Lại câu chuyện phim tư nhân, phim đặt hàng

Thứ Ba, 02/11/2021, 22:06

Trong khi dự thảo Luật điện ảnh đang tạo sức nóng ở kì họp Quốc hội, một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Tại sao phim tư nhân có doanh thu cao, gây được tiếng vang, còn không ít phim sử dụng ngân sách nhà nước (gọi tắt là phim nhà nước) thời gian vừa qua nhiều khi chỉ được chiếu trong tuần lễ chào mừng rồi vào nằm trong kho?

Liệu sau những thất bại, người ta có tiếp tục làm phim theo kiểu này nữa không? Và thực chất hiệu quả có đạt được như mục đích đặt ra hay không khi phim chiếu mà thiếu khán giả?

Hai ngả đường... làm phim!

Bên cạnh dòng phim Nhà nước vẫn luôn chiếm vai trò chủ đạo, từ nhiều năm nay dòng phim tư nhân cũng đã dần khẳng định chỗ đứng và thu hút khán giả trẻ. Những phim Việt mang đậm tính giải trí cao và thu hút được khán giả trẻ vẫn tìm cách ra được rạp. Những bộ phim ăn khách như “Cua lại vợ bầu”,  “Tiệc trăng máu” , “Chị chị em em” có doanh thu từ hàng chục tỉ lên đến hơn trăm tỷ. Và gần đây nhất mặc dù COVID-19 hoành hành, nhưng trong những khoảng yên bình thì “Bố già” ngay từ những buổi đầu công chiếu doanh thu đã có con số ấn tượng, mặc cho xung quanh nó còn có không ít lời ra tiếng vào.

Lại câu chuyện phim tư nhân, phim đặt hàng -0
Bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ.

Điện ảnh là một ngành công nghiệp ngốn tiền, thậm chí ngốn rất nhiều tiền, vì vậy nếu là con nhà nghèo thì bạn thậm chí không thể cầm đến máy quay chứ đừng nói theo học. Có một câu chuyện nửa đùa nửa thật như thế này: Khi thi vào Khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội các thầy vẫn thường hỏi thí sinh một câu hỏi quen thuộc: “Bố mẹ em làm nghề gì?” Bởi vì nếu biết em thuộc thành phần “con nhà nòi”, thì em sẽ có gen nghệ thuật, việc đào tạo sẽ bớt phần khó khăn, hai là để biết kinh tế của gia đình thí sinh có đủ để cho con theo học ngành xa xỉ này hay không? Bởi vì cho dù sinh viên có năng khiếu mà là con nhà nghèo thì tiền đâu để làm phim?

Một bộ phim điện ảnh mèng mèng tốn ít nhất cũng phải trên chục tỉ, còn với một số phim điện ảnh có đầu tư kĩ lưỡng phải đầu tư trên trăm tỉ. Một số bộ phim Việt ăn khách như “Hai Phượng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân với kinh phí đầu tư 1 triệu đô, sau khi ra rạp đã có doanh thu 200 tỷ và sau này bán lại cho Netflix 100 tỷ. Sau đạo diễn Victor Vũ thì cái tên Phan Gia Nhật Linh (nhà sản xuất “Tiệc trăng máu”) cũng gây được sự chú ý sau thắng lợi của phim: “Em là bà nội của anh”. 

Trong khi phim tư nhân liên tục đạt doanh thu cao và ra được rạp thì có vẻ như không thiếu những bộ phim do Nhà nước đầu tư lại có vẻ buồn thiu và ế ẩm. Còn nhớ năm 2014, truyền thông được một phen ồn ào sau khi bộ phim “Sống cùng lịch sử” (Đạo diễn, NSND Thanh Vân) công chiếu ở rạp Trung tâm chiếu phim Quốc gia lèo tèo vài ba khán giả. Sau vài ngày ra rạp, bộ phim phải ngưng chiếu.  Lúc đấy, đạo diễn, NSND Thanh Vân đã rất đau xót phân trần: “Phim tài trợ, đặt hàng của Nhà nước giao cho các hãng phim Nhà nước lâu nay còn có một ý nghĩa khác. Chi phí cho bộ phim bao gồm  đầu tư cho chất lượng bộ phim, tiền lương nuôi sống đội ngũ của các hãng và chi phí hành chính khác. Vì vậy, kinh phí duyệt cấp làm phim chưa bao giờ được các hãng sử dụng trọn vẹn cho phim, nói gì đến bỏ tiền tỉ quảng bá phim như các hãng phim tư nhân thường làm. Số tiền để quảng bá cho phim không có thì làm sao mà cạnh tranh được…”.

Nhớ lại câu chuyện về phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” (Đạo diễn Đào Duy Phúc) sản xuất dịp Đại Lễ Thăng Long – Hà Nội (năm 2010) có kinh phí đầu tư lên tới 57 tỷ đồng. Trung bình mỗi tập phim này ngốn 1,7 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với kinh phí trung bình của một phim truyền hình được sản xuất trong nước. Nhưng đáng tiếc, bộ phim này sau khi hoàn thành phải mất đến ba năm mới được lên sóng.

Năm 2013, bộ phim “Người viết huyền thoại” của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng được đầu tư 10 tỷ đồng đã nhận về những cơn mưa lời khen từ truyền thông đến giới chuyên môn. Sau đó bộ phim đã đoạt 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Vậy mà rốt cuộc, tác phẩm điện ảnh lại phải nhận lấy sự thất bại khi trình chiếu tại các rạp. Suất chiếu của phim này vô cùng eo hẹp, và chỉ sau công chiếu một tuần, nhà phát hành BHD đành phải rút phim khỏi lịch chiếu khi doanh thu chỉ đạt 500 triệu.

Hay như các phim "Thầu Chín ở Xiêm" (Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và "Người trở về"  (Đạo diễn Đặng Thái Huyền) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho mỗi phim, được nhà sản xuất phát hành 2015, sau rồi đều chiếu miễn phí. Trước đó, không ít những phim từng ra mắt rồi “đắp chiếu”, cất kho như "Rừng đen", "Chơi vơi", "Vũ điệu đam mê"...

Sau thất bại hàng loạt của phim Nhà nước đặt hàng, người ta dường như có kinh nghiệm hơn trong việc đặt hàng và khán giả lại có một phen trầm trồ khi lần đầu tiên Nhà nước đặt hàng một đạo diễn chuyên về dòng phim thị trường như Victor Vũ với tác phẩm của tác giả vô cùng quen thuộc và ăn khách giới trẻ là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã gây nên tranh cãi ầm ĩ trên các diễn đàn với hai luồng ý kiến trái chiều khen - chê, nhưng doanh thu mang lại là điều không thể chối bỏ.

Ngay sau phim “Bố già” của Trấn Thành ra rạp gây được tiếng vang lớn với doanh thu từ tuần đầu lên đến hơn 100 tỷ, các đạo diễn tên tuổi trong ngành điện ảnh cũng tò mò đi xem, trong số đó có đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần (Đạo diễn bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mảnh đất lắm người nhiều ma”). Ông nhận định, bộ phim hay và yếu tố giải trí nhưng cũng có những đoạn xúc động, và theo ông quan sát trong khán phòng đã không ít người rơi lệ. Vị đạo diễn già nói: “Dù cho phim giải trí hay nghệ thuật cứ chạm đến trái tim khán giả thì sẽ lấy được nước mắt”. Ông cũng khẳng định, diễn viên là yếu tố then chốt để hút khán giả, gây bão phòng vé.

Yếu tố thị trường luôn quan trọng

Đạo diễn Phan Đăng Di lý giải: “Bây giờ bối cảnh khác rồi, phim tư nhân mục đích sản xuất ra là bắt buộc phải có lãi để tồn tại, để nuôi sống và trả công cho cả trăm con người, vì mục đích như vậy nên buộc nhà sản xuất phải tìm hiểu khán giả muốn xem gì ở phim Việt? Và khi đã có mục đích và phương hướng như vậy, thì họ sẽ quyết tâm bằng mọi cách đạt yêu cầu đưa ra, thông qua việc chọn đề tài hấp dẫn, tìm diễn viên có sự thu hút, ăn khách, yếu tố nào đang là xu thế với công chúng. Khi có sự nghiên cứu thị trường bài bản, thì yếu tố thành công cao. Nhìn chung phim thương mại giải trí của thế giới họ cũng làm theo hướng đó, và đối với phim Việt cũng không ngoại lệ”.

Lại câu chuyện phim tư nhân, phim đặt hàng -0
Cảnh trong phim “Bố già”.

Về thực tế phim Nhà nước bấy lâu nay khi công chiếu ở rạp thường rơi vào tình trạng thưa vắng khán giả, khó tạo được tiếng vang, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ: “Rõ ràng cái cách mà những phim Nhà nước được duyệt là những quan điểm rất cũ. Một phần vì nó mang nhiệm vụ khác, nhưng trên thực tế nó cũng có phần xa lạ với khán giả trẻ. Bởi khán giả ra rạp chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến 30. Nếu như là một câu chuyện hay, thì ai xem cũng thấy hay, còn nếu chỉ những người duyệt phim thấy hay, thì phải xem lại. Có phải chăng ngay từ đầu nhà sản xuất đã xác định mục đích cao nhất là để phục vụ tuyên truyền, nên cũng không cần phải có lo lắng, tính toán đến áp lực gì về doanh thu? Thậm chí cái cách thông thường để một bộ phim trụ được như chiến lược tiếp thị, nghiên cứu thị hiếu mong chờ của khán giả thì gần như là bị bỏ qua hết. Phim Nhà nước gần như không có kinh phí cho truyền thông, marketing, nghiên cứu thị hiếu... Cái cách tiếp cận như vậy là cách tiếp cận phi thị trường và đương nhiên là khó mà thành công được”.

Đạo diễn của “Bi, đừng sợ” cho rằng: “Từng có thời cách tiếp cận không quảng cáo vẫn có thể tạo ra được khán giả như trước đây, nhưng lúc đấy là vì khán giả không có lựa chọn, khi trong giai đoạn đó, phim giải trí hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng phim Nhà nước. Nhưng bây giờ khán giả có quá nhiều lựa chọn cho nên cái gì hợp khẩu vị thì họ mới dùng”.

Mất tiền tỷ mà chưa đạt kỳ vọng

Lại câu chuyện phim tư nhân, phim đặt hàng -0
Phim “Tiệc trăng máu” hút khán giả trẻ.

Cũng theo đạo diễn Phan Đăng Di: “Cách tư duy đầu tư tiền cho tác phẩm điện ảnh làm về đề tài lịch sử từ trước đến nay dẫn đến thực trạng phim của Nhà nước không đáp ứng được nhu cầu thị trường, số đông khán giả. Và khi đưa dòng phim này đi liên hoan phim để nói lên tiếng nói của Việt Nam thì cũng không làm được bởi vì bản thân những dòng phim đấy không phù hợp với tiêu chí của liên hoan phim quốc tế tuyển chọn. Trong khoảng 15 năm trở lại đây điện ảnh về đề tài lịch sử ở trong một cái thế rất mắc kẹt. Và nếu như chúng ta vẫn giữ tư duy là sẽ đầu tư tiền cho những phim theo kiểu như vậy thì tình trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt được. Nó không đạt được mục đích gì và thực trạng này đã tồn tại khá lâu, đặc biệt Bộ Tài chính là bên cấp tiền cũng rất sốt ruột”. 

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần cho biết: “Thực chất những bộ phim làm về đề tài gì nếu hay, chạm đến trái tim khán giả thì chắc chắn vẫn thu hút được người xem. Còn với lối làm việc thụ động, không chịu tiếp nhận hiện thực nên dẫn đến thất bại là điều không tránh khỏi”.

Với đạo diễn Phan Đăng Di thì "không phải những đề tài mang tính chất sử thi hay mang tính chất  lịch sử không có sức hút, vấn đề ở đây là cái cách chọn dự án, cách làm, cách nghĩ ra một quy trình sản xuất thì nó phải khác đi. 15-20 tỉ cho một bộ phim thì cũng không phải là con số lớn. Nhưng người làm phim phải nhớ, mình đã đầu tư như vậy thì phải làm sao cho khán giả trẻ họ thích những phim đó ít nhất mình cũng phải điều tra xem khán giả họ thích xem cái gì?".

Trần Mỹ Hiền
.
.