Công nghiệp âm nhạc: Thay đổi để phát triển

Thứ Hai, 17/06/2024, 09:20

Chỉ riêng 2 năm trở lại đây, người yêu âm nhạc có dịp thưởng thức hàng loạt chương trình quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, ban nhạc quốc tế đến Việt Nam biểu diễn. Nhiều khán giả bỏ cả chục triệu đồng để được xem chương trình.

Không chỉ có các chương trình cho giới trẻ, nhiều chương trình được mặc định khá kén người xem cũng được tổ chức thành công, góp phần thu dần khoảng cách giữa trong nước và nước ngoài, đồng thời mở ra nhiều cơ hội, hy vọng cho phát triển công nghiệp âm nhạc nói riêng, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa nói chung.

“Đòn bẩy” từ nhiều chương trình tầm cỡ quốc tế

Sau “cơn lốc” của nhóm nhạc đình đám đến từ xứ sở Kim Chi - “Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới 2023” (Born Pink World Tour 2023) của BlackPink vào tháng 7/2023, tại Thủ đô Hà Nội có hàng loạt sự kiện âm nhạc tạo dấu ấn lớn. Trong đó, các chương trình biểu diễn của huyền thoại âm nhạc saxophone Kenny G, chuỗi chương trình trong Lễ hội âm nhạc Gió mùa - Monsoon Music Festival 2023, Lễ hội âm nhạc Hay Glamping Music Festival (Hay Fest), 2 đêm biểu diễn của ban nhạc nam nổi tiếng thế giới, rất được khán giả Việt Nam yêu thích -  Westlife... Sự thành công của các chương trình này ít nhiều xóa bỏ định kiến rằng Việt Nam là điểm đến của những nghệ sĩ, ban nhạc hết thời.

cong nghiep am nhac 3.jpg -0
Khán phòng Nhà hát Hồ Gươm chật kín khán giả trong nhiều chương trình hòa nhạc.

Tại Nhà hát Hồ Gươm - một trong những điểm đến mới nhưng lý tưởng cho người thưởng thức âm nhạc hiện nay, công chúng chứng kiến cuộc “đổ bộ” của rất nhiều gương mặt đình đám của âm nhạc thế giới. Thống kê của Nhà hát cho thấy, chỉ sau 1 năm kể từ ngày khánh thành, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra gần 50 chương trình biểu diễn. Trong đó, nhiều chương trình nghệ thuật, sự kiện mang dấu ấn vượt trội, với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: nghệ sĩ saxophone Kenny G; nghệ sĩ violin Caroline Campbell; nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky; ca sĩ Katy Perry; giọng ca Vladislav Sulimsky... Đây cũng là địa chỉ 2 lần đón các nghệ sĩ của Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles đến biểu diễn.

Dự kiến, từ tháng 7/2024 đến đầu năm 2025, Nhà hát Hồ Gươm còn có hàng chục chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, chất lượng quốc tế khác như hòa nhạc kỷ niệm 1 năm khánh thành Nhà hát -  “The first Sounds of love”. Dự kiến, biểu diễn trong chương trình sẽ có giọng soprano nổi tiếng, gương mặt đại diện cho xứ Wales năm 2000 - nghệ sĩ Katherine Jenkins, cùng nhiều solist đẳng cấp khác của Việt Nam và thế giới: Giuseppe Gipali, Meni Ardita, NSND Bùi Công Duy…

Dàn nhạc chuyên biểu diễn nhạc Mozart - Les Musiciens du Louvre và ca sĩ Sofia cũng sẽ biểu diễn trong chương trình hòa nhạc Mozart  - The Mozart Concert vào tháng 8. Được thành lập năm 1946, dàn nhạc hàng đầu trong dòng nhạc thính phòng - Dàn nhạc thính phòng Vienna cũng dự kiến sẽ có đến 2 đêm hòa nhạc tại Nhà hát Hồ Gươm vào tháng 11. Nhà hát Opera Hoàng gia Versailles cũng tiếp tục trở lại với sự kết hợp đặc biệt giữa Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Hoàng gia Versailles và Đoàn Ballet Malandain Ballet Biarritz  trong vở ballet The Seasons vào tháng 9.

Theo tiết lộ từ lãnh đạo Nhà hát Hồ Gươm, đây cũng là lần đầu tiên, Nhà hát Hoàng gia Versailles ký bản cam kết hợp tác với một nhà hát khác và thông qua hoạt động ký kết này, logo của Nhà hát Hồ Gươm được quảng bá tại nhiều quốc gia trên thế giới, thông qua các chương trình biểu diễn của đối tác. Không những thế, thông qua hoạt động ký kết này, lãnh đạo Nhà hát còn kỳ vọng sẽ mở rộng giao lưu hợp tác, đưa các nghệ sĩ, chương trình nghệ thuật chất lượng cao, mang bản sắc Việt ra nước ngoài.

Ngoài ra, nhiều dự định đặc biệt khác nữa đang được triển khai, kể cả những chương trình biểu diễn độc quyền nhằm đưa Nhà hát Hồ Gươm trở thành địa chỉ để nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật, các nhà hát trong nước và quốc tế đến biểu diễn, lan tỏa những tinh hoa của âm nhạc, nghệ thuật kinh điển, mang lại những giá trị và ý nghĩa tích cực cho cộng đồng, góp phần xây dựng nền công nghiệp âm nhạc nước nhà.

Những thành quả nói trên đã ít nhiều mang lại những kỳ vọng mới cho phát triển công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam. Tuy nhiên, như thừa nhận của chính những người trong cuộc thì để chạm đến đích mong muốn, chắc chắn, “làng nhạc” Việt Nam nói chung còn cần hành trình dài với nhiều nỗ lực từ nhiều phía.

Phải lấy khán giả làm trung tâm

Theo Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm là mặc dù Nhà hát có cơ sở vật chất rất tốt nhưng đây là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, lãnh đạo đơn vị phải đau đầu tính toán rất kỹ để có thể vận hành Nhà hát, trả lương cho cán bộ, công nhân viên.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp muốn hợp tác với Nhà hát Hồ Gươm để truyền thông, quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình, hoạt động của Nhà hát. Đây là một nguồn kinh phí quan trọng để đơn vị hoạt động. Nhưng không phải chương trình nào, doanh nghiệp nào được đề nghị, Nhà hát cũng hợp tác vì phải đảm bảo thương hiệu cho chính mình.

cong nghiep am nhac 1.jpg -0
Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm.

Với các chương trình nghệ thuật, đơn vị phải nghiên cứu để có những chương trình hết sức đặc thù, phù hợp với các nhóm đối tượng khán giả khác nhau. Hội đồng nghệ thuật của Nhà hát Hồ Gươm cũng là hội đồng mở. Tùy theo tính chất từng chương trình mà lãnh đạo Nhà hát mời nghệ sĩ, nhà sản xuất phù hợp để tham gia hội đồng.

Nhà hát cũng phải tính toán  rất kỹ để vừa có mức giá vé vừa phải với túi tiền của người dân, vừa mời được những nghệ sĩ tên tuổi, đáp ứng nhu cầu của khán giả với mong muốn kéo được khán giả đến Nhà hát, có những trải nghiệm thú vị để lần sau sẽ tiếp tục trở lại và dần dần hình thành thói quen đến nhà hát xem biểu diễn. Để đạt mục tiêu này, giai đoạn đầu, có những chương trình, nhất là chương trình mời các ngôi sao hạng A, đơn vị phải chấp nhận bù lỗ.

cong nghiep am nhac.jpg2.png -0
Nhạc sĩ Quốc Trung.

Nhạc sĩ Quốc Trung thì chia sẻ, ở các nước trên thế giới, thông thường, các chương trình âm nhạc đều bắt đầu bằng việc kinh doanh bán vé chứ không phụ thuộc vào nhà tài trợ như ở Việt Nam. Nếu không có nhà tài trợ, chúng ta chưa có đủ lượng khán giả mua vé cần thiết để đáp ứng kinh phí tổ chức chương trình. Lý do là khán giả, nhất là khán giả của âm nhạc cổ điển chưa nhiều và chưa có thói quen đến nhà hát xem biểu diễn. Khán phòng biểu diễn của chúng ta chưa đủ lớn. Ở nước ngoài, khán phòng hòa nhạc thường là hơn 1.000 chỗ, thậm chí là 2.000 chỗ nên lượng vé bán ra cho mỗi chương trình sẽ nhiều hơn, doanh thu cao hơn.

Ở Việt Nam, khán phòng cao nhất mới có khoảng hơn 800 chỗ nên lượng vé cho mỗi chương trình cũng sẽ hạn chế.  Nếu muốn làm được như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta phải thay đổi từ nhiều phía. Với một dự án nghệ thuật mà bán vé có thể đáp ứng cho chi phí sản xuất thì không phải chỉ phụ thuộc vào một nhà sản xuất, một nhà hát. Trước hết là chúng ta phải có khán giả ưu tiên cho nhu cầu về đời sống tinh thần. Nhưng hiện nay, người dân chi trả rất nhiều cho nhu cầu khác, còn chi trả để nghe nhạc, đi xem triển lãm còn chưa cao. Chúng ta cần thay đổi về nhu cầu này.

Để thay đổi nhu cầu của người dân thì thì đầu tiên là chúng ta phải có sản phẩm âm nhạc, có chương trình chất lượng đáp ứng được, tạo ra được những trải nghiệm cho khán giả. Cái này không chỉ đòi hỏi những người làm nghề mà cả chiến lược phát triển bền vững của đất nước, của chính phủ, có thể tạo nên sự thay đổi. Một vấn đề khác cần thay đổi là các chương trình đẳng cấp, nhất là trong âm nhạc hàn lâm của chúng ta còn quá ít, quá hiếm nên đôi khi lại trở nên quá quan trọng.

 “Ở nước ngoài, những buổi hòa nhạc như vậy là sinh hoạt bình thường, mặc dù là chương trình có chất lượng ở mức độ rất cao. Ở các nước  châu Âu, tất cả các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu đều đạt được chất lượng nghệ thuật standard, tức là mức độ rất cao, thậm chí có khoảng cách với Việt Nam rất lớn. Họ có những chương trình đẳng cấp được diễn ra hàng ngày, hàng giờ, hàng tuần và rất bình thường đối với khán giả của họ. Còn chúng ta chưa có sự hội nhập với đời sống âm nhạc thế giới nên nó trở thành sự kiện quá quan trọng, thậm chí là được giới thiệu một cách rất quan trọng. Tôi nghĩ đây là điều cần thay đổi vì nếu làm như vậy thì khán giả cũng sẽ cảm thấy xa cách đối với một buổi biểu diễn hay hòa nhạc. Sự tiếp cận đối với công chúng cũng sẽ trở nên khó hơn, nhất là khi các buổi biểu diễn được giới thiệu là chương trình nghệ thuật đặc biệt với những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới vào dịp kỷ niệm nào đó. Tức là ý nghĩa của buổi biểu diễn đấy được đề cao hơn là chất lượng thực chất của buổi biểu diễn. Chúng ta cần thay đổi điều này và không thể chỉ thay đổi trong một sớm một chiều mà cần rất nhiều thời gian, nhất là đối với dòng nhạc cổ điển thì càng cần nhiều thời gian và nhiều hoạt động hơn nữa”, nhạc sĩ Quốc Trung nói.

Cũng theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay, chúng ta có khá nhiều khán giả trong nước ra nước ngoài tham gia các show lớn, nhất là khán giả của dòng nhạc Pop. Để thu hút được khán giả đến với các chương trình biểu diễn một cách thường xuyên, chúng ta phải quan tâm đầu tư cho các sản phẩm âm nhạc nhằm mang lại những trải nghiệm mà khán giả họ sẵn sàng bỏ tiền quay trở lại vào những lần khác. Đây là điều mà chúng ta chưa làm được.

Chất lượng nghệ thuật của rất nhiều chương trình chưa đạt được đến mức độ mà khán giả coi đấy là điều bắt buộc phải tham dự. Khán giả vẫn có thói quen đi xem với vé mời, đi xem miễn phí, rảnh rỗi thì đi xem, có khi trời mưa thì họ sẽ bỏ giấy mời đấy đi. Tất nhiên, để thay đổi và phát triển công nghiệp âm nhạc, chúng ta không chỉ đòi hỏi khán giả mà phải tạo ra nhu cầu của khán giả, tạo ra thị trường của chúng ta.

Minh Hà
.
.