“Những bài học về quyền lực” và gương mặt của các chính khách nổi tiếng thế giới

Thứ Tư, 18/04/2018, 10:01
Trong 5 năm giữ vai trò là người đứng đầu nước Pháp (2012-2017), cựu Tổng thống Francois Hollande đã gặp nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới. Đây là cơ hội để ông hiểu hơn về tính cách của mỗi chính khách”, ông Francois Hollande đã nhấn mạnh trong cuốn hồi ký của mình với tiêu đề "Le#ons du pouvoir" (Những bài học về quyền lực) vừa mới ra mắt công chúng ngày 11-4 vừa qua.

Được biết, cuốn hồi ký được cựu Tổng thống Francois Hollande hoàn thành trong 3 tháng, do Nhà xuất bản Stock phát hành đang thu hút độc giả trong và ngoài nước.

Putin - con người đầy bí ẩn

Đối với ông Francois Hollande, để gặp và nói chuyện với nhà lãnh đạo Nga này khó khăn nhất. Thế nhưng, trên thực tế, trong 5 năm cầm quyền ông  Francois Hollande đã có 3 lần gặp ông Vladimir Putin, kể cả chính thức hay không chính thức.

Bìa ngoài cuốn hồi ký "Lecons du pouvoir". Ảnh: Lexpress.

Chỉ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 3 tuần, ông Francois Hollande đã có cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 6-2012 khi nhà lãnh đạo Nga có chuyến thăm chớp nhoáng tới Paris trong bối cảnh Pháp-Nga đang có những bất đồng sâu sắc xung quanh hồ sơ Syria.

“Đó là một người đàn ông đầy bí ẩn, nhưng cũng rất nồng nhiệt, hấp dẫn, trái ngược với những gì mà người ta đồn đoán. Trong đôi mắt của người đàn ông này, lúc lôi cuốn, lúc lại toát lên vẻ lạnh lùng. Giọng nói của ông đầy mạnh mẽ và thuyết phục”, ông Francois Hollande nhận xét. 

Trong cuốn sách "Lecons du pouvoir", ông Hollande còn chia sẻ rằng, người duy nhất không “ngại” Putin có lẽ là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cả ông Putin và bà Angela Merkel đều có lợi thế là cầm quyền lâu năm. Bà Angela Merkel là người biết ông Vladimir Putin từ lâu và hiểu rõ người đàn ông này nhất. Bà biết cách nói chuyện với ông Vladimir Putin, không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi vấp phải lời đe dọa. “Khi ông Vladimir Putin gặp bà Angela Merkel ở Sochi, ông Putin đã giới thiệu với bà về những con chó quý của mình mặc dù ông biết rõ rằng bà Merkel không thích những con vật này”, ông Hollande viết trong cuốn "Lecons du pouvoir".

Đối với cựu nhà lãnh đạo Pháp, Vladimir Putin là người đàn ông mang “hai nhân cách”, lúc là một “cảnh sát giỏi” khi lại không, đôi khi lại thật khó hiểu. Ít ngày trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ ở Normandy (D-Day) trong Thế chiến 2 (ngày 6-6-2014), ông Francois Hollande và Ngoại trưởng Fabius đã đón ông Vladimir Putin ở Điện Elysée. Ông chủ điện Kremlin tỏ ra rất dễ chịu. Ông Francois Hollande viết trong sách: “Mắt tôi không rời chiếc túi xách mà ông cầm trên tay. Tôi phát hiện ra rằng, trong túi là một chai rượu vodka mà ông Vladimir Putin muốn mời chúng tôi uống, tạo ra bầu không khí thiện cảm”.

Vài tháng sau, ông Francois Hollande lại có dịp gặp ông Vladimir Putin trong một cuộc gặp không chính thức tại sân bay Moscow. Ở thời điểm đó, Nga và Pháp có những quan điểm không thống nhất về các vấn đề như Crimea, Syria. Khi gặp nhau, nhà lãnh đạo Nga đã tặng tôi một món quà như một động thái nhằm giảm leo thang giữa hai nước. Ông đưa cho tôi một chiếc hộp, bên trong là một lá thư của Napoléon viết trong chiến tranh ở Nga. Một tài liệu vô cùng hiếm.

“Một nhà lãnh đạo lạnh lùng, quyết đoán, khó đoán và tinh tế”, ông Francois Hollande kết luận. "Ông Vladimir Putin đã dám mạo hiểm ở mọi tình huống, sử dụng vũ khí kinh tế, năng lượng và triển khai quân dọc biên giới nhằm đối phó với những thách thức của châu Âu”.

Obama không muốn tin tưởng ai

Cái nhìn của ông Francois Hollande về người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama ban đầu không mấy thiện cảm nhất là cách ông Obama rút khỏi hồ sơ Syria.

Ông F.Hollande và ông Barack Obama trong một cuộc gặp. Ảnh: Getty.

Thế nhưng, trong cuộc gặp đầu tiên ở Phòng Bầu Dục ngày 18-5-2012, ông Francois Hollande đã có ấn tượng khá tốt đẹp về ông chủ Nhà Trắng: “Ông Obama khá cao, dáng đi nhanh nhẹn làm tăng vẻ quyền lực. Ông Barack Obama luôn có nụ cười rạng rỡ”. Với ông Hollande, ông Obama được xem là một biểu tượng khi là vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Ông Obama là một diễn giả đặc biệt, người biết làm thế nào để tạo ra cảm xúc bằng sự kỳ diệu của ngôn từ, một nhà trí thức có khả năng lý luận ít ai có được.

Đó là những ấn tượng ban đầu. Còn khi tiếp xúc lâu hơn, ông B.Obama lại là người khá lạnh lùng. “Sự nồng nhiệt chỉ xuất hiện khi ông B.Obama ở giữa đám đông. Ông B.Obama dường như không tỏ ra tin tưởng ai và ít khi biểu lộ cảm xúc của mình”. Ông cũng ăn rất ít và thường để ý xem đối tác của mình ăn có ngon miệng không. “Ông B.Obama chưa bao giờ ăn hết món tráng miệng. Khi tôi đẩy đĩa fromages về phía ông ta, ông cắt một miếng bơ dê nhỏ bỏ vào đĩa mình”.

Donald Trump và những cuộc điện đàm

Tuy nhiên, với người kế nhiệm Donald Trump, các cuộc tiếp xúc ít được thiết lập. Ông F.Hollande và ông D.Trump chỉ chia sẻ quan điểm qua các cuộc điện đàm. “Trong cuộc điện đàm đầu tiên, ông Trump nói với tôi về tình yêu của mình dành cho Pháp. Ngay cả khi nước Pháp bị tấn công khủng bố, ông ý cũng tuyên bố rằng: “nước Pháp không còn là nước Pháp” và “Paris không còn là Paris nữa”. 

Ông Donald Trump cũng nói với tôi về ẩm thực Pháp, về rượu vang, về di tích lịch sử song chỉ có vậy, ông không để ý đến những gì khác nữa", Francois Hollande nói với giọng chỉ trích. “Ông ý luôn đặt vấn đề tiền bạc lên trên hết và tôi chóng mặt với di sản tỷ USD của ông”, cựu Tổng thống Pháp nói.

Cuộc điện đàm thứ hai diễn ra suôn sẻ hơn. Ông Trump tỏ ra hòa nhã và hỏi ông Hollande có thể hợp tác với đội ngũ cố vấn của ông ý không.

Cuộc gặp vui vẻ với Giáo hoàng Francis

Tháng 1-2014, Tổng thống Francois Hollande đã có cuộc gặp mặt thân mật với Giáo hoàng Francis giữa lúc scandal tình ái của ông đang được báo chí phanh phui. Giáo hoàng đã trao cho ông Francois Hollande cái bắt tay nồng ấm và nhanh chóng cùng ông đi vào Tòa thánh Vantican, sau khi đoàn hộ tống được vây quanh bởi đội cận vệ riêng của Giáo hoàng. “Đức Giáo hoàng Francis đã quá khéo léo để giải quyết những vấn đề nóng”, ông Hollande nhận định.

Trong cuốn sách hồi ký "Lecons du pouvoir", cựu Tổng thống Francois Hollande đã vẽ nên bức chân dung tích cực của đức Giáo hoàng, nhắc lại những lập trường mạnh mẽ của Giáo hoàng trong cuộc chiến chống đói nghèo, sự bùng nổ của toàn cầu hóa, cuộc chiến chống sự gia tăng bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và di cư. “Một giáo hoàng của dân chủ xã hội”, ông Hollande tóm gọn lại.

Fidel Castro thích nói chuyện về thực vật học

Tháng 5-2015, ông Francois Hollande là Tổng thống Pháp đến thăm Cuba và là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới nước này kể từ khi Cuba và Mỹ bình thường hóa quan hệ. Trong chuyến thăm này, ông Francois Hollande đã gặp nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Hai bên đã nói chuyện trong vòng một giờ. “Fidel khi đó không khỏe nữa. Ông có vẻ đang bệnh song ông vẫn nói chuyện mạch lạc, rõ ràng, vẫn giữ khí chất của một người cách mạng.

Ông F.Hollande và nhà lãnh đạo Fidel Castro. Ảnh: AP.

Trong buổi nói chuyện, ông Francois Hollande đã nhắc lại những ảnh hưởng của Cách mạng Pháp đối với cuộc chiến tranh du kích ở Mỹ Latinh vào thế kỷ XX. Nhưng điều mà ông Francois Hollande lắng nghe lại là những điều “dị thường”.  Fidel Castro thích trò chuyện về vai trò của “các nhà thực vật học người Pháp” trong sự phát triển của đất nước, rằng người em trai León đang bắt đầu làm giàu đa dạng sinh học tự nhiên trên đảo.

Nữ hoàng Elisabeth II - ký ức về nền cộng hòa

Ngày 6-6-2014 tại Pháp đã diễn ra lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ ở Normandy (D-Day) trong Thế chiến 2. Nữ hoàng Elisabeth II là một trong số chính khách được mời tới tham dự sự kiện trọng đại này. Đây là lần thứ 5 nữ hoàng có chuyến thăm chính thức nước Pháp, 57 năm sau lần đầu tiên. “Nữ hoàng nói tiếng Pháp với giọng điệu nhẹ nhàng làm tăng vẻ quý phái của bà. Bà hiểu rõ về đời sống chính trị nước Pháp từ hơn 60 năm về trước, do vậy cuộc trò chuyện với nữ hoàng là những giai thoại đẹp. Nữ hoàng nói với tôi một cách tự tin rằng, khi bà còn là trẻ, vị Tổng thống Pháp mà bà nhớ nhất khi đó là Vincent Auriol. Đó là tổng thống đầu tiên của Đệ tứ Cộng hòa Pháp từ năm 1947 đến 1954, ông Francois Hollande nhớ lại.

3 người phụ nữ trong cuộc đời

Không chỉ nói về những chính khách đã từng gặp gỡ trong những năm làm Tổng thống Pháp, trong cuốn hồi ký hồi ký "Lecons du pouvoir", ông Francois Hollande còn đề cập đến 3 người phụ nữ trong cuộc đời mình. Đó là Valérie Trierweiler,  Ségolène Royal và Julie Gayet.

3 người phụ nữ của ông F.Hollande (từ trái sang: Ségolène Royal, Julie Gayet và Valérie Trierweiler). Ảnh: AFP.

Với ông Francois Hollande, Valérie Trierweiler là một thảm họa. Dù sánh vai bên ông trong những ngày đầu đắc cử tổng thống, song bà Valérie Trierweiler sớm rời xa ông. Trong cuốn sách mang tên “Cảm ơn thuở bên nhau”, người từng được mệnh danh là “Đệ nhất tình nhân nước Pháp” đã khiến hình ảnh của một tổng thống không lấy gì làm đẹp đẽ, một người lạnh lùng và nhẫn tâm.

Còn với Ségolène Royal, ông Francois Hollande tỏ ra rất ngưỡng mộ bà. Ông Francois Hollande và bà Segolene Royal đã chung sống với nhau gần 30 năm song không kết hôn và có 4 con. Mặc dù vậy, ông Hollande vẫn phải cay đắng chia tay để không luôn phải đứng sau lưng vợ.

Có lẽ người được ông Francois Hollande ái mộ nhất vẫn là nữ diễn viên hài kịch, nhà đạo diễn và sản xuất phim Julie Gayet. Dư luận đã biết về cuộc tình này khi tạp chí Voici năm 2014 đăng một số bức ảnh chụp ông Hollande và nữ diễn viên xinh đẹp Gayet ngồi trong khu vườn phủ tổng thống. Tạp chí này mô tả đây là “khoảnh khắc êm đềm đằng sau các bức tường của Điện Élysée, nơi Gayet thường hay ở lại vài đêm mỗi tuần”.

Thế nhưng, dù đã có 3 người “vợ” song cho đến nay, ông Francois Hollande vẫn “một mình đơn chiếc”.

Yên Phúc
.
.