tác phẩm của nhạc sĩ Phong Nhã được bình chọn nằm trong số 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20.

Cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã kéo dài hơn 50 năm, ông viết nhiều thể loại, từ hành khúc đến ca khúc trữ tình khoảng hơn 200 bài... 4 ca khúc của ông: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Hành khúc Đội”, “Kim Đồng” và “Đội ta lớn lên cùng đất nước” được bình chọn vào danh sách "50 ca khúc thiếu nhi hay thế kỷ 20". Sau năm 1975, một lần ra Bắc, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tìm đến tận nơi Phong Nhã ở dành tặng lời khen: "Anh là vua nhạc thiếu nhi".

Sáng 28/3, nhạc sĩ Phong Nhã qua đời ở tuổi 97. “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” - nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông - vẫn vang lên qua nhiều thế hệ học trò sau 75 năm ra đời.

Sách về Đội thiếu niên tiền phong Việt Nam do nhạc sĩ Phong Nhã viết.

Hơn nửa thế kỷ sáng tác, nhiều tác phẩm của ông được viết ra từ cây đàn mandolin và có bài từ cây sáo trúc. Ông kể, thời đất nước còn chiến tranh, cuộc sống khắc khổ, phải chạy ăn từng bữa, vợ chồng ông vất vả lắm mới nuôi được 5 đứa con khôn lớn. Do vậy, ông không dám nghĩ đến chuyện mua đàn. Có lần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nơi ông là hội viên - thanh lý vài cây piano cũ. Ông đăng ký mua nhưng không đến lượt.

Là người gắn bó với phong trào thiếu nhi, từng là Tổng phụ trách Đội Thiếu niên, nhi đồng thành Hoàng Diệu, nhạc sĩ Phong Nhã luôn tiếc nuối vì mảng nhạc thiếu nhi dần bị mai một. Bởi theo ông, với các hoạt động của các em phải có âm nhạc đi cùng. Sau này, việc viết nhạc cho trẻ em ít được quan tâm. Ông hụt hẫng vì một số bài hát thiếu nhi hiện đại, pha trộn hỗn tạp. Với âm nhạc thiếu nhi, ông quan niệm trong sáng tác luôn cần tìm tòi cái mới nhưng phải phù hợp.

Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ nhất năm 2001 với chùm ca khúc viết cho thiếu nhi, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều giải thưởng khác.

Ngoài sáng tác âm nhạc, ông là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thiếu niên tiền phong từ khi báo mới ra đời (năm 1954) đến năm 1978. Những khi được hỏi về âm nhạc của ông, người nhạc sĩ nhỏ nhắn này lại lim dim đôi mắt mà trả lời rằng Phong Nhã chỉ là nhạc sĩ nghiệp dư, mọi sáng tác của Phong Nhã đều xuất phát từ yêu cầu của công tác Đội, viết ra cho trẻ có cái chơi.

Tô Chiêm
.
.