Quán Biên Thùy và chuyện trong dinh Hoàng A Tưởng

Thứ Tư, 31/08/2016, 13:40
Trung tuần tháng 7-1947 lễ kết nghĩa được tổ chức long trọng tại dinh thự của Hoàng A Tưởng. Bên phía Văn Cao có ông Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sỹ của quán Biên Thùy tham dự. Hoàng A Tưởng và toàn thể gia đình họ hàng cùng rất đông bạn bè, quan khách từ khắp các vùng đến tham dự, trong đó có các thổ ty: Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Lò Văn Phù...

Văn Cao không chỉ là một nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ nổi tiếng, tác giả “Tiến Quân Ca” và nhiều ca khúc cách mạng khác. Trước Cách mạng tháng Tám, ông còn là đội trưởng Đội trừ gian của Mặt trận Việt Minh, có nhiều thành tích nổi bật góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội. Nhưng không mấy người biết rằng, năm 1947, năm đầu tiên của cuộc Kháng chiến trường kỳ, Văn Cao đã từng phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu 10 tại Lao Cai...

Đầu tháng 12-1946, ông Lê Giản - Giám đốc Nha Công an Trung ương tìm gặp Văn Cao tại quán cà phê Thiên Thai ở phố Hàng Gai. Nơi này là một tụ điểm của giới văn nghệ sỹ Hà Nội. Ông Lê Giản đề nghị: "Tình hình Lao Cai hiện nay rất phức tạp, bọn Quốc dân đảng cấu kết với thổ phỉ chống phá chúng ta công khai, trong khi lực lượng ta lại yếu. Mình muốn cậu sang giúp ngành Công an. Cậu sẽ phụ trách Đội điều tra Công an Liên khu 10. Với kinh nghiệm hoạt động bí mật trước đây, lại có vỏ bọc là nhạc sỹ, chỉ có cậu mới đủ khả năng trong công việc khó khăn và phức tạp này".

Sau một hồi suy nghĩ, Văn Cao nhận lời. Hai người trao đổi cụ thể một số bước chuẩn bị cho công việc.

Đầu tháng 3-1947, Văn Cao cùng vợ lên Lao Cai. Một địa điểm gần chợ Cốc Lếu được Văn Cao chọn làm cơ sở hoạt động của Đội điều tra. Văn Cao mở quán cà phê ca nhạc lấy tên là quán "Biên Thùy" và giao cho ông Minh, có biệt danh là "Minh già", một cán bộ của ngành Công an do ông Lê Gỉản điều lên cộng tác giúp ông làm quản lý.

Vào thời gian đó, Lao Cai là một địa điểm tập trung rất nhiều dân tản cư và các văn nghệ sỹ theo kháng chiến lên sinh sống. Quán Biên Thùy của Văn Cao nhanh chóng trở thành một địa điểm lý tưởng, đặc biệt là đối với giới văn nghệ sỹ. Ban nhạc của quán được thành lập với sự tham gia của nhiều nhạc sỹ, nhạc công cùng các ca sỹ có tên tuổi của Hà Nội, Hải Phòng, như: nhạc sỹ Ngọc Bích chơi violon, Chấn "thọt" đánh công-tơ-bát, Thuận "sói" chơi Accordion, Ty chơi kèn, Minh đánh trống, cùng ba anh em Lôi, Tiên, Thư thay nhau chơi các loại nhạc cụ kèn, trống, ghi-ta, công-tơ-bát... Các ca sỹ thì có: Mai Khanh, Nguyễn Thị Hồng, Bích Phan, Mai Hồng Thúy... Nhạc sỹ Phạm Duy cũng thường xuyên đến hát tại quán Biên Thùy trong một thời gian dài rồi mới rời Lao Cai tham gia đoàn kịch Chiến Thắng của nhà thơ Hoàng Cầm.

Du khách tham quan Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà).

Vào một ngày hạ tuần tháng 3-1947, một đoàn người trong trang phục áo chàm, súng gươm đeo đầy mình, cưỡi ngựa đến quán của Văn Cao. Người đứng đầu khoảng 30 tuổi, ăn mặc đồ Tây như một công tử con nhà giàu Hà Nội, khệnh khạng tiến vào hất hàm hỏi:

- Cho ta gặp nhạc sỹ Văn Cao.

Từ trong nhà, Văn Cao ra, nhìn thẳng vào mặt khách:

- Tôi là Văn Cao.

Chàng công tử ngỡ ngàng nhìn Văn Cao trong giây lát rồi ngập ngừng:

- Ta... ta là Hoàng A Tưởng, thổ ty vùng Bắc Hà. Ta nghe tiếng mày đã lâu và rất thích các nhạc phẩm của mày, nên hôm nay đến đây...

Hai người bắt tay nhau. Văn Cao mời Hoàng A Tưởng vào. Ông biết Hoàng A Tưởng từng học tại trường Bưởi ở Hà Nội, nói tiếng Pháp thành thạo, yêu âm nhạc và biết chơi violon. Sau một hồi trò chuyện, cảm thấy tâm đầu ý hợp, Hoàng A Tưởng đề nghị Văn Cao cho phép mở một bữa tiệc rượu làm lễ ra mắt.

Lập tức lũ lâu la của Hoàng A Tưởng khênh vào một con nai khoảng hơn 30kg và hàng chục vò rượu ngô Bắc Hà. Bữa tiệc ngày hôm đó thâu đêm suốt sáng. Một chương trình biểu diễn các nhạc phẩm của Văn Cao được các nghệ sỹ biểu diễn hết mình khiến Hoàng A Tưởng rất phấn khích.

A Tưởng nhảy lên sân khấu lấy violon biểu diễn hai nhạc phẩm của Văn Cao là "Thiên Thai" và "Bến xuân" trong sự ngạc nhiên và tán thưởng của mọi người. Họ không ngờ một thổ ty người Tày lại chơi violon giỏi thế. Văn Cao không nói gì, ông lặng lẽ rót đầy hai bát rượu cùng Hoàng A Tưởng uống một hơi. Họ nhìn nhau cùng cười...

Sau hôm đó, tuần nào Hoàng A Tưởng cũng từ Bắc Hà lên Lao Cai, đến quán thăm Văn Cao. A Tưởng còn dẫn các thổ ty khác như: Đèo Văn Long, Thổ ty người Thái ở Phong Thổ, Lai Châu; Vương Chí Sình, thổ ty người Mèo ở Hà Giang; Nông Vĩnh Xương, thổ ty người Nùng ở Mường Khương đến với Văn Cao.

Dinh thự Hoàng A Tưởng ngày nay.

Cảm phục và yêu quý Văn Cao nên Hoàng A Tưởng có ý muốn được kết nghĩa anh em. Việc này rất có lợi cho công tác của Đội điều tra. Văn Cao liền báo cáo về Trung ương xin ý kiến. Trung ương đồng ý. Văn Cao gặp Hoàng A Tưởng nhận lời. Hoàng A Tưởng vui mừng quyết định tổ chức lễ kết nghĩa tại dinh thự của mình ở Bắc Hà.

Dinh thự của Hoàng A Tưởng được xây dựng bề thế như pháo đài trên một khu đất cao và rộng, có tường bao kín xung quanh tại trung tâm thị trấn Bắc Hà. Ngày trước, cha của Hoàng A Tưởng đã mời một kiến trúc sư người Pháp thiết kế dinh thự hoàn toàn theo theo trường phái kiến trúc của Pháp trong những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Từ cổng vào, tòa nhà chính hai tầng được xây thụt vào và cao hơn hai dãy nhà ngang cũng xây hai tầng hai bên tạo thành một khoảng sân rộng hơn 100 m2. Dãy hành lang phía trước của tòa nhà chính thông sang hai dãy nhà ngang tạo thành một không gian liên kết. Kết cấu bên trong của ngôi nhà chính vẫn được chia theo kiểu nhà ba gian truyền thống, có gian giữa rộng gấp rưỡi và khép kín với hai gian buồng hai bên. Gian giữa của tầng một dinh thự dùng làm phòng khách, còn tầng trên là gian thờ cúng tổ tiên được trang bị nội thất hoàn toàn đồ cổ với sập gụ, tủ chè, sa lông... được chạm khảm cầu kỳ.

Trung tuần tháng 7-1947 lễ kết nghĩa được tổ chức long trọng tại dinh thự của Hoàng A Tưởng. Bên phía Văn Cao có ông Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ, cùng toàn bộ các nghệ sỹ của quán Biên Thùy tham dự. Hoàng A Tưởng và  toàn thể gia đình họ hàng cùng rất đông bạn bè, quan khách từ khắp các vùng đến tham dự, trong đó có các thổ ty: Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Lò Văn Phù...

Toàn bộ khu vực sân trong dinh thự được dựng rạp cho hàng trăm người tham dự buổi lễ. Một phông trang trí nhiều họa tiết hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Tày, cùng nhiều bùa chú được căng giữa cửa vào của tòa nhà chính. Trên phông treo một đôi kiếm bắt chéo. Một chiếc bàn ở phía trước có lư hương đồng cổ, khói trầm nghi ngút. Phía trước lư hương là một cái bát loa, bên phải là một hũ rượu, bên trái là một chiếc rọ nhốt một con gà trống có bộ mào rất đẹp.

Trời sập tối, đèn nến sáng lung linh. Đến giờ hành lễ, một  thầy mo ra thắp hương rì rầm khấn một hồi, rồi bảo Hoàng A Tưởng cùng Văn Cao lên gác thắp hương xin phép tổ tiên. Sau khi lễ xong, hai người xuống quỳ trước ban thờ dưới sân. Thầy mo cầm nén nhang, lắc chuông nhảy múa, khấn vái một hồi, rồi làm phép mở hũ rượu rót vào bát. Sau đó bắt con gà ra khua mấy vòng trước ban thờ rồi cắt tiết vào bát rượu. Hoàng A Tưởng cùng Văn Cao đứng lên cứa ngón tay rỏ vào bát rượu mỗi người ba giọt máu. Thầy mo cầm bát rượu lắc cho máu hòa tan rồi đưa bát rượu cho Hoàng A Tưởng. A Tưởng hai tay bưng bát rượu dõng dạc khấn:

- Ta, Hoàng A Tưởng, 30 tuổi, cùng Văn Cao 25 tuổi, xin thề trước thần linh trời đất, trước gia tộc họ Hoàng, trước sự chứng giám của toàn thể các vị quan khách. Kể từ giờ phút này trở đi, chúng tôi chính thức trở thành anh em, tuy không cùng cha cùng mẹ sinh ra. Anh em chúng tôi nguyện trung thành với nhau cho đến chết.

 Hoàng A Tưởng đưa bát rượu cho Văn Cao. Văn Cao uống một hơi hết nửa bát rồi đưa lại cho Hoàng A Tưởng. Hoàng A Tưởng ngửa cổ uống một hơi hết rồi vung tay đập bát rượu xuống đất vỡ tan tành. Hoàng A Tưởng nói tiếp:

- Nếu ai phản nhau sẽ bị tan xương nát thịt như chiếc bát này.

Văn Cao cùng Hoàng A Tưởng ôm nhau thân thiết trong tiếng hò reo của mọi người.

Tiếng kèn trống nổi lên, một tốp thiếu nữ Tày trẻ đẹp uyển chuyển lướt ra múa hát trong ánh nến, ánh lửa bập bùng. Sau một vài tiết mục, bữa tiệc bắt đầu. Rượu thịt bày ra ê hề. 10 chiếc cũi được khênh ra cho các mâm thượng khách. Trong mỗi chiếc cũi nhốt một con khỉ, chúng đứng lom khom, một phần sọ trắng hếu lồi lên trên nóc cũi trong một cái lỗ tròn được khoét thủng. Rượu rót ra tràn bát. A Tưởng trịnh trọng mời các vị khách quý khai vị món rượu óc khỉ.

Một gia nhân tiến ra, tay cầm cái rìu, lưỡi sáng bóng và sắc lẹm. Hắn tiến tới bên chiếc cũi nhốt khỉ, cầm rìu lên. Một cái vẩy cổ tay điệu nghệ, miếng nắp hộp sọ của con khỉ lật ngửa sang phía bên kia mà không văng đi vì vẫn còn chút da giữ lại. Vợ Văn Cao và một số người sợ hãi bịt mắt quay đi không dám nhìn. Đám gia nhân lấy thìa múc óc khỉ cho vào bát từng người. A Tưởng cùng Văn Cao nâng bát rượu mời mọi người cùng uống.

Nội thất tầng 2 - gian thờ của Hoàng A Tưởng năm 1947.

Sau một vài tuần rượu, các nghệ sỹ trong ban nhạc của quán Biên Thùy lần lượt ra biểu diễn các nhạc phẩm của Văn Cao như: “Thiên Thai”, “Bến xuân”, “Buồn tàn thu”, “Cung đàn xưa”, “Thu cô liêu”, “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc”... Bữa tiệc kéo dài đến gần sáng, khách khứa say la liệt...

Việc Văn Cao kết nghĩa anh em với Hoàng A Tưởng đã tạo nhiều thuận lợi cho công tác hoạt động bí mật của Đội điều tra. Hoàng A Tưởng giúp Văn Cao tiền bạc để mở rộng việc kinh doanh của quán Biên Thùy. Thông qua Hoàng A Tưởng và các thổ ty trong vùng, Văn Cao đã điều tra và bắt giữ, trừng trị nhiều tên cầm đầu của Quốc dân đảng câu kết với thổ phỉ chuyên buôn lậu thuốc phiện, cướp của, giết người gây nhiều bất ổn cho nhân dân của một vùng biên giới Tây Bắc. Văn Cao cũng phát hiện một số cán bộ của ta thoái hóa, biến chất thông đồng với thổ phỉ buôn lậu muối và thuốc phiện. Ông đã báo lên Trung ương để cấp trên có biện pháp xử lý.

Bằng uy tín của mình, Văn Cao đã giác ngộ các thổ ty hiểu thêm về chính sách đoàn kết các dân tộc của Hồ Chủ tịch và Chính phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Theo lời khuyên của Văn Cao, các thổ ty Hoàng A Tưởng, Nông Vĩnh Xương, Vương Chí Sình, Đèo Văn Long có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ và ủng hộ Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến. Để động viên tinh thần của các thổ ty, Hồ Chủ tịch gửi thư khen, mời họ lên thăm chiến khu và gặp Bác.

Theo Văn Cao kể lại, ông đã tổ chức đưa các thổ ty lên chiến khu gặp Bác. Hồ Chủ tịch đã tặng mỗi thổ ty một thanh kiếm và giao cho Hoàng A Tưởng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lao Cai, đồng thời cử ông Ngô Minh Loan (sau này là Bộ trưởng Bộ Lương thực - Thực phẩm) làm đặc phái viên của Chính phủ trực tiếp làm việc cùng Hoàng A Tưởng...

Đầu tháng 8-1947, Văn Cao hoàn thành nhiệm vụ, Đội điều tra giải tán và bàn giao lại công việc cho ông Lê Giản. Ông Lê Giản muốn giữ Văn Cao ở lại công tác cho ngành Công an. Văn Cao từ chối và nói: "Công việc này không thích hợp với tôi".

Văn Thao
.
.