Big Tech Trung Quốc và làn sóng sa thải
Các công ty Internet Trung Quốc, bao gồm Alibaba, Tencent và JD, được cho là đang cắt giảm quy mô lực lượng lao động, trong bối cảnh áp lực kinh tế đi xuống và môi trường bên ngoài phức tạp dù họ vẫn đang đẩy mạnh nỗ lực tuyển dụng nhân tài có kỹ năng trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Làn sóng sa thải
Tập đoàn thương mại điện tử JD, Jingxi - một nền tảng thương mại điện tử xã hội thuộc JD - có kế hoạch sa thải 10% đến 15% lực lượng lao động của mình. Ra mắt vào năm 2019, Jingxi tập trung vào các thành phố và thị trấn tầm trung, cung cấp các phiếu giảm giá và ưu đãi khi mua hàng theo nhóm cho người dùng.
JD đã báo cáo lỗ ròng 5,2 tỷ nhân dân tệ trong quý 4-2021, so với lợi nhuận ròng 24,3 tỷ nhân dân tệ trong cùng kỳ năm 2020. Lỗ từ các hoạt động kinh doanh mới của JD, bao gồm của Jingxi, ở mức 3,22 tỷ nhân dân tệ trong quý 4-2021.
Kế hoạch sa thải của JD diễn ra sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng các công ty công nghệ khổng lồ như Tencent và Alibaba đang chuẩn bị sa thải hàng chục nghìn nhân viên trong năm nay, được coi là một trong những đợt sa thải lớn nhất của họ. Theo Reuters, Alibaba có thể cắt giảm hơn 15% nhân công, trong khi Tencent có kế hoạch sa thải nhân viên ở một số đơn vị kinh doanh.
Cuộc trấn áp
Mặc dù việc cắt giảm việc làm tại các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc không phải là điều hiếm thấy nhưng đây là đợt sa thải lớn đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh đàn áp các gã khổng lồ công nghệ trong nước. Chính phủ trung ương đã tăng cường giám sát các vấn đề lao động và quyền người tiêu dùng trong lĩnh vực này, tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền đối với các công ty công nghệ và tăng cường giám sát về bảo mật dữ liệu.
Các công ty công nghệ cũng đã phải vất vả để khuyến khích người dùng mạng và người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn khi nền kinh tế Trung Quốc "nguội" đi. Mặc dù Trung Quốc đã báo cáo tăng trưởng GDP 8,1% vào năm ngoái nhưng tăng trưởng trong quý 4-2021 chỉ ở mức 4% so với năm trước đó, giảm tốc rõ rệt từ mức 4,9% trong quý 3 và 7,9% trong quý 2.
Kết quả là những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc đã ghi nhận những báo cáo thu nhập đáng thất vọng gần đây. JD đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu tồi tệ nhất trong sáu quý, theo Reuters. Theo Bloomberg, Alibaba đã đánh dấu mức tăng doanh thu chậm nhất kể từ khi niêm yết trong 3 tháng kết thúc vào tháng 12-2021. Và, doanh số bán hàng của Tencent tăng với tốc độ chậm nhất 18 năm trong quý 3-2021, theo Bloomberg. Công ty dự kiến sẽ báo cáo số liệu cả năm vào cuối tháng này.
Các nhà nghiên cứu tại iện nghiên cứu độc lập ANBOUND đã chỉ ra rằng trong quá trình sa thải mang tính "lịch sử" của các gã khổng lồ Internet Trung Quốc, sức ép chủ yếu đến từ 2 khía cạnh. Thứ nhất, trong bối cảnh hiện tại, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm lại và tiêu thụ ì ạch, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ này. Thứ hai, áp lực từ các cơ quan quản lý khiến một số công ty này phải thay đổi hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, nhìn từ bối cảnh rộng hơn, điều này thực sự phản ánh một vấn đề trong nền kinh tế Trung Quốc, không chỉ ngành công nghiệp Internet. Trong vài năm qua, ngành công nghiệp Internet ở Trung Quốc đã được hỗ trợ bởi cả vốn và thị trường tiêu dùng. Internet là một lĩnh vực được cả vốn quốc tế và trong nước quan tâm theo đuổi, nhờ vào tiềm năng thị trường khổng lồ. Trung Quốc có dân số 1,4 tỷ người và một thị trường khổng lồ như vậy chắc chắn là một yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp Internet của đất nước.
So với các lĩnh vực khác, ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc có được nguồn lực dồi dào, bao gồm các loại hình đầu tư, tài chính, chính sách và thị trường đa dạng. Đây rõ ràng là một lĩnh vực được ưa chuộng. Tuy nhiên, quá trình tích lũy tài nguyên cho ngành công nghiệp Internet thường xuyên hơn không chỉ tạo ra sự thịnh vượng bề ngoài mà phải trả giá bằng việc tiêu hao các nguồn lực của nền kinh tế thực. Một ví dụ rõ ràng là trong khi thương mại điện tử đang bùng nổ, các cửa hàng truyền thống đang lần lượt đóng cửa.
Giờ đây, đến lượt ngành công nghiệp Internet gặp phải nhiều vấn đề khác nhau. Dòng vốn chảy vào ít hơn, trong khi dòng vốn chảy ra nhiều hơn. Trên hết, sự phục hồi tiêu dùng nội địa của Trung Quốc rất chậm chạp. Tất cả những điều này, cùng với việc nhà chức trách liên tục đưa ra các chính sách chấn chỉnh, đã ảnh hưởng đến ngành.
Trường hợp của JD cho thấy việc các nhà đầu tư rút vốn đang tác động mạnh đến thị trường vốn ra sao. Điều này lại ảnh hưởng đến các công ty niêm yết và toàn ngành, do đó ảnh hưởng đến nhu cầu, sức tiêu thụ và thị trường. Kết quả cuối cùng là đóng cửa hoặc giải thể các doanh nghiệp, thất nghiệp và một số lượng lớn các doanh nghiệp chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Khi các vấn đề như thế này xảy ra ở các phần khác nhau của chuỗi, vấn đề không thể được khắc phục chỉ thông qua việc điều chỉnh dữ liệu GDP.
Hiệu suất của các công ty công nghệ nặng ký của Trung Quốc trong 2 năm qua không hoàn toàn là vấn đề của các công ty Internet. Trên thực tế, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu từ rất lâu trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các công ty Internet có nguồn lực được tích tụ tương đối bắt đầu được coi là nơi an toàn nhất. Trừ phi thị trường thất bại, các công ty Internet sẽ không thất bại. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là toàn bộ hệ thống có thể sụp đổ khi các yếu tố hỗ trợ nó không hoạt động tốt.