Iraq và nền kinh tế chủ yếu tiền mặt

Thứ Hai, 20/02/2023, 09:31

Sau nhiều thập kỷ chiến tranh và hứng chịu các lệnh trừng phạt, Iraq vẫn bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Và tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chính tại quốc gia này.

“Chợ trao đổi tiền tệ” là một trong những khu vực nhộn nhịp nhất của khu chợ cũ ở thành phố Sulaymaniyah của người Kurd ở Iraq. Trong khi các doanh nghiệp và khách hàng trên khắp thế giới ngày càng sử dụng các giao dịch kỹ thuật số, thì tiền mặt vẫn thống trị ở Iraq.

Nền tảng kỹ thuật số chưa phát triển

Người tiêu dùng Iraq có thể sử dụng một số nền tảng thanh toán điện tử tại đây. Ngân hàng Trung ương Iraq (CBI) đã cấp giấy phép cho 17 công ty vận hành ví kỹ thuật số, trong đó bao gồm những công ty lớn như AsiaHawala, Zain Cash, NassWallet và FastPay. 15 giấy phép khác đã được cấp cho các dịch vụ liên quan đến thanh toán điện tử.

Iraq và nền kinh tế chủ yếu tiền mặt -0
Tiền mặt vẫn là phương thức giao dịch chủ yếu ở Iraq.

Tuy nhiên, các doanh nhân và chủ doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức kép: Người tiêu dùng trong nước miễn cưỡng chấp nhận các nền tảng thanh toán điện tử có sẵn tại địa phương và người Iraq bị cắt khỏi các hệ thống thanh toán số hóa mà hầu hết các doanh nghiệp trên thế giới coi là điều hiển nhiên.

Anas Fadhil, một nhà phân tích dữ liệu thị trường, nói với trang “Rest of World”: “Mọi người ở đây không hiểu về tiền kỹ thuật số. Mọi người đã quen với tiền mặt và tin tưởng vào nó hơn là thanh toán kỹ thuật số. Tuy nhiên, tôi và các đồng nghiệp của tôi chắc chắn cần nó nếu chúng tôi muốn gửi tiền đến Mỹ hoặc châu Âu”.

Theo Ngân hàng Thế giới, hầu hết người Iraq không sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, với chưa đến 1/5 có tài khoản ngân hàng, và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán toàn cầu (PSP) như PayPal, Apple Pay và Stripe không xuất hiện ở quốc gia này. Các chuyên gia nói với Rest of World rằng điều này có thể là do các công ty đó coi hoạt động ở Iraq là một đề xuất mang tính rủi ro cao.

Chiến tranh, tình trạng tha hương và các lệnh trừng phạt tàn phá Iraq kể từ đầu những năm 1980 đã khiến nền kinh tế của nước này kém phát triển và phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Những nỗ lực cải cách các quy định pháp lý và tài chính lỗi thời, phát triển khu vực tư nhân và đa dạng hóa cơ sở kinh tế của Iraq thường xuyên bị cản trở bởi các lợi ích cố hữu. Tham nhũng là một yếu tố cản trở chính: Tổ chức Minh bạch quốc tế đã xếp hạng Iraq là một trong những quốc gia dễ xảy ra hối lộ nhất trên thế giới vào năm 2021.

Kết quả là các doanh nhân đầy tham vọng - những người được coi là nhân tố quan trọng đối với tương lai của Iraq - không thể thực hiện nhiều giao dịch tài chính cơ bản vốn phổ biến ở các nền kinh tế trên thế giới. Hoạt động kinh doanh của họ phụ thuộc vào các giao dịch tiền mặt với khách hàng trong nước và không thể mở rộng ra nước ngoài hoặc dễ dàng nhận được nguồn tài trợ từ nước ngoài.

Dheyaa Sattar, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp Seven Professions có trụ sở tại Baghdad, nói với “Rest of World” rằng việc tăng khả năng tiếp cận thanh toán điện tử sẽ giúp tạo cơ hội cho các doanh nhân, phụ nữ và người lao động thất nghiệp. Thay vì khiến họ phụ thuộc vào việc làm của chính phủ và các hệ thống bảo trợ chính trị, điều đó sẽ giúp họ tự làm việc dễ dàng hơn.

Các chủ doanh nghiệp trên khắp Iraq - từ những người buôn bán bình thường ở chợ cho đến những doanh nhân đam mê công nghệ - có thể muốn sử dụng thanh toán điện tử, nhưng hầu hết khách hàng của họ không sẵn sàng sử dụng bất cứ thứ gì khác ngoài tiền mặt. Ví dụ, trên nền tảng thương mại điện tử Miswag của Iraq, thanh toán trực tuyến chỉ chiếm 2% tổng số giao dịch. Ali Hilli, người đứng đầu bộ phận tiếp thị và truyền thông của công ty, cho biết 98% giao dịch còn lại là thanh toán tiền mặt khi giao hàng (COD).

Giao dịch kỹ thuật số phổ biến nhất ở quốc gia này liên quan đến việc các công chức và người hưu trí ở Iraq rút tiền lương hàng tháng từ thẻ trả trước tại các sàn giao dịch tiền tệ, ngân hàng và máy ATM. Sau đó, họ sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày, tiết kiệm và mua sắm.

Mong muốn hội nhập thế giới

Các chủ doanh nghiệp Iraq - những người mong muốn tăng cường kết nối với nền kinh tế toàn cầu - đang muốn tận dụng thanh toán điện tử để nhận các dịch vụ và nguồn cung cấp từ nước ngoài thông qua PSP. Adam Hasan, chuyên gia phát triển dự án tại công ty The Station có trụ sở tại Baghdad, nói với “Rest of World” rằng: “Các chủ doanh nghiệp và doanh nhân ở Iraq có nhu cầu sử dụng các nền tảng thanh toán như PayPal, nhưng thật không may, những nền tảng này không chính thức hỗ trợ các tài khoản được tạo ở Iraq”.

Trong quá khứ, cộng đồng quốc tế đã áp đặt các lệnh trừng phạt chế độ Saddam Hussein và theo dõi lĩnh vực tài chính của nước này để cắt giảm hỗ trợ cho các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, một số lệnh trừng phạt chính thức giờ đây đã được dỡ bỏ. Ví dụ, vào tháng 1/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa Iraq ra khỏi danh sách các quốc gia có nguy cơ cao về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.

Để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng của thanh toán kỹ thuật số ở Iraq, chính phủ ở Baghdad nên tiến hành cải cách quy định đáng kể để giúp các PSP địa phương và toàn cầu hoạt động dễ dàng hơn, cùng với sự thay đổi tư duy của người tiêu dùng để tránh xa sự phụ thuộc vào giao dịch tiền mặt.

Sattar, một doanh nhân đến từ Baghdad, cảm thấy sự thay đổi kép này sẽ mang lại một động lực rất cần thiết cho những người Iraq đang chật vật tìm kiếm tương lai trong nền kinh tế bất ổn của đất nước. Ông nói: “Việc kích hoạt thanh toán điện tử ở Iraq sẽ không chỉ giúp ích cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho những người thất nghiệp ở Iraq”.

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.