Số phận một bức tranh bị Đức Quốc xã chiếm đoạt

Thứ Sáu, 15/04/2016, 11:05
Sau 73 năm bị quên lãng và lưu lạc, đã đến lúc trở lại với ánh sáng. Một bức tranh trong bộ sưu tập Adolphe Schloss bị phát xít Đức lấy cắp năm 1943 vừa được một hãng đấu giá ở Áo đem ra trưng bày và bán đấu giá vào ngày 12-4 vừa qua.

Bức tranh sơn dầu từ thế kỷ XVII của họa sĩ Bartholomeus Van Der Helst theo trường phái flamand vẽ năm 1647 thể hiện một người đàn ông đứng tuổi với ánh mắt u buồn. Điểm đặc biệt là bức tranh này nằm trong số 333 tác phẩm trong một bộ sưu tập tư nhân bị Đức quốc xã đánh cắp trong Thế chiến thứ 2. Ai cũng nghĩ là nó sẽ biến mất mãi mãi nên thật bất ngờ khi nó tái xuất hiện vào tháng 4-2016 này.

Adolphe Schloss là một thương nhân giàu có đã kỳ công sưu tầm và mua từng tác phẩm cho đến khi ông qua đời vào năm 1911. Hitler từng khao khát một phần bộ sưu tập này sẽ được dành cho dự án bảo tàng ở Linz của ông ta. Trong số các tác phẩm đẹp nhất là những bức tranh của các bậc thầy theo trường phái flamand và của các danh họa người Hà Lan như Rembrandt, Hals, Brueghel, Brouwer và cả các họa sĩ Đức như Lucas Cranach, một trong những họa sĩ mà Hitler ngưỡng mộ. Bộ sưu tập các bức tranh được cất giấu tại lâu đài Chambon (vùng Corrèze) nhưng năm 1943 đã lọt vài tay cơ quan tịch thu của cải Do Thái của phát xít Đức.

Bộ phim Mỹ “Cổ vật bị đánh cắp” đã kể lại hành trình khó tin của bộ sưu tập đó. Tất cả các tác phẩm bị chiếm đoạt được lưu giữ trong những thùng gỗ dành cho dự án bảo tàng của Quốc trưởng Hitler ở Linz. Kho báu này biến mất vào tháng 4-1945 khi Đức quốc xã sắp sửa đầu hàng quân Đồng minh.

Hãng Im Kinsky ở Vienna đưa bức tranh ra bán đấu giá vào ngày 12-4 trong khuôn khổ triển lãm và đấu giá các tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy từ thế kỷ XVI-XVIII và biết rõ nguồn gốc của bức tranh. Hãng nêu sơ lược tiểu sử của lô tranh số 25 trị giá từ 15.000 đến 30.000 euro: bị Đức quốc xã cướp đoạt rồi biến mất vào năm 1945; đến năm 2004 được một nhà buôn Áo bán cho một người “có thiện chí”.

Chi tiết này khiến cho Antoine Comte, luật sư của Eliane de Martini, một trong những người thừa kế bộ sưu tập Schloss phản ứng: “Vào năm 2004 người ta không thể có thiện tâm. Bức tranh này có tên trong ít nhất 3 cơ sở dữ liệu nói đến sự chiếm đoạt, nó có tên trong danh sách các của cải bị cướp đoạt trong Thế chiến thứ 2”.

Trong một bức điện ngày 7-4 gửi cho hãng Im Kinsky, luật sư Comte nhắc lại rằng “việc lưu giữ dù là tạm thời một bức tranh bị cướp đoạt theo luật pháp châu Âu là sự vi phạm hình sự đối với những ai tàng trữ các đồ vật bị đánh cắp”.

Bức tranh của Bartholomeus Van Der Helst.

Vị luật sư yêu cầu hãng hoãn lại cuộc bán đấu giá bởi vì hành động này sẽ khiến cho hãng “trở thành một trong các mắt xích tàng trữ một bức tranh bị cướp đoạt chưa được hoàn trả lại cho những chủ nhân hợp pháp”.

Ngày 8-4, có vẻ như hãng Im Kinsky không muốn rút bức tranh Van Der Helst ra khỏi danh sách bán đấu giá. Giám đốc Ernst Ploil, cũng là luật sư, rất bất bình vì người ta nghi ngờ đạo đức và tính trung thực của hãng. Khi bức tranh được giới thiệu cho Im Kinsky, các luật sư của hãng đã liên hệ với luật sư Comte để “tìm ra một giải pháp đúng đắn và công bằng với dòng họ Schloss”. Nên hiểu rằng “giải pháp đúng đắn và công bằng” có nghĩa là Im Kinsky phải chi ra một khoản bù đắp hay chia với chủ thừa kế số tiền bán được.

“Tôi đã thương lượng với họ một thời gian nhưng không có kết quả vì họ nhất quyết muốn lấy lại bức tranh. Tuy nhiên chủ nhân hiện tại không muốn như thế” - Ernst Ploil cho biết. Luật sư Comte đáp lại: “Tôi không muốn tranh cãi với các luật sư. Tôi giải thích rằng giải pháp xứng đáng duy nhất là trả lại bức tranh cho người thừa kế. Mỗi lần như thế người ta không thể bỏ ra một khoản bù đắp”.

Thân chủ của ông, bà Eliane de Martini nay ở tuổi 80 cũng cương quyết không kém: “Không thể có thỏa thuận với những người bán. Đây là nguyên tắc của dòng họ chúng tôi”. Bà tỏ ra tức giận vì chính quyền Áo vẫn giữ im lặng nên thêm vào một chi tiết quan trọng: “Tôi không biết liệu bức tranh có còn khung gỗ nguyên thủy không, vì trên mỗi khung gỗ đều có một dấu vết riêng cho để phân biệt nó thuộc về bộ sưu tập Schloss”.

Vào năm 1998, Bộ Ngoại giao Pháp đã ấn hành một catalogue in các tác phẩm chưa được hoàn trả, có cả hình ảnh đen trắng được chụp trước chiến tranh với kích thước của mỗi món đồ. Nhưng hãng Im Kinsky dựa vào luật pháp Áo lại có ý kiến khác. Theo đó, không có gì ngăn cấm hãng đem ra bán một cách hợp pháp tác phẩm bị cướp từ một gia đình Do Thái trong chiến tranh cả.

Ngày 8-4, Bộ Văn hóa Pháp chính thức yêu cầu hãng Im Kinsky rút bức tranh ra khỏi danh sách bán đấu giá ngày 12-4 trong khi chờ đợi tìm ra một giải pháp ổn thỏa với những người thừa kế. Trước tiên bà Bộ trưởng Audrey Azoulay ưu tiên cho sự thỏa thuận, sau đó mới nhờ đến chính quyền Áo hay Interpol nếu cần.

Trong bộ sưu tập Schloss có 163 bức tranh còn thiếu. Liệu chúng có tránh được sự hủy hoại hay đã bị bán một cách bí mật ? Chẳng ai biết, nhưng từ sau chiến tranh có một số tác phẩm không biết từ đâu xuất hiện và được bán bởi các hãng uy tín như Christies hay Sothebys.

Đó là trường hợp bức chân dung Adrianus Tegularius. Vào năm 1967 bức tranh của họa sĩ Hà Lan Franz Hals đó được bán tại New York, sau đó được Hãng Christies bán lại tại Luân Đôn vào năm 1972 nhưng không nói rõ là nó bị Đức quốc xã cướp đoạt.

Vào năm 1979, bức tranh đó lại tái xuất hiện ở Luân Đôn, tại Hãng Sothebys. Trong lần đó nó được ghi trong catalogue là thuộc số của cải do Đức cướp đoạt từ Pháp. 10 năm sau nó lại được bán bởi Hãng Christies, lần này không được ghi chú là tác phẩm bị đánh cắp. Chủ nhân mới định bán nó tại Hội chợ Cổ vật Quốc tế tại Paris vào tháng 9-1990.

Một người thừa kế của dòng họ Schloss là Henri de Martini, chồng của bà Eliane de Martini, được quyền giữ lại bức tranh. Đến năm 2001 nó mới được chính thức hoàn trả cho dòng họ Schloss sau 11 năm kiện tụng. Song song đó, sau 3 năm thương thảo, năm 2002 Bộ Văn hóa Tiệp Khắc đã chính thức trao trả cho Bộ Văn hóa Pháp bức “Người đàn ông Do Thái đội mũ lông” thuộc trường phái Rembrandt trong bộ sưu tập của Adolphe Schloss mà Bảo tàng Quốc gia Praha đã mua vào năm 1945.

Hiện giờ người ta chưa biết bức tranh Bartholomeus Van Der Helst sẽ trở về với nước Pháp hay có nguy cơ biến mất lần nữa.

Minh Luân (theo Nouvel Observateur)
.
.