Hai thái cực của ngành kinh doanh nhan sắc

Thứ Hai, 19/02/2024, 14:40

Hơn nửa thế kỷ trước, sắc đẹp là đối tượng của ngành kinh doanh thu về nhiều triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, từ các cuộc thi cấp quốc gia vốn ăn khách, lâu đời như Miss USA, Miss America, Miss Hong Kong… đến các sân chơi lớn nhất nhì hành tinh như Miss Universe, Miss Grand International, Miss Earth… cũng dần đối diện với sự ghẻ lạnh của công chúng.

Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, phải chăng đã đến lúc đấu trường sắc đẹp không còn là "con gà đẻ trứng vàng” cho các ông lớn, ngành kinh doanh nhan sắc đang dần bị loại khỏi cuộc chơi của nền kinh tế thị trường?

Hai cuộc thi lớn nhất nước Mỹ gặp “biến”

Miss USA và Miss America - hai cuộc thi lâu đời nhất của xứ cờ hoa đang ngày càng tuột dốc cả về mặt truyền thông lẫn chất lượng tổ chức. Mới đây nhất, chiến thắng của phi công Madison Marsh sau nhiều tiêu chí chọn lựa gắt gao ở Miss America 2024 cũng không giúp ban tổ chức (BTC) ghi điểm. Theo The Us Sun, mùa giải năm nay gây thất vọng vì khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp khi ngay trước đêm chung kết, công chúng vẫn không biết phải theo dõi diễn biến như thế nào. Chương trình chung kết có vỏn vẹn 11 cô gái tranh tài và chỉ được phát trực tuyến trên trang web, không chiếu trên bất kỳ mạng truyền hình hay nền tảng khác. 

16_3.jpg -2
Madison Marsh - Thiếu úy trong lực lượng Không quân Mỹ đăng quang Hoa hậu Mỹ 2024.

Trong lịch sử 100 năm, Miss America cũng không thiếu scandal như: hoa hậu từng bỏ trốn cùng bạn trai, từ chối mặc áo tắm, bị buộc phải đổi họ... Bê bối chấn động nhất phải kể đến năm 2017, khi Sam Haskell - Giám đốc điều hành Miss America Organization - bị đình chỉ công tác vì rò rỉ email cho thấy ông cùng một số người khác chế giễu nhan sắc, trí tuệ và bình luận tục tĩu đời sống tình dục của Miss America 2013 Mallory Hagan cũng như nhiều cựu Miss America. Ngay cả khi BTC tuyên bố bỏ phần thi áo tắm kể từ năm 2019 để ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục #Metoo, Miss America phiên bản mới vẫn nhận thất bại ê chề. Bằng chứng là rating mùa giải năm 2019 chỉ đạt 4,34 triệu người theo dõi đêm chung kết cùng năm. Theo ABC, con số này giảm 19% so với năm trước và chạm mốc rating thấp nhất lịch sử chương trình kể từ năm 2009.

Vốn “trên cơ” Miss America cả về lịch sử tổ chức (71 năm) và độ phủ sóng, Miss USA cũng bỏ lại chuỗi ngày huy hoàng, kể từ khi tỷ phú Donald Trump bán bản quyền cho tập đoàn WME/IMG vào năm 2015. Dưới thời WME/IMG, Miss USA đổi khẩu hiệu sang “confidently beautiful" (tạm dịch: vẻ đẹp tự tin), đề cao những cô gái giàu trí tuệ và ứng xử tốt, thay vì sở hữu chiều cao chuẩn mực với số đo ba vòng quyến rũ như xưa. Đổi mới của cuộc thi gây tranh luận trái chiều. Người hâm mộ cho rằng đấu trường ngày càng xuống cấp khi nhà tài trợ lần lượt ra đi, cố vấn chuyên môn quay lưng.

Hồi tháng 9/2023, bộ phim tài liệu “How to Fix a Pageant” do tạp chí New York Times công bố đã vạch trần góc khuất đen tối, sự hỗn loạn của Miss USA. Phim tập trung khai thác loạt bê bối của mùa giải năm 2022, gồm nghi vấn gian lận, thiên vị, xung đột lợi ích và quấy rối tình dục. Ồn ào khiến tương lai của đấu trường này mông lung đến nỗi Dani Walker (đại diện bang Montana tại Miss USA 2018) còn đăng video với tiêu đề: Liệu cuộc thi Miss USA 2024 có diễn ra? Hiện, phía BTC cuộc thi vẫn giữ im lặng.

Ông lớn cũng phải… “thở oxy”

Có một nghịch lý là, bất chấp các cuộc thi nhan sắc đang trên đà thoái trào, số lượng các cuộc thi vẫn không hề giảm. Yahoo nhận định đấu trường hoa hậu khốc liệt như thể “tái hiện trận chiến của những cô gái khát khao vương miện”. Ở góc độ kinh doanh, đây còn là thương trường của những ông chủ, nhà tổ chức với thương vụ bạc tỷ siêu lợi nhuận.

16-2.jpg -1
Dàn thí sinh tại bán kết Hoa hậu hoàn vũ việt Nam 2023.

La Tử Lâm, Á hậu 4 Miss Universe 2011, từng chia sẻ trong chương trình giao lưu với sinh viên CEIBS rằng Miss Universe hay bất kỳ cuộc thi sắc đẹp nào khác đều kiếm tiền từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp, nhãn hàng. Các khoản tài trợ không được công bố, nhưng thường từ vài trăm nghìn USD đến vài triệu, chục triệu USD - tương ứng với các vị trí tài trợ kim cương, vàng, bạc, đồng.

Ngoài ra còn danh sách nhà tài trợ vừa và nhỏ bằng hiện kim hoặc hiện vật, theo Insider. Khảo sát tại Miss Universe lần thứ 69 thu hút 12 nhà tài trợ lớn, bao gồm thương hiệu thời trang Sherri Hill - tài trợ trang phục, công ty trang sức Mouawad - tài trợ vương miện, khách sạn The Guitar - nơi diễn ra cuộc thi... cùng các công ty công nghệ, đồ bơi, sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, lượng đơn vị tài trợ của Miss Grand International 2016 lên đến 30.

Thời hoàng kim là thế, nhưng nay, “Miss Universe từng là hoạt động kinh doanh béo bở nhưng giờ đây cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới đang phải vật lộn để tồn tại”, cây bút Lauren Day của ABC News viết. Sau khi chi 20 triệu USD mua lại quyền tổ chức Miss Universe vào năm 2022, nữ tỷ phú người Thái Lan Anne Jakkaphong Jakrajutatip tuyên bố mục tiêu của công ty là mở rộng tầm ảnh hưởng của cuộc thi tại châu Á. Bà cũng không ngần ngại thể hiện mục đích thương mại hóa cuộc thi bằng việc đấu thầu bản quyền cuộc thi cấp quốc gia với giá “trên trời” hay dùng thương hiệu Miss Universe tung các sản phẩm như son phấn, kem dưỡng da, đồ dùng hàng ngày, đồ uống, thực phẩm… Tuy nhiên, khi dự định chưa thành, ngày 9/11, công ty JKN Global Group của bà Anne đã gửi đơn xin phá sản lên Tòa án Phá sản Thái Lan do khủng hoảng thanh khoản, theo Nation Thailand.

Đến ngày 23/1, nữ tỷ phú người Thái đã bán lại 50% cổ phần của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cho doanh nhân người Mexico - Raúl Rocha Cantú. “Israel, Thụy Điển và Kazakhstan đã không cử đại diện tham gia. Cựu Hoa hậu Israel Sivan Klein cho rằng: “Cuộc thi đã bị khai tử”. Liệu mối quan hệ hợp tác mới này có giúp cuộc thi lấy lại vị thế cũng như doanh thu của nó hay không vẫn chưa có câu trả lời”, ABC News bình luận.

Miss Grand International - cuộc thi dưới trướng của ông trùm lắm chiêu Nawat Itsaragrisil cũng đang gây tranh cãi khi chạy theo xu hướng mới. Theo đó, livestream bán hàng đã trở thành hoạt động quen thuộc nhiều năm gần đây của các hoa hậu, á hậu sau khi đăng quang. Năm 2023, ông Nawat còn phát động cuộc thi livestream bán hàng cho các thí sinh Miss Grand Thailand. Theo chia sẻ của ông Nawat, người đẹp nào đạt chỉ tiêu 200 đơn hàng, tương đương 700.000 baht (khoảng 500 triệu đồng) sẽ được ông xem xét cho vào top 10 và được dự Miss Grand International 2023.

Thậm chí, top 10 Miss Grand International 2023 đã phải livestream khô gà, xà bông… chỉ ít ngày sau khi đăng quang. Trong khi chỉ cách đó 2 năm, Miss Grand International 2021 Thùy Tiên kiếm về hơn 70 tỷ đồng sau 3 tháng nhờ loạt hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, độ phủ sóng trong nhiều chương trình và sự kiện.

Kinh doanh sắc đẹp vẫn hái ra tiền ở Việt Nam?

Ở chiều ngược lại, sắc đẹp vẫn là ngành kinh doanh hái ra tiền ở Việt Nam. Khi một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức cũng là lúc thương vụ kinh doanh mới được hình thành. Nhìn vào backdrop, banner ở các cuộc thi hoa hậu lớn, lâu năm số lượng nhà tài trợ rót vốn không hề dưới con số hàng chục.

16-1.jpg -0
Dàn Hoa hậu, Á hậu Miss Grand International 2023 livestream bán khô gà, xà bông sau ít ngày đăng quang.

Chẳng vậy mà khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thực trạng loạn hoa hậu, “ra ngõ gặp hoa hậu” là điều đã được lường trước. Các cuộc thi cấp quốc gia từ uy tín đến “ao làng” được tổ chức đều đặn, doanh nghiệp thậm chí còn không ngại tranh suất đăng cai tổ chức các cuộc thi cấp quốc tế. Như năm 2023, có đến 3 cuộc thi cấp quốc tế được tổ chức tại Việt Nam là Miss Grand International, Miss Earth, và Miss Charm. Dù không tiết lộ kinh phí cụ thể ở Miss Grand International 2023, nhưng bà Phạm Kim Dung - Chủ tịch Miss Grand Vietnam, Miss World Vietnam tiết lộ chi phí tổ chức cuộc thi đình đám cấp quốc gia chưa bao giờ dưới 60 tỷ đồng.

“Để tổ chức các cuộc thi như Hoa hậu Việt Nam, Miss World Vietnam chúng tôi đều chi không dưới 60 tỷ đồng tiền mặt, chưa kể các dịch vụ khác. Đặc biệt, với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018, kỷ niệm 30 năm tổ chức cuộc thi, BTC tiêu tốn 100 tỷ đồng”, bà Dung nói. Trong khi đó, ông Trần Việt Bảo Hoàng - trưởng BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 cũng tuyên bố: “Chúng tôi ước tính đã chi không dưới 50 tỷ đồng để tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023”.

Không chỉ chịu chi cho công tác tổ chức, các công ty còn ăn nên làm ra từ việc quản lý hoa hậu. Đây là công thức hợp tác đôi bên cùng có lợi của ngành công nghiệp hoa hậu ở nhiều nước trên thế giới. Những thí sinh sau khi tham gia cuộc thi hoa hậu đã trở thành talent (nhân tài) của công ty. Họ được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lĩnh vực sở trường như MC, ca sĩ… để quay lại phục vụ công ty. Không những vậy, việc đưa thí sinh dự thi quốc tế cũng tạo ra một lợi nhuận nhất định. "Từ việc kinh doanh, đầu tư vào thị trường hoa hậu, chúng tôi có cơ hội để phát triển thêm những lĩnh vực khác như truyền thông, tổ chức sự kiện, game show, hoạt động liên quan đến phim ảnh... Vì vậy, dù đưa các cô gái đi thi quốc tế, chúng tôi xem đó là khoản đầu tư lâu dài”, bà Phạm Kim Dung tiết lộ.

Ngành công nghiệp sắc đẹp nở rộ đi cùng với đó là những mặt trái khi dấu ấn tích cực để lại ít, tai tiếng thì vẫn nhiều. Khi có quá nhiều cuộc thi, BTC chạy theo lợi nhuận bất chấp trái quy định tất yếu sẽ cho “ra lò” những hoa hậu, người đẹp lệch chuẩn. Trường hợp của Miss World Vietnam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi, Miss Universe 2023 Bùi Quỳnh Hoa là ví dụ điển hình. Theo đó, Ý Nhi liên tục vạ miệng trong các cuộc phỏng vấn, khiến dư luận chỉ trích. Người đẹp không thể hoạt động trong làng giải trí, sau sự cố này, vì có nhiều hội nhóm anti được lập ra với hàng chục tới hàng trăm nghìn người tham gia. Còn Bùi Quỳnh Hoa, sau khi đăng quang, bị lật lại nhiều video, hình ảnh sử dụng bóng cười; phát ngôn không chuẩn mực trên mạng xã hội. Ngoài ra, người đẹp còn bị tố mua giải. Khán giả yêu cầu cô trả danh hiệu, vương miện.

Có thể thấy, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động kinh doanh sắc đẹp sôi động phần nào cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta được phép dễ dãi với danh xưng hoa hậu, những người đại diện cho cái đẹp và những giá trị chân - thiện - mỹ. Khi các giá trị tích cực bị đặt sang một bên để đồng tiền và những cám dỗ đời thường “lên ngôi” thì cũng là lúc các cuộc thi người đẹp không còn là diễn đàn tranh tài của nhan sắc và tài năng nữa. Hệ lụy của sự dễ dãi chính là những chân dung hoa hậu đầy những lỗi về văn hóa.

Yêu cái đẹp, phải nhận thức sâu sắc về cái đẹp. Đó là điều công chúng mong đợi ở cơ quan quản lý, những đơn vị tổ chức, ban giám khảo và ở chính những người đang chinh phục cái đẹp.

Bạch Dương
.
.