Khi văn hóa cùng du lịch phối hợp để có lợi ích kép

Chủ Nhật, 02/07/2023, 09:07

Hiện nay, ngành công nghiệp không khói - ngành du lịch mang lại giá trị lớn về kinh tế cho nhiều quốc gia. Trong xã hội hiện đại, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã kết hợp văn hóa với du lịch để đạt hiệu quả trọn vẹn nhất. Nếu như Trung Quốc có kinh kịch, Nhật Bản có kịch Noh, Pháp có opera, Nga có Balle, Anh có kịch câm…

Vậy thì đến Việt Nam có loại hình văn hóa nghệ thuật gì để thu hút khách du lịch?

Một trong những nhu cầu sống của con người là khám phá và thưởng thức cái đẹp. Người ta có thể đặt chân đến những vùng đất mới để tìm hiểu về phong tục, tập quán, đời sống văn hóa, nét đẹp của nghệ thuật truyền thống đặc sắc… Những giá trị thu nhận ấy đều nâng cấp đời sống tinh thần lên một tầm cao mới.

các nghệ sĩ nhà hát chèo việt nam biểu diễn phục vụ khách du lịch.jpg -0
Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn phục vụ khách du lịch

Để quảng bá văn hóa nghệ thuật thì việc đầu tư xây dựng nhà hát trở thành điểm đến hấp dẫn đã và đang được rất nhiều quốc gia quan tâm. Nhà hát Audiotorio de Tenerise (Tây Ban Nha) nổi trên mặt biển nhìn xa như cánh của con đại bàng đang lướt qua những đợt sóng xanh. Nhà hát Opera Oslo (Na Uy) lại là một lựa chọn tuyệt vời cho du khách đến đây. Nhà hát được xây dựng giống như một con hà mã nổi trên mặt biển, mái nhà được thiết kế độc đáo, phẳng và dốc, cho phép khách du lịch đi lại. Nhà hát Esplanade (Singapore) lấy ý tưởng từ chiếc micro, là một trong những phòng hòa nhạc có chất lượng âm tốt nhất thế giới.

Nhà hát Lớn Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá văn hóa khi đến thủ đô, là biểu tượng di sản kiến trúc nghệ thuật Pháp tồn tại đến nay hơn 100 năm. Nơi đây thường diễn ra những sự kiện văn hóa - chính trị xã hội lớn. Các bầu sô thường chọn Nhà hát Lớn vào mùa thu để tổ chức những chương trình âm nhạc thu hút khách. Hàng loạt các ca khúc hay của nhạc sĩ Phú Quang về Hà Nội thường xuyên được tổ chức tại đây vào dịp tiết trời thu man mác buồn, khiến lòng người xao xuyến bâng khuâng. Ngay cả những bản nhạc trữ tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được diễn ra tại nơi này. Những đêm nhạc của diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Tùng Dương… chọn Nhà hát Lớn - một không gian thính phòng sang trọng để tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Nếu như giá vé cho nhạc trẻ, nhạc trữ tình, nhạc bolero là con số tiền triệu mỗi vé, thì những bộ môn nghệ thuật khác như tuồng, chèo, cải lương… lại vô cùng bị lép vế. Người ta có thể bỏ 1.000.000, 2.000.000, 3.000.000 thậm chí là 5.000.000 cho một tấm vé xem ca nhạc thì lại rất khó khăn khi bỏ ra vài trăm để thưởng thức những bộ môn nghệ thuật truyền thống ở tại không gian thính phòng sang trọng này. Để không bị lỗ nặng, sân khấu truyền thống chỉ được biểu diễn ở Nhà hát Lớn khi có tiền tài trợ, từ nguồn kinh phí của nhà nước. Tại các nhà hát sân khấu truyền thống, mặc dù cũng đã được đầu tư nhưng cho đến nay vẫn vô cùng lạc hậu so với các nhà hát thế giới. Sân khấu truyền thống vẫn trung thành biểu diễn tại nhà hát của mình, chứ ít khi dám “mon men” đến Nhà hát Lớn.

Khi văn hóa cùng du lịch phối hợp để có lợi ích kép -0
“Trăng đất Việt”, một chương trình mới được xây dựng để phục vụ khách du lịch của Nhà hát múa rối Việt Nam

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang khi còn sống, vẫn thường nói: “Khi Nhà hát của sân khấu thế giới đã phát triển đến 100 lần, thì các nhà hát sân khấu truyền thống Việt Nam vẫn còn bục bệ, nghèo nàn, lạc hậu, cũ kĩ; hệ thống chiếu sáng, hệ thống âm thanh lỗi thời. Tôi chỉ ao ước có được một hệ thống chiếu sáng lộng lẫy, sàn biểu diễn có hệ thống âm thanh tuyệt vời… Khi người làm sân khấu cảm thấy hấp dẫn thì điều hấp dẫn đó mới kéo được khách du lịch đến xem biểu diễn”.

Có địa bàn đóng tại thủ đô, nhưng các nhà hát sân khấu truyền thống vẫn loay hoay trong việc tìm nguồn khách. Nhà hát Chèo Việt Nam tại rạp Kim Mã (phố Kim Mã) vẫn chịu cảnh đìu hiu từ nhiều năm nay mặc dù nhà hát cũng đã chịu khó mày mò cho diễn nhiều trích đoạn đặc sắc và tiêu biểu của sân khấu chèo để lôi kéo khán giả. NSND Thanh Ngoan - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “ Từ nhiều năm nay, nhà hát đã xây dựng đề án sân khấu du lịch với các chương trình đặc sắc được thiết kế linh hoạt có thời lượng phù hợp với từng đối tượng khách du lịch, để phù hợp thuận tiện cho việc sắp xếp lịch trình của du khách. Nhà hát cũng đã tiếp thị đến một số hãng lữ hành nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. 

Nhà hát Tuồng Việt Nam nằm ở khu phố vàng của thủ đô, trên phố Đường Thành, ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, dù kì công cố gắng đổi mới, diễn những trích đoạn ngắn “tinh hoa” của nghệ thuật Tuồng hướng đến khách du lịch nhưng kết quả đem lại không khả quan. Để tìm nguồn khách du lịch, Nhà hát Tuồng cũng đã tổ chức nhiều hội nghị lắng nghe khách hàng với sự tham dự của các công ty lữ hành để điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm sao cho hấp dẫn. Ngoài ra, áp dụng chính sách ưu đãi, giảm giá vé cho những tua du lịch, nhưng tình hình cũng chẳng thể cải thiện được.

Nhà hát Cải lương Việt Nam nằm trong con phố Hồng Mai cũng thường vắng khách. Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (Vietnam National opera and Ballet -VNOB); Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam… chưa thực sự là một điểm đến ấn tượng, hoạt động cầm chừng, đôi khi có phần lạc lõng.

Tại thủ đô Hà Nội, Nhà hát Múa rối Thăng Long được cho là nhà hát đứng đầu thành công khi kết hợp với du lịch. Mấy chục năm qua hoạt động hết công suất với lịch diễn dày đặc. Nhà hát Múa rối Việt Nam nằm xa trung tâm hơn nhưng những năm vừa qua cũng là địa chỉ đỏ cho du lịch văn hóa. Nhà hát Tuổi trẻ với những hướng đi mới, được cho là nhà hát tiềm năng hấp dẫn khán giả.

Nếu như những nhà hát công lập chưa được nổi bật thì nhà hát tư nhân tại những khu giải trí lại vô cùng phát triển. 

Khi văn hóa cùng du lịch phối hợp để có lợi ích kép -0
Một tiết mục hấp dẫn khách du lịch của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Mới đây, Nhà hát “Đó” trở thành điểm hẹn văn hóa du lịch mới tại thành phố biển Nha Trang. Nhà hát “Đó” thuộc quần thể phức hợp nghỉ dưỡng - giải trí - nghệ thuật Vega city Nha Trang (Tập đoàn KDI Holdings) được kì vọng là biểu tượng mới trong lĩnh vực văn hóa du lịch của tỉnh Khánh Hòa với mức đầu tư 400 tỷ đồng. Chương trình Life Puppets - Rối Mơ là một tác phẩm nghệ thuật sân khấu hóa hình tượng 12 con giáp của văn hóa phương Đông. Đây là sự kết hợp giữa các loại hình rối nước, rối dây, rối bóng, rối hoạt hình - múa đương đại. Ngay tháng 4 vừa qua, Nhà hát “Đó” đón nhận hai kỷ lục Việt Nam. Kỷ lục Nhà hát có kiến trúc văn hóa bản địa độc đáo với cảm hứng thiết kế từ chiếc “Đó” lớn nhất Việt Nam. Kỷ lục chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự kết hợp của đa dạng các loại hình nghệ thuật rối đa không gian trình diễn, cùng với dàn khí nhạc dân tộc bản địa Đông Nam Á đầu tiên tại Việt Nam.

Hiện nay nhiều địa điểm trên cả nước đã áp dụng mô hình kết hợp văn hóa và du lịch rất thành công, chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hoặc do doanh nghiệp phát triển mô hình này cho các khu đô thị, khu phức hợp vui chơi giải trí nghỉ dưỡng. Tại sao, đa phần các Nhà hát công lập khi bắt tay kết hợp văn hóa và du lịch kết quả lại chưa được như mong đợi?!

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu) cho biết: “Các nước gắn đến nghệ thuật văn hóa đối với khách lữ hành đi du lịch ở quốc gia họ, ban ngày họ đi khám phá  đến tối khách bỏ tiền ra mua vé vào rạp hát coi nền nghệ thuật độc đáo của quốc gia đó. Nhiều quốc gia có chiến lược nhà nước giao cho những người làm công tác văn hóa và người làm du lịch xây dựng các chương trình theo tua để thu tiền. Nước ta đang ở trong tình trạng manh mún, nếu nhà hát muốn đến đề nghị các công ty du lịch, nhưng bên đấy họ ngại không hợp tác, hoặc họ nói là chưa có nhu cầu thì bên nghệ sĩ, các nhà hát cũng không làm được. Cho nên giữa đoàn nghệ thuật và Quản lý nhà nước về Văn hóa -  Thể thao Du lịch, kết hợp các công ty, doanh nghiệp du lịch, ba chủ thể này ngồi với nhau. Nhà nước, đầu tư phải có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, dứt khoát khách du lịch sang đây thì phải bỏ tiền ra để thưởng thức nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Những điểm du lịch như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu mình qua mình phải xem nghệ thuật của người ta. Tiền du lịch nằm trong tua. Người ta có tầm nhìn chiến lược lâu dài và tính toán rất kĩ nhưng mình chưa làm được điều đó. Hội Sân khấu đã đề nghị với Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trong khi có một số Bộ tham gia những cuộc họp nói là có cả chương trình phối kết hợp với nhau nhiều năm nay nhưng bây giờ chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long, và Nhà hát Múa rối Trung ương là thực hiện được. Một vấn đề quan trọng không kém là điểm biểu diễn, nếu khách quốc tế người ta coi thì phải có tính chuyên nghiệp cao; nhưng ở Việt Nam thiếu, yếu, manh mún. Nhà hát tiêu chuẩn xứng tầm chưa? Cơ sở vật chất có đảm bảo không? Kỹ thuật đã phát triển chưa? Việt Nam chưa ngồi được với nhau để làm đồng bộ được. Về lâu dài không có lẽ cứ manh mún như thế này, mạnh ai người đấy làm, 63 tỉnh thành đón khách du lịch mà chỉ có múa rối Thăng Long với múa rối Trung ương có nhà hát hay sao? Làm được cái đó thì anh em văn nghệ sĩ vừa có thu nhập mà mình vừa quảng bá được hình ảnh đất nước con người về văn hóa lịch sử Việt Nam. Trước kia trong chiến tranh, người ta hiểu Việt Nam nhưng bây giờ người ta nể Việt Nam. Người ta sang thăm thú như thế nhưng mà nhiều khi người ta không biết đến nhà hát nào và xem tiết mục loại hình nghệ thuật gì”.

NSND Phạm Ngọc Tuấn (Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam) cho biết: “Hiện nay đang có dự án của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa -Thể thao & Du lịch) đứng ra triển khai các tác phẩm để phục vụ cho không gian phố cổ Hà Nội. Và nhìn thẳng ra sự thật thì cũng khó làm. Nói là phục vụ du lịch nhưng rất không đơn giản, để sản phẩm nào trụ lại được phục vụ du lịch là một bài toán hóc búa. Ví dụ miền Bắc có rối nước bởi vì bản thân bộ môn nghệ thuật đấy cứ làm nguyên theo nguyên bản gốc đã là thuộc về ranh giới du lịch. Các loại hình nghệ thuật khác như Tuồng, Chèo, Cải lương… không có lợi ích mấy, giờ muốn làm thì lại phải tính, rất khó để có sản phẩm du lịch trong tình hình hiện nay. Ở miền Nam đã có nơi kết hợp làm văn hóa truyền thống và du lịch khá thành công. Nói nghệ thuật cần phải phối hợp để trở thành một phần lực lượng cung cấp cho du lịch nhưng nói thì nói thế thôi, bao nhiêu năm nay cũng đã có thử nhưng chưa được, tới đây cũng lại tiếp tục thử.

Chủ trương phối hợp giữa nghệ thuật biểu diễn với ngành du lịch Đề án của Cục Nghệ thuật biểu diễn thể hiện sự quan tâm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn về vấn đề này để có những sản phẩm nghệ thuật cung cấp cho không gian phố cổ Hà Nội, rồi Hoàng thành Thăng Long… đấy là Bộ bắt đầu nghĩ đến nhưng nó có hiệu quả hay không thì còn phải làm mới biết”.

Trần Mỹ Hiền
.
.