Những câu chuyện về tấm thảm bay kỳ diệu
- Truyền thuyết về “quái vật” đồng hành với Ông già Tuyết
- Người cá trong truyền thuyết và nghệ thuật
- Truyền thuyết về chó mặt người ở Nhật Bản
Nhưng trái ngược với suy nghĩ của mọi người, thật ra chi tiết tấm thảm bay khá mờ nhạt trong “Nghìn lẻ một đêm”. Ví dụ, trong bản thảo của Antoine Galland - bản dịch sang tiếng Pháp đầu tiên ở châu Âu trong những năm 1704 – 1709 và được coi là bản thảo cổ nhất chứa 282 (trong số 1001) câu chuyện – không đề cập đến những chiếc thảm bay.
Trong phiên bản gốc của “Aladdin và cây đèn thần”, vụ bắt cóc công chúa Badroulbadour và chú rể ngay trong đêm tân hôn không diễn ra trên tấm thảm bay mà là trên chiếc giường cưới của họ - được Thần Đèn sử dụng pháp thuật cho bay lên không trung. Tấm thảm bay kỳ diệu xuất hiện lần đầu tiên trong những phiên bản “Nghìn lẻ một đêm” hiện đại – cụ thể là bộ phim Aladdin của hãng phim Walt Disney năm 1992.
Bản thảo “Nghìn lẻ một đêm”. |
Dường như Vua Solomon là nhân vật lịch sử đầu tiên có liên quan đến những tấm thảm bay. Có ít nhất 2 phiên bản truyện Vua Solomon và tấm thảm bay của ông - trong đó một truyện được viết vào thế kỷ XIII trước CN bởi học giả Do Thái tên là Isaac Ben Sherira.
Trong truyện của Ben Sherira, Nữ hoàng trong truyền thuyết Sheba có người trợ lý đắc lực là nhà giả kim có khả năng ra lệnh cho một tấm thảm nhỏ bay lượn trên không trung. Nhiều năm sau, nhà giả kim hoàn thiện kỹ năng độc đáo của mình và nữ hoàng Sheba ra lệnh chế tạo một chiếc thảm bay dành tặng cho Vua Solomon làm quà biểu hiện cho tình yêu của bà.
Tấm thảm bay được mô tả trong bức họa của Viktor Vasnetsov vào thế kỷ XIX. |
Tấm thảm bay được cho là làm bằng lụa xanh, đính vàng và bạc cùng với những viên đá quý. Tấm thảm cũng được mô tả là rộng lớn đến mức đủ cho các vị khách của nhà vua ngồi lên. Tuy nhiên, khi tấm thảm bay quý giá được chuyển đến thì Vua Solomon đang quá bận rộn với công trình xây dựng Đền Jerusalem cho nên ông không trực tiếp nhận quà tặng được mà giao việc này cho một trong những cận thần. Sau khi nghe được tin về sự tiếp nhận lạnh lẽo của nhà vua, nữ hoàng Sheba cảm thấy tan nát trái tim và quyết định không còn màng đến bất cứ chiếc thảm bay kỳ diệu nào nữa.
Do không còn nhận được sự bảo trợ của nữ hoàng cho nên nhà giả kim cùng với những nghệ nhân của ông không tiếp tục làm thảm bay và cũng từ đó mà kiến thức về “công nghệ” này dần mất đi. Theo truyền thuyết, những nghệ nhân sau đó bỏ đi lang thang khắp nơi trong suốt nhiều năm dài và cuối cùng họ định cư ở đâu đó trong vùng Lưỡng Hà (thuộc Iraq và Syria ngày nay).
Trong một phiên bản khác, Vua Solomon nhận tấm thảm bay kỳ diệu từ chính Thượng Đế. Tấm thảm có thể chở được đến 40.000 người trên không trung vào bất cứ thời điểm nào. Sau khi có trong tay tấm thảm bay thần kỳ, tính kiêu căng của Vua Solomon tăng lên từng ngày. Cuối cùng, Thượng Đế quyết định trừng phạt Solomon. Khi tấm thảm đang bay giữa trời, ngài làm cho nó bị rung lắc dữ dội khiến cho 40.000 người bị ngã xuống đất mà chết.
Nữ hoàng Sheba trong một bức tranh. |
Ngoài phương tiện vận chuyển, những tấm thảm bay còn được sử dụng làm vũ khí trong những cuộc chiến tranh. Một trong những câu chuyện liên quan đến nhà vua Phraates II của đế quốc Parthia (khu vực Trung Đông) ở vào cuối thế kỷ thứ II trước CN. Năm 130 trước CN, vua Phraates có chiến tranh với Antiochus VII – người cai trị Đế quốc Seleucid.
Trong câu chuyện, Phraates sử dụng tấm thảm thần kỳ bay từ độ cao dãy núi Zagros xuống đất chiến đấu với đối phương, sử dụng lửa và tia chớp. Trong một câu chuyện khác, nhà vua Shapur của đế chế Sasanian ở vào thế kỷ thứ III sau CN cũng sở hữu một tấm thảm bay thần kỳ. Vào một đêm, Shapur sử dụng tấm thảm bay vào doanh trại của đội quân La Mã gây kinh ngạc cho hoàng đế Valerianus lúc đó đang ngủ và bắt cóc người này…