Chuyện học của vận động viên thể thao

Chủ Nhật, 17/10/2021, 22:06

Câu chuyện kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên ở tuổi 25 vẫn chưa tốt nghiệp đại học có thể khiến nhiều người giật mình, nhưng cô không phải trường hợp cá biệt. Chấp nhận theo đuổi sự nghiệp thể thao khiến nhiều vận động viên (VĐV) phải tạm gác chuyện học hành qua một bên, và không ít người trong số họ chỉ có thể tiếp tục dùi mài kinh sử khi đã giải nghệ.

Chuyện ở ta...

"Thú thực là trong thời gian thi đấu, nhiều vận động viên như tôi cũng muốn làm thêm công việc khác để có thêm thu nhập nhưng thực sự là không có thời gian để làm. Hiện tại tôi đã 28 tuổi nhưng vẫn đang là sinh viên năm thứ hai, và chưa biết bao giờ mình mới có thể tốt nghiệp đại học". Đó là chia sẻ của Hoàng Quý Phước, người đàn anh của Ánh Viên ở đội tuyển bơi Việt Nam.

anh1.jpg -0
Hoàng Quý Phước ở tuổi 28 vẫn là sinh viên năm 2.

Thời gian biểu của một VĐV bơi thực sự vô cùng khắt khe: Dậy lúc 6h30 sáng, vệ sinh cá nhân, ăn rồi tập buổi sáng, ăn trưa, nghỉ trưa, tập chiều, nghỉ ngơi một chút rồi ăn tối. Khi họ kết thúc một ngày tập luyện cũng là lúc mặt trời đã lặn. Việc học, nếu có, thường chỉ diễn ra trong 2 giờ đồng hồ ca tối và cũng thường xuyên bị gián đoạn bởi lịch tập luyện và thi đấu vẫn phải ưu tiên hàng đầu.

Mỗi khi VĐV tập trung trọng điểm chuẩn bị cho một giải đấu lớn như SEA Games, ASIAD là lúc họ phải tạm gác lại chuyện đèn sách. Những chuyến tập huấn nước ngoài cũng khiến Viên, Phước không thể theo kịp giáo trình đại học, bởi các bài giảng trực tuyến mới chỉ phổ biến khi COVID-19 bùng phát. Và họ cũng chỉ ngồi nghe giảng khi toàn thân đã mệt nhoài sau một ngày tập luyện vất vả.

Câu chuyện học hành của kình ngư Nguyễn Hữu Kim Sơn còn khiến chính người trong cuộc lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười. Phải đến khi giành tấm huy chương vàng nội dung bơi 400m hỗn hợp cá nhân nam tại SEA Games 2017, Kim Sơn mới dám nói việc mình bị lưu ban. Lý do bởi nhà trường tính thời gian Kim Sơn đi tập huấn nước ngoài vào số ngày không lên lớp, và bảo lưu quan điểm VĐV cần ở nhà học thi thay vì du đấu nước ngoài.

anh2.jpg -0
Anne Trần tốt nghiệp đại học sau 6 năm, người thường chỉ mất 4 năm.

Vì thế,  nhiều VĐV cùng lứa, thậm chí ít tuổi hơn Ánh Viên, Quý Phước nay đã trở thành huấn luyện viên. Thay vì theo đuổi con đường thi đấu kham khổ cùng áp lực thành tích luôn đè nặng trên vai, họ tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với thể thao bằng con đường dài hơi và an toàn hơn. Việc có thời gian để chuyên tâm theo học phổ thông, đại học giúp cho những HLV trẻ này duy trì sự nghiệp tốt hơn.

Không thể nói các VĐV không cố gắng học tập, bởi thực tế hoàn toàn ngược lại. Phần lớn các VĐV có hoàn cảnh khó khăn, vậy nên họ hiểu rõ hơn ai hết giá trị của một tấm bằng phổ thông, đại học trong xã hội hiện nay. Câu chuyện của Thạch Kim Tuấn là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho việc đó. Kim Tuấn từng bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình khi 11 tuổi, và đến lúc trở thành VĐV, anh tìm cách quay trở lại con đường học tập.

... và ở Tây

"Từ góc nhìn của một vận động viên chuyên nghiệp, tôi cảm thấy rất khó khăn khi phải cân bằng giữa sự nghiệp thi đấu và con đường học vấn của mình". Anne Trần, tay vợt người Pháp gốc Việt đang thi đấu ở giải cầu lông nữ Uber Cup 2021 đã thành thực nói như vậy khi được hỏi về chuyện học của bản thân. Ở một đất nước có nền giáo dục và thể thao tiến bộ như Pháp, VĐV cũng phải chịu nhiều gian nan nếu muốn có cả hai thứ.

Ít ngày trước khi lên đường đến Đan Mạch dự Uber Cup cùng đội tuyển Pháp, Anne Trần chia sẻ trên mạng xã hội về chuyện cô vừa tốt nghiệp chuyên ngành vật lý trị liệu. Những người bình thường chỉ mất 4 năm để hoàn thành chương trình học đó và đi làm, nhưng Anne phải mất đến 6 năm. Giống như những VĐV Việt Nam, cô không có nhiều thời gian để học tập với một lịch tập luyện và thi đấu dày đặc.

May mắn cho Anne là cô được gia đình ủng hộ trong mọi quyết định mình tự đặt ra cho bản thân. Từ việc theo đuổi sự nghiệp cầu lông chuyên nghiệp cho đến lúc kiên trì hướng đến mục tiêu giành huy chương ở Olympic Paris 2024, Anne luôn có cha mẹ hỗ trợ bên cạnh. Nhưng sau thời gian đó lại là một khoảng trống mênh mông, bởi cô chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo ở tuổi 28.

Tương tự Anne Trần, chúng ta thường chẳng bao giờ nghe đến chuyện học hành của những vận động viên như Roger Federer, Lionel Messi hay Lewis Hamilton. Không phải là họ không cần học vẫn có thể kiếm tiền. Họ thực sự rất muốn theo đuổi nghiệp đèn sách, chỉ là thời gian ít ỏi của một VĐV đỉnh cao không cho phép họ chọn thứ xa xỉ đó. Chỉ có một vài người thực sự thông minh mới có thể vừa học vừa làm, và họ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

anh3.jpg -0
Anna Kiesenhofer vốn là Tiến sĩ Toán.

Vì lý do đó, việc một số trường đại học trao bằng danh dự cho các VĐV, HLV thực sự có ý nghĩa vô cùng cao quý với họ. Tấm bằng có thể chỉ mang tính chất hữu nghị và ngoại giao, nhưng được nhiều người vô cùng trân trọng. Gary Neville, cựu cầu thủ Man United mỗi năm một lần lại chia sẻ tấm hình anh nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Salford. Đó là minh chứng cho thấy anh cũng có bằng cấp như bao người khác dù bỏ học để theo đuổi bóng đá hồi trẻ.

Có học có hơn

May mắn cho các VĐV ở trong nước lẫn quốc tế là ngày càng nhiều chương trình học được đưa ra để phù hợp với những người vừa học vừa làm. Sau nhiều tháng gián đoạn chuyện học tập vì COVID-19, Hoàng Quý Phước giờ đây có thể theo kịp bài giảng giữa mùa dịch khi nhà trường tổ chức các khóa học trực tuyến. Cứ mỗi tối, anh lại mở máy tính chú tâm ngồi học như một sinh viên bình thường. Phước vẫn cố gắng chăm chỉ mỗi ngày cùng nghiệp đèn sách như với đường đua xanh.

Với những VĐV quốc tế thi đấu ở một quốc gia có hình thức xã hội hóa thể thao mạnh như Mỹ, việc vừa học vừa duy trì tập luyện và thi đấu dễ dàng hơn nhiều. Kỷ lục gia bơi lội Katie Ledecky được rất nhiều trường đại học tuyển thẳng với bản CV là tấm huy chương vàng Olympic. Việc đó giúp Ledecky có thể đảm bảo ra trường đúng hạn bên cạnh việc xuống nước bơi mỗi ngày, và điều đó đã trở thành sự thật.

anh4.jpg -0
John Urschel bỏ thi đấu bóng bầu dục chuyên nghiệp để làm giảng viên.

Câu chuyện về hai bác sĩ hô hấp nhân tạo cứu sống tiền vệ Eriksen ở EURO 2021 cũng là một ví dụ thú vị khác cho thấy độ phủ rộng của xã hội hóa thể thao tại các nước. Hai bác sĩ đó là hai anh em ruột, và họ từng thi đấu cầu lông chuyên nghiệp ngày trẻ, người em thậm chí còn có thời gian là tay vợt số 3 thế giới. Ở Đan Mạch, bất cứ ai mà chúng ta chạm mặt trên đường cũng có thể là một VĐV cầu lông chuyên nghiệp hoặc bán chuyên, nhưng họ vẫn đi học, đi làm bình thường.

Thể thao có thể là nơi để các VĐV đọ sức với nhau, nhưng rõ ràng có học vẫn hơn, ở nhiều góc độ khác nhau. Anna Kiesenhofer, nhà vô địch nội dung đua xe đạp đường trường nữ người Áo ở Olympic Tokyo vốn chỉ coi đạp xe như một công việc ngoài lề. Cô không tham gia một đội đua nào cả, bởi công việc hàng ngày của VĐV này là đến trường làm nghiên cứu sinh Toán học. Trước khi đến Nhật Bản, cô còn chia sẻ nhiều công trình nghiên cứu để tìm ra công thức giành chiến thắng cho bản thân mình.

Khi Kiesenhofer đăng những "phương trình chiến thắng" lên mạng xã hội, nhiều người đã nghĩ đầu óc cô có vấn đề. Nhưng cuối cùng, Tiến sĩ Toán học chứng minh mình đã đúng khi về nhất, mang về tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên cho đoàn thể thao Áo sau 17 năm. Tại sao VĐV ném lao phải ném theo góc 45 độ, hay VĐV đẩy tạ phải xoay nhiều vòng ở vị trí đứng trước khi ném tạ đi? Câu trả lời nằm ở chính những phương trình toán học và vật lý, dù chúng không phức tạp như công thức của Kiesenhofer.

Bỏ làm VĐV để theo nghiệp đèn sách

Nếu như không ít VĐV chấp nhận làm chậm lại công việc học hành để hướng đến thể thao đỉnh cao, thì một vài người trong số họ quyết định buông bỏ để hướng đến tương lai lâu dài hơn. Oliver Gill, trung vệ từng khoác áo Man Utd là ví dụ điển hình nhất. Anh từng được coi là một trong những tài năng trẻ xuất sắc nhất của sân Old Trafford, nhưng chọn con đường giải nghệ khi mới ở tuổi đôi mươi để học trường kinh doanh. Cho đến giờ, Gill chưa bao giờ hối hận về chuyện đó.

John Urschel, cựu cầu thủ bóng bầu dục Mỹ hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Oliver Gill. Vào mùa hè 2017, John đột ngột thông báo với HLV trưởng CLB về quyết định giải nghệ ở tuổi 26. Anh bỏ qua công việc đang nhận mức lương 600.000 USD/năm để trở thành giảng viên đại học. Urschel lý giải: Một VĐV có thể kiếm vài triệu USD/ năm nhưng sẽ giải nghệ ở tuổi 30-35. Họ không có bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc, vì thế giải nghệ sớm và đi làm sẽ tốt hơn.

Những người như John Urschel hay Oliver Gill khiến câu chuyện của Võ Trần Trường An, thần đồng bơi lội Việt Nam một thời càng thêm đau đáu về quyết định cô từng đưa ra thời trẻ. VĐV từng tham dự Thế vận hội Atlanta 96 khi mới 15 tuổi liên tiếp trải qua những biến cố và sóng gió sau đó chỉ vì chọn thể thao chứ không phải con đường đèn sách. Nhìn về quá khứ năm nào, Trường An chua chát nói, lẽ ra cô không nên theo nghiệp HLV.

Đơn Ca
.
.