Nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh kiêu hãnh với Jazz

Thứ Tư, 25/01/2023, 11:22

Ánh đèn sân khấu bật sáng, tiếng kèn saxophone của NSƯT Quyền Văn Minh vang lên réo rắt, nội lực, một bản nhạc buồn được ông viết trên chất liệu quan họ, “Vấn vương”. Ở đó, chỉ có tiếng kèn saxophone đối thoại với nỗi cô độc của người nghệ sĩ. Ông đấy, người nghệ sĩ già, dù đi qua bao thăng trầm của đời sống, vẫn độc tôn một thứ duy nhất, đôi khi là cực đoan, nhạc Jazz và chỉ Jazz mà thôi.

Ngôi nhà nhỏ ở đầu phố Phan Đình Phùng ngổn ngang những chồng đĩa nhạc, kèn và máy catseste... Tôi có chút ngạc nhiên vì nghĩ, ông sẽ sống trong căn hộ tươm tất hơn. Nhưng có vẻ như, đối với ông, điều đó không quan trọng, khi thế giới của ông phủ kín bằng âm nhạc... Và câu chuyện của ông vẫn say mê về nhạc Jazz, niềm kiêu hãnh của một người đã dành cả cuộc đời mình cho Jazz. Đủ rồi những hỷ nộ ái ố. Đủ rồi những thăng trầm và cả những hạnh phúc của một đời nghệ sĩ. Ông bắt đầu khép lại hành trình của mình để chuyển giao cho một thế hệ mới mà nhiều năm qua ông đã nỗ lực vun trồng.

nghe si.jpg -0
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh và con trai, Quyền Thiện Đắc. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ông nói về quá khứ gian khó, nhọc nhằn ấy một cách bình thản lạ thường. Từ những ngày đầu tiên, khi cậu bé Quyền Văn Minh 14 tuổi, trót “nghe trộm” được một thứ nhạc lạ lẫm từ phương Tây và phải lòng nó, để rồi, trong suốt hành trình cuộc đời còn lại, ông nhất định đi tìm, phải học và đưa nhạc jazz từ “trong bóng tối bước ra ánh sáng”.

Tôi hỏi ông, điều gì khiến ông đắm đuối với Jazz đến thế? Ông khảng khái: “Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Tôi chỉ có một cuộc đời để làm nghệ thuật, với Jazz, nếu không làm được thì uổng phí cuộc đời của mình quá”. Lúc đầu, âm nhạc đến với Quyền Văn Minh “chỉ như một vũ khí để tự vệ, không muốn kém ai cả”.

Nhưng khi nghe nhạc Jazz, ông đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp tự do, phóng khoáng của thứ âm nhạc như có men say ấy. Và Jazz, với ông, nó là tình yêu, niềm đam mê. “Tôi nghĩ, khó cũng làm được nếu quyết tâm, tôi tự hứa với chính mình, dứt khoát phải chơi nhạc jazz”. Với saxophone, Quyền Văn Minh không gặp khó khăn gì, nếu không nói là rất thuận lợi khi ông được mời vào các đoàn nghệ thuật, lịch biểu diễn dày đặc. Nhưng giấc mơ của ông lớn hơn thế, ông muốn chơi Jazz, đưa Jazz lên sân khấu một cách chính thống và hơn thế, mang nó ra ngoài biên giới.

nsut.jpg -0
Tôi có một giấc mơ, một giấc mơ chơi nhạc Jazz ở Việt Nam. Vì Jazz, tôi đã gặp nhiều gian khó. Vì Jazz tôi đã nhận nhiều hạnh phúc và vui thú. Giờ tôi đã nghỉ hưu ở Nhạc viện, đó là công việc của tôi đối với đất nước. Nhưng công việc của tôi với cây saxophone thì không bao giờ ngừng lại.

Dấu ấn đầu tiên là năm 1994, ông quyết định biểu diễn 3 bản nhạc Jazz do ông sáng tác, đặt nền tảng đầu tiên cho Jazz Việt tại phòng biểu diễn của Hội Nhạc sĩ. Nhạc sĩ Đàm Linh là người thưởng thức đêm nhạc đó và bị thuyết phục bởi tài năng của nghệ sĩ trẻ Quyền Văn Minh. Cũng vì đêm diễn đó, cần 3 cây kèn saxophone mà mẹ ông phải rút chiếc nhẫn vàng đang đeo ở ngón tay cho con trai mua kèn. Năm 1996, ông được mời sang Pháp biểu diễn và năm 1997, ông nhận danh hiệu NSƯT. “Lúc đó tôi có một khoản tiền để thực hiện concert cho riêng mình tại Hà Nội. Nhưng cũng chính thời điểm đó, cái khát vọng lan tỏa Jazz trong tôi lớn hơn, tôi quyết định dành tiền để mở một Jazz club, sân chơi dành cho các nghệ sĩ Jazz và khán giả yêu Jazz. Đó cũng là quán Jazz đầu tiên ở Hà Nội và còn lại đến ngày hôm nay”.

Quyền Văn Minh không chỉ giữ tình yêu Jazz cho riêng mình, khát vọng của ông lớn hơn thế, ông muốn lan tỏa tình yêu đó, tôn vinh thứ âm nhạc mà ông biết, nó thực sự có giá trị với đời sống. 25 năm với nhiều biến động, gian khó, Bình Minh Jazz của ông đã kiêu hãnh tồn tại, trở thành một địa chỉ văn hóa của Hà Nội. Bắt đầu từ số tiền ông dành dụm để mở Jazz club ở Giảng Võ, được 3 tháng phải đóng cửa vì họ lấy lại mặt bằng. Mất trắng toàn bộ tiền, quán đóng cửa. Cái Tết năm 1997 buồn và lê thê nhất trong cuộc đời, ông ngồi ở nhà không gặp gỡ ai.

ong.jpg -0
Ông được coi là “Bố già của Jazz Việt”

Nhưng rồi, không thể dừng lại, ông tiếp tục Jazz Club ở Lục Thủy, (Lý Thái Tổ) rồi chuyển sang Lương Văn Can được hơn 10 năm. Địa chỉ Lương Văn Can đã thành thói quen cho người nghe thì bị thu lại đất. Ông lại đóng cửa, chuyển  xuống Trấn Vũ được 3 tháng, không ổn lại quay về Quán Sứ. Bốn năm ở Quán Sứ, hết hợp đồng ông lại về số 1 Tràng Tiền đến ngày hôm nay. Khó khăn, lận đận thế, nhưng nó đã qua và đã đọng lại. “Nhiều người muốn làm quán với tinh thần nghệ thuật ấy nhưng tất cả đều dừng lại, chỉ duy nhất Bình Minh Jazz, 25 năm đỏ đèn hàng đêm. Tôi có thể biến tất cả các nghệ sĩ Jazz đến giờ tự động biểu diễn, đó là trách nhiệm của anh với nghề, chứ không phải với tôi. Điều quan trọng là đã có một tầng lớp khán giả Việt thưởng thức Jazz một cách nghiêm túc chứ không theo xu thế hay thời trang” - ông nói.

Có những thời đoạn khó khăn quá, một người bạn chân tình hỏi ông, tại sao cứ phải là Jazz, chỉ một nửa Jazz thôi có được không, sẽ đỡ khó cho ông. Nhưng Quyền Văn Minh kiên định. “Tôi cần khách nước ngoài, có một mảng tôi muốn giới thiệu văn hóa Việt qua những bản nhạc Jazz. Không thể nửa vời được, tôi muốn họ đến bất cứ lúc nào cũng được thưởng thức Jazz. Vì thế, 7/7 đêm ở Bình Minh Jazz là Jazz thuần chất. Và hữu xạ tự nhiên hương, khó khăn, chật vật, nhưng thứ âm nhạc say mê ấy vẫn tồn tại, thậm chí, nhiều lúc không có khán giả Việt mà vẫn sống”. Và người bạn ấy đã bị tình yêu đến cực đoan của ông thuyết phục, sau này trở thành một người đồng hành cùng ông qua những kỳ gian khó.

Giờ Jazz đã phổ biến trong đời sống, khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia mà ông là một trong những người đặt nền móng đã phát triển. Tôi hỏi Quyền Văn Minh, ông có ân hận không nếu ông chỉ tập trung phát triển sự nghiệp solo, chắc sẽ đạt tới một đỉnh cao nào đó. Nhưng như thế sẽ không có Jazz được phát triển và tồn tại như ngày hôm nay. Sự lựa chọn nào cũng có giá trị của nó. Ông chọn con đường dài lâu, bền vững cho Jazz. Và cuốn sách “Chơi Jazz ở Việt Nam” xuất bản những ngày cuối năm 2022 là một kỷ niệm đẹp của ông với Tiến sĩ Stan BH Tan - Tangbau - tiến sĩ nghiên cứu về văn hóa Đông Nam Á. Tiến sĩ Tangbau bắt gặp tiếng kèn của Quyền Văn Minh ở Singgapore và ông bị thu hút bởi nó.

quyen.jpg -0
Quyền Văn Mnh hồi nhỏ trên tầng thượng của gia đình

Ông tìm về Việt Nam, bị cuốn hút bởi câu chuyện chơi Jazz ở Việt Nam trong một thời đoạn khó khăn của Quyền Văn Minh. Cuốn sách ra đời, với Quyền Văn Minh, nó có ý nghĩa tổng kết một chặng đường với saxophone và nhạc Jazz. Nhưng với ông, cuộc sống là sự vận động không ngừng.  Sau đây, ông sẽ làm gì? Đó là một câu hỏi mà Quyền Văn Minh trăn trở nhiều năm nay. Ông muốn Jazz phát triển hơn nữa, các nghệ sĩ trẻ của Việt Nam phải bước qua những giới hạn để mang Jazz Việt đi ra thế giới. Thế nên, tình yêu của Quyền Văn Minh bây giờ dành cho những cậu bé học trò 12 tuổi, có 8 tài năng ông đang ươm mầm từng ngày. Ông mơ ước và hy vọng, trong 8 học trò nhí ấy, sẽ có em yêu cây kèn saxophone, đi đúng quỹ đạo để đưa Jazz Việt ra thế giới mà không bị cuốn theo cơm áo gạo tiền. Hơn ai hết, ông hiểu, điều đó không dễ dàng, nhưng ông có quyền hy vọng.

Dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật, để luôn ngẩng cao đầu kiêu hãnh với trời xanh. Nhưng trong đời sống riêng, ông là người bố vất vả, đơn độc. Nhớ lại những tháng ngày vật lộn trên tầng áp mái của khu tập thể cũ của nhà bố mẹ ở Hàng Giấy để nuôi hai con khi cuộc hôn nhân đầu tan  vỡ, rồi sau này, những long đong, lận đận tình duyên... ông không khỏi chạnh lòng. Âu cũng là số phận, những thử thách của cuộc sống mà ông phải trải qua. Ông bảo, việc khó nhất là chơi nhạc ông còn làm được  (vì ông chưa một ngày được làm sinh viên, con đường âm nhạc của ông đều tự học) thì những việc đời thường như nấu nướng, nuôi con với ông không có gì khó. Trả hết những kiếp nợ này, ông sẽ nhẹ nhõm về trời.

“Với Minh, việc quảng bá Jazz ở Việt Nam đã luôn có ý nghĩa là mang loại hình âm nhạc có tính sáng tạo cao này tới những tầng lớp khác nhau trong xã hội Việt Nam và quan trọng nhất là phát triển một tiếng nói riêng để chơi nhạc trong “hành tinh Jazz”. Phương thức của Minh là hòa trộn những âm thanh nhạc quen thuộc của Việt Nam, âm sắc của saxophone và những ứng tác du dương, tinh tế của mình trên sân khấu để thuyết phục những thính giả Việt. Ông sẽ chơi nhạc cho bất cứ ai, ở bất cứ bối cảnh nào, ở bất cứ đâu”.

Tiến sĩ Stan BH Tan -Tangbau

Việt Linh (Trích “Chơi Jazz ở Việt Nam”)
.
.