Bức tranh ảm đạm của nền kinh tế Đức

Thứ Hai, 04/03/2024, 18:51

Nền kinh tế Đức  - một trong những “đầu tàu” của châu Âu  - đang trải qua thời kỳ hỗn loạn, trong khi các dữ liệu mới nhất không mang lại nhiều hy vọng cải thiện.

“Tình hình đang rất tồi tệ”, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã thừa nhận như vậy khi nước này hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 0,2%, so với mức 1,3% của dự báo ban đầu. Đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đã chứng kiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,3% vào năm ngoái. Và những dự báo cũng không lạc quan hơn trong những năm tới, với mức tăng trưởng trung bình 0,5% mỗi năm cho đến năm 2028.

2umpg4~i.jpg -0
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận tình hình nền kinh tế Đức “đang rất tồi tệ”. Nguồn: BBC News

Chông chênh giữa tình trạng đình trệ và suy thoái trong những quý gần đây, Bộ trưởng Habeck đã ví nền kinh tế Đức như đang đối mặt “một cơn bão hoàn hảo”, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và lạm phát đã cản trở sự phục hồi của nền kinh tế đầu tàu châu Âu. Ông Habeck nhận định: “Đức đang thoát khỏi khủng hoảng chậm hơn mong đợi. Thực tế là môi trường kinh tế toàn cầu không ổn định và tăng trưởng thương mại toàn cầu hiện đang ở mức thấp lịch sử là thách thức đối với một quốc gia xuất khẩu như Đức”.

Trong khi đó, trong báo cáo hàng tháng mới đây, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đánh gia rằng “những nhân tố gây căng thẳng” sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và sản lượng kinh tế Đức vì thế có thể sẽ “giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2024”. Hai quý liên tiếp tăng trưởng âm sẽ khiến Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, do nền kinh tế Đức được dự đoán sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay, các nhà kinh tế hiện không nói đến một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Các doanh nghiệp hiện đang bi quan. André Kasimir, người sở hữu công ty xây dựng Kasimir Bauunternehmung, tuyên bố rằng Đức đang sắp trở thành "con bệnh của châu Âu”. Các số liệu cho thấy nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị, lạm phát “thâm niên”, lãi suất cao, tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao và bộ máy quan liêu nổi tiếng của Đức đã khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào khủng hoảng.

Trong vài tháng qua, Đức đã phải nỗ lực giải quyết hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong số đó, vấn đề cấp bách nhất là sự sụt giảm trong hoạt động xây dựng. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành xây dựng của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua vào tháng 10/2023, do các dự án nhà ở của Đức giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1999. Các đơn đặt hàng mới cũng gây thất vọng vì một số khách hàng vẫn đang phải đối mặt với những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch đối với tài chính hộ gia đình và hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc đầu tư vào các dự án mới tương đối chậm. Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất cũng khiến vốn trở nên đắt đỏ hơn, khiến nhiều dự án đang triển khai bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Ngoài ra, những tác động đang diễn ra của cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang được cảm nhận rõ ràng ở Đức, đặc biệt là đối với giá năng lượng. Mặc dù chính phủ liên minh hiện tại của Đức đã đưa ra các gói giá để hỗ trợ thanh toán hóa đơn năng lượng cho các ngành sản xuất, nhưng hiệu quả lâu dài của các biện pháp này vẫn còn phải chờ xem.

Do tâm lý thận trọng chung trên toàn cầu, Đức cũng đang chứng kiến nhu cầu và chi tiêu công nghiệp nước ngoài giảm. Điều này đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, trong bối cảnh một số người tiêu dùng vẫn đang hồi phục sau mức chi tiêu cao hơn trong kỳ nghỉ lễ, cũng như hóa đơn năng lượng tăng cao vào thời gian cao điểm mùa Đông.

Ngoài ra, một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu là hạn chế tăng trưởng do thiếu hụt lực lượng lao động. Với khoảng 700.000 vị trí việc làm cần tuyển dụng còn trống, tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Đức đã giảm xuống 0,7% từ mức khoảng 2% trong những năm 1980 và có thể tiếp tục giảm xuống 0,5% nếu không giải quyết được vấn đề này. Các vị trí việc làm cần tuyển dụng bị trống có thể sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều khu vực khác ở châu Âu, Đức cũng đang phải đối mặt với hậu quả của các cuộc biểu tình đang diễn ra của nông dân do nông dân phản đối kế hoạch chấm dứt trợ cấp hoặc giảm thuế đối với dầu diesel nông nghiệp. Các cuộc đình công cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như lĩnh vực hàng không. Hãng hàng không quốc gia Đức Lufthansa đã phải hủy 80% đến 90% số chuyến bay từ tối 18/2 đến sáng 21/2 do một số nhân viên mặt đất nghỉ việc.

Để cải thiện nền kinh tế Đức, Bộ trưởng Habeck đã xác định được những “vấn đề cơ cấu” dài hạn như thiếu hụt công nhân lành nghề, tình trạng quan liêu quá mức và tình trạng đầu tư dưới mức kéo dài cần được giải quyết. Ông còn thừa nhận rằng các tranh chấp công khai thường xuyên giữa các đảng trong liên minh cầm quyền ở Đức đang gây bất ổn cho hoạt động kinh tế. Liên minh 3 đảng của Thủ tướng Olaf Scholz - bao gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đang bị chia rẽ về cách thức thúc đẩy nền kinh tế. Ông Habeck đã kêu gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh thông qua việc nới lỏng quy định phanh nợ vốn đang hạn chế hoạt động cho vay của chính phủ Đức. Tuy nhiên, FDP lại kiên quyết muốn duy trì quy định phanh nợ này.

Đức đang hy vọng có thể lấy lại đà tăng trưởng kinh tế từ năm 2024, tuy nhiên với một loạt thách thức và khó khăn cả ở trong và ngoài nước, “đầu tàu” kinh tế châu Âu sẽ phải vượt qua một con đường dài đầy chông gai phía trước để đạt được mục tiêu này.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.