Môn đấu bò tót gây nhiều tranh cãi được luật pháp ủng hộ

Thứ Năm, 29/12/2016, 20:25
Môn đấu bò tót (tiếng Tây Ban Nha gọi là "la lidia") vốn nổi tiếng thế giới. Những người hâm mộ coi "la lidia" là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và sinh hoạt xã hội Tây Ban Nha cho dù những trận đấu bò tót đang giảm mạnh tại nhiều khu vực nước này.

Đấu bò và các sự kiện liên quan ở Tây Ban Nha những năm gần đây vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật; họ gọi đây là môn thể thao tàn bạo và nguy hiểm. Ngày 20-10-2016, những người ủng hộ "la lidia" đã hớn hở ăn mừng sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố đấu bò là "di sản quốc gia" đồng thời ra quyết định hủy bỏ lệnh cấm đấu bò do vùng tự trị Catalonia miền bắc nước này áp đặt từ năm 2010.

Đấu bò tót là môn thể thao tồn tại ở Tây Ban Nha ít nhất từ thời La Mã và được định hình rõ ràng vào thế kỷ XVIII. Nhắc đến Tây Ban Nha, ngoài vũ điệu flamenco cuồng nhiệt trên những con phố thì có lẽ các trận đấu bò đã trở thành quốc hồn, quốc túy của đất nước bên bờ Địa Trung Hải này.

Những đấu sĩ bò tót nghiễm nhiên trở thành những nghệ sĩ được hàng vạn người theo dõi và say mê. Juan Diego Vicente, Chủ tịch Liên minh Đấu sĩ đấu bò Tây Ban Nha (UT), phát biểu: "Đó là truyền thống văn hóa nên cần được tôn trọng. Tuy nhiên, đấu bò đang trải qua thời kỳ mang tính quyết định". Andres De Miguel, nhà báo và nhà văn sống ở thủ đô Madrid, giải thích: "Đó là lễ hội, nghi thức thiêng liêng, một cảnh tượng hoành tráng và là công cuộc kinh doanh. Nó phức tạp và bị chia rẽ do nhiều mâu thuẫn".

Theo số liệu từ chính quyền, chỉ có 9,5% người dân Tây Ban Nha tham dự sự kiện đấu bò - chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp - trong năm 2015. Tổng số những trận đấu giữa người và bò ở Tây Ban Nha đã sụt giảm mạnh từ con số 3.651 trận năm 2007 xuống còn 1.736 năm 2015. Tuy nhiên, những sự kiện chuyên nghiệp chỉ giảm 30% trong thời gian này do khủng hoảng kinh tế và phục hồi chậm.

Đấu bò đang gây chia rẽ Tây Ban Nha.

Theo kết quả một cuộc điều tra của tổ chức thăm dò dư luận của Tây Ban Nha theo yêu cầu từ tờ El Pais, 60% người dân nước này nói họ không thích đấu bò nhưng khi hỏi về việc áp đặt lệnh cấm đối với môn thể thao đẫm máu này thì chỉ có 42% là mong muốn.

Vào tháng 7-2010, với 68 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 9 phiếu trắng, Nghị viện vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã chính thức ghi tên Catalonia vào lịch sử khi trở thành vùng thứ hai của Tây Ban Nha - sau bán đảo Canaries cấm tổ chức thi đấu bò tót (từ năm 1991). Đây là một quyết định không dễ dàng và gây không ít tranh luận ở vùng Catalonia nói riêng và ở Tây Ban Nha nói chung.

Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều tổ chức được thành lập để vận động các nhà lập pháp xóa bỏ các cuộc thi đấu bò tót với nhiều lý do khác nhau cả về đạo đức lẫn kinh tế. Những người phản đối tổ chức đấu bò tót cho rằng, việc thi đấu tới chết trong các trận đấu bò tót là một hành động dã man đối với động vật; ngoài ra, việc cấm đấu bò tót cũng giúp làm giảm chi phí hàng triệu euro mà nhà nước bỏ ra để tài trợ cho hoạt động này. Hiện tại, trong thành phố Barcelona ở vùng tự trị Catalonia chỉ còn một trường đấu bò với 15 trận đấu trong năm.

Biểu tình chống đấu bò ở Madrid.

Tuy vậy, vùng Catalonia vẫn cho phép tiếp tục những lễ hội "correbous", tức thả bò tót chạy đuổi đám đông người giữa đường phố. Giới chức Pacma cũng lên tiếng kêu gọi áp đặt lệnh cấm những sự kiện như lễ hội "bous a la mar" diễn ra hàng năm tại thành phố Denia ven biển Địa Trung Hải vùng Costa Blanca. Theo tiếng Tây Ban Nha, "bous a la mar" có nghĩa là "con bò trong nước". Trong lễ hội, đấu sĩ đấu bò sẽ dụ cho con bò chạy thẳng ra hướng biển và nhảy xuống nước. Sau trận đấu, con bò sẽ được cứu lên bờ.

Đúng là ẩn sau hoạt động đầy phấn khích và mạo hiểm này là một hiểm họa khôn lường cho các đấu sĩ bò tót. Mặc dù được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, nhưng tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi khi những con bò tót vì bị dồn ép phải "thực hiện bản năng" của mình mà chúng có thể nổi điên lên bất kỳ lúc nào và gây ra những tai nạn thương tâm cho đấu sĩ.

Ngày 9-7-2016, đấu sĩ nổi tiếng Victor Barrio, 29 tuổi, bị một con bò dùng sừng trái húc cú đầu tiên vào đùi, khiến cả người anh bị hất tung lên không. Khi rơi xuống đất, anh còn bị con bò húc lần hai vào ngực, sừng của nó xuyên qua phổi và động mạch chủ khi anh đang nằm sõng soài trên mặt đất.

Những người đấu bò khác nhanh chóng tiếp cận, tìm cách đánh lạc hướng con bò nặng 500kg để giải cứu anh. Các nhân viên y tế lập tức có mặt nhưng không thể cứu mạng Barrio. Sự việc được truyền hình trực tiếp và tin tức về cái chết của anh nhanh chóng lan rộng trong cộng đồng và các chính trị gia. "Tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình và các đồng nghiệp của Victor Barrio, đấu sĩ bò tót đã qua đời tối nay tại Teruel. Mong anh an nghỉ", Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy viết trên Twitter.

Theo truyền thống, mẹ của con bò tót đã giết chết đấu sĩ sẽ bị làm thịt để "trả nợ máu". Hàng nghìn người lên Twitter bày tỏ sự ủng hộ với chiến dịch do đảng chính trị về quyền động vật Parma tổ chức.

"Không có xã hội nào mà các nghi lễ, truyền thống hay tập tục dựa trên những cái chết liên tiếp, được nuôi bằng máu và sự hận thù, lại mang ý nghĩa tốt đẹp cả", Parma viết trên Facebook. "Chúng tôi chỉ biết một giải pháp đạo đức để chấm dứt tất cả những điều này đó là xóa sổ các lễ hội đấu bò". Bài viết này đã được chia sẻ hơn 3.500 lần và thu hút hơn 1.000 bình luận. Hàng nghìn người cũng chia sẻ lại trên Twitter và đặt câu hỏi: "Chúng ta đổ máu như thế  vẫn chưa đủ hay sao?".

"Thật sự tồi tệ. Con người chiến thắng thì được xem là anh hùng, con bò tót vô tội chiến thắng lại bị xem là kẻ giết người và mẹ của nó bị làm thịt", một người viết. "Đấu bò không phải là một môn thể thao. Nó là một hành động tàn nhẫn và đáng ghê tởm, liên quan đến việc tra tấn và giết hại một động vật không tự vệ", người khác chỉ trích. Trường hợp người đấu bò thiệt mạng trong trường đấu xảy ra gần đây nhất là năm 1985, theo truyền thông Tây Ban Nha. Người thiệt mạng khi đó là ngôi sao mới nổi Jose "El Yiyo" Cubero, 21 tuổi. Anh bị bò húc trúng tim.

Một cú ngã cực kỳ nguy hiểm.

Trước khi kết tội những chú bò thì chúng ta cũng cần phải nhìn lại, vì số phận của chúng khi tham dự thi đấu gần như chỉ là cái chết, chính con người đã dồn loài động vật này vào đường cùng, dẫn đến chuyện bản năng sinh tồn của chúng trỗi dậy. Số lượng bò tót vô tội phải chết vì thú vui này của con người là không thể đếm được.

Cũng giống như nhiều phong tục gây tranh cãi trên toàn thế giới (tiêu biểu là tục ăn thịt chó tại một số nước Á Đông), thì đấu bò gây nhiều tranh cãi trên khắp thế giới. Phe ủng hộ xem đây là một nét văn hóa truyền thống cần giữ gìn của Tây Ban Nha. Ý kiến ủng hộ việc duy trì các trận đấu bò tót cho đến nay vẫn khá đông, trong số những người ủng hộ có cả nhà vua Juan Carlos - một người rất đam mê môn đấu này.

Trên kênh truyền hình France 24, ông Francis Wolff, Giáo sư triết học Trường Đại học Sư phạm Pháp (ENS) giải thích về các ý kiến ủng hộ môn đấu bò tót như sau: "Bò tót không phải là vật nuôi ở trong nhà, nó là vật được nuôi trong chế độ rất đặc biệt trong vòng 4 năm. Bò tót luôn chiến đấu tới cùng để bảo vệ lãnh thổ của mình. Được con người nuôi dưỡng và cuối cùng được chết ở đấu trường, theo một cách nào đó, bò tót đã thực hiện bản năng của mình. Nếu so sánh điều kiện nuôi dưỡng và chết của bò tót, thì rõ ràng bò tót được sống và chết vinh quang hơn hẳn các con vật nuôi khác".

Đấu sĩ Victor Barrio.

Những người ủng hộ môn đấu bò ở Tây Ban Nha cũng đặc biệt chống lại sức ép từ các nhóm bảo vệ động vật ở ngoài nước - như PETA của Anh và HSI của Mỹ. Joanna Swabe, người phát ngôn cho HSI tại Liên minh châu Âu mô tả hành động "trêu chọc và giết chết bò tót để giải trí là sai lầm tàn bạo bôi đen hình ảnh hiện đại mà đất nước Tây Ban Nha mong muốn quảng bá với thế giới". Ở đất nước Bồ Đào Nha láng giềng, bò tót trong trận đấu chỉ làm cho bị thương mà không bị giết chết như ở Tây Ban Nha. Cuộc chiến chống môn đấu bò không chỉ diễn ra ở Tây Ban Nha mà còn vượt khỏi biên giới nước này như ở Colombia, Peru và Mexico.

Ngày 10-9-2016, hàng nghìn người Tây Ban Nha đã xuống đường tuần hành, với những biểu ngữ như "Đấu bò là độc ác" và "Đấu bò là sự ô nhục cho quốc gia" yêu cầu chính quyền cấm hẳn môn thể thao man rợ này.

Tuy nhiên, đây sẽ là chuyện không thể một sớm một chiều mà dễ dàng hủy bỏ bởi lẽ ai cũng hiểu về đất nước này, mỗi khi du khách quốc tế có dịp đến thăm, họ đều xem đây như là một bản sắc văn hoá riêng, không trộn lẫn với nước nào, rất thú vị và cần được thưởng thức tận mắt. Việc chấm dứt lễ hội đấu bò ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu không hề nhỏ từ du lịch đối với xứ sở này. Lo ngại một hiệu ứng lây truyền từ vùng Catalonia, chính quyền vùng Madrid đã thông báo ý định đưa môn đấu bò tót vào Di sản văn hóa, qua đó bảo vệ môn đấu này.

Ngày 20-10-2016 vừa qua, những người ủng hộ "la lidia" đã hớn hở ăn mừng sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố đấu bò là "di sản quốc gia", là "di sản văn hóa cần được bảo vệ" đồng thời ra quyết định hủy bỏ lệnh cấm đấu bò do vùng tự trị Catalonia áp đặt, như thế trường đấu bò lớn nhất thế giới mang tên Las Ventas còn lâu mới lâm vào cảnh "chợ chiều" và hàng ngàn trận đấu bò diễn ra trên khắp Tây Ban Nha vẫn tiếp tục đem lại cho những người yêu thích nó những màn đấu gay cấn đến thót tim.

An An - Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.