Học viện Aspire, nơi ươm mầm giấc mơ World Cup của Qatar
Học viện Aspire luôn được nhớ đến là địa điểm đào tạo bóng đá trẻ hiện đại nhất thế giới, là cái nôi tạo nên đội tuyển Qatar tham dự World Cup 2022. Tại đây, một cầu thủ Việt Nam cũng từng có những trải nghiệm tuyệt vời, dù hành trang ấy là không đủ để giúp anh tiến xa trong sự nghiệp
Nơi ươm mầm giấc mơ
Học viện Aspire, nơi ươm mầm thể thao và học thuật cho các tài năng thể thao lần đầu tiên ra mắt vào năm 2004, là chìa khóa và, theo nghĩa thể thao thuần túy, là một thành công vang dội: 18 ngôi sao trong đội hình 26 người của Qatar dự World Cup là sinh viên tốt nghiệp tại đây, cũng như hầu hết các quốc gia có vận động viên nổi tiếng, ví dụ như vận động viên nhảy cao vô địch Olympic và thế giới Mutaz Essa Barshim, có em trai, Meshaal Barsham, là thủ môn của đội tuyển quốc gia.
Huấn luyện viên trưởng Felix Sanchez là một người đã gắn bó với Aspire. Thuyền trưởng người Tây Ban Nha rời vai trò huấn luyện tại học viện của Barcelona, La Masia vào năm 2006 để nhận thử thách mới ở Qatar.
Từ lâu, Học viện Aspire được xem là mô hình lý tưởng để đào tạo cầu thủ, phát triển bóng đá cho cả một quốc gia. Tại đây, bạn có tất cả những gì cần thiết để biến một cầu thủ tiềm năng trở thành ngôi sao hàng đầu. Trên con đường vào học viện là một bức tường dán đầy những câu trích dẫn về những điều tuyệt vời và tốt đẹp của bóng đá, từ Pele, Neymar và cả David Beckham. Bên cạnh đó, là câu châm ngôn của người Qatar, “Danh dự. Lòng trung thành. Kính trọng. Chiến thắng".
Cơ sở vật chất ở đây hào nhoáng đến mức bạn sẽ cảm thấy nó giống như không có thật. Sắc xanh dưới ánh đèn pha, thiết bị điện tử đo lường từng chi tiết, công nghệ tự động, bờ dốc kiểu Augusta quanh sân tập, tất cả kết hợp với nhau để tạo nên một bức tranh giống trò chơi điện tử hơn là thực tế.
Học viện Aspire thực tế chỉ là một phần của khu phức hợp thể thao rộng lớn, Aspire Zone, cách Doha khoảng 20 phút đi xe về phía Tây và rộng… 2,5 km2. Tại đây giống như một thành phố thu nhỏ, với đầy đủ tiện nghi hiện đại nhất. Bên cạnh học viện là một bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình và y học thể thao, Aspetar. Cách đó một đoạn đường là Sân vận động Quốc tế Khalifa và Trung tâm thể thao dưới nước Hamad. Đấy là chưa kể nhà thi đấu thể thao đa năng trong nhà lớn nhất thế giới Aspire Dome.
Đây cũng là nơi có công trình kiến trúc cao nhất Doha, Tháp Aspire, tiếp giáp với Trung tâm mua sắm Villaggio, trung tâm mua sắm nổi tiếng nhất ở Qatar. Các học viên có cơ hội đến Aspire giống như bước vào một thế giới khác, một thế giới thần tiên.
Thế nhưng, cuộc đời không giống phim ảnh. Bước vào thế giới hào nhoáng không đồng nghĩa với việc bạn được phép mộng mơ. Và buồn thay, bóng đá Việt Nam là nơi chứng kiến cái kết ngoài mong đợi của một học viên từng được rất kỳ vọng tại Aspire: Nguyễn Thái Sung.
“Messi Việt Nam” đầu tiên
Sau khi khai trương, Học viện Aspire săn tìm ngọc thô ở khắp nơi trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Năm 2009, sau 3 vòng thi tuyển với khoảng 20.000 cầu thủ nhí ở khắp Việt Nam tham gia, các chuyên gia của Aspire tuyển chọn được 50 cái tên vào vòng chung kết. Cuối cùng, 3 tài năng trẻ của Đà Nẵng là Nguyễn Thái Sung, Đặng Anh Tuấn, Ma Văn Tuấn giành vé đến Qatar tranh học bổng. Tại đây, họ phải so tài với các măng non từ nhiều quốc gia khác.
Ở thời điểm đó, giới chuyên môn Việt Nam không kỳ vọng nhiều vào 3 tài năng trẻ của Đà Nẵng, bởi lẽ họ phải đối mặt với những cầu thủ tiềm năng đến từ châu Phi, Nam Mỹ… Tuy nhiên, Thái Sung đã xuất sắc chinh phục ban giám khảo khó tính của Aspire để giành học bổng toàn phần kéo dài 3 năm. Trong vòng 3 năm, tiền vệ này được bao trọn gói chi phí ăn ở, học chơi bóng xen kẽ học bóng đá tại Aspire.
Với thể hình nhỏ con và đôi chân khéo léo, Thái Sung được các thành viên ở Aspire so sánh với Messi. Có thể nói, anh chính là “Messi Việt Nam” đầu tiên trong trí nhớ của người hâm mộ.
“Có lần cả lớp đi du đấu ở châu Âu, giao hữu với một loạt đội bóng trẻ của các câu lạc bộ lớn. Ở trận đấu với đội trẻ Leixoes (CLB mà Công Vinh từng khoác áo), tôi đã lập hat-trick”, Thái Sung nhớ lại. “Tôi đã có một pha độc diễn qua một loạt đối thủ rồi ghi bàn. Các đồng đội thấy vậy liền gọi tôi là Messi Việt Nam. Tôi vui lắm, vì cảm thấy mình được công nhận”.
Cuộc sống của Thái Sung tại Aspire cơ bản không có nhiều thay đổi so với ở Đà Nẵng, vẫn xoay quanh trái bóng tròn. Chỉ có điều, anh phải xa gia đình, bạn bè và phải thích nghi với văn hóa mới, với những người bạn mới đa sắc tộc và khác ngôn ngữ. Đổi lại, Thái Sung được tận hưởng các công nghệ tối tân nhất, các giáo án tập luyện khoa học nhất để phát triển bản thân.
Với định hướng trở thành Học viện bóng đá quốc tế hàng đầu thế giới, Aspire không “ép” các học viên ăn uống như người địa phương. Thay vào đó, thực đơn của Thái Sung cùng bạn đồng môn là những món ăn phục vụ cho việc cải thiện thể chất.
Kể từ khi ra đời, Học viện Aspire đã lấy La Masia làm hình mẫu. Các chuyên gia bóng đá trẻ của Barcelona như Felix Sanchez được Aspire chiêu mộ hàng loạt. Vì vậy, không khó hiểu khi học viện này tập trung đào tạo cầu thủ theo triết lý kiểm soát bóng, tiki-taka. Sau này, bóng đá Qatar tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ Barcelona với sự xuất hiện của Xavi tại Al Sadd. Huyền thoại bóng đá Tây Ban Nha thi đấu 4 năm cho Al Sadd trước khi chuyển sang làm huấn luyện viên 2 năm và gặt hái thành công rực rỡ.
Ngoài ra, Aspire cũng đặc biệt chú trọng vào việc thiết lập văn hóa chiến thắng, tinh thần phấn đấu vươn lên cho các học viên. Họ liên tục mời các huyền thoại cũng như các ngôi sao đương đại đến trò chuyện, truyền cảm hứng. Trong đó, đáng kể nhất là “Vua bóng đá” Pele, người từng nhắc nhở Thái Sung và các đồng đội điều quan trọng nhất trong bóng đá là nỗ lực và chăm chỉ.
Triết lý bóng đá của Aspire phù hợp hoàn hảo với Thái Sung và giúp anh tỏa sáng rực rỡ trong giai đoạn đầu. Thế nhưng, càng về sau, Thái Sung càng tụt lại so với bạn cùng trang lứa vì hạn chế về cơ địa. Cầu thủ quê Đà Nẵng vốn nhỏ con. Ban đầu, thể hình của anh vẫn còn ngang ngửa với đồng đội, bởi lẽ các cầu thủ độ tuổi 14-16 chưa dậy thì.
Sau 3 năm, câu chuyện hoàn toàn khác. Thái Sung tụt lại về mọi mặt. Lúc này, chỉ riêng sự khéo léo là không đủ giúp anh tốt nghiệp Aspire và kiếm một suất thi đấu ở giải chuyên nghiệp Qatar.
Trở về Việt Nam sau 3 năm ăn học ở Aspire, Thái Sung tiếp tục gắn bó với Đà Nẵng theo giao kèo cũ. Tất cả đều tin rằng kinh nghiệm thu được từ Học viện hiện đại nhất thế giới sẽ biến Thái Sung trở thành ngôi sao mới của V.League và tuyển Việt Nam. Thế nhưng, điều đó không xảy ra.
Thái Sung không có sự bứt phá về thể chất, và quen với một triết lý bóng đá hoàn toàn trái ngược so với V.League. Thời kỳ đó, lứa tài năng trẻ HAGL Arsenal JMG của bầu Đức còn chưa ra lò. Khái niệm về bóng đá kiểm soát gần như không tồn tại. Ở V.League, bóng dài được ưa chuộng vì nhiều lý do, từ sân bãi cho đến yếu tố con người. Thái Sung hoàn toàn lạc lõng và dần dần đánh mất sự tự tin.
Cộng thêm chấn thương liên miên, Thái Sung thoái chí và quyết định treo giày ở tuổi 27 để chuyển hướng làm ăn, qua đó ổn định cuộc sống. Câu chuyện của Thái Sung rõ ràng không mới. Thực tế, hàng trăm, hàng nghìn cầu thủ nhí trên thế giới đã trải qua nó.
Từ đường phố đến World Cup nhờ Học viện Aspire
Mohammed Muntari là cái tên xa lạ với phần lớn người hâm mộ thế giới, nhưng anh lại là cầu thủ rất nổi tiếng ở Qatar và… châu Phi. 10 năm trước, Muntari vẫn còn thi đấu trên đường phố ở Sabon Zongo, một vùng ngoại ô của Kumasi ở vùng Ashanti cùng… Mohammed Salisu, trung vệ Southampton đang khoác áo tuyển Ghana dự World Cup 2022.
Con đường của Muntari và Salisu cùng xuất phát điểm, nhưng khác hướng đi. Trong khi Salisu quyết định ở lại châu Phi, kinh qua các học viện tài năng tại đây trước khi lọt vào mắt xanh của Valladolid thì Muntari quyết định đầu quân cho Học viện Aspire. Với tài năng vượt trội, Muntari nhanh chóng tốt nghiệp và nhận được đề nghị từ các CLB hàng đầu Qatar.
Với mức lương hậu hĩnh nhận được ở Qatar, Muntari chưa bao giờ có ý định rời đi. Tiền đạo 28 tuổi này thậm chí đồng ý nhập tịch Qatar từ năm 2014 và trở thành ngôi sao của quốc gia này. Tuy nhiên, Muntari đối mặt với nhiều lời gièm pha, cáo buộc anh chọn Qatar vì tiền bạc.
Trong cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay, Muntari bác bỏ những cáo buộc đó. Anh cho biết: “Việc chuyển sang Qatar chưa bao giờ là vấn đề tài chính. Chúng tôi chơi bóng trước tiên vì chúng tôi yêu bóng đá và chúng tôi muốn chăm sóc những người mà chúng tôi muốn chăm sóc. Tiền không phải là lý do, bởi lẽ sau cùng, tôi có thể khoác áo Ghana mà vẫn kiếm được rất nhiều tiền”.
Tại World Cup 2022, Muntari chỉ đóng vai trò dự bị trong đội hình của Qatar. Tuy nhiên, anh lại là người đi vào lịch sử bóng đá Qatar khi ghi bàn đầu tiên cho quốc gia này ở một kỳ World Cup.