Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống: Những mạch nguồn bền bỉ

Thứ Hai, 12/06/2023, 16:18

Giữa muôn vàn khó khăn của đời sống hiện đại, không ít những người con của nhiều dòng họ, nhiều miền quê gắn với những bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống lâu đời vẫn nỗ lực lao động, sáng tạo. Bằng nhiều con đường khác nhau, họ như những mạch nguồn bền bỉ bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa quý, độc đáo của cha ông.

Thu hồn quê vào sân khấu nhỏ

Hơn 1h chiều, đường phố Hà Nội nắng như chan lửa. Hai vợ chồng nghệ sĩ kiêm chủ cơ sở sân khấu rối nước thu nhỏ Phan Thanh Liêm bịt kín như… Ninja, tất tả chạy xe máy từ nội đô sang Thạch Bàn, Long Biên. Họ phải chuẩn bị cho buổi biểu diễn phục vụ đoàn khách Úc vào lúc 2h30 chiều. Thế nhưng, Long Biên mất điện. May mắn là đoàn khách đi du lịch di chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội nên hai vợ chồng “điều đình” với hướng dẫn viên khá thuận lợi.

Phan Thanh Liêm nói, cũng may là gia đình anh hiện có 2 cơ sở - 1 điểm ở nơi gia đình đang sinh sống, trong ngõ nhỏ Khâm Thiên, Hà Nội; 1 điểm là cơ sở mới mở vài năm trước ở Long Biên. Đây là lần thứ 2, gia đình bị lỡ hẹn với khách vì mất điện và cũng là lần thứ 2 được đối tác chia sẻ, chịu quay xe về trung tâm Thủ đô nên gia đình không bị phạt hợp đồng.

Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống: Những mạch nguồn bền bỉ -0
Khách du lịch thích thú xem biểu diễn tại sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm.

Có lẽ vì là nghệ sĩ biểu diễn kiêm chủ nhà, kiêm lễ tân, kiêm nhân viên hậu đài nhiều năm nên chỉ sau khoảng gần 10 phút, căn nhà 4 tầng, rộng chừng 40m2 cho mỗi tầng đã mát lạnh, sẵn sàng với trà, kẹo trên bàn. Những con rối và hình ảnh biểu diễn, hình ảnh của những nghệ nhân thuộc thế hệ cha, ông cùng những giấy khen, chứng nhận giải thưởng của nhiều cơ quan, đoàn thể ken dày trong các phòng, trải từ dài hai bên cầu thang vốn đã chật hẹp cho đến xếp ken dày trên các kệ của tầng 3 - nơi Phan Thanh Liêm làm và trưng bày các con rối, giao lưu với khách với sau mỗi buổi biểu diễn.

Thực tế, trong gần 2 tiếng đồng hồ lưu lại gia đình Phan Thanh Liêm, đoàn khách được giao lưu, tham quan, tìm hiểu về gia đình, công việc, nghệ thuật múa rối nước. Họ chỉ có khoảng 30 phút ngồi xem biểu diễn. Xem vợ chồng nghệ sĩ Phan Thanh Liêm “thổi hồn” cho những con rối, kết hợp âm nhạc thu sẵn, đưa cả hồn quê đồng bằng Bắc Bộ lên sân khấu biểu diễn với diện tích mặt nước vỏn vẹn chưa đầy 10m2…,  khách có một khoảng thời gian đầy thú vị, không ngớt vỗ tay tán thưởng, ngạc nhiên cùng những tiếng cười đầy thích thú.  Kết thúc chuyến tham quan, các vị khách đều bày tỏ sự hài lòng.

Chia sẻ nhanh với chúng tôi, các vị khách trong đoàn cho biết, họ từng tìm hiểu, biết thông tin về hoạt động biểu diễn múa rối ở một số Nhà hát tại Việt Nam nhưng chọn đến cơ sở của gia đình của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm vì ở đây có những trải nghiệm khác biệt. “Như bạn thấy đấy, chúng tôi được tìm hiểu về nghề múa rối, về nhiều đời làm nghề của gia đình anh Liêm, được tìm hiểu và thử biểu diễn múa rối. Những hoạt động này rất đặc biệt, rất thú vị, ở Nhà hát thì không có”, bà Sam Aarow - nữ du khách trong đoàn vui vẻ cho hay.

Trong bối cảnh sân khấu bị cho là khủng hoảng khán giả, nhất là khó khăn chồng khó khăn sau đại dịch COVID-19, việc tự lực cánh sinh duy trì hoạt động thường xuyên như cơ sở của gia đình anh Phan Thanh Liêm là hiện tượng hiếm của “làng” biểu diễn nghệ thuật truyền thống hiện nay. Có lẽ cũng vì thế nên cuối tháng 5/2023, Ban tổ chức Giải thưởng Đào Tấn đã vinh danh nam nghệ sĩ là người sáng tạo và thực hành xuất sắc  Sân khấu múa rối nước thu nhỏ trong và ngoài nước 20 năm qua.

Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống: Những mạch nguồn bền bỉ -0
Các vị khách quốc tế hào hứng giao lưu, tìm hiều kỹ thuật biểu diễn múa rối nước cùng Phan Thanh Liêm.

Được biết, Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch - cái nôi rối nổi tiếng ở Nam Định. Cha của anh là nghệ nhân Phan Văn Ngải, tác giả của Nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến các địa phương sử dụng. Hơn 20 năm trước, anh nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người, khó linh hoạt trong phục vụ khách nên đã mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt vào năm 2000 ngay tại nhà riêng của mình trong ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội và sau đó tiếp tục mở cơ sở mới tại Thạch Bàn, Long Biên.

Hiện nay, hai địa chỉ này đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Phan Thanh Liêm cho biết, mặc dù hiện nay đang là mùa thấp điểm trong đón khách du lịch quốc tế nhưng hàng tháng, gia đình vẫn tổ chức trên 10 suất diễn. Các mùa cao điểm đón khách quốc tế là dịp mùa đông, lễ hội cuối năm và mùa xuân, sân khấu múa rối thu nhỏ của anh kín lịch, có ngày diễn tới 2-3 suất. Ngoài ra, anh còn được mời lưu diễn ở nhiều quốc gia, qua đó giới thiệu nghệ thuật múa rối nước - niềm tự hào của gia đình và là nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Giải thưởng Đào Tấn là niềm tự hào và cũng là động lực để anh và người thân tiếp tục cần mẫn với nghề hơn trong thời gian tới.

Năng động, nỗ lực vì vốn quý của cha ông

Được vinh danh cùng với nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong mùa giải năm nay của Giải thưởng Đào Tấn còn có nhiều gương mặt, đơn vị chuyên nghiệp và bán chuyên khác - những người yêu vốn quý văn hóa của dân tộc, dành nhiều tâm huyết, có những đóng góp tích cực cho bảo tồn và gìn giữ văn hóa dân tộc. Đó là nghệ sĩ Bình Tinh - Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long (TP Hồ Chí Minh). Bình Tinh là con gái út của nghệ sĩ Đức Lợi và soạn giả Bạch Mai, những nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Bình Tinh trưởng thành giữa lúc Huỳnh Long gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc phải ngưng hoạt động, gia đình lại liên tục gặp biến cố. Ba chị bất ngờ mất vì tai nạn giao thông.

Bảo tồn nghệ thuật sân khấu truyền thống: Những mạch nguồn bền bỉ -0
Nghệ sĩ Bình Tinh hạnh phúc đón nhận Giải thưởng Đào Tấn.

Anh của Bình Tinh - nghệ sĩ Chính Nhân, mất năm 46 tuổi. Trong những ngày TP Hồ Chí Minh lao đao vì bệnh dịch, Bình Tinh đã trải qua nỗi đau tột cùng khi mất đi những người thân là 5 nghệ sĩ gạo cội của Huỳnh Long, trong đó có mẹ Bạch Mai và cậu, dì ruột. Binh Tinh đột ngột trở thành trụ cột để lo hậu sự cho người thân, đồng thời một mình gánh vác trọng trách vực dậy Huỳnh Long.

Việc duy trì đoàn, đưa khán giả trở lại, giúp cuộc sống các nghệ sĩ ổn định chính là tâm nguyện lớn của vợ chồng cố nghệ sĩ Bạch Mai. Sau nhiều nỗ lực lớn, cùng với sự giúp đỡ của anh em bạn bè nghệ sĩ, Bình Tinh đang từng bước phục sinh đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, với thế hệ diễn viên mới, những vở diễn mới. Bình Tinh cũng là một trong những nghệ sĩ sân khấu rất được hâm mộ ở TP Hồ Chí Minh, từng là Quán quân chương trình Sao đổi ngôi 2016, Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021, huy chương vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô 2022.

Cùng với các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, Giải thưởng Đào Tấn ghi nhận nhiều mô hình hiệu quả từ lực lượng biểu diễn bán chuyên trong bảo tồn, giữ gìn, duy trì hiệu quả nghệ thuật truyền thống. Đó là CLB Tuồng xã Thạch Lỗi - đơn vị nghệ thuật Tuồng truyền thống hiếm hoi của tỉnh Hải Dương, ra đời từ những năm 1960. Được sự giúp đỡ của các nghệ sĩ bậc thầy Đoàn Tuồng Liên khu 5 và Đoàn Tuồng Bắc Trung ương nay là “Nhà hát Tuồng Việt Nam” về chỉ dạy, dàn dựng,  CLB từng có nhiều nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Được phục hồi lại theo cơ chế tự chủ, được sự khích lệ của vợ chồng NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, mới đây, CLB Tuồng xã Thạch Lỗi thành công trong vở Tuồng “Thành Hoàng quê tôi”, phục vụ bà con xã Thạch Lỗi, thu hút đông đảo khán giả các vùng lân cận…

Có lịch sử lâu đời, Tuồng Kẻ Gám là niềm tự hào không chỉ của riêng người dân xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An vì từng được mời vào biểu diễn trong cung vua, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Kẻ Gám mỗi khi Tết đến xuân về. Nhưng, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, trong một thời gian dài, vì tác động của kinh tế thị trường, Tuồng Kẻ Gám có nguy cơ bị quên lãng.

Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đi vào đời sống, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của ngành Văn hóa huyện, dân làng đã tự nguyện góp công, góp của, xây dựng sân khấu, mua sắm trang phục để tái lập đội Tuồng, nay là CLB Tuồng của xã. Đến nay, CLB không chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân địa phương mà còn được mời biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành, kể cả các trung tâm lớn như Thủ đô Hà Nội.

Việc phục hồi nghệ thuật truyền thống một cách hiệu quả như Sân khấu rối nước Phan Thanh Liêm, Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, các CLB nghệ thuật như Tuồng Kẻ Gám, Tuồng Thạch Lỗi là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm thực hiện bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống của dân tộc.  Nhưng, như chia sẻ rất thật của Chủ tịch UBND xã Xuân Thành - ông Phan Hoàng Thụ thì việc duy trì CLB với gần 20 nghệ nhân nhiều lứa tuổi như hiện nay, phần lớn là nhờ vào xã hội hóa, vào những người yêu  vào niềm tự hào và đam mê vốn văn hóa quý của cha ông. Nếu được hỗ trợ nhiều hơn, có thể, họ sẽ còn hoạt động hiệu quả nhiều hơn nữa…

Đây cũng là tâm sự của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm và nhiều nghệ sĩ hoạt động tự do, các đơn vị ngoài công lập khác trong nhiều năm qua. Họ vẫn mong mỏi được hỗ trợ nhưng không chỉ thụ động chờ đợi. Có lẽ vì thế, nhiều con đường mới vẫn đang tiếp tục được mở ra cho nghệ thuật truyền thống, dù rằng vẫn không hề dễ dàng và chủ yếu là quy mô nhỏ.

Minh Hà
.
.