Khi OPEC+ đoàn kết, nhưng…
Các bộ trưởng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã kết thúc cuộc họp trực tuyến hôm 30/11 với kết quả đồng thuận về việc tự nguyện cắt giảm hơn 2 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm tới, đồng thời tuyên bố rằng Brazil có thể sẽ gia nhập khối vào tháng 1/2024, đưa một trong những nhà sản xuất dầu tăng trưởng nhanh nhất thế giới tham gia liên minh đang cố gắng kiềm chế nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, chủ trương cắt giảm sâu rộng này thực tế không tạo ra những thay đổi lâu dài đối với thị trường dầu mỏ. Vì sao vậy?
Đoàn kết, nhưng…
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá dầu thế giới đã giảm 16% kể từ cuối tháng 9/2023 do sản lượng dầu thô ở Mỹ duy trì ở mức cao kỷ lục trong khi thị trường lo ngại về nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là từ Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới). Giới phân tích dự đoán quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn của OPEC+ có thể giúp đẩy giá dầu lên cao.
Các nhà sản xuất dầu mỏ ở châu Phi (như Angola, Nigeria và Cộng hòa Congo) là những nước gặp nhiều vấn đề hơn với quyết định tiếp tục cắt giảm sản lượng của OPEC+. Một trong những lý do cơ bản là mỗi quốc gia sản xuất dầu hoặc đồng minh được ủy ban OPEC+ giao một hạn ngạch nhất định để đáp ứng, trong khi đó mối quan tâm lớn nhất của từng nước là cố gắng đảm bảo được giao hạn ngạch cao nhất có thể. Trong cuộc họp của OPEC+ hồi tháng 6/2023, các quốc gia này nằm trong số những nước được giao mục tiêu sản xuất thấp hơn. Tính đến giữa tháng 11/2023, Nigeria đang sản xuất khoảng 1,7 triệu thùng dầu thô/ngày và có kế hoạch tăng sản lượng lên 1,8 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, song vẫn có thể chưa đủ đối với kế hoạch hạn ngạch năm 2024 do ủy ban OPEC+ đề xuất.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING dự kiến Saudi Arabia sẽ tiếp tục duy trì mức cắt giảm tự nguyện bổ sung 1 triệu thùng/ngày trong năm tới và Nga sẽ gia hạn mức cắt giảm của riêng mình. Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs ước tính xuất khẩu dầu của các nước OPEC đã sụt giảm kể từ đầu năm nay phù hợp với mục tiêu thu hẹp nguồn cung của nhóm.
Nhưng dường như kịch bản nếu OPEC+ đoàn kết và quyết tâm cắt giảm sản lượng dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và do đó, giá dầu sẽ tăng, đã không xảy ra. Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngay sau ngày OPEC+ họp. Trong phiên sáng 1/12, một thùng dầu Brent Biển Bắc có giá 80,68 USD, thấp hơn 18 xu Mỹ so với phiên trước sau khi đã giảm 2 USD/thùng ngày hôm trước.
Nguyên nhân có lẽ là do không phải tất cả 20 quốc gia OPEC+ đều tham gia cắt giảm sản lượng. Các nhà quan sát thị trường nghi ngờ có sự thiếu đoàn kết và quyết tâm của các thành viên OPEC+, mặc dù hứa cắt giảm sản lượng nhưng chưa chắc đã thực hiện. Chuyên gia thị trường Robert Rethfeld của công ty thông tin thị trường Wellenreiter-Invest (Đức) cảnh báo thị trường nên thận trọng với các cam kết của Nga. Trên thực tế, nghị quyết của OPEC+ chỉ kêu gọi các nước tự giác hạn chế sản lượng chứ không có tính ràng buộc về pháp lý. Angola, quốc gia thành viên đầu tiên, đã phản đối hạn ngạch của mình.
Ông Jochen Stanzl, nhà phân tích trưởng tại công ty môi giới CMC Markets, nhấn mạnh: “Cả thị trường đều nghi ngờ về kỷ luật tuân thủ hạn ngạch của OPEC+ sau cuộc họp trực tuyến đầy khủng hoảng ngày hôm qua, trong đó cuộc họp báo cuối cùng đã bị hủy hoàn toàn”. OPEC+ đang bị đe dọa mất dần quyền lực.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ ngày càng tăng, đang ở mức cao nhất mọi thời đại là 13,2 triệu thùng/ngày. Nhờ kỹ thuật khai thác dầu đá phiến, Mỹ có thể sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Các chuyên gia kỳ vọng sản lượng của Mỹ sẽ còn tăng hơn nữa, ít nhất là đủ bù đắp phần nào cho sản lượng dầu OPEC+ bị cắt giảm hoặc thậm chí thừa để bù.
Mặt khác, nhu cầu “vàng đen” khó có thể cải thiện đáng kể. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu xuống 2,7% vào năm 2024 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm đại dịch 2020, chủ yếu là do triển vọng tăng trưởng u ám của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là những nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Nhu cầu yếu là nguyên nhân nữa khiến giá dầu khó có thể tăng, thậm chí có thể xảy ra tình trạng dư cung.
… còn nhiều yếu tố tác động
Với OPEC, rủi ro ngày càng tăng là việc cắt giảm sản lượng có thể làm giảm ảnh hưởng của OPEC+ đối với nguồn cung dầu khi các quốc gia khác tăng sản lượng. Việc đưa Brazil tham gia khối, quốc gia mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết đã sản xuất lượng dầu kỷ lục trong năm nay, sẽ giúp 23 thành viên OPEC+ có thêm lợi thế. Cụ thể, với việc bổ sung nguồn dầu của Brazil, sản lượng toàn cầu do OPEC+ kiểm soát được nâng lên mức 62%, tương tự như thị phần mà tổ chức này nắm giữ khi Nga gia nhập vào giữa những năm 2010.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu dầu mỏ trong quý 1/2024 được dự báo là khá yếu do nhu cầu toàn cầu chậm lại và một số nền kinh tế chủ chốt (như Trung Quốc) vẫn đang nỗ lực phục hồi. Bên cạnh đó, động lực hướng tới các nguồn năng lượng sạch (được thúc đẩy bởi việc ban hành Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ) cũng như việc củng cố các mục tiêu về khí hậu của Hội nghị thượng đỉnh COP28 cũng có khả năng tác động hơn nữa đến nhu cầu dầu mỏ của thế giới.
Tuy nhiên, các yếu tố “địa chính trị” (như Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và xung đột Israel-Hamas) sẽ đóng vai trò quan trọng quyết định nhu cầu dầu ít nhất là trong vài tháng tới. Mặc dù tác động từ cuộc chiến ở Ukraine đã phản ánh gần như toàn bộ trên thị trường, song bất kỳ sự thay đổi nào cũng có thể gây ra những cú sốc mới về giá và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc xung đột Israel-Hamas cũng đang được theo dõi chặt chẽ hơn do ngày càng có nhiều đồn đoán về khả năng sẽ lan rộng thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông. Nếu kịch bản này xảy ra, các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt của khu vực (như Iran, Iraq, Oman, Saudi Arabia) và nhiều nước khác có thể bị ảnh hưởng tùy theo mức độ liên quan trực tiếp và gián tiếp tới các bên tham chiến. Ông Robert Yawger, Giám đốc điều hành năng lượng tương lai tại Mizuho Securities USA, dự đoán giá dầu Brent sẽ tăng trở lại ở mức khoảng 90 USD/thùng và giá dầu WTI lên mức khoảng 85 USD/thùng. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Saudi Arabia sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các thành viên khác đăng ký cắt giảm.