Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”

Thứ Tư, 22/09/2021, 11:34

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ngô Mạnh Lân yêu mùa thu, tranh của ông vẽ về mâm cỗ trung thu lúc nào cũng đủ đầy, ấm áp, có lẽ bởi vậy, ông đã chọn một ngày mùa thu tháng Tám để ra đi. Ông ra đi thanh thản, bình lặng như một người chìm vào giấc ngủ thiên thu đẹp đẽ.

Sự ra đi của NSND Ngô Mạnh Lân đã để lại một khoảng trống lớn không chỉ với gia đình ông, mà với cả thế hệ những người yêu hội họa, đặc biệt là những người đã dõi theo từng thước phim hoạt hình của một thời, những thước phim mà theo họa sĩ Đỗ Đức, là những phim thấm đẫm tinh thần phương Đông, đẹp cả về tạo hình và màu sắc, có thể xếp vào hàng kinh điển của thể loại phim hoạt hình Việt Nam.

Cây đại thụ của nền hoạt hình Việt Nam

NSND Ngô Mạnh Lân là một người nặng lòng với quê hương, bởi vậy, trong tranh ký họa của NSND Ngô Mạnh Lân, có nhiều bức ông vẽ về cổng làng Tó, đường làng Tó, “Đường vào nhà thờ họ”, “Minh ngự lâu” làng Tả Thanh Oai… với sự trù phú. Năm 1950, khi mới 16 tuổi, ông hăm hở đi bộ suốt hai ngày  vượt suối, băng rừng, từ Ty Thông tin Phú Thọ đến Đại Từ, Thái Nguyên, tham gia khóa học đầu tiên của Trường Mỹ thuật Việt Nam ở chiến khu Việt Bắc do họa sỹ Tô Ngọc Vân phụ trách. Ngô Mạnh Lân tuy trẻ tuổi nhất lớp nhưng thường được thầy Tô Ngọc Vân và nhiều thầy giáo khác khen ngợi về sự chuẩn mực và chỉn chu trong từng nét vẽ.

4-1632285297895.JPG
NSND Ngô Mạnh Lân và NSND Ngọc Lan (tháng 3/2021). Ảnh: Chiến Thắng.

Sau khi tốt nghiệp, ông vào phục vụ trong quân đội, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và vẽ hàng trăm bức ký họa. Hòa bình lập lại, ông được cử đi học tại Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng đỏ xuất sắc, ông trở về nước và làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa búp bê Việt Nam, nay là Hãng Phim hoạt hình Việt Nam. Khi ấy, phim hoạt hình Việt Nam mới hình thành với bộ phim hoạt hình đầu tiên “Đáng đời thằng cáo” (1960), bằng thể loại phim vẽ, rồi đến bộ phim cắt giấy “Con một nhà” (1961) của đạo diễn Trương Qua và phim búp bê “Chú thỏ đi học” (1962) của đạo diễn Nguyễn Tích…

Năm 1963, họa sỹ Ngô Mạnh Lân cho ra mắt bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông mang tên “Một ước mơ”. Những năm sau đó, họa sỹ Ngô Mạnh Lân liên tục cho ra đời hàng loạt bộ phim hoạt hình nổi tiếng như phim “Mèo con” - dựa theo truyện ngắn “Cái tết của mèo con” của nhà văn Nguyễn Đình Thi, “Con sáo biết nói”, “Những chiếc áo ấm”, “Chuyện ông Gióng”,  “Trê cóc”, “Thạch Sanh”, “Rừng hoa”, “Bộ đồ nghề nổi giận”, “Bước ngoặt”, “Phép lạ hồi sinh”...

Với những tác phẩm này, họa sỹ Ngô Mạnh Lân đã đoạt 3 giải Bông sen Vàng, 4 giải Bông sen Bạc, nhiều bằng khen của Ban giám khảo tại các kỳ Liên hoan phim Việt Nam. Đặc biệt, bộ phim “Mèo Con” của ông đã giành Giải thưởng Bồ nông Bạc tại Liên hoan phim Hoạt hình quốc tế ở Mamaia (Romania) năm 1966; phim “Chuyện ông Gióng” giành Giải thưởng Bồ câu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1971.

Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” -0
“Quà trung thu” - Tranh Sơn dầu trên vải của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.

Nói về đam mê của mình, NSND Ngô Mạnh Lân từng chia sẻ: “Nghề đạo diễn – họa sĩ phim hoạt hình là một nghề đòi hỏi nhiều phẩm chất và năng lực của người nghệ sĩ, không phải chỉ là việc tư duy sáng tạo hình tượng nghệ thuật hấp dẫn, đẹp và truyền cảm mà để thể hiện nó lên màn ảnh lại cần có năng lực của người tổ chức, nhằm phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi thành phần sáng tác theo phương hướng nghệ thuật của bộ phim… Có bạn yêu mến đã bảo tôi rằng, nếu tôi dành thời gian đi sâu vào hội họa thì nay có thể sẽ có một kết quả khác… nhưng tôi cũng xin bộc bạch là, khi bước vào công việc làm phim, tôi thấy say mê, thích thú, tuy có lo lắng, dằn vặt nhưng lại có niềm phấn khích, nó giống như bị “bùa mê” lôi kéo mình vào trận, không muốn dứt ra. Và mặc dầu còn những điều chưa thỏa, tôi cũng tự nhủ rằng, dù sao mình cũng đã may mắn là làm được một cái gì đó tuy nhỏ nhưng đã góp được tiếng nói cùng các đồng nghiệp vào nghề hoạt hình đặc thù này, đem lại niềm vui và tiếng cười cho lớp em nhỏ yêu quý của chúng ta”…

NSND Ngô Mạnh Lân có một khối lượng ký họa đồ sộ và quý giá về chiến tranh, cách mạng, từ chiến dịch Điện Biên Phủ tới đời sống nông dân Bắc Bộ trong kháng chiến chống Mỹ và sau này là đời sống thời bao cấp… Ngoài ra, ông còn vẽ tranh sơn dầu, tranh cổ động, bìa tem, bìa sách, truyện tranh… và nhận nhiều giải thưởng về mỹ thuật, như 1 giải A triển lãm đồ họa - Hội nghệ sỹ tạo hình; 1 giải quốc gia về minh họa sách thiếu nhi; 2 giải Nhất và 2 giải Nhì về triển lãm áp phích…

Người chồng, người cha mẫu mực

Trong suốt 87 năm cuộc đời, điều khiến NSND Ngô Mạnh Lân mãn nguyện và coi là một thành công lớn nhất, đó chính là có một mối tình đẹp và một gia đình hạnh phúc, êm ấm với người vợ tài sắc, tần tảo bên cạnh ông, NSND Ngọc Lan. Cuộc đời đã dành tặng ông một câu chuyện tình yêu đẹp như mơ với cô diễn viên xinh đẹp thuở hai người gặp và bén duyên tại Liên Xô.

Nghệ sĩ nhân dân Ngô Mạnh Lân: “Thác là thể phách, còn là tinh anh” -0
Đại gia đình NSND Ngô Mạnh Lân.

Ông từng kể lại rằng, lần đầu tiên gặp cô diễn viên xinh đẹp của đoàn Việt Nam tại Liên hoan phim tại Liên Xô, ông đã bị chinh phục bởi vẻ duyên dáng, trong sáng của nàng, nhưng vốn tính ít nói nên ông không dám thổ lộ. Run rủi thế nào, Ngô Mạnh Lân, khi ấy lại là đại biểu của trường VGIK, được tổ chức phân công làm phiên dịch cho Ngọc Lan, thế là có cơ hội trò chuyện, tâm sự nhiều hơn. Do bị ốm nên Ngọc Lan phải nằm lại bệnh viện cách Moscow 10 cây số và cách ly trong phòng kính. Một buổi sáng, đang nằm trên giường bệnh, những suy nghĩ về chàng sinh viên trường VGIK khiến cô xao động, bất chợt nhìn thấy mái tóc quen quen qua khung cửa kính. Hóa ra, họa sĩ Ngô Mạnh Lân đã quyết định hủy chuyến về nước, để ở lại chờ Ngọc Lan.

 Mối duyên trời định ấy đã kết nối ông bà hơn 60 năm cuộc đời dành trọn vẹn bên nhau, chia sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống. Bà sinh cho ông bốn người con xinh đẹp, thông minh, và họ đều tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ với một niềm đam mê cháy bỏng. Truyền thống gia đình, sự thủy chung, thành đạt, sự chăm sóc của ông bà dành cho nhau ngày ngày chính là một tấm gương sáng cho các con cháu, bởi thế, không chỉ các con, mà các cháu của ông bà cũng là những người đang theo đuổi con đường nghệ thuật của ông bà, như để tiếp nối truyền thống của gia đình.

NSND Ngọc Lan từng viết nhiều bài thơ về mối duyên gặp gỡ của hai ông bà: “Em là đất, anh là cây/ Có trời, có nước, có mây quanh mình/ Đàn con là nước phải không?/ Là mây bay lượn, ta mong ta chờ/ Là trời thì lại mộng mơ/ Trong lòng cha mẹ con ta nên người/ Một đàn cháu chắt nhà tôi/ Chúng đều vươn tới những nơi chúng cần/ Em vui có phúc, có phần/ Có anh bên cạnh mười phân vẹn mười…”.

Chị Ngô Thị Hồng Lê, người con gái thứ hai được đặt tên kỷ niệm về nước Nga của hai ông bà, khi nhớ về cha mình, chị chia sẻ: “Bố tôi là người sống kín tiếng, lặng lẽ quan sát các con chứ ông không thường chia sẻ tình cảm bằng lời nói hay sự ồn ào như người khác. Tuổi thơ của chúng tôi dù nghèo khó, vất vả nhưng lại rất đầm ấm, bố mẹ, chị em luôn yêu thương nhau hết mực. Trong ký ức của tôi, bố tôi là một họa sĩ ngày đêm cặm cụi với cái bàn làm việc, vẽ vẽ, kẻ kẻ say sưa quên hết thời gian. Dù là một họa sĩ, một nghệ sĩ nhưng ông là người nền nếp, ngăn nắp sạch sẽ, chỉn chu, tỉ mỉ. Bố quan sát và yêu các con bằng một tình yêu kín đáo. Bố không nói nhiều nhưng chính sự tinh tế và đầy lòng trắc ẩn của bố, chúng tôi luôn thấy mình được yêu thương và quan tâm theo một cách riêng. Bố không khen quá lên bao giờ, câu khen chỉ đơn giản là “trông cũng được đấy”, “trông vậy mà được phết nhỉ” rồi ông cười dí dủm, hiền hậu, nhưng với chúng tôi, lời khen đó của bố có ý nghĩa lắm, có nghĩa là đã “rất tốt” rồi đấy… Tôi nhớ nhất mỗi lần bố đi công tác về, bố thường mua mấy chiếc kẹo sữa và nắm nho khô chia cho mấy chị em chúng tôi. Những ngày ấy tôi còn bé tí mà cho đến giờ vẫn còn cảm giác thấy sao mà mùi chiếc va li bố thơm thế, ngọt thế, chiếc va li ấy như ghi khắc dấu ấn cả tuổi thơ ngọt ngào trong những chiếc kẹo thơm mùi sữa ấy…”.

Nhớ về NSND Ngô Mạnh Lân, nhiều người nhớ về một con người lặng lẽ, bao dung, hồn hậu và hóm hỉnh. Ông ít nói nhưng lại thể hiện lòng mình qua từng nét vẽ, qua hàng trăm bức tranh, hàng chục phim hoạt hình đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và giới chuyên môn. Ông có một sự nghiệp hội họa đầy thăng hoa và nhiều dấu ấn, nhưng tuyệt vời hơn nữa, ông có một gia đình êm ấm, hạnh phúc.

Giờ đây, trong căn nhà của ông bà vắng đi một người. Căn nhà có gian bếp nhỏ mỗi ngày bà nấu những món ăn ngon hợp khẩu vị, mời ông những miếng ngon nhất, chăm lo cho ông từng bữa ăn theo khẩu vị riêng mà ông ưa thích… Căn nhà mà mỗi ngày hai ông bà chuyện trò những câu chuyện cuộc đời. Căn nhà mà ở đó mỗi ngày trong nụ cười hồn hậu của ông, dường như đều hàm chứa sự biết ơn vì bà là người bạn tâm giao thấu hiểu… NSND Ngọc Lan khóc cạn nước mắt nhớ thương người bạn đời. Bà viết những vần thơ như rút ruột để tặng người chồng thương yêu của mình: “Căn bếp bé nhỏ từ nay trống vắng/ Bàn ăn trắng tinh, đôi ghế tựa xanh màu/ Những bữa cơm ấm áp chẳng còn đâu/ Mấy hôm nay, đây là nơi đong đầy nước mắt/ Em ôm anh trong từng tiếng nấc/ Em muốn giữ anh đi suốt cuộc đời…”.

NSND Ngô Mạnh Lân nhẹ nhõm rời xa nhân gian nhưng ánh hào quang của ông vẫn còn tỏa sáng lấp lánh với sự tài hoa và đôn hậu của một người hiền…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.