Thương chiến Mỹ - Trung thúc đẩy phá vỡ trật tự thế giới

Thứ Ba, 28/05/2019, 07:18
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc bế tắc. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung giống như phiên bản của cuộc Chiến tranh Lạnh mới ngày càng rõ nét. Nếu cuộc chiến này thực sự xảy ra và phát triển sang các lĩnh vực khác, cuộc chiến của hai người khổng lồ này có thể sẽ phá vỡ trật tự thế giới.

Thương chiến phá vỡ trật tự thương mại thế giới và phá hủy trật tự thế giới

Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế và cường quốc thương mại lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục leo thang, hai nước đều bị ảnh hưởng, tổn thất và không được hưởng lợi gì từ cuộc chiến này.

Phía Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh có đủ khả năng kiểm soát được cuộc chiến này, bởi Trung Quốc là nền kinh tế lớn, có sức chịu đựng dẻo dai, có tiềm lực đầy đủ và hoàn toàn đủ năng lực đối phó với cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ. Đáp lại, nước Mỹ cũng có tuyên bố tương tự và họ tự tin vào chiến thắng của mình.

Cuộc chiến thương mại càng kéo dài thì càng có nhiều người, nhiều quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: CNN.com.

Thế nhưng, trên thực tế kể từ khi Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hơn một năm qua (ngày 23-1-2018), thương mại và đầu tư xuyên biên giới toàn cầu đã suy giảm rõ rệt. Trong nửa đầu năm 2018, đầu tư xuyên biên giới đã giảm tới 41%, trong khi chỉ số BDI (phản ánh chỉ số thịnh vượng của thương mại quốc tế) cũng đã giảm một nửa, xuống còn 66%.

Do đó, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hiện đều hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bởi vì thương mại quốc tế là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tiến hành các cuộc chiến thương mại với nhiều nước, trong đó có cả Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Đây chính là nguyên nhân vô cùng quan trọng khiến hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu suy giảm.

Kinh tế thế giới đang bị ảnh hưởng nặng khi rơi vào đúng chu kỳ trùng vào thời điểm kỷ niệm 10 năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Suy thoái kinh tế cũng sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính bất ngờ.

Tính đến tháng 2-2019, nợ công của Chính phủ Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục hơn 22.000 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Donald Trump thực thi chính sách cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD hồi tháng 12-2017. Rủi ro của khoản nợ công này cũng đang được tích lũy trên mức độ toàn cầu bởi trong bối cảnh tăng trưởng thấp, lạm phát thấp cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đang thực sự gây phương hại cho cả Trung Quốc lẫn Mỹ, đồng thời tác động đến các nền kinh tế và thương mại toàn cầu khác. Rõ ràng, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào thực tế là sự phá vỡ trật tự thương mại thế giới và phá hủy trật tự thế giới.

Sau khi ông Trump lên nắm quyền, Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)... đều do vị tổng thống này mà phải đàm phán lại từ đầu. Hiện nay, nhiều bày tỏ hoài nghi về viễn cảnh kinh tế thế giới và trật tự toàn cầu.

Đây là tổn hại lớn nhất đối với toàn thế giới khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, đặc biệt là khi Trung Quốc "bung" bài để trả đũa Mỹ.

Khởi đầu của Chiến tranh Lạnh mới?

Theo giới phân tích, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm gia tăng nguy cơ căng thẳng có thể vượt ra ngoài vấn đề thương mại và tác động đến các lĩnh vực đối đầu khác giữa hai nước, trong đó có các điểm nóng toàn cầu như Trung Đông, Đông Bắc Á và cả Biển Đông.

Tiến sĩ Stephen Roach, chuyên viên cấp cao của Viện các vấn đề toàn cầu Jackson thuộc Đại học Yale (Mỹ), giảng viên hàng đầu của Trường Quản trị Yale, cho rằng sự leo thang cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang ở trong vùng nguy hiểm.

Mặc dù có khả năng một thỏa thuận sẽ được ký trong hoặc trước khi Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka diễn ra vào cuối tháng 6 tới. Nhưng sợ rằng bất cứ thỏa thuận nào như vậy cũng có thể là không đầu đuôi và đưa ra ít hoặc không có giải pháp cơ bản nào cho cuộc xung đột sâu sắc giữa hai siêu cường của thế giới.

Tổng thống Mỹ D.Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp mặt. Ảnh: ValueWalk.

Thỏa thuận đó có khả năng là hời hợt bởi vì nó có thể sẽ tập trung vào khía cạnh ít hậu quả nhất của cuộc tranh chấp - mất cân bằng cán cân thương mại song phương Mỹ - Trung. Đây là "cột thu lôi" trong cuộc đàm phán, thủ phạm đằng sau điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là "cuộc tàn sát" khiến người Mỹ mất việc làm và tạo sức ép về tiền lương.

Theo phân tích, năm 2018, Mỹ đã bị thâm hụt thương mại tới 419 tỷ USD với Trung Quốc, chiếm 48% tổng kim ngạch nhập siêu khổng lồ của Mỹ là 879 tỷ USD. Nhưng điều mà ông Trump và hầu hết các chính trị gia khác của Mỹ sẽ không thừa nhận, cả đảng Cộng hòa cũng như đảng Dân chủ là Mỹ đã bị thâm hụt thương mại với 102 quốc gia trong năm 2018.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tới đây? Nguy cơ là một đầm lầy không có lối thoát dễ dàng. Cho dù có đạt được một thỏa thuận hời hợt trong đó tập trung vào sự mất cân bằng thương mại song phương, xung đột cấu trúc trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ kéo dài. Điều này chỉ rõ những gì có thể được gọi là một cuộc Chiến tranh Lạnh về kinh tế - một giai đoạn kéo dài của những cáo buộc và đáp trả, bao gồm thuế quan và các biện pháp trừng phạt khác, sẽ làm giảm sức mạnh của cả hai bên tham chiến. Cách giải quyết rốt cục chỉ đến từ sức mạnh nội tại.

Đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là thực hiện thành công các cải cách nhằm thúc đẩy sự ổn định kinh tế mà họ đã tìm kiếm từ lâu. Đối với Mỹ, điều đó đòi hỏi phải tái xây dựng dự trữ trong nước, họ cần khôi phục khả năng cạnh tranh bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất và vốn nhân lực. Đó có phải là đòi hỏi quá nhiều đối với các siêu cường của thế giới?

Có thể thấy rõ, không dễ để chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sớm hạ nhiệt. Điều đó có nghĩa các công ty và người tiêu dùng ở cả Mỹ và Trung Quốc sẽ bị thiệt hại kinh tế lớn hơn. Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể tiếp tục trong thời gian dài. Tất cả các bằng chứng cho thấy các nhà đàm phán đã không thể giải quyết các bất đồng cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc.

Vấn đề gây áp lực lớn nhất liên quan đến những đặc điểm cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc mà đến nay nước này không có động lực, hoặc trong một số trường hợp là khả năng thay đổi. Tóm lại, Mỹ tin rằng Chính phủ Trung Quốc không can thiệp để thay đổi cơ cấu kinh tế của nước này.

Mỹ muốn Trung Quốc minh bạch hơn về sự hỗ trợ này và nhìn chung là phải giảm trợ cấp. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc không hành động đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài ở Trung Quốc. Việc thực thi cấm sao chép bản quyền là rất yếu, và các công ty Mỹ buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc như một điều kiện hoạt động kinh doanh ở đất nước này.

Chiến thuật củ cà rốt và cây gậy

Quan điểm đàm phán của Mỹ đặt nặng vào “cây gậy” và xem nhẹ “củ cà rốt”. Nhiều loại thuế quan sẽ không thể được gỡ bỏ nếu các cuộc đàm phán không có kết quả. Và Trung Quốc dường như không muốn khuất phục trước sức ép của Mỹ dù nước này đã phải đối mặt với nhiều loại thuế và có những loại thuế không thể thương lượng.

Cơ hội chấm dứt thương chiến ngày càng giảm. Tổn thất của cuộc chiến tranh thương mại cho đến nay khá cao nhưng có thể còn tồi tệ hơn nữa. Và điều đó có thể làm giảm cơ hội chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được dự báo không dễ hạ nhiệt. Ảnh: University of Pennsylvania.

Theo những phân tích ở trên thì có thể thấy rõ quan hệ Mỹ - Trung đã mất "nền tảng vững chắc" khi trong nhiều năm qua Mỹ dựa vào sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau với Trung Quốc như một sức mạnh tạo sự ổn định cho mối quan hệ Washington - Bắc Kinh, và thương mại giữa hai nước được cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson đánh giá là đã tạo "nền tảng vững chắc" cho các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, nền tảng đó không còn tồn tại nữa, thay vào đó là ít có sự ổn định và kiềm chế của Washington khi đề cập đến Trung Quốc và nhiều khả năng căng thẳng có thể vượt ra ngoài phạm vi thương mại, tác động tới các lĩnh vực có nhiều bất đồng khác, như vấn đề Đài Loan hoặc Biển Đông.

Từ thương mại, chính quyền Trump cũng mở rộng đường lối cứng rắn đối với lĩnh vực an ninh quốc gia. Chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc kêu gọi "cuộc cạnh tranh sức mạnh lớn" nhằm ngăn chặn Trung Quốc đạt được bất kỳ lợi thế quân sự thực sự nào.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các doanh nghiệp có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia. Đây được coi là động thái nhằm vào Tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc, khiến công ty này khó có thể hợp tác làm ăn với bất cứ công ty nào của Mỹ.

Trước đó, các quan chức Mỹ đã nhiều lần coi Huawei là "một mối đe dọa" và vận động các đồng minh không sử dụng các thiết bị của Huawei trong mạng lưới 5G thế hệ mới. Bộ Thương mại Mỹ cho biết Huawei đã tham gia vào các hoạt động đi ngược lại an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ. Quan điểm trên của Mỹ đối với Huawei cũng đã cho thấy mối lo ngại đối với cả kinh tế lẫn an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo Bonnie S. Glaser, cố vấn cấp cao của châu Á tại CSIS, việc phải duy trì mối quan hệ kinh tế chặt chẽ trong khi cạnh tranh trong lĩnh vực an ninh quốc gia là điều không thể và hiện nay Mỹ không có sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, vốn đã từng ủng hộ mối quan hệ này. Sân chơi giờ đây đã thay đổi một cách căn bản.

Quân đội Mỹ đang báo động về sự tăng cường xây dựng quốc phòng của Trung Quốc. Nhiều người Mỹ có xu hướng ủng hộ quan điểm củng cố sự gia tăng sức ép đối với Trung Quốc. Ngay trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Donald Trump đã thể hiện rõ quan điểm của mình khi tuyên bố Trung Quốc đã chơi không công bằng và đã đến lúc Washington phải thay đổi cán cân thương mại giữa hai nước.

Tuy nhiên, thực hiện điều đó cũng không phải dễ bởi Mỹ và Trung Quốc đã phát triển một mối quan hệ kinh tế phức tạp và mạnh mẽ bắt nguồn từ việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 4 thập kỷ. Hai nước đã tăng cường mức độ ràng buộc tương lai kinh tế với nhau cũng như kết hợp chuỗi cung ứng trong nhiều thập kỷ kể từ bước đột phá ngoại giao năm 1979. Hiện nay, Mỹ nhập khẩu hơn nửa nghìn tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm.

Câu hỏi hóc búa này nêu bật một trong những khác biệt chính giữa Chiến tranh Lạnh và cuộc cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô có ít mối liên kết kinh tế và thương mại trong những thập kỷ sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Chính sách ngăn chặn của Mỹ cuối cùng đã tìm cách gây ra "sự sụp đổ hoặc làm giảm dần sức mạnh của Liên Xô".

Tuy nhiên, bất kỳ chính sách ngăn chặn nào như vậy nếu được áp dụng với Trung Quốc sẽ mang lại rủi ro kinh tế lớn cho Mỹ. Ali Wyne, chuyên gia phân tích chính sách của Rand Corp, nhận định nếu Mỹ áp dụng chính sách trên với Trung Quốc thì đây sẽ là một sai lầm bởi Trung Quốc có sức mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với Liên Xô trước đây.

Mới đây, A.Risbelly - một chuyên gia thuộc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Mỹ đã có bài viết cho rằng, xung đột Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi tranh chấp thương mại, trở thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới về khoa học và công nghệ, đồng thời kêu gọi châu Âu đứng về phía Mỹ.

Hoa Huyền
.
.