Những vụ dàn xếp đình đám trong lịch sử thể thao Mỹ

Thứ Tư, 17/11/2021, 08:46

Có một khía cạnh ít người, ngoại trừ các nhà bình luận thể thao chuyên nghiệp hay nhắc tới, đó là “cốt truyện” của mỗi đội bóng. Hãy cứ tưởng tượng mỗi mùa giải lại là một cuốn tiểu thuyết. Và mỗi đội bóng lại là một nhân vật. Đội vô địch là những người chơi giỏi nhất.

Nhưng đội được khán giả yêu mến nhất lại có một “hành trình” thật hay. Những “cốt truyện” như “nhà cựu vô địch đi tìm lại vinh quang” hay “đội bóng mới lên hạng tìm cách bám trụ” diễn đi diễn lại mỗi mùa giải nhưng vẫn cuốn hút được khán giả và khiến họ cảm thấy như mình là một phần trong hành trình của đội tuyển.

Những vụ dàn xếp đình đám trong lịch sử thể thao Mỹ -0
Huyền thoại bóng bầu dục Mỹ Tom Brady (giữa) ăn mừng sau trận thắng Super Bowl năm 2018.

Những ông chủ của các giải thể thao tại Mỹ sớm nhận ra điều nói trên. Họ cũng thấy ngay rằng, cổ động viên càng yêu mến đội bóng, họ càng sẵn sàng rút ví ra. Thế nhưng thể thao là thứ khó đoán định, kết quả mỗi trận đấu lại giống như ván bài. Một đội tuyển có thể đang chơi rất hay, rất được khán giả yêu mến nhưng bất ngờ lại thua cuộc. Từ đó một ý tưởng nảy ra trong đầu các ông bầu Mỹ: Tại sao họ lại không dàn xếp trận đấu để “giữ chân” khán giả?

Những chuyến "đi đêm"... bị vỡ lở

Một trong những scandal dàn xếp tỷ số lớn nhất trong lịch sử thể thao Mỹ là vụ trọng tài Tim Donaghy đánh cược kết quả trận đấu, rồi đến lúc ra sân lại xử thiếu công bằng. Đơn cử như trong trận bán kết giải WCF 2002, Tim Donaghy xử đội Los Angeles Lakers được ném bóng phạt đội Sacramento Kings 27 lần. Ngoài việc tự mình dàn xếp tỷ số, vị trọng tài còn sử dụng quan hệ với huấn luyện viên và vận động viên nhằm khai thác thông tin về họ, sau đó “bắn tin” cho gia đình, bạn bè, “ô dù” cho họ biết “đặt cửa” vào ai.

Sau khi hoàn thành 15 tháng tù, Tim Donaghy được tại ngoại. Ông ta lập tức bắt tay vào việc viết cuốn tự truyện “Personal Foul” kể hết những bí mật của Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Theo ông cựu trọng tài, các quan chức NBA có cả một “quy trình” dàn xếp tỷ số.

Những vụ dàn xếp đình đám trong lịch sử thể thao Mỹ -0
Vào thời điểm đó không ai hiểu sao Micheal Jordan đang ở đỉnh cao sự nghiệp lại chuyển sang chơi bóng chày.

Trọng tài sau khi nhận được lệnh phải biết cách “bố trí” những vụ bắt lỗi sai nhằm không ai nhận ra được - không bắt lỗi liên tục, không kéo dài thời gian hiệp phụ quá lâu,… Giữa trọng tài trên sân và quan chức ngồi trên khán đài có cả một hệ thống ký hiệu bằng tay bí mật. Trọng tài có thể nhanh chóng báo tin cho quan chức biết được tình hình cầu thủ trên sân hoặc ý định bắt lỗi của họ.

Vậy các vị quan chức NBA dàn xếp tỷ số trận đấu vì mục đích gì? Trong phần lớn trường hợp, họ chỉ muốn thắng được thật nhiều tiền từ việc đánh cá. Nhưng đôi khi NBA làm vậy để tối đa hóa lợi nhuận. Họ đều có tính toán từ trước xem đội nào có “cốt truyện” thu hút khán giả hơn để rồi xử ưu tiên cho đội đó. Ví dụ như trường hợp trận bán kết WCF kể trên. Khi đó Los Angeles Lakers đang trong chuỗi mạch bất bại, lại còn sở hữu huyền thoại bóng rổ Shaquille O'Neal.

Còn đối với Sacramento Kings, mùa giải 2002 là thời điểm đội bóng này giành được nhiều thành công đến thế trong hơn 20 năm qua. Tim Donaghy kể lại,  NBA đã ngấm ngầm “mở đường” cho Sacramento Kings đến với trận bán kết với nhà đương kim vô địch, nhưng khi đặt lên bàn cân thì Los Angeles Lakers vẫn “nặng ký” hơn họ.

Sau khi cuốn sách của Tim Donaghy được xuất bản, các nhà báo và chuyên gia thống kê bắt đầu lật lại hồ sơ các trận đấu. Họ tìm ra nhiều điểm bất thường đối với không chỉ môn bóng rổ mà còn cả bóng chày, hockey, bóng đá,… Lấy ví dụ trận siêu cúp Super Bowl năm 2018 giữa New England Patriots và Los Angeles Rams. Sau nhiều năm liền “thống trị” làng bóng bầu dục Mỹ, Patriots dường như đã gặp phải đối thủ xứng tầm là Rams. Vậy nhưng khi trận đấu diễn ra, bao nhiêu chiến thuật của đội Los Angeles Rams đều bị đối thủ “bắt bài”. Chẳng lẽ đội New England Patriots lại có tài đọc suy nghĩ của đối thủ?

Hoàn toàn không phải như vậy. Chỉ đơn giản là ban huấn luyện Patriots “sở hữu” cuốn băng ghi hình toàn bộ buổi tập trước trận đấu của Rams. Khi đội Rams biết chiến thuật đã bị lộ thì trận đấu chuẩn bị bắt đầu, họ không kịp thay đổi sách lược. Tại sao họ lại để người khác quay phim mình? Xin thưa đây là chính sách của Giải Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ (NFL). Họ lưu giữ cuộn băng quay lại buổi tập trước trận đấu nhằm làm bằng chứng trong trường hợp xảy ra kiện cáo giữa các đội.

Những vụ dàn xếp đình đám trong lịch sử thể thao Mỹ -0
Nguyên trọng tài Tim Donaghy đã lật tẩy bộ máy dàn xếp trận đấu của NBA.

Nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng chất vấn NFL làm sao lại để lộ một thông tin quan trọng đến vậy? Ban lãnh đạo NFL không hề đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho câu hỏi này. Họ cũng không lên tiếng bác bỏ tin đồn rằng NFL cố ý làm lộ cuộn băng cho New England Patriots để cầu thủ huyền thoại Tom Brady ghi danh mình vào lịch sử với kỷ lục thắng Super Bowl 6 lần.

Cúp Stanley là giải thưởng danh giá nhất mà các đội khúc côn cầu ở Mỹ và Canada hy vọng giành được. Hàng năm 32 đội từ hai quốc gia cạnh tranh khốc liệt trong khuôn khổ giải Khúc côn cầu Quốc gia (NHL) để giành được cúp Stanley. Canada từ trước đến nay luôn được biết đến là “quê hương” của khúc côn cầu. Vậy nhưng không biết vì lý do gì mà số lần các đội tuyển Mỹ giành được cúp Stanley lại nhiều các đội Canada. Trong khi đó trên đấu trường Olympic, thành tích của các đời đội tuyển quốc gia Canada lại luôn có phần nhỉnh hơn Mỹ.

Sự thật chỉ được tiết lộ bởi Brendan Sanahan, cựu cầu thủ khúc côn cầu và là nguyên Chủ tịch ủy ban kỷ luật NHL. Theo ông này thì, NHL luôn giữ thái độ phải tìm mọi cách để phát triển thị trường Mỹ có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn Canada. Mà cách tốt nhất để khán giả Mỹ chịu theo dõi khúc côn cầu là để các đội Mỹ thắng giải. Các đội khúc côn cầu từ Canada không những được trả tiền để chịu thua cuộc, mà lúc đến mỗi kỳ chuyển nhượng, họ nhận được lệnh từ NHL phải “nhường” những vận động viên tài năng nhất cho các đội Mỹ.

Những vụ dàn xếp đình đám trong lịch sử thể thao Mỹ -0
Ông chủ Robert Kraft của đội New England Patriots.

Giải võ thuật tổng hợp UFC cũng chịu không ít tai tiếng. Chủ tịch UFC Dana White rất hiểu giá trị “cái mồm” của các võ sỹ. Một võ sỹ giỏi khiến người ta xem trận đấu để chiêm ngưỡng kỹ thuật của anh ta. Một võ sỹ to mồm khiến người ta xem để biết diễn biến tiếp theo của “câu chuyện” mà anh ta tự thêu dệt nên. Ban tổ chức UFC không trực tiếp dàn xếp trận đấu, nhưng họ sẵn sàng ưu ái các võ sỹ biết cách ăn nói. Không ít tay đấm, trong đó có Paige Van Zant, Sage Northcutt, Maycee Barber, Greg Hardy và Sean O'Malley được xếp đấu với những đối thủ “dưới cơ” để giành chiến thắng. Họ chỉ thua khi gặp phải những đứa “con cưng” của Dana White như Conor McGregor.

Mặt trái của thể thao nhà nghề ở xứ cờ hoa

Những ông bầu Mỹ luôn “bảo vệ” vận động viên chẳng khác gì đạo diễn bảo vệ diễn viên chính trong phim cả. Lại nói về NBA. NBA từ chỗ chỉ là một giải mang tính khu vực trở thành “hiện tượng” được khán giả toàn cầu theo dõi phần nhiều nhờ Micheal Jordan. Cầu thủ huyền thoại này đã cho bóng rổ một bộ mặt mới năng động hơn, va chạm nhiều hơn, kịch tính hơn. Micheal Jordan không những là vận động viên giàu có nhất Mỹ, mà anh còn giúp NBA trở thành giải thể thao đắt giá nhất nước Mỹ.

Trong khi Michael Jordan đang ở đỉnh cao phong độ thì sự thật về tật nghiện cờ bạc của anh bị báo chí tiết lộ. Cha của Micheal Jordan cũng bị giết một cách đầy bí ẩn trong một vụ cướp ô tô. Có tin đồn rằng, ông cụ bị giết bởi những tên mafia chủ nợ của Jordan. Theo thông tin mà tờ Deadspin khám phá ra nhiều năm sau đó, Micheal Jordan đã nhận được những chỉ dẫn sau từ cố ủy viên (tức giám đốc hoạt động) NBA David Stern: Vận động viên sẽ tuyên bố giải nghệ, sau đó chuyển nghề sang chơi bóng chày. Đợi đến khi dư luận đã tạm yên thì Micheal Jordan sẽ trở lại sự nghiệp bóng rổ. Đấy là cách mà vụ giải nghệ nổi tiếng nhất thể thao nước Mỹ trong thập niên 1990 của thế kỷ trước đã diễn ra.

Nếu bạn là vận động viên “hái ra tiền” ở NBA thì làm việc gì cũng được. Vào khoảng giữa thập niên 2000, khán giả hâm mộ huyền thoại bóng rổ LeBron James quan sát thấy anh ta đột nhiên rụng tóc và tăng khối lượng cơ bắp. Đây là hai dấu hiệu điển hình cho việc tiêm steroid để kích thích khối cơ. Đáng nghi hơn nữa là chuyện này xảy ra sau khi LeBron phải nghỉ một thời gian để phục hồi chấn thương.

Một số vận động viên sử dụng steroid để tăng tốc độ phục hồi của cơ thể và lấy lại phong độ sau chấn thương. Không ít ý kiến cho rằng nên để LeBron đi giám nghiệm hoá chất, nhưng NBA công khai từ chối làm thế. Cùng lúc đó họ bất ngờ tạm dừng việc bàn thảo áp dụng bộ quy định chống chất kích thích của Tổ chức Chống Doping Quốc tế WADA và rút LeBron James khỏi chương trình thi đấu giao hữu tại nhiều nước Châu Âu.

NFL gần đây lại gặp phải sóng gió vì vụ scandal của ông chủ New England Patriots Robert Kraft. Ông này bị bắt trong khi đang thương lượng với một tay ma cô để dẫn gái làng chơi đến nhà một tuyển thủ bóng bầu dục chơi cho đội của Đại học Miami. Kraft khai rằng ông ta muốn sử dụng cô ca ve để tuyển mộ tài năng trẻ này, và đây không phải lần đầu tiên ông ta làm thế. Vị chủ tịch của New England Patriots còn sẵn sàng chi tiền để mua xe cộ, nhà cửa, ma túy cho những vận động viên mà ông ta muốn đưa vào đội hình.

Mục đích của các giải thể thao nhà nghề Mỹ là kiếm lợi nhuận. Mà bất kỳ sản phẩm nào cũng cần đến marketing mới thành công được. Với thể thao, marketing tức là cho khán giả thấy những gì họ muốn, thấy các đội tuyển, cầu thủ ưa thích của mình giành chức vô địch. Vậy nhưng liệu khán giả có còn muốn thấy điều này khi biết những tỷ số, những chiến thắng chỉ là thứ vô nghĩa, hay đúng hơn là một chương trong “cốt truyện” mà các ông bầu vẽ ra nữa hay không?

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.