Phim điện ảnh cần một cơ chế mở?

Thứ Sáu, 01/10/2021, 14:14

Lần đầu tiên, các đạo diễn, nhà làm phim, nhà đầu tư, sản xuất, các chuyên gia về luật và văn hóa đã có một cuộc gặp gỡ trực tuyến nhằm đưa ra kiến nghị đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Tại sao phim chiếu mạng có thể hậu kiểm còn phim điện ảnh thì không?

Sự kiện kéo dài gần 6 tiếng, quy tụ các nhân vật hoạt động lâu năm và có ảnh hưởng trong làng điện ảnh như đạo diễn Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn - thành viên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia Nguyễn Hoàng Điệp, Charile Nguyễn, đạo diễn Trần Anh Hùng, diễn viên Hồng Ánh...

Phim điện ảnh cần một cơ chế mở? -0
Cuộc tọa đàm trực tuyến đóng góp dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Ngoài ra buổi tọa đàm còn có tiếng nói của các nhà sản xuất như Nguyễn Quang Huy, Trần Thị Bích Ngọc, Đồng Thị Phương Thảo và chuyên gia luật Fushihara Hirota. Hầu hết các ý kiến xoay quanh vấn đề cơ chế kiểm duyệt phim như thế nào để không có những hiện tượng như “Ròm” hay mới đây nhất là phim “Vị” đang bị cấm phát hành tại Việt Nam. Nếu không có những thay đổi quyết liệt thì nền điện ảnh Việt lại một lần nữa sẽ rơi vào vòng xoáy của sự trì trệ và “Chúng ta sẽ có tất cả, chỉ là không có phim” như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không nên đưa ra cơ chế hậu kiểm cho phim điện ảnh, trong khi phim phát hành trên internet lại đang được đề xuất cơ chế hậu kiểm. Thực tế, tầm ảnh hưởng của phim chiếu mạng và độ phủ sóng của nó rộng rãi hơn phim điện ảnh. Nếu lo ngại về những vấn đề bạo lực, thiếu lành mạnh, rõ ràng, phim chiếu mạng có nhiều nguy cơ hơn khi nó dễ dàng tiếp cận công chúng. Vậy mà, cho đến nay, cánh cửa cho phim điện ảnh vẫn đang rất hẹp, thậm chí đạo diễn Bùi Thanh Huy, tác giả của phim “Ròm” còn hoang mang khi cho rằng, “chúng tôi làm phim mà không hiểu rõ mình có thể được làm những gì, điều gì bị cấm”. 

Phim điện ảnh cần một cơ chế mở? -0
Phim “Vị” từ bỏ quốc tịch, trở thành phim Singapore.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đưa ra một ví dụ điển hình đó là phim “Vị” của đạo diễn Lê Bảo vừa bị cấm chiếu tại Việt Nam, đồng nghĩa với lệnh cấm cũng là một “án tử” dành cho phim của đạo diễn trẻ này. Theo chị, tác phẩm không vi phạm các quy định trong luật vẫn bị có nguy cơ bị cấm. Hình thức phân loại phim hiện có không thực sự cởi trói cho các nhà làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đề xuất cơ chế hậu kiểm cho phim điện ảnh. “Tại sao chúng ta có cơ chế mở đối với phim chiếu mạng (Điều 22 trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) về việc phổ biến phim trên không gian mạng) nhưng chưa áp dụng với phim điện ảnh. Nếu như đồng ý hậu kiểm cho phim trên mạng thì tại sao phim điện ảnh không tiến tới dần hậu kiểm. Hay các nhà quản lý lo lắng, nếu hậu kiểm, liệu các nhà làm phim có trách nhiệm hay không. Thực tế, đối với nhà làm phim điện ảnh, trách nhiệm của họ phải lớn hơn vì sự đầu tư phải trả giá bằng tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ.

Khi có một bộ tiêu chí rõ ràng không có nhà phát hành nào chủ quan, lơ là để lọt những vấn đề cấm cả. Chúng ta nên chia sẻ gánh nặng này và đặt lòng tin vào nhà sản xuất. Khán giả Việt hôm nay trưởng thành ngang bằng với khán giả thế giới, không hề chậm hơn thế giới. Hãy để cho nhà làm phim được bắt kịp với khán giả của họ, với sự trưởng thành của khán giả. Câu chuyện hậu kiểm như là một bước tiến thực sự trong Luật Điện ảnh sắp tới”.

Phim điện ảnh cần một cơ chế mở? -0
Phim “Ròm” “thoát hiểm” trong gang tấc nhưng phải cắt bỏ nhiều đoạn, nhân vật.

Vấn đề đặt ra là tiêu chí của hậu kiểm sẽ như thế nào? Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, 10 năm trước, bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm và 10 năm sau, Luật cũng không có gì thay đổi. “Nếu quy định phim chiếu trên nền tảng internet tự kiểm duyệt và hậu kiểm mà điện ảnh tiền kiểm và chặt chẽ hơn thì rất bất công. Ngay Neflix, hay trên tivi  có những phim rất bạo, nếu qua cửa ải kiểm duyệt chắc không được cấp phép hoặc bị cắt. Trên truyền hình họ làm mờ hoặc đưa ra nội dung cảnh báo, đẩy việc quyết định xem cái gì hay không xem cái gì cho khán giả, thể hiện sự tôn trọng khán giả”.

 Phương án mà đạo diễn Phan Đăng Di đưa ra là nếu chúng ta có phân loại phim rõ ràng, chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng khán giả bằng cách hậu kiểm. Anh đưa ra ví dụ nếu có hình ảnh bạo lực, sự dụng chất cấm, như cách Neflix đang làm, chúng ta sẽ in cảnh báo trên poster để khán giả tự lựa chọn.

 Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng đồng quan điểm về vấn đề này. Anh chia sẻ: “Ở Mỹ có Hội Điện ảnh Mỹ, do tư nhân lập ra, họ có hệ thống dán nhãn dành cho các bộ phim và đưa ra cảnh báo cho khán giả lựa chọn. Đó cũng là xu hướng kiểm duyệt phim phổ biến trên thế giới”.

Theo đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, một vấn đề cấm trong luật là “tiết lộ bí mật đời tư cá nhân” đã ảnh hưởng đến dòng phim tiểu sử, dựa trên nhân vật có thật.

Anh nói: "Đời tư cá nhân nào hay chỉ những cá nhân nổi tiếng? Tôi đang làm phim tiểu sử có nhiều nhân vật có thật, chẳng lẽ phải đi xin phép tất cả những người xuất hiện trong phim? Trong phim“Tiệc trăng máu”do tôi sản xuất, nhân vật của Thái Hòa có bạn tên là Thanh Vân. Và hội đồng duyệt bắt chúng tôi đi xin phép nữ diễn viên Ngô Thanh Vân để dùng cái tên đó. Rồi phim nhắc đến tên Ngọc Trinh thì bắt chúng tôi đi xin phép cô Ngọc Trinh mới được phát hành phim. Chuyện này quá vô lý và luật cũng không có chỗ nào quy định rõ".

Cần cơ chế mở đường cho phim độc lập

Rõ ràng, một nền điện ảnh phát triển cần có những bộ phim tham dự các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Điều này, đang là một rào cản ở Việt Nam khi dòng phim độc lập, phim tác giả  gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm duyệt và xin giấy phép dự thi.

Thông tin nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo đã ký vào văn bản từ bỏ quyền sở hữu phim và quyền tác giả để phim “Vị” được chiếu ở các nước đã khiến giới làm phim bất ngờ. “Vị” bị cấm ở Việt Nam dù trước đó đã giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim Berlin - một liên hoan phim uy tín của thế giới. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là một trong số ít trong thành viên Hội đồng Duyệt phim bảo vệ “Vị” và đề xuất phương án phim được phát hành trong diện hẹp. “Nếu ở Việt Nam vẫn phải áp dụng hướng dẫn phân loại cấm như luật hiện hành, nếu không có một bước tiến thì sẽ tiếp tục có “Vị” số 2, 3 và sẽ có trường hợp thoát hiểm trong gang tấc như “Ròm”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định.

Chị cho rằng, nên nhìn nhận lại và tạo điều kiện cho phim Việt mang đi chiếu quốc tế. Bởi những phim này, ngay từ đầu đã hướng tới tính học thuật và các liên hoan phim. Ở Việt Nam, công chúng chỉ quan tâm đến Oscar, nhưng điện ảnh có những đỉnh cao khác cần chinh phục như Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin... Thực tế, những năm trước, ở Hà Nội đã có một Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (Haniff) được tổ chức khá thành công. Và những bộ phim chiếu trong liên hoan đó không phải là khẩu vị thường chiếu ở Việt Nam. Liên hoan phim khá cởi mở trong tiêu chí đánh giá và nhận được phản hồi tốt từ nhiều phía.

Phim điện ảnh cần một cơ chế mở? -0
Cảnh trong phim “Tiệc trăng máu”.

“Mỗi năm nhà nước đầu tư 65 tỷ đồng cho điện ảnh. Rõ ràng các phim độc lập không phát sinh một sao kê nào từ con số 65 tỷ, chúng ta không thể đầu tư thì phải tìm cách mở đường cho phim độc lập”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói và đề xuất thành lập riêng hội đồng thẩm định cho những phim tham dự liên hoan phim quốc tế, hoạt động phi lợi nhuận, nên có một bộ tiêu chí riêng mà Hội đồng này sẽ sử dụng để đánh giá phim. Chị cho rằng, có thể chấp nhận cấp visa cho phim được chiếu và tham dự các liên hoan quốc tế, ngay cả khi chưa duyệt bản cuối cùng. Visa cấp đi thi nhưng không có giá trị như giấy phép phổ biến, nhưng phim được đi tham dự liên hoan, còn về Việt Nam vẫn cần giấy phép phổ biến phim. Nói cách khác là phim được duyệt 2 lần.

Đạo diễn Phan Đăng Di cũng đồng quan điểm về vấn đề này. Anh cho rằng, phim đi tham dự các liên hoan phim uy tín, họ chỉ quan tâm đến nghệ thuật, con người, họ có tinh thần ủng hộ những tiếng nói mới, đến từ bất cứ đất nước nào.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn hiến kế: “Trên thế giới có nhiều liên hoan phim quốc tế khác nhau, nếu có luồng xanh cho dòng phim này nên quy hoạch trong vòng 5, 6 liên hoan phim có đẳng cấp, bảo chứng chất lượng cho phim”.

Việc tham gia các liên hoan phim quốc tế uy tín là một cơ hội của điện ảnh Việt, cơ hội đó đang do chính các đạo diễn trẻ, một thế hệ đạo diễn tài năng, nhiều sáng tạo. Vậy nên, chúng ta cần những cơ chế mở đường để không làm nguội tắt khát vọng của họ trên hành trình sáng tạo.

Hạnh Nguyễn
.
.