Nigeria: Dân phòng và khủng hoảng tội phạm

Thứ Bảy, 30/04/2022, 21:26

Khu vực hạ Sahara nói chung và Nigeria nói riêng hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng tội phạm. Cả sáu nước vùng hạ Sahara đều nằm trong danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ tội phạm qua các năm cao nhất. Nigeria đứng thứ sáu thế giới về tỷ lệ xảy ra những vụ ngộ sát. Trước sự bất lực của cảnh sát, không ít dân thường Nigeria đã tự cầm súng để bảo vệ mình.

Bạo lực và bất lực

Cũng như nhiều quốc gia vùng hạ Sahara khác, Nigeria hiện phải đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc như nghèo đói, thất nghiệp, thiếu nhà ở, mâu thuẫn sắc tộc – tôn giáo kéo dài,… Tầng lớp thanh thiếu niên là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các khó khăn trên. Cũng dễ hiểu khi nhiều người Nigeria trẻ bị lôi kéo hoặc buộc phải đi vào con đường tội phạm. Cộng với sự yếu kém của cảnh sát, không ít băng nhóm có tổ chức và cực kỳ manh động đang hoành hành khắp các thành phố lớn tại Nigeria.

Nigeria: Dân phòng và khủng hoảng tội phạm -0
Cảnh sát ở thành phố Lagos

Nhà nghiên cứu tội phạm Abubakar Momoh giải thích: “Tội phạm có tổ chức có thể chia ra làm hai loại. Thứ nhất là những nhóm thanh thiếu niên không công ăn việc làm, tụ tập nhau lại để kiếm tiền bằng việc trấn lột người qua đường, mua bán ma túy, hoặc lừa đảo qua mạng. Loại hình thứ hai là những băng nhóm gồm những người trong cùng một gia đình, dòng họ, hay dân tộc thiểu số. Họ tham gia vào các hoạt động như bắt cóc, buôn người, giết thuê,… Điểm chung của cả hai mô hình này là quy mô không lớn, các thành viên lại hiểu rõ nhau nên cảnh sát khó có thể thâm nhập vào được”.

Theo một cuộc khảo sát mới đây của chính phủ Nigeria, 76,3% người được hỏi cho biết mình từng bị cướp, 44,8% có người quen là nạn nhân bị bắt cóc, và 36,2% từng bị lừa đảo qua mạng. Đáng lo ngại hơn, trong số những người được hỏi, chỉ 31% cho biết trường hợp xảy ra tội ác của họ được cảnh sát giải quyết ổn thoả. Một số không nhỏ còn nói rằng họ phải hối lộ.

Nigeria: Dân phòng và khủng hoảng tội phạm -0
Một dân phòng cầm khẩu súng tự chế

Ông Tomi Davies, Giám đốc một công ty đầu tư tại Đức, kể với phóng viên hãng tin DW: “Nghe Tổng thống Olusegun Obasanjo kêu gọi kiều bào Nigeria hồi hương để xây dựng tổ quốc, tôi bèn đem cả gia đình về nước. Tôi được nhận một công việc lập trình hệ thống trả lương điện tử cho nhân viên nhà nước. Làm việc được hai, ba năm thì cấp trên của tôi bất ngờ đưa cho tôi một túi tiền rồi ra lệnh cho tôi thêm một số nhân viên “ma” vào danh sách trả lương để ông ta kiếm lời. Tôi từ chối, vậy là mấy ngày sau một toán du côn xông vào nhà đánh tôi. Vậy là tôi và cả gia đình lại phải trở về Đức”.

Những câu chuyện như của ông Tomi Davies không phải hiếm. Giới quan chức, cảnh sát Nigeria từ lâu nay vẫn duy trì mối quan hệ bí mật với các tổ chức ngầm. Đấy vừa là cách giúp họ có vũ lực để sử dụng trong việc duy trì quyền lực, vừa nhằm “dây máu ăn phần” những hoạt động phi pháp. Người dân thường Nigeria nào cũng hiểu mối quan hệ này nên không khó hiểu khi họ có những hành động quyết liệt.

Đổ máu

Ở Châu Phi, các nhóm dân quân vũ trang không phải là hiếm. Chính phủ trung ương yếu kém, cộng với tình trạng cướp bóc tràn lan khiến cho nhiều cộng đồng tự lập ra các tổ, nhóm đàn ông trang bị súng ống để tự bảo vệ mình. Ngày nay ở các nước như Uganda và Tanzania vẫn còn tồn tại một số nhóm dân quân có lịch sử 30-40 năm chuyên bảo vệ những đàn bò thả trên thảo nguyên.

Hiện tại ở Nigeria có ba nhóm dân phòng đông đảo nhất, sở hữu chi nhánh tại nhiều thành phố lớn: O'odua Peoples Congress (OPC) ở miền Tây Nam, nơi đa số người dân nói tiếng Yoruba, Bakassi Boys (BB) ở miền Đông, và Hisba ở miền Bắc. Hisba có điểm đặc biệt là bao gồm nhiều nhóm dân phòng thuộc các giáo phận Hồi giáo khác nhau tụ họp, liên kết với nhau lại thành.

Tình hình chiến sự giữa quân đội Chính phủ Nigeria và các nhóm Hồi giáo cực đoan như Boko Haram đã tạo điều kiện để vũ khí tràn ngập thị trường chợ đen nước này. Một nhà buôn súng giấu tên nói với hãng tin Al Jazeera: “Một khẩu AK rơi vào khoảng hơn 535.000 Naira (gần 1.300 USD), nhưng tôi có hàng đến đâu là bán đến đấy. Nếu là dân phòng thì mấy nhà cùng chung tiền mua súng cho một người đi tuần. Những ai không có nhiều tiền thì thường mua súng lục, súng săn do các xưởng tự chế sản xuất”.

Nigeria: Dân phòng và khủng hoảng tội phạm -0
Người dân Nigeria ngày càng cảm thấy tức giận trước sự bất lực của cảnh sát

Có sẵn súng đạn, việc xảy ra đụng độ giữa dân phòng và tội phạm là không tránh khỏi. Cuối tháng 1 vừa qua đã xảy ra vụ đấu súng giữa một nhóm OPC và những tên côn đồ ở thành phố Onitsha khiến 2 người chết, 7 người bị thương. Nguyên nhân của vụ đấu súng là do dân phòng đã đánh chết một kẻ hãm hiếp. Những tên cùng băng đảng với người chết sau đó đã tìm dân phòng để trả thù.

Những vụ đổ máu lại càng xảy ra thường xuyên tại nông thôn do chính quyền tại đây đã đánh mất kiểm soát. Dân phòng nông thôn phải đối mặt với không chỉ trộm cướp hay những tên bắt cóc mà còn cả quân khủng bố. Họ cũng có thể tàn bạo như kẻ thù của mình vậy. Giáo sư Adewumi Badiora tại trường Đại học Olabisi Onabanjo kể về một lần ông đến thăm ngôi làng ở vùng Osogbo: “Nằm ở một góc đường dẫn vào làng là hai cái ụ đắp toàn bằng xương người. Tôi hỏi người bạn đồng hành thì anh ta nói số xương này của những kẻ ăn trộm gia súc hay phạm phải tội nặng khác. Dân phòng bắt được những kẻ này là giết, rồi vứt xác ra ngoài đường mà không làm lễ hay chôn cất gì cả. Nghe bảo vì chính quyền có phản ứng nên họ mới cho tập trung số hài cốt rồi đắp qua loa thành hai cái ụ”.

Nhiều nhóm dân phòng tuân theo luật tục cổ của các bộ tộc hoặc luật Sharia của Hồi giáo nên hình phạt họ đưa ra rất nặng, thậm chỉ là xử tử hình tại chỗ. Tuy vậy, đối với nhiều người Nigeria, đây là cách duy nhất giành lại an toàn cho họ. Một cuộc nghiên cứu của Giáo sư Adewumi Badiora chỉ ra có đến 46% cư dân sống tại thành phố Lagos cho rằng dân phòng đẩy lùi tội phạm hiệu quả hơn cảnh sát. Tại những khu vực có nhiều người nghèo sinh sống, tỷ lệ này còn cao hơn.

Đi tìm đồng thuận

Nhà nghiên cứu Abubakar Momoh viết: “Nhà chức trách tại Nigeria khôn ngoan hơn nhiều nước khác ở chỗ họ không đặt dân phòng ra ngoài vòng pháp luật. Luật bảo vệ tổ dân phố được hội đồng thành phố Lagos thông qua vào năm 2016 là nỗ lực đầu tiên để đề ra một bộ khung luật pháp nhằm hợp thức hoá và kiểm soát dân phòng. Dưới bộ luật này, quyền lực của dân phòng được mở rộng. Họ trở thành một thứ lực lượng phản ứng nhanh chuyên hỗ trợ người dân trong trường hợp xảy ra trộm cướp, lũ lụt hay cháy nhà, v.v…”.

Nigeria: Dân phòng và khủng hoảng tội phạm -0
Ông Hakeem Odumosu, nguyên giám đốc Sở cảnh sát Lagos gặp gỡ người biểu tình

Không phải ai cũng đồng thuận với việc hợp thức hóa dân phòng. Đã có những tiếng nói cho rằng không nên cho tồn tại song song hai thứ luật: luật nhà nước và luật của dân phòng. Một số khác lại lo sợ việc trao thêm quyền cho những nhóm vũ trang sẽ lại càng khiến chính quyền mất khả năng kiểm soát. Vấn đề hiện được bàn thảo là liệu Nigeria có sự lựa chọn nào khác không.

Nhà báo Jo Adentuji của tờ The Conversation viết: “Đặt sang một bên lòng tin người dân Nigeria dành cho cảnh sát ở mức thấp kỷ lục, hiện nay lực lượng thi hành pháp luật của họ không thể nào hoàn thành nhiệm vụ của mình được. Tình trạng tham nhũng kéo dài đã khiến cảnh sát Nigeria thiếu cả những công cụ, cơ sở vật chất cơ bản nhất. Chính phủ lại còn cắt ngân sách hằng năm cho cảnh sát xuống còn 403.000 tỷ Naira cho cả năm 2021. Tiền lương thấp lại khiến nhiều sỹ quan buộc phải tham nhũng để nuôi sống bản thân”.

Lực lượng cảnh sát Nigeria đang gặp khủng hoảng trầm trọng. Hợp pháp hoá những nhóm dân phòng có thể là giải pháp dễ dàng nhất đối với Nigeria hiện nay. Thậm chí ở một số nơi, cảnh sát đã tự liên kết  -  hợp tác với dân phòng. Tại một số quận trong thành phố Ibadan, dân phòng đảm nhận hầu hết các trách nhiệm của cảnh sát. Cảnh sát chỉ huy động sau khi nhận được tin báo của dân phòng về một trường hợp khẩn cấp nào đó như bắt cóc.

Lực lượng dân phòng còn có thể giúp giảm tình trạng phạm pháp bằng một cách khác. Chuyên gia phân tích an ninh John St. Stein nhận xét: “Thay vì để thanh thiếu niên rơi vào vòng tay tội phạm hay những tổ chức cực đoan, tại sao lại không biến họ trở thành dân phòng? Chính phủ Nigeria hoàn toàn có thể trả lương cho các nhóm dân phòng để thu hút thêm thanh niên thất nghiệp. Sau đó dần dần đưa những chính sách kinh tế khác để họ có thể tìm được công việc ổn định”.

Công Hội (Tổng hợp)
.
.