Luật điện ảnh (sửa đổi): Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh để làm gì?
Sau 15 năm ấp ủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa hiện thực hóa được Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh tại Điều 6 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) đã nhắc tới vấn đề này, song vẫn còn nhiều vấn đề được cho là bất hợp lý.
Tranh cãi về nguồn thu
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2021 tiếp tục đưa vào văn bản ở mục 2, điều 45, 46, 47 nhấn mạnh việc thành lập, mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, những quy định về nguồn vốn, cách thức hoạt động, đầu tư… vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Theo Dự thảo, việc thành lập quỹ cũng nhằm mục đích cho vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh; hỗ trợ các không gian sáng tạo về điện ảnh và các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại. Nguyên tắc hoạt động của quỹ không vì lợi nhuận; bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định pháp luật, không trùng lặp với nguồn ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động sự nghiệp điện ảnh. Quỹ không hỗ trợ các dự án sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước…
Bày tỏ quan điểm của mình, TS. Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nội dung về thành lập quỹ, mục đích của quỹ còn dàn trải, mục tiêu hỗ trợ của quỹ không tập trung sẽ dẫn đến không hiệu quả; việc hỗ trợ của quỹ có những phần trùng lặp với các mục chi từ ngân sách và các hoạt động sự nghiệp của cơ quan quản lý điện ảnh. Đặc biệt, mục đích "Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường quay bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt" nên cần được cân nhắc. Vì đây là hạng mục liên quan đến quy hoạch ít liên quan đến các mục đích khác của quỹ, do đó không khả thi.
Trước đó, tại một số hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), phía Cục Điện ảnh cho biết, sau nhiều năm vẫn chưa triển khai thực hiện được Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh do vẫn chưa xác định được nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của quỹ. Với Dự thảo lần này, cơ quan chủ trì soạn thảo xác định nguồn thu của quỹ trích từ ngân sách nhà nước, tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu phim và việc chiếu phim trên truyền hình.
Cụ thể, nguồn kinh phí của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ gồm 3% doanh thu bán vé phim nhập khẩu chiếu rạp, 1% tiền thuê bao các ứng dụng xem phim xuyên biên giới, 0,05% thuê bao truyền hình trả tiền, 0,5% doanh thu quảng cáo phim truyền hình. Đây là các nguồn thu cố định để duy trì Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Đề xuất này một lần nữa lại vấp phải nhiều lo ngại về tính hợp lý cũng như khả thi của quỹ.
Việc trích quỹ như vậy đồng nghĩa với việc tăng giá vé xem phim, tạo gánh nặng đối với đối tượng thụ hưởng là người dân. Với nguồn thu từ quảng cáo truyền hình cũng vô tình khiến doanh nghiệp rơi vào thế… è cổ cõng các khoản chi, đặc biệt sau gần 2 năm khủng hoảng nghiêm trọng vì COVID-19.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung công ty CJ CGV Việt Nam cho rằng, nếu phải cõng thêm khoản sung quỹ bắt buộc, nhà phát hành buộc phải tăng giá vé. Điều đó còn chưa kể đến việc, nếu tăng các điều khoản kinh tế bắt buộc, các đơn vị quốc tế hoàn toàn có thể từ chối phát hành tại Việt Nam. Trong khi đó, dù Việt Nam là nước bán vé rẻ nhất trong khu vực nhưng tỉ lệ ra rạp mới chỉ đạt 0,6 người/ năm. “Nếu tăng giá vé, vô hình trung sẽ dừng đà tăng trưởng về số lượng người ra rạp xem phim”, ông Hải nhận định.
Còn Đạo diễn Phan Đăng Di thì góp ý rằng: "Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh cần phải do nhà nước cấp kinh phí, được nhà chuyên môn điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ phim của nhà làm phim trẻ, nhất là phim đầu tay. Trong luật hiện nay không có điều khoản nào có thể cho phép dùng ngân sách nhà nước làm những phim đậm tính nghệ thuật để mang đi tranh giải tại các liên hoan phim. Nếu không có quỹ để thay thế cho mục đích đó sẽ dẫn đến việc nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh Việt Nam xác lập vị thế văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế".
Thực tế, các quỹ điện ảnh trên thế giới dùng ngân sách hoặc khuyến khích doanh nghiệp đóng góp thông qua cơ chế ưu đãi thuế. Về mặt pháp lý, việc bắt buộc các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ là chưa phù hợp với tinh thần của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Trong khi đó, cơ chế nào đảm bảo tính minh bạch của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn còn khá mơ hồ. Tại Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)", Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội đề nghị cân nhắc lại quỹ này, vì nội dung có phần trùng lắp với nhiệm vụ chi ngân sách và chưa có đánh giá tác động. Hầu hết các đối tượng chịu tác động trực tiếp như các đài truyền hình, nhà sản xuất hay phát hành phim... lại chưa hề được tham khảo ý kiến.
Trông người để nghĩ đến ta
Từ khi xã hội hóa điện ảnh, nước ta chỉ có hai loại phim: Phim tuyên truyền và phim giải trí. Phim tuyên truyền lấy kinh phí từ Nhà nước. Phim giải trí lấy kinh phí từ tư nhân. Điều này tạo ra sự bất cân đối, thậm chí còn gây trở ngại cho những nhà làm phim trẻ có tài năng. Bởi để làm phim, họ buộc phải vật lộn để tìm nguồn kinh phí, mà công việc này lại khó khăn hơn việc làm phim gấp nhiều lần.
Song, để quỹ được vận hành trơn tru, ngoài việc xác định nguồn thu ổn định, bà Ngô Phương Lan cho rằng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần phải làm rõ về mô hình quỹ. Chẳng hạn, quỹ tồn tại dưới hình thức là đơn vị sự nghiệp hay công ty TNHH thì sẽ hiệu quả hơn?
Bà Ngô Phương Lan gợi ý, chúng ta có thể học hỏi từ các nền điện ảnh trong khu vực và trên thế giới. Còn đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng phạm trù quỹ trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) không nên bó hẹp về quỹ mà cần nhìn rộng hơn về sự đầu tư chiến lược của nhà nước cho điện ảnh.
Trên thế giới, có nhiều loại quỹ điện ảnh. Ngoài kinh phí của Nhà nước trong việc bán xổ số hay bán vé, các quỹ điện ảnh khác thường tài trợ cho các dự án làm phim theo thể loại, đề tài… Có quỹ tài trợ cho phim tài liệu, quỹ tài trợ cho phim ngắn, quỹ dành cho phim truyền hình, quỹ dành cho phim về đề tài phụ nữ, quỹ dành cho phim sinh viên, quỹ dành cho phim truyện đầu tay, quỹ dành cho các nhà làm phim thuộc nhóm thiểu số, quỹ tài trợ cho việc viết kịch bản, quỹ tài trợ cho công tác hậu kỳ… Tất cả cùng hoạt động sôi nổi và công khai, minh bạch các khoản thu chi.
Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt lấy ví dụ từ Quỹ World Cinema Fund (LHP Berlin). Anh cho biết, những người tuyển chọn dự án đến từ nhiều nước trên thế giới, thường đề cao tính bản địa và hoàn toàn tôn trọng quyền tự do sáng tạo và tầm nhìn nghệ sĩ. Họ có thể tài trợ về tiền nhưng sẽ không được phép tham gia về ý tưởng hay tiếng nói riêng của người làm phim, mà chỉ trao đổi dưới hình thức chia sẻ, kết nối và hỗ trợ.
Ông Park Sung Ho – Giám tuyển Liên hoan phim Busan từng chia sẻ tại tọa đàm “Ai nói giơ tay” rằng, trước COVID-19, Hàn Quốc thường có hơn 300 phim ra đời và 50% trong số này đều thuộc hỗ trợ của Chính phủ. Động thái này của Chính phủ Hàn góp phần giảm tối đa sức ảnh hưởng của phim ngoại, tạo sân chơi công bằng cho phim nội.
Thực tế, Hàn Quốc cũng có Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh và được quy định trong Luật Xúc tiến phim và video Hàn Quốc. Trong đó, họ quy định nguồn thu quỹ trích phí 5% trên vé xem phim của khán giả, theo cách thức thu hợp lý và cơ chế cụ thể. Mục đích sử dụng quỹ của họ như sau: Hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; hỗ trợ bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên hoan phim của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; hỗ trợ các dự án phim nghệ thuật; hỗ trợ các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên quan đến việc thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh…
Nhìn xa hơn, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, không nên chỉ dừng lại ở các quỹ hỗ trợ mà còn thực hiện thao tác đào tạo đối với các nhà là phim trẻ trong khu vực về kỹ năng viết hồ sơ xin tài trợ, tìm dự án… “Các nền điện ảnh trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philipines... đã có những quỹ và chương trình đào tạo không chỉ dành cho các nhà làm phim nước họ, mà mở rộng sang các nhà làm phim Đông Nam Á. Điều này từng bước hỗ trợ cho nền điện ảnh khu vực phát triển, và gây ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến các nền điện ảnh khác. Khi kinh phí không còn là áp lực đè nặng đối với nhà làm phim, chắc chắn họ sẽ chuyên tâm hơn cho việc sáng tạo nghệ thuật”, nam đạo diễn nhận định.